Xuất khẩu quả-rau-hoa hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD/năm trước năm 2025 là cơ hội và một giải pháp thoát nghèo cho khu vực nông thôn-miền núi

03:49 PM 14/11/2017 |   Lượt xem: 4171 |   In bài viết | 

Phát triển quả - rau - hoa XK gắn với ứng dụng công nghệ cao có thể trở thành một thành phần của chương trình du lịch văn hóa, sinh thái ở các tỉnh, góp phần thoát nghèo và tăng thu nhập nhanh hơn cho nông dân

Năm 2016 là năm đầu tiên ghi nhận việc mặt hàng quả-rau-hoa xuất khẩu (XK) đã đạt 2,45 tỷ USD, vượt qua xuất khẩu dầu thô là 2,4 tỷ USD và gạo là 2,16 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2017, xuất khẩu quả-rau-hoa đạt 2,62 tỷ USD, lớn hơn 2,2 tỷ USD của xuất khẩu dầu thô và 2,04 tỷ USD của xuất khẩu gạo. 

Như vậy, quả-rau-hoa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh xuất khẩu quốc tế của Việt Nam. Dự báo giá trị xuất khẩu quả-rau-hoa năm 2018 sẽ vượt giá trị xuất khẩu gạo thời điểm cao nhất (3,67 tỷ USD năm 2012) và trước năm 2025 sẽ vượt mốc 10 tỷ USD/năm- giá trị xuất khẩu dầu thô cao nhất của nước ta (10,4 tỷ USD năm 2008). 

Những con số trên đây phản ánh nhu cầu quả-rau-hoa trên thế giới và các sản phẩm này của Việt Nam còn tiềm năng phát triển rất lớn, được khách hàng yêu thích, lựa chọn, đồng thời mở ra một hướng thoát nghèo và từng bước làm giàu cho nông dân khu vực nông thôn-miền núi.

Cần tìm lời giải mới cho bài toán thu hẹp chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn-miền núi

Thu nhập của phần lớn người nông dân sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi nước ta thấp hơn khá xa so với khu vực thành thị và việc thu hẹp khoảng cách giữa 2 vùng nếu giữ cách làm như hiện nay thì sẽ còn kéo dài rất lâu. 

Năm 1999, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 225.000 đồng/người, bằng 44% thu nhập bình quân đầu người ở thành thị (516.000 đồng/người). Đến 2016 là 2,44 triệu đồng/người, bằng 55,8% thu nhập đầu người ở thành thị (4,4 triệu đồng/người). Thu nhập đầu người vùng trung du-miền núi phía bắc năm 1999 là 210.000/người, bằng 41% khu vực thành thị, đến năm 2016 là 2,03 triệu đồng/người, bằng 44,6% thu nhập thành thị. Như vậy, qua 17 năm (1999-2016), khoảng cách thu nhập đầu người của nông thôn so với thành thị bình quân giảm 0,72%/năm và giữa trung du-miền núi phía bắc so với thành thị giảm 0,34%/năm. 

Thông tin từ cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy điều kiện sống của một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhất là dân cư vùng núi. 

Năm 2016, khu vực nông thôn còn 124.800 hộ chưa sử dụng điện, chiếm 0,8% tổng số hộ; 1,2 triệu hộ chưa có ti vi, chiếm 7,5% tổng số hộ; tỷ lệ hộ không có nhà tắm chiếm 8,4%; tỷ lệ người dân chưa có bảo hiểm y tế là 23,6% dân số. Theo Bộ LĐTB&XH, tính hết năm 2016, theo các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn khoảng 9,9%, cận nghèo còn 5,22%, có những huyện hộ nghèo chiếm tỷ lệ trên 70% và đáng chú ý con số 86% hộ nghèo là nghèo về thu nhập. 

Nếu tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị trong thời gian tới như bình quân 17 năm vừa qua (0,72%/năm) thì để thu nhập nông thôn bằng 2/3 của thành thị sẽ cần 15 năm nữa (năm 2031), còn để đạt được 80% thu nhập thành thị thì cần 33 năm nữa (năm 2049). Nếu tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa trung du-miền núi phía bắc và thành thị sắp tới như bình quân 17 năm qua (0,34%/năm) thì để thu nhập vùng này bằng 2/3 của thành thị sẽ cần 59 năm nữa (năm 2075).

