Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn
02:32 PM 21/09/2016 | Lượt xem: 7242 In bài viết |Qua thực tế triển khai 19 tiêu chí của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đã bộc lộ nhiều tồn tại, nhiều tiêu chí thực hiện tại vùng đồng bằng thì phù hợp nhưng ở vùng núi, hải đảo lại không thể áp dụng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 5 năm vừa qua đặt ra 19 tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn mới tại nhiều vùng quê đã được hình thành, cơ sở hạ tầng các vùng nông thôn không ngừng được nâng cấp cải thiện; sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư; năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng hơn góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế triển khai 19 tiêu chí của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đã bộc lộ nhiều tồn tại, nhiều tiêu chí thực hiện tại vùng đồng bằng thì phù hợp nhưng ở vùng núi, hải đảo lại không thể áp dụng. Vì vậy để chương trình nông thôn mới đạt hiệu quả, cần phải điều chỉnh lại một số tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền và phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới.
Là xã điểm của huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện xây dựng nông thôn mới, theo lộ trình, năm 2015, xã An Hải sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Song, theo báo cáo của UBND xã, hiện vẫn còn 6 tiêu chí chưa được hoàn thành là giao thông, môi trường, thu nhập, hộ nghèo, trường học, văn hoá. Chính quyền địa phương cho rằng 6 tiêu chí chưa hoàn thành có nhiều lý do bất hợp lý khi áp dụng với một xã đảo. Ví dụ tiêu chí giao thông quy định đường giao thông nông thôn phải rộng 3,5m, tuy nhiên, đối với đảo Lý Sơn, hầu hết đường giao thông nhỏ hẹp không thể đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Với tiêu chí trường học quy định số mét vuông cho mỗi học sinh phải đạt không dưới 10 mét vuông, tiêu chí này là một thách thức đối với một huyện đảo khi diện tích đất tự nhiên trên đảo rất hạn chế. Ngay cả việc vận động nhân dân hiến đất để xây dựng các công trình công cộng cũng rất khó bởi diện tích sử dụng đất trên đảo vốn đã rất chật hẹp.
Về tiêu chí thu nhập, theo quy định, bình quân thu nhập của xã nông thôn mới phải gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân của tỉnh. Với một huyện đảo như Lý Sơn, 35% dân số làm nông nghiệp với cây chủ lực là hành, tỏi, 25% dân số làm nghề dịch vụ thương mại, đời sống của người dân trên đảo Lý Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện hiện còn 16,31%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm, Lý Sơn không thể đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian vài năm nữa.
Không chỉ Lý Sơn, mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các xã đảo sẽ khó hoàn thành hoặc sẽ không thể hoàn thành nếu như không được điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền.
Kết thúc giai đoạn I của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí trở nên không còn phù hợp và cần có sự điều chỉnh cho sát với yêu cầu của thực tiễn. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 6/2016, cả nước đã có 1.965 xã (chiếm 25%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng 4,9% so với cuối năm 2015. Bình quân cả nước đạt 13 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số tiêu chí đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt ít nhất 90% đến năm 2020 nhằm mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Do đó, ngành y tế sẽ phải điều chỉnh tiêu chí này (tiêu chí số 15 về y tế).
Từ những thực tế nêu trên yêu cầu cấp bách phải điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn đang được đặt ra.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương cho biết, sắp tới, bộ tiêu chí sẽ được điều chỉnh theo hướng là vẫn có những tiêu chí bắt buộc phải đạt được. Ví dụ như thu nhập, chắc chắn các xã đạt chuẩn phải có mức thu nhập cao hơn những xã chưa hoàn thành. Một số tiêu chí về hạ tầng có thể giao cho UBND các tỉnh quyết định để phù hợp với nhu cầu của người dân. Ví dụ tại các xã chưa phát triển nhiều về giao thương đi lại thì có thể làm đường ở mức dưới 3m, nhưng cũng có những xã có lượng hàng hóa nông nghiệp nhiều, nhu cầu giao thương lớn cũng đã tự nguyện làm đường 5m để cho 2 làn xe tránh nhau. Do đó, tiêu chí này sẽ được cấp tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Như vậy, tiêu chí cứng hóa đường giao thông vẫn đạt và cũng vẫn rất linh hoạt cho các xã khi đăng ký xây dựng mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngày 13/9 vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã họp và cho ý kiến về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Phát biểu tại đây Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Soạn thảo một vài chữ không đúng là không thể thực hiện được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải tập trung công sức hoàn thiện Bộ tiêu chí này, không để các địa phương phản ứng vì những cách hiểu khác nhau khi thực hiện”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới phải giải quyết được 5 mục tiêu hướng tới của nông thôn mới và giải quyết được 3 vấn đề nổi lên sau 5 năm thực hiện Bộ tiêu chí cũ. Theo đó, Bộ tiêu chí mới vẫn bao gồm 19 tiêu chí, sẽ mang tính chất “tiêu chí khung” để thống nhất thực hiện trong toàn quốc.
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác rà soát kỹ lại các tiêu chí, tiêu chuẩn, nội hàm, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cho giai đoạn 2016-2020. Bộ, ngành sẽ hướng dẫn, cụ thể hóa tiêu chí thuộc chức năng quản lý Nhà nước của mình thành các tiêu chuẩn cụ thể. UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của các bộ, ngành để quy định chi tiết các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn, nhưng không được hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chuẩn của các tiêu chí./.
Theo: Hiền Nguyễn (dangcongsan.vn)