Công bố dịch lở mồm long móng tại huyện biên giới Buôn Đôn
04:07 PM 17/08/2017 | Lượt xem: 6443 In bài viết |Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, từ đầu tháng 8 đến nay, tại các xã Ea Nuôl, Krông Na, huyện biên giới Buôn Đôn (Đắk Lắk) liên tục ghi nhận tình trạng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) của người dân bị mắc bệnh lở mồm long móng.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, đến ngày 15 tháng 8 có 268 con trâu, bò, lợn của địa phương dương tính với virút lở mồm long móng, serotype O, tại 77 hộ chăn nuôi, trong đó đã tiêu hủy 11 con. Tổng đàn gia súc có nguy cơ mắc bệnh là 6.584 con; vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh là các xã Tân Hòa, xã Ea Huar, Ea Wer (Buôn Đôn) và huyện Ea Súp.
Trước nguy cơ dịch lở mồm long móng bùng phát và lây lan trên diện rộng, UBND huyện Buôn Đôn đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn huyện; địa phương tập trung triển khai các biện pháp hướng dẫn người dân cách tiêu độc khử trùng chuồng trại gia súc bằng hóa chất và vôi, tiêm phòng vắc xin, vận động người dân không chăn thả rông gia súc, cách li động vật bị mắc bệnh để điều trị…Đồng thời, huyện Buôn Đôn cũng đã thành lập 02 chốt kiểm dịch động vật 24/24, tại thị trấn Buôn Đôn và xã Krông Na; quyết định tạm dừng việc mua bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm động vật ra vào vùng có dịch.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Chuyên, thời tiết diễn biến phức tạp, chuồng trại chăn nuôi của đồng bào các dân tộc không được thông thoáng, độ ẩm cao là nguyên nhân chính khiến bệnh lở mồm long móng xuất hiện; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ phong tục chăn nuôi gia súc theo hình thức chăn thả rông, không được kiểm soát nên dịch bệnh lây lan nhanh.
Để phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đã cấp 10.000 lít hóa chất Bencocid, 80.000 liều vắc xin hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tiêm phòng cho đàn gia súc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Chuyên, hiện tỉnh Đắk Lắk đang thiếu hơn 290.000 liều vắc xin. Việc không chủ động được vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, khiến dịch bệnh lây lan nhanh, có nguy cơ bùng phát và khó kiểm soát./.
(Theo dangcongsan.vn)