Giảm nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số: Đóng góp đáng kể của Chương trình 135
05:02 PM 12/06/2018 | Lượt xem: 4136 In bài viết |Những đổi mới trong chính sách giảm nghèo của Việt Nam những năm gần đây bước đầu đã tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giảm còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015), tỷ lệ cận nghèo là 9,24% (tăng 0,42% so với cuối năm 2015).
Những con số đáng lưu tâm
Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) nêu: “Thời gian qua, công tác giảm nghèo thiếu bền vững. Chưa hình thành cơ chế đồng bộ về giảm nghèo đa chiều, đa mục tiêu. Nhiều chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo chồng chéo nhau và chồng chéo với các chính sách khác”. Do vậy, chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng.
Cách tiếp cận chuẩn nghèo này của Việt Nam hiện nay là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, đối với vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì đây lại là một thách thức không nhỏ đối với công tác giảm nghèo bền vững. Và dĩ nhiên, sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức trong xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ tác động rất lớn đến công tác xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Tỷ lệ nghèo về thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số luôn cao hơn nhiều lần so với mức trung bình cả nước. Điều đáng qua tâm là 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chỉ chiếm 15% tổng dân số, nhưng lại chiếm gần một nửa (47%) trong tổng số người nghèo của cả nước và chiếm 68% số người nghèo cùng cực.
Báo cáo tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc do Ủy ban Dân tộc tổ chức cho thấy, theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều từ đầu giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào DTTS khu vực phía Bắc có tỷ lệ nghèo và cận nghèo rất cao, với tổng số hộ nghèo là 1.034.831 hộ, chiếm 18,49% (cả nước là 9,88%); hộ cận nghèo là 493.812 hộ, chiếm 8,82% (cả nước là 5,22%). Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn 2016-2020 đã đầu tư cho 1.499 xã và 2.436 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc 18 tỉnh khu vực phía Bắc. Trong ba năm, ngân sách trung ương phân bổ cho các tỉnh là 7.563.597 triệu đồng, chiếm 66,4% tổng số vốn đã phân bổ của cả nước; vốn ngân sách địa phương tự cân đối để thực hiện xấp xỉ 1.000.000 triệu đồng; huy động nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ Ai Len trong 2 năm (2016-2017) cho năm tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa là 145.580 triệu đồng.
Những mô hình, cách làm hay
Triển khai các hợp phần của Chương trình, các tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với gần 8.000 công trình, trong đó xây mới trên 4.000 công trình, duy tu bảo dưỡng trên 2.500 công trình, tỷ lệ giải ngân bình quân của khu vực đạt 82%. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai, hỗ trợ được khoảng 200 dự án phát triển sản xuất, 350 mô hình giảm nghèo, tổ chức gần 400 lớp tập huấn, tổng số lượt hộ nghèo được hưởng lợi trên 650.000 hộ. Đối với tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, các địa phương đã tổ chức 1.053 lớp tập huấn với tổng số 72.318 lượt người tham gia; nhiều tỉnh tổ chức cho cộng đồng, cán bộ cơ sở đi học tập các mô hình hay, hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp cho quá trình triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao hơn.
Sau hai năm triển khai, kết quả thực hiện Chương trình 135 đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản ĐBKK các tỉnh phía Bắc. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giảm còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015), tỷ lệ cận nghèo là 9,24% (tăng 0,42% so với cuối năm 2015).
Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình 135. Điển hình như Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với tổng kinh phí 1.342,439 tỷ đồng, dự án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa toàn bộ các xã 135 ra khỏi Chương trình 135 một cách bền vững.
Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình với việc áp dụng cơ chế quản lý đầu tư đặc thù theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 161) quy định về Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đối với dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao 70% công trình trên tổng số công trình toàn tỉnh cho cấp xã làm chủ đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia hầu hết quá trình đầu tư, từ việc tham gia lựa chọn công trình, đến tham gia giám sát và thực hiện xây dựng công trình, trực tiếp quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình...
(baophapluat.vn)