Chủ tịch Quốc hội: Không nên trì hoãn việc trình dự án Luật về hội

10:33 AM 26/09/2016 |   Lượt xem: 3800 |   In bài viết | 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trực tiếp chủ trì hai cuộc họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo và đại diện các cơ quan hữu quan để chỉ đạo các vấn đề nguyên tắc, rà soát, chỉnh lý các chương, điều cụ thể của dự thảo Luật về hội. Thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất về nhiều nội dung của dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu chỉnh lý, kết cấu của dự thảo Luật có sự thay đổi từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 44 điều.

Trong đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý như sau: “Luật này quy định về lập hội, tổ chức, hoạt động của hội, quản lý nhà nước về hội, đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam”. Như vậy, dự thảo Luật đã cụ thể hóa được các nội dung quy định tại Điều 25 của Hiến pháp, vừa bảo đảm quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm quản lý nhà nước đối với hội và quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ (PCP) nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Với phạm vi điều chỉnh như vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu chỉnh lý về đối tượng áp dụng, bao gồm hội và tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước về hội, tổ chức PCP nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam.

Thảo luận về dự án Luật, các ý kiến tại phiên họp cơ bản bày tỏ đồng tình với các nội dung Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, quy định thành lập hội không đăng kí là một vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH bàn thảo. Theo dự luật, những hội này có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội, người đại diện theo ủy quyền của các hội viên và khi có sự thay đổi người đại diện hoặc trước khi chấm dứt hoạt động.

Bàn về dự thảo Luật, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đánh giá, dự Luật trình lần này tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH tại hội nghị chuyên trách mới đây. Tuy nhiên, ông lưu ý, Luật phải làm thế nào để vừa đảm bảo quyền lập hội nhưng phải đảm bảo quản lý nhà nước bởi có những hội đặc thù nhất định, đặc biệt là những hội không đăng kí.

Ông bày tỏ phân vân về quy định đối với những hội không đăng kí. “Theo dự luật thì những hội không đăng kí phải thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nhưng điều này sẽ được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống như thế nào, họ có đăng kí không? Hội đồng ngũ là quân nhân có tính kỷ luật cao thì có thể đăng kí nhưng Hội đồng niên, Hội yêu hoa... có đăng kí không? Nếu không đăng kí thì ta có biện pháp gì không? Nếu không có biện pháp gì thì pháp luật không có hiệu lực?” – ông nói.

Cũng bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình nêu vấn đề: Hội không đăng ký thì khi họ hoạt động sẽ đăng kí như thế nào? Ông dẫn chứng một việc mới nhất “Sáng nay tôi đọc báo thấy phản ánh có thanh niên nói nếu có 40.000 người ủng hộ thì sẽ tự thiêu đốt, sau đó mà có tới 80.000 like nên cậu đốt thiệt. Đốt xong nhảy xuống sông ngay nên không chết nhưng gây nghẽn đường. Vậy cái này thì sao, dù không phải hội nhưng họ tập hợp thế thì sao? Hay tôi là hội uống bia nhưng tôi ủng hộ một sự kiện chính trị thì sao, tôi đề nghị phải làm rõ vấn đề đó”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm, Luật chỉ nên tập trung quản lý hội có đăng kí, còn những hội không đăng kí như hội đồng hương, yêu hoa, cây cảnh... thì nên cân nhắc.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Bộ hồ sơ dự án Luật về hội có thể trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 tới đây; các ý kiến khác nhau, các phương án khác nhau chúng ta đã và sẽ tiếp tục xin ý kiến. “Chúng ta không nên dừng, không nên hoãn lại mà đưa ra để đại biểu Quốc hội thảo luận, để chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý Nhà nước bằng luật, mạnh dạn ban hành luật để điều chỉnh, quản lý Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, luật hóa những quy định dưới luật đang được áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn về hoạt động của hội, kể cả hoạt động của hội có yếu tố nước ngoài vào dự án Luật./.

Theo: dangcongsan.vn