Nỗ lực đưa gạo của Chính phủ đến với học sinh vùng đặc biệt khó khăn
09:21 AM 24/04/2017 | Lượt xem: 3081 In bài viết |Triển khai khẩn trương, hiệu quả
Kết thúc học kỳ I năm học 2016-2017, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gần 36.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho gần 540.000 học sinh thuộc 47 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có thể nói, việc Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường; góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở những vùng này. Đồng thời cũng đã gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Và để đảm bảo cấp gạo kịp thời cho các địa phương hỗ trợ học sinh trong học kỳ II năm học 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gần 20.000 tấn gạo cho gần 480.000 học sinh của 47 tỉnh, thành phố theo nguyên tắc: Đối với các địa phương đã có báo cáo chi tiết về số lượng học sinh, số gạo hỗ trợ thì cấp theo số lượng các địa phương báo cáo; đối với các địa phương chưa có số liệu báo cáo thì tạm cấp theo số liệu của các địa phương đã phân bổ trong học kỳ I năm học 2016-2017 để tính cho 4 tháng của học kỳ II năm học 2016-2017.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay từ những ngày cuối tháng 2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai thực hiện một cách khẩn trương và có hiệu quả. Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cũng cho biết: “Khi những chuyến hàng đầu tiên đến tay học sinh, chúng tôi mừng lắm. Các đồng chí Cục trưởng DTNN báo cáo là khi nhận được gạo, các em học sinh, gia đình vui mừng, thầy cô cũng phấn khởi, lãnh đạo các địa phương cũng vui... Điều này thể hiện tính thiết thực, hiệu quả của chính sách và quan trọng hơn, chúng tôi thấy xã hội đã ghi nhận và đánh giá cao chính sách này của Chính phủ”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng trực kiểm tra chất lượng gạo tại Cục DTNN khu vực Đông Bắc.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Dự trữ Nhà nước cũng thẳng thắn cho biết: “Do năm học 2016-2017 là năm đầu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nên công tác rà soát, tổng hợp báo cáo số liệu xuất cấp gạo cho học sinh của các cấp chính quyền địa phương còn lúng túng nên chậm so với thời gian quy định; một số địa phương rà soát số liệu chưa chính xác nên sau khi Bộ Tài chính đã ban hành quyết định xuất gạo, địa phương lại có văn bản báo cáo không có đối tượng thụ hưởng hoặc một số địa phương có văn bản báo cáo đối tượng thụ hưởng chính sách chậm nên công tác tổ chức thực hiện gặp khó khăn (phải sử dụng số liệu của học kỳ II năm trước để cấp ứng)”.
Trong quá trình điều hành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã rất linh hoạt trong việc phối hợp, điều động gạo từ các điểm kho dự trữ đảm bảo tính kịp thời và tiết kiêm kinh phí vận chuyển. Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cũng cho biết: “Căn cứ vào kho Dự trữ Nhà nước đang bố trí đều khắp trong cả nước, Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh thuộc địa bàn do đơn vị quản lý. Trường hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của một số tỉnh như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên lớn hơn so với lượng hàng tại chỗ, Tổng cục sẽ có phương án điều động hàng từ khu vực lân cận để bảo đảm đủ lượng gạo hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh”. Cách làm này sẽ khắc phục được hạn chế trong những năm trước.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng gạo cấp phát cũng được Tổng cục đặt lên hàng đầu, đảm bảo gạo được cung cấp cho các em vừa đủ về số lượng, đúng về thời gian và phù hợp về chất lượng theo quy định. “Gạo DTQG khi xuất cấp đều đảm bảo chất lượng theo quy định. Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo DTQG đều được kiểm tra kỹ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương. Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được người dân và địa phương đánh giá cao, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh.
Bảo đảm hoàn thành trước 30/4
Đặc biệt, để hoàn thành nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ hoàn thành việc cấp phát gạo cho các em học sinh trước ngày 30/4. Bên cạnh những giải pháp trên, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chủ động, khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh, thành phố và các Sở, ban, ngành của địa phương để có thúc đẩy việc tiếp nhận gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 206-2017, bảo đảm việc giao gạo cho các địa phương để hỗ trợ cho học sinh hoàn thành trước ngày 30/4/2017 theo đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo để kiểm tra công tác xuất cấp, giao nhận, phân phối, bảo quản, sử dụng gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ, bảo đảm an toàn chất lượng, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phải chủ động liên hệ, trao đổi, phối hợp với các địa phương (theo địa bàn phụ trách) trong việc báo cáo, đánh giá kết quả xuất cấp gạo năm học 2016-2017 và xây dựng kế hoạch hỗ trợ gạo cho học sinh năm học 2017-2018 theo đúng hướng dẫn tại văn bản số 15777/BTC-TCDT ngày 04/11/2016 của Bộ Tài chính về thực hiện hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ…
Cùng với sự quyết tâm của toàn ngành, cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục, có thể tin tưởng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ cấp phát gạo cho các em học sinh trong học kỳ II này và những hạt gạo nghĩa tình sẽ lại mang những niềm vui, những nụ cười đến những bản làng xa xôi.
Hồng Sâm