Trò chuyện với chúng tôi, ông Tráng A Thào, ở xã đặc biệt khó khăn Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, gia đình ông nhận hỗ trợ từ Chương trình 30a là 4,5 tạ phân đạm và 5,4 tạ phân NPK cho 1,5 ha đất chuyển đổi sản xuất từ trồng sắn sang trồng ngô. Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ phân bón, chưa tập huấn cách bón phân hay chăm sóc cây trồng, nên năng suất bấp bênh.
Tương tự, tìm hiểu tại xã đặc biệt khó khăn Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ông Xa Viết Xuân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào, xã triển khai song song các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình như 30a, 135… Tuy nhiên, việc hỗ trợ giống, phân bón hầu như chỉ có hiệu quả thời vụ. Bởi vì, sau mỗi vụ sản xuất, hầu như bà con không tích lũy được gì. Mỗi chương trình hỗ trợ một ít, dù muốn nhưng người dân cũng khó có đủ nguồn lực để vượt hẳn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chính vì sự manh mún, dàn trải về nguồn lực trong hỗ trợ cho đồng bào DTTS, nên ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từng ví von rằng: Đồng bào cần cả con bò, nhưng chúng ta mới chỉ hỗ trợ được một phần con bò thì làm sao có hiệu quả để thoát nghèo...
Để phát triển kinh tế, nhu cầu của đồng bào không chỉ dừng ở việc hỗ trợ cây giống và phân bón. Hầu hết các tỉnh như Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình… cũng đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ giống trâu bò, lợn… song sự hỗ trợ này đòi hỏi “vốn đối ứng” không nhỏ khiến đồng bào DTTS không thể với tới.
Bà Hoàng Thị Dung, thôn Làng Cau (thôn đặc biệt khó khăn) xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết: “Người dân chúng tôi muốn thoát nghèo, nhưng thiếu vốn để làm ăn. Muốn mua con trâu, con bò về nuôi, nhưng Nhà nước hỗ trợ số tiền không quá 5 triệu đồng, thì chúng tôi không có tiền để bù thêm. Nếu mua một con trâu phải mất 15-20 triệu đồng, đồng bào nghèo lấy đâu ra từ 8 - 10 triệu đồng để đối ứng”.
Có thể thấy, việc vận động đồng bào DTTS góp thêm vốn để mua con giống tốt là hướng đi đúng, nhằm giảm dần việc cấp không và khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận người nghèo... Tuy nhiên, đa phần người dân không có điều kiện, nên việc yêu cầu vốn đối ứng quá cao là khó khả thi khiến việc hỗ trợ không phát huy được hiệu quả.
Trong khi đó, tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, ông Nông Văn Tông, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với Chương trình 135 thì chưa tính đến vì triển khai hằng năm. Nhưng đối với Chương trình 30a, hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất quy định, người dân chỉ được hỗ trợ một lần, đồng nghĩa với việc nếu năm nay người dân được hỗ trợ một con bò, hoặc hỗ trợ giống cây trồng thì từ năm sau trở đi sẽ không còn được nhận hỗ trợ nữa, điều này khó có thể tạo ra sự bền vững trong giảm nghèo.
Chính vì có quá nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chính sách khác nhau, nên nguồn lực đã ít lại càng bị phân tán. Để giải quyết vấn đề này, vấn đề đặt ra với các địa phương là phải tiến hành lồng ghép các nguồn lực. Song, điều này đã làm khó cho các địa phương.
Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều huyện được thụ hưởng các chương trình chia sẻ: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhiều, trong khi đó nguồn vốn dàn trải, các chương trình lại có cơ chế riêng, nên địa phương khó lồng ghép được. Ngay cả các cán bộ dù được tập huấn, nhưng cũng cảm thấy khó khăn thì nói gì đến người dân. Đồng bào chỉ biết Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu, còn chờ đủ các nguồn vốn để kết hợp đầu tư sản xuất là điều không khả thi.
Chính vì nhiều nguyên nhân trên, những năm qua, Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chưa thực sự tạo được sức bật để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, các chính sách cần hướng tới tập trung nguồn lực, thay đổi phương thức hỗ trợ phù hợp mới mong xóa nghèo được bền vững.
(Theo: Hà Cường - Minh Đức -baotintuc.vn)