Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm tại Tuyên Quảng đạt 4,25% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra), trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân ở các xã thuộc Chương trình 135 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 6%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020), tỉnh Tuyên Quang có 55.827 hộ nghèo, chiếm 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm 8,99%. Tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lâm Bình 60,79%; Na Hang 50,08%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Xuân Lập, Phúc Yên, Hồng Quang (huyện Lâm Bình); Sinh Long (huyện Na Hang) hơn 80%.
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo đến năm 2020. Địa phương ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và hộ nghèo, trong đó tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất hàng hóa. Tập trung giải quyết nguồn vốn cho hộ nghèo, ngân sách tỉnh, các huyện và thành phố đã bố trí 18,45 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, đưa tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi lên hơn 2.478 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương gần 2.244 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 30 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác hơn 204 tỷ đồng. Qua đó, đã cho gần 40 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở.
Người dân trồng rau an toàn để làm hàng hóa nâng cao thu nhập.
Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn, các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất cây vụ đông, miễn thủy lợi phí, trợ giá giống; hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai cho các hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; sắp xếp, ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ vắc-xin và công tiêm phòng bệnh cho gia súc; hỗ trợ xây hầm bioga bằng vật liệu nhựa com-pô-dít; xây dựng công trình vệ sinh và chuồng, trại chăn nuôi; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; khuyến khích phát triển hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; triển khai tốt các chương trình khuyến nông, khuyến lâm.
Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 101.765 lượt hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 365 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với hơn 12.300 hộ tham gia (trong đó có hơn 2.000 hộ nghèo). Từ năm 2016 đến nay, đã có 5.382 hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng với kinh phí hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng và 5.061 hộ được hỗ trợ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng; 480 hộ được hỗ trợ trồng, chăm sóc rừng phòng hộ với tổng kinh phí hơn tám tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 126 công trình thủy lợi (hồ chứa, phai, đập), kinh phí hơn 140 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng mới hơn 393 km kênh mương bằng bê-tông đúc sẵn, với tổng kinh phí hơn 280 tỷ đồng, nâng tổng số kênh, mương thủy lợi phục vụ tưới, tiêu lên 2.341 km.
Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo chung ở tỉnh đã giảm 8,49% (từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 19,32% cuối năm 2017); bình quân giảm 4,25%/năm. Dự kiến đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,83%. Trong ba năm, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 11,98%, bình quân giảm 3,99%/năm, đạt 74,88% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Lâm Bình giảm 15,04%, bình quân giảm 7,52%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 giảm 12,41%, bình quân giảm 6,21%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 12,75%. Hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng trên toàn tỉnh giảm từ 317 hộ đầu năm 2016 xuống còn 151 hộ cuối năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế: chất lượng giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã 135 còn cao; số hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng; điều kiện sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo; tổ chức thực hiện chưa cụ thể và hiệu quả, có nơi còn mang tính hình thức. Việc rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số nơi còn lúng túng; việc xác định nguyên nhân chưa chính xác dẫn đến việc đưa ra các giải pháp giảm nghèo chưa đúng và trúng, chưa phù hợp từng đối tượng và điều kiện của địa phương. Việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn khó khăn; chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
(baodansinh.vn)