10 dấu ấn và sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2021

03:32 PM 04/01/2022 |   Lượt xem: 15903 |   In bài viết | 

Sáng 01/02/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp phiên bế mạc sau hơn 7 ngày làm việc. Đại hội thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, nhiệm vụ đề ra. Trong ảnh: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội.

1. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẢNG, BẦU CỬ QUỐC HỘI, HĐND, KIỆN TOÀN NHÂN SỰ LÃNH ĐẠO CÁC CẤP

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định chính trị-xã hội, khẳng định sự đồng bộ, tính thống nhất của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương

2. KIÊN CƯỜNG ỨNG PHÓ, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH BỆNH

Năm 2021, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của Nhân dân”.

Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho Nhân dân.

Công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Có thể khẳng định, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu. Vì vậy, kết quả đạt được như Trung ương đã đánh giá: “Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”.

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, độ bao phủ vaccine đạt tương đối cao, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh được nâng lên, chúng ta chủ động, tự tin chuyển hướng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thực tiễn đã chứng minh việc chuyển hướng này là cần thiết, đúng đắn, phù hợp, kịp thời.

Điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Kinh tế duy trì tăng trưởng dương đã tạo nền tảng quan trọng để đất nước phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới

3. DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh còn hạn chế, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các khía cạnh kinh tế-xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Quốc hội và Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, nền kinh tế đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đây là sự đảo chiều ấn tượng của GDP so với mức sụt giảm của quý trước, là một thành công lớn trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo về chống dịch.

Trong quý IV, sản xuất công nghiệp khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới, cả nước tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối chậm trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới. Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đang tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên

4. KỶ LỤC THẦN TỐC BAO PHỦ VACCINE

Trong bối cảnh vaccine khan hiếm trên toàn cầu, Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine; đẩy mạnh ngoại giao vaccine; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Kết quả, Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối chậm trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới. Tính đến 27/12, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho ít nhất 70% dân số. Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này, nhưng tính về số liều vaccine đã được tiêm thì Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 70% dân số.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đang tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022, chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trong năm 2022 sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

5. QUYẾT TÂM KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Trong bối cảnh khó khăn, cả nước đã chung sức, đồng lòng để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc theo tinh thần quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, người nhiễm COVID-19 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, chúng ta đã cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho khoảng hơn 20 triệu người trong thời hạn rất gấp rút và thời gian kéo dài nhiều tuần.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15/12, tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ là gần 31,4 nghìn tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337.900 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, đã hỗ trợ 37,5 nghìn tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363.600 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ gần 149.100 tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.

Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.

6. CÁC “HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG” TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Năm 2021, nhiều “Hội nghị Diên Hồng” đã được tổ chức để quán triệt, cụ thể hóa, triển khai các nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực.

Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chia sẻ sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng lớn lao của Đảng, Nhà nước, Nhân dân dành cho Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021-2026, với khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 ngày 24/11; Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày 09/12; Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu chỉ đạo rất quan trọng.

Một loạt hội nghị toàn quốc này đã thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần "trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng”, "dọc ngang thông suốt” trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

7. ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh với tinh thần mới, quyết tâm mới, tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; xử nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được ban hành: Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” và Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”, ba văn bản này có nhiều điểm mới, bổ sung về phạm vi, mục tiêu, giải pháp…; Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là hai văn bản có các quy định lần đầu ban hành.

Thể chế, cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ và Thủ tướng chính phủ có nhiều quyết định, chỉ đạo quyết liệt trong lĩnh vực này, nhất là trong điều kiện cả nước đang gồng mình chống dịch.

Tính đến giữa tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, một nguyên Chủ tịch tỉnh, một nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Lực lượng chức năng đã mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng.

Nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Cam kết khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26

8. DẤU ẤN NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh, các ngành, các cấp và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tích cực hưởng ứng của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.

Các hoạt động ngoại giao đa phương, song phương được đẩy mạnh, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho các bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng hơn vào Việt Nam, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Lực lượng cán bộ làm công tác ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.

Đáng chú ý, với các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, Việt Nam đã đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Cam kết này khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Theo Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong Bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

9. TRIỂN KHAI NHIỀU NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC CÓ Ý NGHĨA LÂU DÀI

Bên cạnh các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm triển khai quyết liệt, bài bản nhiều công việc với tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa lâu dài với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong nhiều năm tới như nỗ lực cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; gỡ vướng các nút thắt về thể chế; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội…Trong đó, cải cách và hoàn thiện thể chế được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong nhiệm kỳ này với nhiều quyết sách và đầu tư đúng tầm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, các dự án hạ tầng chiến lược được thúc đẩy. Tính tới cuối tháng 12/2021, cả nước đang triển khai 20 dự án trọng điểm ngành giao thông, gồm: (i) 4 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư (dự án thành phân cao tốc Bắc-Nam phía đông, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; Luồng sông Hậu giai đoạn 2; Nhà ga T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất); (ii) 13 dự án đang triển khai thực hiện gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (iii) 3 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn tất thủ tục triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021

10. TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ ngày 01/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Cũng trong năm 2021, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 50%; chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được triển khai; kết nối trực tuyến từ Chính phủ đến gần 100% xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố.

Dịch COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt dùng thương mại điện tử tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020./.

(baochinhphu.vn)