Những tính toán giả định này cho thấy, để tăng thu nhập nhanh hơn cho người dân ở nông thôn-miền núi, cần tìm kiếm các giải pháp mới hiệu quả hơn để phát triển sản xuất ở nông thôn và miền núi. Xét trên quy mô quốc gia, hơn 30 năm qua, phát triển công nghiệp và dịch vụ là con đường chủ yếu để tăng quy mô nền kinh tế (GDP), là xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Việc sau 30 năm đổi mới, thu nhập vùng nông thôn vẫn chỉ bằng 55,8% thu nhập thành thị, vùng trung du - miền núi phía bắc chỉ bằng 46,5% thu nhập thành thị và nếu không có các giải pháp mới, đột phá thì phải mất 10-15 năm nữa thì thu nhập nông thôn mới bằng 2/3 thu nhập thành thị và đối với vùng trung du-miền núi phía bắc phải hàng chục năm nữa thì việc tìm con đường mới để nâng cao đáng kể năng suất, thu nhập cho sản xuất nông nghiệp là yếu tố quyết định, bởi tài nguyên lớn nhất của nông thôn miền núi là các tài nguyên để phát triển nông nghiệp. Việc phát triển các khu công nghiệp mới ở các tỉnh do nhiều lý do chưa thể diễn ra nhanh chóng, còn với các tỉnh miền núi hầu như không đáng kể vì các địa phương này rất thiếu đất để làm khu công nghiệp và điều kiện giao thông hạn chế càng làm cho việc thành lập các khu công nghiệp ở miền núi càng khó khăn. Vì vậy, thoát nghèo bằng phát triển nông nghiệp thu nhập cao phải là con đường chủ yếu cho vài chục năm tới.

3 câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho thị trường nào và tổ chức sản xuất như thế nào vẫn là nền tảng để người nông dân có thu nhập cao hơn và nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Thực tiễn đang chỉ ra nhóm sản phẩm mới có tiềm năng đột phá xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân: Xuất khẩu quả-rau-hoa đã vượt qua xuất khẩu dầu thô và gạo.

Chính phủ đã có chương trình phát triển sản phẩm quốc gia giai đoạn 2010-2020, trong đó đã xác định 6 sản phẩm nông nghiệp quốc gia để đầu tư phát triển đồng bộ từ khâu làm giống, công nghệ nuôi trồng, chế biến, đến thương mại hóa sản phẩm trong nước và nước ngoài. Đó là: 

1. Lúa gạo năng suất, chất lượng cao; 

2. Cá da trơn chất lượng cao và sản phẩm chế biến từ các da trơn; 

3. Các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu;

4. Tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng); 

5. Cà phê chất lượng cao;

6. Sâm Việt Nam.

Năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng trên như sau:

• Gạo: 2,16 tỷ USD (cao nhất 3,67 tỷ USD năm 2012)

• Cá da trơn: 1,66 tỷ USD

• Tôm 3,15 tỷ USD

• Cà phê: 3,334 tỷ USD (cao nhất 3,67 tỷ USD năm 2012)

Nhóm sản phẩm quả-rau-hoa chưa được chọn là sản phẩm quốc gia, song kết quả xuất khẩu năm 2016 là 2,457 tỷ USD vượt qua giá trị xuất khẩu dầu thô 2,4 tỷ USD và hơn cả giá trị sản phẩm quốc gia là gạo (2,16 tỷ USD) là một sự kiện đặc biệt của nông nghiệp Việt Nam và đặt ra câu hỏi: sự phát triển vượt bậc của sản xuất và xuất khẩu quả- rau-hoa có tính ổn định lâu dài hay chỉ nhất thời, đây có phải là một thời cơ mới trong hội nhập quốc tế của Việt Nam không? Có là một cơ hội đặc biệt để nâng cao thu nhập cho nông dân ở nông thôn và miền núi không?

