Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tin tưởng, kỳ vọng sự đột phá!
10:00 AM 22/01/2023 | Lượt xem: 5775 In bài viết |Tiếp tục cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS một cách bền vững…
Sự chuyển tiếp với tầm nhìn dài hạn
Cách đây 10 năm, ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 449/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Chiến lược ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu một bước phát triển, đổi mới trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc.
Việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 đã đem lại những thay đổi mạnh mẽ trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, trong 10 năm, Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 với tổng kinh phí lên tới 1.688 tỷ đồng.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS và miền núi khá cao, bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm. Đã có 8/64 huyện nghèo thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế huyện nghèo thoát nghèo; 124 xã, 1.322 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 1.052 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới…
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, so với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Để giải quyết những tồn tại này cũng như tiếp tục cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ngày 28/01/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc cũng chính là với sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cả nước. Nếu như Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2022 chỉ gói gọn trong phạm vi 10 năm, thì với Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn tới 2045 cho thấy tầm nhìn chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc.
Và những mục tiêu đột phá
Về mục tiêu tổng quát, Chiến lược đề ra ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển…
Gần hơn, trong 10 năm, Chiến lược đề ra mức tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tối thiểu từ 6,0 đến 6,5%/năm. Thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng bình quân 6,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt trên 0,69…
Qua đó có thể thấy, so với Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, về tổng thể, mọi chỉ số mục tiêu đặt ra cơ bản đều cao hơn, cụ thể hơn. Không những thế, Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045 còn xuất hiện nhiều điểm mới. Đó chính là tư duy, tầm nhìn đột phá của Đảng, Nhà nước về khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS chính là nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Đặc biệt, phải nhắc tới một điểm mới khác biệt đó chính là việc Chiến lược đã đưa chỉ số HDI là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS vào mục tiêu cụ thể trung hạn trong 10 năm. Đây là chỉ tiêu “tổng hợp của tổng hợp”, phản ánh về 3 mặt: thu nhập, sức khỏe và giáo dục.
Hiện nay, về chỉ số HDI, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới được chia thành 4 nhóm: nhóm 1 - nhóm rất cao, có HDI từ 0,800 trở lên; nhóm 2 - nhóm cao, có HDI từ 0,400 đến dưới 0,800; nhóm 3 - nhóm trung bình, có HDI từ 0,550 đến dưới 0,400; nhóm 4 - nhóm thấp, có HDI dưới 0,550. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt như các nước trong khu vực châu Phi, đến nay, việc giải quyết nạn đói, nghèo vẫn đang là mục tiêu được đặt ra và ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, chỉ số HDI chưa được coi trọng.
Còn đối với Việt Nam, những năm gần đây, chỉ số HDI của Việt Nam đã liên tục tăng lên và chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm cao từ năm 2019 đến nay. Do đó, việc Chiến lược đặt ra mục tiêu đưa chỉ số HDI là người DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt trên 0,69 (mức cao) đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển toàn diện nhằm nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS một cách thực chất chứ không chỉ còn là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo như giai đoạn trước đây…
Và để cụ thể hóa những mục tiêu có tính đột phá này, vào những ngày cuối cùng của năm - ngày 30/12/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1657/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động này nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chính sách, dự án cụ thể để đạt được các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc… Điều đó một lần nữa cho thấy, sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước với lĩnh vực công tác dân tộc.
Năm cũ đã qua, năm mới 2023 đã tới với nhiều tín hiệu vui đối với ngành Công tác dân tộc. Đặc biệt là khi Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào triển khai, chúng ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển bền vững …
(baodantoc.vn)