Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) khắc phục “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ
09:15 AM 09/11/2016 | Lượt xem: 7839 In bài viết |Tờ trình về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày cho biết, Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007) với tư thế một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn.
Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề: Phát triển thị trường KH&CN; Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ đồng thời cho rằng, trong thời đại KH&CN đang phát triển như vũ bão, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến với một tốc độ chưa từng có, trong lúc đó thiết bị, máy móc của chúng ta đã lạc hậu 2 – 3 thế hệ là thách thức lớn đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không những thế làn sóng công nghệ lạc hậu vẫn hàng ngày, hàng giờ tìm sơ hở của chúng ta để đưa vào Việt Nam. Vì thế việc ban hành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) là một nội dung rất cấp thiết.
Về chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ (Điều 5), Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với việc chỉnh sửa, bổ sung Điều 5 “Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ” như trong Dự thảo Luật. Theo đó, cần chú trọng chuyển giao công nghệ (CGCN) trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, phát triển các sản phẩm Quốc gia, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và phát triển bền vững cũng như quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ đối với hoạt động CGCN cao và tiên tiến, hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ, khen thưởng nhằm thu hút, sử dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; bổ sung chính sách khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi CGCN cho nông dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ cao, tiên tiến, đã được kiểm nghiệm, đồng thời cụ thể hóa chính sách của Nhà nước tại các điều trong Dự thảo Luật.
Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư (Điều 12), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy rất cần thiết bổ sung quy định tại Điều 12 về việc phải thẩm định công nghệ đối với Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư để khắc phục tình trạng thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát một số công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta và hành vi chuyển giá thông qua hoạt động CGCN, đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định, quy định quy trình, thời gian thẩm định, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng…
Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực CGCN, tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ KH&CN, các Bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau CGCN (từ Điều 52 đến Điều 55 của Dự thảo Luật).
Liên đến vấn đề tổ chức môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá và giám định công nghệ (Điều 33, 34), Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với việc bổ sung các quy định tại Điều 33 “Tổ chức môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyên giao công nghệ” và Điều 34 “Tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ” để đẩy mạnh CGCN của các viện nghiên cứu, trường đại học; hình thành mạng lưới liên kết hoạt động tư vấn, CGCN trong và ngoài nước cũng như đánh giá, định giá và giám định công nghệ để kiểm soát chất lượng công nghệ trong quá trình CGCN, ngăn ngừa việc chuyển giá, trốn thuế thông qua CGCN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị các quy định về điều kiện, trách nhiệm của các tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ tại Điều 34 phải phù hợp với pháp luật về đầu tư, về giá, về hoạt động KH&CN,... bảo đảm năng lực cần thiết của các tổ chức cung cấp dịch vụ này. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào hoạt động này. Ý kiến khác đề nghị phải có chế tài phù hợp với trình độ công nghệ để ngăn ngừa tình trạng “lách luật” đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu trên trong Dự thảo Luật.
Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý ngoại thương./.
Theo: Đỗ Thoa