Năm 2005, xuất khẩu quả-rau-hoa là 235 triệu USD, chỉ bằng 17% xuất khẩu gạo (1,4 tỷ USD), 9% xuất khẩu thủy sản (2,73 tỷ USD) và chỉ bằng 3% xuất khẩu dầu thô (7,3 tỷ USD). Năm 2010 xuất khẩu quả-rau-hoa là 460 triệu USD và năm 2016 đã đạt 2,457 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quả-rau-hoa bình quân từ 2011 đến 2016 là 32%/năm.

Đối với mặt hàng gạo là sản phẩm quốc gia, xuất khẩu 2011 là 3,66 tỷ USD, đạt mốc cao nhất 3,674 tỷ USD năm 2012 sau đó giảm: 2,92 tỷ USD năm 2013; 2,93 tỷ USD năm 2014, 2,8 tỷ USD năm 2015 và 2,16 tỷ USD năm 2016. Như vậy sau 5 năm, giá trị xuất khẩu gạo giảm 1,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu gạo bình quân 2011-2016 là 3,02 tỷ USD/năm. 

Với sản phẩm quốc gia cà phê, xuất khẩu năm 2011 là 2,76 tỷ USD, đạt mốc cao nhất 3,674 tỷ USD năm 2012, sau đó biến động mạnh qua các năm: 2,7 tỷ USD năm 2013; 3,56 tỷ USD năm 2014; 2,67 tỷ USD năm 2015 và 3,33 tỷ USD năm 2016. Giá trị xuất khẩu cà phê bình quân giai đoạn 2011-2016 là 3,12 tỷ USD/năm.

Với mặt hàng thủy sản, trong đó nòng cốt là 2 sản phẩm quốc gia là cá da trơn và tôm, giá trị xuất khẩu năm 2011 là 6,11 tỷ USD, đạt mức cao nhất 7,82 tỷ USD năm 2014, giảm xuống 6,57 tỷ USD năm 2015 và 7,05 tỷ USD năm 2016. Như vậy, sau 5 năm giá trị xuất khẩu thủy sản tăng: 940 triệu USD, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân gần 4% năm, bình quân xuất khẩu giai đoạn 2011-2016 là 6,72 tỷ USD/năm.

Xuất khẩu dầu thô 2011 là 7,2 tỷ USD, năm 2012 là 8,2 tỷ USD, sau đó giảm liên tục: 7,2 tỷ USD năm 2013 và 2014; 3,8 tỷ USD năm 2015 và 2,4 tỷ USD năm 2016. Sau 5 năm, giá trị xuất khẩu dầu thô giảm 4,8 tỷ USD, bình quân xuất khẩu dầu thô giai đoạn 2011-2016 là 6,02 tỷ USD/năm. 

Từ các phân tích trên có thể dự báo giai đoạn 2017-2025:

• Xuất khẩu gạo ở xu thế trì trệ, năm 2016 chỉ đạt 2,16 tỷ USD/năm, đến 2025 nếu có phục hồi, giá trị xuất khẩu dự báo cũng chỉ ở mức 3 đến 4 tỷ USD.

• Xuất khẩu cà phê ở xu thế ổn định, năm 2016 đạt 3,33 tỷ USD, đến 2025 nếu có tăng trưởng ổn định hơn thì cũng chỉ ở mức 3,5 đến 4 tỷ USD.

• Xuất khẩu thủy sản ở xu thế gia tăng, khoảng 5% năm, năm 2016 đạt 7,05 tỷ USD, đến năm 2025 nếu không có giải pháp đột phá mới thì sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD.

• Xuất khẩu dầu thô ở xu thế giảm và tăng chậm, năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, đến năm 2025 dự báo sẽ đạt 4 đến 5 tỷ USD.

Trong bối cảnh trên, tiềm năng xuất khẩu quả-rau-hoa là vượt trội, rất đáng quan tâm hỗ trợ và phát huy. Tốc độ tăng xuất khẩu quả-rau-hoa từ 2011-2016 là 32%/năm, giá trị xuất khẩu 2016 là 2,457 tỷ USD. Các thị trường lớn của quả-rau-hoa của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, UAE, Liên minh châu Âu. Nếu dự báo thận trọng, xuất khẩu quả-rau-hoa giả định 2017-2020 tăng 25%/năm và giai đoạn 2011-2025 là 18%/năm thì giá trị xuất khẩu quả-rau-hoa năm 2020 là 6 tỷ USD và năm 2025 là 13 tỷ USD, lớn hơn dự báo xuất khẩu thủy sản thời điểm này là 11 tỷ USD, gấp nhiều lần giá trị xuất khẩu gạo, cà phê và dầu thô.

