Giảm nghèo vùng miền Tây Nghệ An: Còn nhiều trăn trở

02:18 PM 05/10/2019 |   Lượt xem: 2279 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thăm đồng bào Đan Lai ở Môn Sơn, huyện Con Cuông

Những nỗ lực giảm nghèo

Ông Tống Văn Hùng ở bản Bãi Sở, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương cho biết: Gia đình ông đã vay 30 triệu đồng vốn vay giảm nghèo của Nhà nước đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ và đào ao thả cá. Sau 3 năm, 100 gốc thanh long của gia đình đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng, cùng với thu nhập từ nuôi cá nên đến nay gia đình đã trả xong nợ và cho thu nhập ổn định...

Theo ông Hùng, các hộ dân trong bản giờ đây đã mạnh dạn vay vốn để làm ăn, từ đó đã có nhiều hộ thoát nghèo, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Đối với gia đình ông Lô Huỳnh Lan ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông) lại có hướng phát triển kinh tế khác. Cũng nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình giảm nghèo, lồng ghép các vốn vay khác gia đình ông đã đầu tư vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Với vốn vay, ông đã đầu tư dựng nhà sàn mang đặc trưng của người Thái, làm lại hệ thống vệ sinh khép kín sạch sẽ, mua sắm giường chiếu, chăn màn đầy đủ để đảm bảo hài lòng cho du khách thăm quan du lịch.

Theo ông Lan, mỗi năm gia đình đón hàng chục đoàn khách trong nước và quốc tế nên cho thu nhập khá. Hiện nay, gia đình đang tiếp tục đầu tư để mở rộng không gian phục vụ du khách đến với bản Khe Rạn ngày càng được tốt hơn và cũng tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Từ năm 2014 đến nay, trung bình hằng năm huyện có 800 đến 1.200 hộ thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Con Cuông chỉ còn hơn 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, đã có 4 xã về đích xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá về Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc cho biết: Với các nguồn hỗ trợ giảm nghèo nói riêng và các chương trình khác đã tạo động lực cho kinh tế-xã hội vùng miền Tây của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 29,09 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%.

Vẫn khó giảm nghèo bền vững

Mặc dù Chương trình giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác giảm nghèo vẫn còn thiếu tính linh hoạt và chưa bền vững.

Chị Vi Thị Quỳnh ở bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, gia đình đã vay vốn đầu tư vào chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả nên gia đình đã thoát nghèo cách đây 3 năm rồi. Thế nhưng năm ngoái, do trận lũ lụt đã cuốn đi nhiều cây trồng và vật nuôi, chỉ còn lại 3 gian nhà. Hiện nay gia đình đang còn nợ ngân hàng 50 triệu đồng nên năm nay chắc gia đình lại nằm trong diện hộ nghèo của xã…

Điều đáng quan tâm là, người dân miền núi gần rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng. Theo ông Vi Văn Tình ở bản Con Mương, gia đình ông sống cạnh khu rừng thuộc khu bảo tồn rừng Pù Mát. Mang tiếng sống ở gần rừng nhưng gia đình vẫn thiếu đất sản xuất, cuộc sống gia đình luôn khó khăn.

“Ngày trước đang còn có thu nhập từ rừng như lấy măng, lấy củi khô về bán, từ khi Nhà nước cấm rừng, lao động trong gia đình chỉ biết đi làm thuê kiếm sống. Làm sao thoát nghèo được”, ông Tình chia sẻ.

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trăn trở: Hằng năm, Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm tạo động lực cho người dân có sinh kế làm ăn vươn lên thoát nghèo; thế nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, bão lũ; phong tục và trình độ dân trí còn hạn chế nên quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng vùng miền Tây còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trên khu vực vẫn còn 300 thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, 9 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm. Các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục còn bất cập, đội ngũ này còn thiếu và yếu…

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Nghệ An mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đề nghị, tỉnh Nghệ An cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Một trong nhiều nhiệm vụ mà Bộ trưởng quan tâm là, vấn đề đất sản xuất, đào tạo giải quyết việc làm cho lao động. Bên cạnh đó, phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại và giao thương giữa các địa phương và vùng miền, từ đó từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững...