Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà chị Đào Thị Hiền ở bản Nà Lan, chị Cao Thị Hồng, Chủ tịch HND xã Bum Nưa kể: Cuối năm 2015, chị Hiền vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác NHCSXH của HND xã để đầu tư mua lợn đen giống về nuôi. Từ 5 con lợn giống ban đầu, đến nay nhà chị Hiền lúc nào cũng có 40 con lợn giống. Để nuôi lợn, vợ chồng chị làm chuồng trại khang trang, nhưng vẫn thả cho lợn con ra ngoài để ăn thêm rau cỏ trên đồi.
Nghe tiếng gọi của chị Hiền, bầy lợn đen đang nhẩn nha kiếm ăn vội vàng chạy xuống khu chuồng trại. Ngoài ăn các loại rau cỏ xung quanh, chị Hiền cũng nuôi lợn bằng cách nấu cám và cây chuối để lợn mau lớn. Vừa cho ăn, chị Hiền vừa nhẩm tính: “Lũ lợn con này chỉ cần nuôi độ hơn tháng nữa là xuất chuồng để bán cho người ta làm giống. Lợn tôi nuôi thuộc loại lợn đen địa phương, lớn lắm cũng chỉ tầm 40 kg. Thịt ăn ngọt và sạch, nên rất được ưa chuộng; giá bán từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Như vậy mỗi năm cũng thu lãi được mấy chục triệu đồng. Bán xong lứa lợn này, tôi cũng đã có đủ tiền để trả nợ ngân hàng”.
Đầu tư vốn nuôi lợn giống.
Vợ chồng chị Hiền chỉ là một điển hình trong số những hộ vươn lên nhờ nguồn vốn của NHCSXH thông qua tổ vay vốn HND. Theo chị Cao Thị Hồng, hiện HND xã Bum Nưa quản lý hơn 16,7 tỷ đồng ủy thác của NHCSXH, với 423 hộ, 10 tổ vay vốn.
“Từ quý 4/2015, ở xã chúng tôi đã không có trường hợp nào nợ quá hạn hay nợ xấu. Để làm được như vậy, trước hết cán bộ hội, tổ trưởng tổ vay vốn phải luôn đồng hành với người vay vốn. Trước khi cho vay, tổ trưởng tổ vay vốn đã nắm được rõ ràng thông tin, định hướng làm ăn của người vay. Sau đó 1 tháng, liên tục đến nhà để nắm tình hình và hướng dẫn bà con cách làm ăn”, chị Hồng cho biết.
Nhiều hộ nông dân còn vay vốn để nuôi trâu theo đàn.
HND huyện Mường Tè có 11 tổ vay vốn/14 xã, thị trấn, quản lý trên 64 tỷ đồng với hơn 2.700 hộ vay vốn. Số lượng nợ quá hạn, nợ xấu rất nhỏ, chỉ có một số hộ vay vốn dưới 20 triệu đồng, do rủi ro bởi ốm đau, dịch bệnh mới dẫn đến nợ quá hạn.
Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch HND huyện Mường Tè cho biết: “Mường Tè là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, đường sá đi lại khó khăn, trình độ sản xuất của người dân vẫn còn kém, nên quan trọng cán bộ phải sát với dân. Cán bộ hội phải đi hơn 30 - 40 km đường núi để đến với dân, tìm hiểu những khó khăn trong quá trình vay vốn của dân là chuyện bình thường. Phụ cấp cho các cán bộ hội ở thôn, bản không được bao nhiêu, vậy mà họ vẫn rất nhiệt tình”.
Mỗi tháng, Hội ND huyện đều đôn đốc cơ sở, phối hợp với Ban đại diện hội đồng quản trị, họp giao ban hàng tháng. Ông Toàn cho biết: Chủ tịch các xã dù ở xa trung tâm vẫn về tham gia họp đầy đủ. Xã nào còn tồn tại vấn đề gì, nguyên nhân ở đâu đều được đưa ra bàn bạc, giải quyết. Tổ trưởng vay vốn hay cán bộ hội nào hoạt động yếu kém, sẽ được nhắc nhở từ 2 - 3 lần, nếu không chuyển biến sẽ bị thay thế.
Theo: Minh Đức (baotintuc.vn)