Từ các phân tích trên có thể thấy: Quả-rau-hoa hoàn toàn có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn hơn các sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, thủy sản và dầu thô. Thực tế này mở ra triển vọng to lớn để nâng cao thu nhập cho nông dân ở nông thôn, nhất là miền núi. 

Cần hỗ trợ và chắp cánh cho XK quả-rau-hoa, Việt Nam vươn tới mục tiêu 10-15 tỷ USD vào năm 2025

Để biến thời cơ, tiềm năng quả-rau-hoa trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong 10 năm tới, nâng cao thu nhập đáng kể cho nông dân ở nông thôn và miền núi, chúng tôi đề xuất 2 giải pháp chủ yếu:

1. Đưa nhóm sản phẩm quả-rau-hoa vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia 2017-2020 và sau đó, để có các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung cấp giống có chất lượng cao, tiếp thị quốc tế, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối.

2. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ các loại quả, rau và hoa chủ yếu đã xuất khẩu thành công thời gian qua cần phổ biến rộng rãi các mô hình Hợp tác xã kiểu mới trồng các loại quả, rau và hoa để Hợp tác xã kiểu mới trở thành mô hình chủ đạo hỗ trợ và liên kết nông dân trồng các loại quả, rau và hoa xuất khẩu, liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào (giống chất lượng cao, phân bón, thiết bị phục vụ tưới, làm đất, thu hoạch thông minh) và tiêu thụ sản phẩm (kho bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ) và vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất. 

 Tỉnh Sơn La hiện có hơn 37.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt gần 200.000 tấn/năm và 10.000 ha trồng  rau. Từ năm 2016 đã quy hoạch, phát triển 323 vùng cây ăn quả an toàn với diện tích hơn 8.200 ha, sản lượng 52.000 tấn/năm và 1.700 ha rau sạch với sản lượng 27.000 tấn/năm. Các HTX kiểu mới là mô hình chủ yếu để phát triển các vùng cây ăn quả và rau sạch. Năm 2017, lần đầu tiên mặt hàng quả an toàn và rau sạch của Sơn La đã xuất khẩu vào Australia và Trung Quốc.

Tỉnh Lào Cai quy hoạch hơn 400 ha trồng cây ăn quả và rau ứng dụng công nghệ cao, với giá trị bán sản phẩm hơn 200 triệu đồng/ha/năm và 8.000 ha sản xuất nông nghiệp hướng tới ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân đã được cải thiện đáng kể. 

Tỉnh Bắc Giang có 30.000 ha vải thiều, chủ yếu trồng trên đồi và xung quanh nhà của nông dân. Năm 2016 sản lượng 100.000 tấn và thu nhập bình quân 137 triệu đồng/ha. Vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Malaysia và đang đàm phán để đưa sang Thái Lan, Canada.

Nhiều tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang đã xác định và phát triển thành công các loại quả, rau, hoa trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, xuất khẩu ngày càng tăng, giúp nông dân thoát nghèo và có mức sống ngày một cao hơn.

Phát triển quả-rau-hoa trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước trong 10 năm tới cho phép phát huy các lợi thế tự nhiên là đất đai, khí hậu đặc thù của từng tỉnh, không phụ thuộc vào đất có lớn hay không, từ quy mô của vườn bên cạnh gia đình, đến vườn, trang trại trên đồi, đến đất nông nghiệp ở đồng bằng quy mô từ vài chục, đến hàng trăm ha của nông dân trong các HTX hoặc sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp. Hơn nữa, phát triển quả-rau-hoa xuất khẩu gắn với ứng dụng công nghệ cao có thể trở thành một thành phần của chương trình du lịch văn hóa, sinh thái ở các tỉnh, góp phần thoát nghèo và tăng thu nhập nhanh hơn cho nông dân.

(baochinhphu.vn)