Nước ta được xếp vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ bia rượu cao. Theo một báo cáo mới đây, mỗi năm nước ta đã tiêu thụ hơn 3,4 tỷ lít bia và khoảng 360 triệu lít rượu. Số tiền bỏ ra mua rượu bia rượu trong một năm là hơn 3 tỷ USD ( bằng gần 3% thu ngân sách cả nước). Việc lạm dụng rượu, bia tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Hậu quả từ việc sử dụng bia rượu thì ai cũng thấy rõ, tuy nhiên tỷ lệ người sử dụng rượu bia ngày càng tăng. Đáng báo động đó là tình trạng sử dụng bia rượu quá nhiều trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.
Rượu từ lâu đã là một phần trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, tình trạng "nhà nhà uống rượu, người người uống rượu" của đồng bào dân tộc thiểu số rất phổ biến. Thực tế cho thấy, tỉ lệ sử dụng rượu ở cả nam và nữ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, cao hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ trẻ hóa người uống rượu, nghiện rượu không ngừng tăng lên. Đa số rượu bán ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường kém chất lượng nên dễ gây ra ngộ độc chết người. Theo thống kê, năm 2017, cả nước có 119 người bị ngộ độc rượu và đã có 11 người tử vong. Giữa tháng 3 năm nay, tại xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 5 người tử vong, hàng chục người phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, Bộ Y tế lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có đưa ra 3 khung giờ được phép bán rượu, bia. Có thể cấm mua bán rượu, bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Dự thảo luật phòng chống tác hại của bia, rượu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là tính khả thi không cao. Trong khi đó, tại địa bàn miền núi, rượu bia đã vượt ra khỏi ý nghĩa của"văn hóa ẩm thực" trở thành thức uống đầy ám ảnh. Tại Quảng Nam, sau những vụ ngộ độc rượu tập thể gây chết nhiều người như đã nói ở trên, tình hình uống rượu mùa ở vùng cao Quảng Nam có phần tạm lắng. Tuy nhiên gần đây, thực trạng uống rượu bùng phát trở lại. Hiện ở các ngôi làng vùng cao, tệ uống rượu đã gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người dân và đẩy đời sống của họ rơi vào cảnh khốn khó trăm bề.
Những ngôi làng ở vùng núi cao bỏ rượu, những người lớn tuổi cai được rượu còn quá ít so với thực tế đang diễn ra tại vùng sâu, vùng xa hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này cho thấy vẫn có nhiều cách để hạn chế bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số uống rượu. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có chiến lược truyền thông rộng rãi để người dân biết sợ rượu, đồng thời giữ gìn được văn hóa rượu cần truyền thống. Khi mà tệ nạn uống rượu còn tồn tại dai dẳng trong đồng bào dân tộc thiểu số như hiện nay thì khó mà xóa được đói chứ nói gì đến giảm được nghèo.
(vtv.vn)