Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Những năm qua, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng xác định có vai trò quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Hàng năm, trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đều có nội dung chỉ đạo công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách dân tộc, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ổn định, tiếp tục cải thiện và nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, góp phần thực hiện tốt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, ngoài việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giảm nghèo, bố trí đất sản xuất, công tác cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống trường lớp, cơ sở đào tạo, dạy nghề được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang hơn phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên dân tộc đúng quy định.
Nhiều hộ đồng bào được cấp đất để sản xuất.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 35 trường phổ thông dạy tiếng Khmer và 2 trường dạy tiếng Hoa với hàng ngàn học sinh theo học. Trong 5 năm 2011 - 2015, tỉnh đã xét cử tuyển 285 học sinh dân tộc thiểu số theo học bậc đại học, cao đẳng và trên 300 em học dự bị đại học, góp phần nâng cao trình độ văn hóa, dân trí và đào tạo nguồn nhân lực.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cơ bản đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, tỉnh đã giải quyết cho hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất và không có đất sản xuất để canh tác, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ những hộ không đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho trên 10.180 lao động với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.
Tỉnh cũng cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi những quy định, chính sách không còn phù hợp; tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Kiên Giang phấn đấu giảm hộ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 1,5 - 2%/năm và đến năm 2020 không còn xã đặc biệt khó khăn.
Kiên Giang cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo là người tộc thiểu số phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt nghĩa vụ công dân, lao động sản xuất hiệu quả, tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Theo: Lê Huy Hải (baotintuc.vn)