Trước năm 2011, việc phát triển kinh tế của gia đình ông Đội gặp khó khăn do mỗi năm chỉ gieo được 1 vụ lúa và 1 vụ ngô, năng suất thấp. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội Nông dân huyện và xã, ông được tham gia các lớp tập huấn đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế giỏi trong tỉnh. Trở về, ông áp dụng những kiến thức học hỏi được vào sản xuất.
Năm 2011, ông Đội mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư trồng trọt và nuôi 10 con dê, 20 con lợn, 60 con gà, 80 con vịt. Thời điểm ấy, đàn vật nuôi không ít lần bị dịch bệnh và chết. Không nản chí, ông tích cực tham gia các buổi hội thảo, các lớp tập huấn do Hội Nông dân các cấp tổ chức để tìm hiểu, trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất.
Năm 2012, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng cùng số tiền tiết kiệm đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Từ ao cá rộng 5.000 m2, ông chọn cá giống có trọng lượng từ 500 g đến 1 kg để thả, mỗi năm thu hoạch 1 lứa thương phẩm, mang về cho gia đình ông 300 triệu đồng. Tận dụng diện tích mặt nước, ông nuôi vịt siêu thịt (90 con/lứa) thu lãi từ 20 triệu đồng/năm. Cùng với đó, diện tích chuồng nuôi lợn được mở rộng có thể nuôi với số lượng lớn 30 con/lứa; nuôi thêm dê, trâu, gà…
Với hơn 2 ha đất nông nghiệp, nếu như trước đây lúa, ngô chỉ gieo trồng 1 vụ nay ông đã tăng lên 2 vụ ngô/năm và trồng xen canh ngô trên chân ruộng 1 vụ; lựa chọn các loại giống mới năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu lạnh, chịu hạn tốt. Nhờ vậy, mỗi năm nguồn thu từ lương thực đạt từ 50 - 60 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục đầu tư mua 0,8 ha đất của bà con trong bản để trồng cam; đầu tư các loại máy: hàn xì, cắt lúa, xay xát phục vụ gia đình cũng như nhu cầu của người dân trên địa bàn. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất, vừa đầu tư, mô hình phát triển kinh tế trang trại của gia đình ông Đội ngày càng cho thu nhập cao, ổn định.
Theo: Kim Oanh