Giúp các thôn bản đặc biệt khó khăn phát triển
02:06 PM 20/09/2016 | Lượt xem: 2485 In bài viết |Tỉnh Hòa Bình có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các thôn, bản này, đầu năm 2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Đề án đầu tư hỗ trợ, với tổng kinh phí 133,978 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải bê tông nối liền giữa các xóm của xã với nhau, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc), Xa Văn Chính, kể: Mấy năm trước, không ít người phải bỏ mạng oan uổng khi đi trên đoạn đường này, bởi một bên là dốc đứng, đất đá lởm chởm, một bên là vực, chỉ một trận mưa to cũng có thể sạt lở, lấp đường… Nhờ có chương trình phát triển kinh tế - xã hội các thôn bản đặc biệt khó khăn và các chương trình chính sách khác, con đường đã được làm mới, đồng bào có thể đi lại dễ dàng trong cả hai mùa mưa nắng.
Xóm Dưng, xã Hiền Lương là 1 trong 36 thôn xóm đặc biệt khó khăn. Xóm có 50 hộ đồng bào sinh sống, thì có 12 hộ được hỗ trợ vay vốn nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện và đánh bắt thủy sản; cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Hoàng Mạnh Hùng, Xa Văn Ước, Xa Văn Như, Xa Văn Quý... “Hiện nay, gia đình tôi có hơn 10 lồng nuôi cá tầm, cá ngạnh, cá chiên, cá trắm…; mỗi năm trừ chi phí cũng cho lãi khoảng 150 triệu đồng. Gia đình tôi nay đã thoát nghèo, đó cũng là nhờ có Đề án của tỉnh, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật nuôi cá”, anh Xa Văn Quý cho biết.
Những con đường liên xóm đã được làm mới.
Từ trụ sở xã Thượng Tiến (huyện Kim Bôi) lên xóm Khú, quãng đường dài 6 km còn gập ghềnh khó đi, nhưng nhờ có dự án đầu tư 6 tỷ đồng đưa lưới điện quốc gia về bản, mà cuộc sống của 38 hộ người Mường, với 158 người dân nơi đây, đã có sự đổi thay. Xóm có 64% hộ nghèo, nhưng từ khi có điện, xóm đã có 70% số hộ mua được tivi, có gia đình còn mua được tủ lạnh, máy xay xát phục vụ dân bản. Hộ ông Bùi Văn Út ở xóm Khú là gia đình liệt sỹ, ông Út cho biết: Dịp Tết Nguyên đán 2016, gia đình ông được ở trong ngôi nhà mới khang trang 40 m2, là nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và bà con trong xóm.
Bà Đinh Thị Thảo, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Triển khai Đề án, lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, chính sách khác; cơ sở hạ tầng nhiều thôn, bản khó khăn được đầu tư nâng cấp, xây dựng. Nhờ đó, tại Hòa Bình đã có gần 30 công trình hạ tầng như giao thông, điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, với tổng mức đầu tư gần 142 tỷ đồng, được hoàn thành. Bên cạnh đó, đề án cũng chú trọng phát triển sản xuất cho người dân bằng việc hỗ trợ trực tiếp xây dựng 60 mô hình sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến từng hộ như nuôi cá lồng, dê sinh sản, bò lai sind, lợn thịt bản địa, trồng rừng keo lai…
Điện cũng đã được kéo về tận thôn bản.
“Tuy nhiên, hiện 36 thôn, bản vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư, hỗ trợ rất lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư từ các chương trình của Nhà nước có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu làm tăng nguy cơ tụt hậu về kinh tế và đời sống văn hóa cho người dân 36 thôn, bản khó khăn”, bà Đinh Thị Thảo lo lắng.
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tập trung huy động mọi nguồn lực lồng ghép từ các chương trình, dự án, để phát huy hiệu quả, đồng bộ các nguồn vốn; nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; định hướng hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu chuyên canh, vùng nguyên liệu cây, con đặc sản.
Theo: Minh Đức (baotintuc.vn)