Tuyên Quang nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể
12:12 PM 05/05/2018 | Lượt xem: 2761 In bài viết |Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, những năm trở lại đây nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã ở Tuyên Quang đã có bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng. Khu vực kinh tế tập thể đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang, hiện tại, Tuyên Quang có hơn 500 tổ hợp tác, 300 hợp tác xã, thu hút khoảng 60 nghìn xã viên tham gia, với tổng số vốn hơn 230 tỷ đồng. Hợp tác xã, các tổ hợp tác có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế hộ; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Khi tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông thôn có hiệu quả là cơ sở để nông thôn mới có điều kiện phát triển bền vững. Hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ trực tiếp, giúp người sản xuất kinh tế hộ nắm được kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể còn gặp những khó khăn nhất định như nhận thức về bản chất, giá trị của hợp tác xã chưa cao dẫn đến nhiều người còn e ngại. Các cơ chế chính sách, pháp luật về hợp tác xã được ban hành nhưng khi vận hành vào thực tiễn còn bất cập như: Chính sách thuế chưa khuyến khích doanh nghiệp đồng hành cùng hợp tác xã trong giải quyết đầu ra cho nông sản; điều kiện tiếp cận đất đai, vốn tín dụng… Vì vậy, để khu vực kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác.
* Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, dịp nghỉ lễ vừa qua, các khu, điểm du lịch, danh thắng ở Thanh Hóa thu hút hơn 584 nghìn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế đạt 5.450 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 674 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2017. Một số khu du lịch trọng điểm có lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Khu du lịch Sầm Sơn, Khu sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Pù Luông, Thác Muốn (huyện Bá Thước), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)...
Với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm công tác lập quy hoạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch. Thanh Hóa tiếp tục có những cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn, hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực du lịch. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 40 dự thảo quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.640 tỷ đồng.
(nhandan.com.vn)