Bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số: Nhiều thành tựu, nhưng lắm thách thức

09:50 AM 18/10/2021 |   Lượt xem: 9566 |   In bài viết | 

Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh tại thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken, Văn Bàn, Lào Cai. Ảnh: LĐXH

Nhng thành tu ni bt

Những năm qua, bằng hành động cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ DTTS.

Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS.

Luật Bình đẳng giới (2006), Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, các chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đều có quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS.

Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025; Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được đưa ra.

Gần đây nhất, ngày 14/10/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015-2019 trong Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019” và “Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng DTTS ở Việt Nam" do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc) và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam công bố mới đây, cũng đã cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam.

Có thể kể đến như: Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%; tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (wifi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam.

Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ.

Học sinh nữ vùng DTTS ngày càng được gia đình tạo điều kiện học cao hơn. Ảnh: Yến Vy/quangninh.gov.vn

Từng địa phương cũng đã có báo cáo ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong các vùng DTTS.

Ví dụ, tại Quảng Ninh - địa phương có 56 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bố ở 11/13 huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 42 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho gần 2.600 đại biểu về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính trước sinh...

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh từ năm 2018 đến nay đã tổ chức 1.093 cuộc trợ giúp pháp lý cho 1.152 người với các lĩnh vực chủ yếu là pháp luật dân sự, luật trẻ em, hôn nhân và gia đình... Thông qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao ý thức bình đẳng giới vùng DTTS.

Năm 2020, toàn tỉnh có 73 vụ bạo lực gia đình, giảm 147 vụ so với năm 2019.

Còn nhiu thách thc

Thực tế hiện nay cho thấy, phụ nữ DTTS vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Con số trong các báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng DTTS và miền núi. Điển hình, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm nhưng mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc.

Lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%...

Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam nhận định, phụ nữ DTTS thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế của họ phụ thuộc nhiều vào đất đai, song lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất và vốn.

Họ có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong mối quan hệ gia đình, nam giới vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nữ giới thường là chủ hộ trong các hộ thiếu vắng nam giới.

Ngoài ra, những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế. Do rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi.

Trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái trao đổi với các chị em phụ nữ người DTTS huyện Yên Bình về việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản địa phương. Ảnh: YenBai Portal

Các mc tiêu trng tâm

Nhằm giúp phụ nữ DTTS phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 đã khẳng định mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ với đối tượng phụ nữ DTTS.

Chương trình đưa ra mục tiêu từ năm 2021 đến hết năm 2025, sẽ triển khai 10 dự án, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ DTTS, đó là: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Dự án 8).

Đây là lần đầu tiên, Chương trình MTQG dành riêng một dự án về bình đẳng giới, với tổng nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 là 2.387,812 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (giai đoạn 2026-2030; dự kiến 1.357,75 tỷ đồng).

Nguồn vốn này sẽ được tập trung để thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Thành lập, duy trì 9.000 tổ tuyên truyền cộng đồng; thành lập 6.750 tổ tiết kiệm vay vốn mới; 900 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ lãnh đạo hoặc các cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ; 500 địa chỉ an toàn; 1.500 lượt nạn nhân mua bán người được trao trả, dạy nghề và giải quyết việc làm;

Tổ chức 1.200 cuộc đối thoại chính sách cấp thôn, bản; thành lập 1.800 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trẻ em; tổ chức 2.000 phụ nữ DTTS tham quan học tập kinh nghiệm; thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; 3 chương trình phát triển năng lực, lồng ghép giới; tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn về lồng ghép giới ở các cấp…

Tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ DTTS có cơ hội vươn lên làm chủ chính mình. Bởi phụ nữ là người giữ vai trò, vị trí đặc biệt trong gia đình, cũng như trong xã hội, họ xứng đáng được ưu tiên nhiều hơn, và với vùng DTTS, phụ nữ càng cần được quan tâm hơn vì họ đang là đối tượng yếu thế nhất.

(thanhtra.com.vn)