Quỹ Dân số Liên hợp quốc kêu gọi hành động ngay để chấm dứt nạn tảo hôn

09:03 AM 15/02/2022 |   Lượt xem: 5141 |   In bài viết | 

Nhiều thế hệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số làm gia tăng tình trạng đói nghèo của người dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Theo UNFPA, mỗi ngày, có hàng ngàn trẻ em gái trở thành cô dâu. Hơn 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước sinh nhật lần thứ 18. Kết hôn trẻ em được định nghĩa là hôn nhân hoặc sống chung như vợ chồng, trong đó một hoặc cả hai người đều dưới 18 tuổi. Trên thế giới, 19% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 24 đã kết hôn và/hoặc sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi. Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, có đến 13 triệu trẻ em gái đã buộc phải trở thành cô dâu.

Kết hôn trẻ em là hành vi vi phạm quyền con người và thường xảy ra đối với trẻ em gái dễ bị tổn thương, nghèo khó và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất. Nhưng điều này cũng gây tác hại cho cộng đồng và xã hội thông qua trói buộc các cô dâu trẻ em và gia đình của các em vào một chu kỳ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ. Các nghiên cứu cho thấy việc chấm dứt kết hôn trẻ em - tạo điều kiện cho trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục, hoãn lại việc làm mẹ, tìm công việc hiệu quả và phát huy hết tiềm năng của mình - có thể tạo ra hàng tỷ USD thu nhập và năng suất lao động.

Tại Việt Nam, kết quả cuộc Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 (gọi tắt là Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021), do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), UNFPA và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 7,4% phụ nữ và 1,4% nam giới tuổi vị thành niên hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng. Trong số phụ nữ và nam giới từ 20-24 tuổi được điều tra, có 14,6% nữ giới tảo hôn trước 18 tuổi so với 1,9% nam giới tảo hôn trước 18 tuổi.

Trong khi đó, một khảo sát được thực hiện với 1.725 trẻ em dân tộc của Dự án EMPoWR vào cuối năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ có 28% trẻ em được trang bị kiến thức về tảo hôn.

Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị "ế") lớn hơn. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân; 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.

Trước vấn nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra dai dẳng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhân Ngày lễ tình nhân năm 2022, cũng như những năm trước, UNFPA kêu gọi thế giới chấm dứt nạn kết hôn trẻ em và nhấn mạnh trao quyền cho trẻ em gái là yếu tố quan trọng để chấm dứt tình trạng kết hôn trẻ em.

Theo UNFPA, để chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, cần có nhiều thay đổi, bao gồm tăng cường và thực thi pháp luật chống lại thực hành này, thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo cam kết của cộng đồng đối với quyền của trẻ em gái.

Tuy nhiên, những người trẻ tuổi cũng phải được trao quyền để hiểu biết và đòi lại quyền của mình. Điều này có nghĩa là họ phải được cung cấp thông tin chính xác về sức khỏe tình dục và sinh sản, cơ hội giáo dục và phát triển kỹ năng, cũng như các nền tảng để tham gia hoạt động cộng đồng và xã hội.

Những thông tin và cơ hội như vậy có thể giúp thay đổi cuộc đời. Với kiến thức, những người trẻ dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ em gái, có thể tự vận động cho bản thân và thậm chí thuyết phục gia đình hủy bỏ hoặc trì hoãn việc đính hôn./.

(Theo TTXVN)