Khi mới trồng cây sâm Ngọc Linh, do kiến thức hạn hẹp, cùng với nguồn vốn, nguồn giống khan hiếm; việc gây dựng vườn sâm của gia đình A Hình gặp khó khăn, nhiều gốc sâm trồng đầu tiên đã bị chết. Được sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ của các dự án bảo tồn sâm, ông A Hình đã kiên trì trồng loại cây này. Ông chịu khó tìm tòi các kiến thức về trồng sâm Ngọc Linh, cách chăm sóc cũng như cách sử dụng các chất mùn có sẵn dưới tán rừng Ngọc Linh thay cho sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông còn đi tìm các giống sâm có sẵn dưới tán rừng để đưa về nhân giống thử nghiệm. Nhờ sự cần cù, chịu khó và tinh thần quyết tâm, ông A Hình đã có những thành công bước đầu với sản phẩm sâm Ngọc Linh chính hiệu.
Ông Hình cho biết: Cái khó nhất trong trồng sâm Ngọc Linh chính là nguồn giống và cách trồng, chăm sóc. Trước đây, chỉ cần khoảng 15 triệu đồng là nông dân có thể mua được 1 lon sữa bò hạt giống sâm Ngọc Linh, còn bây giờ 1 hạt giống sâm có giá tới 100.000 - 200.000 đồng. Vì nguồn giống hiếm và giá thành cao, nên nhiều hộ đã mày mò, tìm cách nhân giống và phát triển vườn sâm bằng cách tỉa nhánh. Ông A Hình cũng đã thành công với cách làm này. Hiện nhà ông có hơn 0,2 ha sâm, năng suất mỗi năm khoảng 4,5 tạ/1 ha.
Những củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi - thành quả của sự kiên trì lao động của ông A Hình.
Nhờ cây sâm Ngọc Linh, gia đình ông A Hình không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện để đầu tư cho con cái học hành đầy đủ. Cùng với việc phát triển vườn sâm, gia đình ông A Hình còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng các loại cây có năng suất và giá trị kinh tế cao như giống cà phê Catimo, cây bời lời, sắn. Hiện nay, gia đình ông đã có 3 ha sắn, 3.000 cây cà phê và hơn 40.000 cây bời lời. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 270 triệu đồng từ những loại cây này.
Không chỉ vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững cho gia đình, ông A Hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động với mức lương 4 triệu đồng/ người/tháng. Gia đình ông còn nhận đỡ đầu 1 hộ nghèo, chăm sóc 2 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông phổ biến kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho ông Hình.
Ông Đoàn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nhiều năm qua, gia đình ông A Hình luôn là gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống cho gia đình, gia đình ông còn rất tích cực giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác cùng thoát nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định. Gia đình ông cũng rất nhiệt tình tham gia vào các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội như nhận nuôi dưỡng trẻ khó khăn, đỡ đầu gia đình nghèo…
Với nhiều đóng góp tích cực, gia đình ông A Hình đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam; giấy khen của tỉnh Kon Tum, Hội Nông dân tỉnh… Gia đình ông A Hình còn vinh dự được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016".
Theo: Quang Thá (baotintuc.vn)