Hà Nội đầu tư 227 công trình, dự án cho các xã khó khăn
08:54 AM 20/07/2016 | Lượt xem: 2642 In bài viết |Còn nhiều xã khó khăn
Điều ít người biết là Thủ đô Hà Nội hiện vẫn còn khá nhiều xã, thôn thuộc diện “miền núi”.
Sau khi sát nhập Hà Tây, Hà Nội đã có thêm các xã thôn “miền núi” nơi có người dân tộc đúng nghĩa sinh sống và đây đều là những nơi đặc biệt khó khăn cần được đầu tư phát triển kinh tế xã hội và giải quyết các nhu cầu dân sinh khác.
Hiện tại, có tới 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội, bao gồm: huyện Ba Vì 7 xã (Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh); huyện Thạch Thất 3 xã (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung; huyện Quốc Oai 2 xã (Đông Xuân, Phú Mãn); xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ; xã An Phú, huyện Mỹ Đức vẫn đang trong tình trạng khó khăn về nhiều mặt.
Trong số 14 xã này, có tới 154 thôn, chiếm tới 1/10 diện tích Hà Nội. Thậm chí tại xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, vẫn còn tới 48% số hộ dân vẫn còn thuộc diện “hộ nghèo”.
Cuối tuần qua, Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đã chính thức được ban hành. Và 14 xã nói trên đã được lựa chọn để đưa vào danh mục đầu tư theo Kế hoạch 138.
Kế hoạch 138 đề ra mục tiêu tăng cường đầu tư để thay đổi bộ mặt của các thôn xã này. Cụ thể, thành phố sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp công trình cũ và các công trình dân sinh bức xúc khác trên địa bàn, đảm bảo các mục tiêu chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình phục vụ văn hóa, giáo dục, thủy lợi, sinh hoạt cộng đồng...
Tổng số chương trình, dự án được đầu tư dự kiến là 227 chương trình, công trình, trong đó về hỗ trợ sản xuất bao gồm 02 chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và 225 công trình đầu tư tập trung phục vụ đồng bào dân tộc tại 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội, trong đó ưu tiên cho giáo dục, y tế và các lĩnh khác.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ dành nguồn vốn đầu tư dự kiến là 2.324,0 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất dự kiến là 75 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến 2.249 tỷ đồng, tất cả đều từ nguồn ngân sách thành phố.
Từng bước kéo gần khoảng cách phát triển so với vùng đô thị
Liên tục trong các cuộc họp gần đây của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, đây là chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Bí thư, Chủ tịch thành phố và các cấp lãnh đạo thành phố. Chính Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng đã chọn Ba Vì là điểm công tác đầu tiên trong vai trò Bí thư.
Tương tự, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng có mặt sớm tại Ba Vì để chỉ đạo công tác ngay sau khi nhận chức, cho thấy quyết tâm và chủ trương nhất quán của lãnh đạo thành phố đối với khu vực “miền núi”.
Theo một lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch 138 là bước đi hiện thực hóa các chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố trong vấn đề đầu tư cho khu vực miền núi của Thủ đô, nhằm từng bước kéo gần lại khoảng cách phát triển so với vùng đô thị.
Cụ thể, cuối tháng 4/2016 vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 12- CTr/TU và tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có văn bản số 296 - CV/TU ngày 05/7/2016 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quan tâm đầu tư cho khu vực này nhằm từng bước xóa bớt khoảng cách phát triển với khu vực đô thị.
Ngay sau khi Kế hoạch 138 được ban hành, thành phố sẽ giao cho Ban dân tộc thành phố chủ trì, tổng hợp nhu cầu của UBND các huyện, đề xuất UBND Thành phố về kế hoạch vốn hàng năm đảm bảo thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch này qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, báo cáo UBND Thành phố; đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt. Một loạt các sở ban ngành khác cũng sẽ vào cuộc để đảm bảo Kế hoạch 138 được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, thực sự trở thành cú hích mới cho khu vực miền núi thủ đô.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, UBND thành phố cũng yêu cầu rằng các chương trình đầu tư phát triển sản xuất, các dự án xây dựng đảm bảo đúng quy hoạch, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư, thực hiện theo từng chương trình, dự án riêng và đảm bảo thực hiện đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn đầu tư; đảm bảo đầu tư đúng đối tượng theo mục tiêu được duyệt, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Theo: Khánh Huyền (chinhphu.vn)