Bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc: Bài toán cần giải khi xây dựng chính sách

02:03 PM 17/12/2019 |   Lượt xem: 7451 |   In bài viết | 

Đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi cần nguồn lực rất lớn

Vốn vẫn là nỗi lo

Theo thống kê của UBDT, trong 118 chính sách liên quan đến vùng DTTS và miền núi đã được ban hành thì, hiện còn 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực. Các cơ chế, chính sách hiện hành gần như bao phủ tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu đầu tư, hỗ trợ để kéo gần khoảng cách phát triển vùng DTTS và miền núi với các vùng, miền khác.

Tại Hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được tổ chức ở Bắc Kạn ngày 24/5 vừa qua, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, nhìn vào hệ thống chính sách dân tộc hiện hành có thể thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với miền núi, với đồng bào các DTTS. Nhưng ông Thảo cũng đặt câu hỏi: Sự quan tâm đó đã thực sự được thường xuyên? Cơ chế, chính sách đã đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào?

Ông Thảo cho rằng, mặc dù đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa nhận được sự quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện. Dù hệ thống chính sách đã bao quát ở tất cả các lĩnh vực đời sống vùng DTTS và miền núi, nhưng do “rải mành mành”, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nên hiệu quả của một số chương trình, dự án chưa cao.

Vấn đề Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo nêu là một thực trạng, đúng hơn là một hạn chế rất lớn trong việc triển khai các chính sách dân tộc từ nhiều năm nay. Theo báo cáo của UBDT cũng như kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ngoài Chương trình 135 được bố trí đủ nguồn lực thì hầu hết các chính sách dân tộc đều bố trí chưa đến 50% tổng nguồn lực thực hiện.

Thậm chí, có một số chính sách sẽ hết hiệu lực cuối năm 2020, nhưng đến thời điểm này cũng chưa bố trí được vốn để thực hiện. Đó là chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; Chính sách bảo vệ, phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến nay cũng mới chỉ bố trí được 18% nhu cầu vốn…

Tránh “mạnh ai nấy làm”

Chính sách nhiều nhưng nguồn lực hạn chế khiến việc thực thi chính sách gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn là một thực tế không thể phủ nhận. Ngay cả với Chương trình 135, dù được bố trí cơ bản đủ nguồn lực thực hiện nhưng với đặc thù địa bàn miền núi, định mức cho các công trình như quy định hiện nay là không thể đủ.

Như chia sẻ của ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, định mức hiện nay theo Chương trình 135 là mỗi xã thuộc diện đầu tư sẽ được bố trí 1,5 tỷ đồng/năm. Nhưng để xây dựng công trình hạ tầng ở địa bàn miền núi thì số vốn này là quá ít; do đó cần thiết phải có thêm nguồn lực từ các chương trình, dự án khác.

Ông Lượng dẫn chứng: một xã miền núi như ở Thái Nguyên, dùng kinh phí này (1,5 tỷ đồng) để làm đường giao thông thì cũng chỉ làm được khoảng 600m. Vì thế, trong 3 năm gần đây, các xã thuộc diện 135 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được ngân sách tỉnh bổ sung thêm nguồn lực từ chính sách hỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông nông thôn trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Gộp hai nguồn lực này lại thì không phải làm được 600m đường giao thông mà là làm được 2km.

Một vấn đề liên quan đến việc thực hiện công tác dân tộc hiện nay là, các bộ, ngành đều có báo cáo vùng DTTS và miền núi nhận được sự đầu tư rất lớn ngân sách và tăng dần lên hằng năm. Nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ bởi hiện vẫn chưa tách bạch được phạm vi, đối tượng. Các bộ, ngành đều đưa số liệu vốn đầu tư chung cho 51 địa phương là đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, nhưng đầu tư cho đồng bào DTTS như thế nào thì không cụ thể. Do đó, khi tổng kết các chương trình, dự án không phân khai được tổng nguồn vốn đã được bố trí để đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS.

Để hạn chế được tình trạng có chính sách nhưng không có nguồn lực thực hiện, đồng thời phân khai, tách bạch được kinh phí đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi đúng phạm vi, đối tượng thì cần thiết phải xây dựng, ban hành một đề án tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, vùng ĐBKK. Có như vậy, vùng DTTS và miền núi mới có “cú hích” tổng thể để phát triển.

Tin khác