Tập trung ngăn chặn nạn buôn người qua biên giới ở Điện Biên
06:02 PM 29/01/2018 | Lượt xem: 10268 In bài viết |Sự gia tăng của tội phạm mua bán người qua biên giới ở Điện Biên là nguyên nhân của nhiều yếu tố tiềm ẩn, trực tiếp đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các xã vùng cao, biên giới trên địa bàn toàn tỉnh.
Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, hậu quả khôn lường...
Đến tận lúc này, dù may mắn hơn rất nhiều người vì đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng Điện Biên giải cứu kịp thời song Giàng Thị S vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã xảy ra với mình.
Cũng như nhiều thiếu nữ khác ở bản Co Lót, xã Mường Nhé (Mường Nhé, Điện Biên), Giàng Thị S lấy chồng khá sớm. Lần lượt 2 đứa con ra đời làm cho cuộc sống của đôi vợ trẻ không nghề nghiệp vốn đã khó khăn lại càng thiếu thốn hơn. Trong khi đó, Lầu A Pó - chồng S lại có tính ham vui, chẳng bao giờ chia sẻ, đỡ đần công việc gia đình cùng vợ. Quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương trên rẫy nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, lại không được chồng quan tâm nên nhiều lúc người vợ trẻ Giàng Thị S cũng muốn giải thoát để tìm cuộc sống mới nhàn nhã hơn. Giữa lúc đó, người đàn ông tự xưng tên Páo lại thường xuyên gọi vào số điện thoại của S để động viên, thăm hỏi và rủ rê Súa sang Trung Quốc lấy chồng để có cuộc sống sung sướng, giàu sang. Thông qua những cuộc điện thoại, Páo đã vẽ ra cho S viễn cảnh cuộc sống an nhàn phía bên kia biên giới, nơi mà Súa không phải vất vả làm lụng nhưng vẫn có nhà to để ở, có nhiều tiền để tiêu…Tin vào cuộc sống giàu sang mà không cần lao động, S đã đồng ý theo Páo sang Trung Quốc để… lấy chồng mới.
Ngày 30/5/2014, người có tên là Sùng A Dơ gọi điện cho S tự giới thiệu là bạn của Páo. Theo hướng dẫn của Dơ, S đã không chút mảy may nghi ngờ khi đón xe xuống trung tâm xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) để được Dơ đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Phải đến khi Dơ bị lực lượng Bộ đội biên phòng bắt giữ khi vượt biên cùng S thì S mới biết là mình đang bị lừa bán sang Trung Quốc.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Sùng A Dơ khai nhận, trong thời gian từ giữa năm 2013 đến khi bị bắt, bằng một thủ đoạn là xin số điện thoại, làm quen, tán tỉnh rồi vờ yêu, Dơ đã lừa bán trót lọt 3 phụ nữ ở các xã thuộc địa bàn của huyện Mường Nhé để bán sang Trung Quốc kiếm lời. Với mỗi nạn nhân, Dơ được các đối tượng khác trả từ 5 - 7 triệu đồng. Bản thân Dơ sau khi nhận tiền cũng hoàn toàn không biết 3 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc hiện đang ở đâu.
Vụ án Giàng Thị S kể trên chỉ là một trong rất nhiều vụ lừa bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới đã diễn ra ở Điện Biên trong thời gian vừa qua. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Điện Biên hiện có khoảng 370 phụ nữ, trẻ em vắng mặt không rõ lý do (nghi là nạn nhân của các vụ mua bán người qua biên giới), tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao như: Tủa Chùa (89 người), Tuần Giáo (84 người), Nậm Pồ (50 người), Mường Ảng (33 người)…
Thực tế cho thấy thủ đoạn của tội phạm mua bán người đang ngày càng trở lên tinh vi, xảo quyệt hơn trước. Thông qua nhiều cách, các đối tượng lấy số điện thoại của các thiếu nữ mới lớn rồi bày tỏ tình cảm yêu đương để dụ dỗ, lừa gạt. Nhiều đối tượng còn lợi dụng những hạn chế về nhận thức và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình nạn nhân để lôi kéo, lừa phỉnh bằng cách hứa sẽ kiếm việc làm có thu nhập cao, ổn định hay lấy chồng giàu có ở Trung Quốc… Đặc biệt, gần đây nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số, lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của các thiếu nữ là người cùng dân tộc để lừa bán sang Trung Quốc. Chúng còn lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số như "kéo vợ" của người Mông, ở rể của người Dao... để giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn, rồi dụ dỗ nạn nhân đi thăm nhà người thân và lừa đưa qua biên giới để bán.
Theo thống kê, từ tháng 10 năm 2014 đến hết tháng 5 năm 2017, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ án mua bán người. Lực lượng chức năng đã điều tra 36 vụ, bắt giữ 70 đối tượng phạm tội với 64 nạn nhân bị mua bán; trong đó, đã đưa ra xét xử 33 vụ với 57 bị cáo, 59 nạn nhân. Trong số này có 54 bị lừa bán sang Trung Quốc (trong đó 37 người bị làm gái mại dâm, 11 người bị chọn làm vợ, 6 người nhằm mục đích khác), còn 5 người bị lừa bán trong nước. Nạn nhân chủ yếu sống tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông… Hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ (89,83%) người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, có trình độ học vấn thấp, kiến thức xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi để kẻ phạm tội lợi dụng dụ dỗ, mua chuộc và lừa gạt thực hiện hành vi mua bán người qua biên giới.
Các đối tượng phạm tội mua bán người chủ yếu tập trung các đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, buôn bán tự do, chủ chứa mại dâm, môi giới mại dâm, nạn nhân từng bị mua bán làm gái mại dâm… Trong tổng số 57 bị cáo đã đưa ra xét xử có 2 bị cáo bị xử phạt từ 3 năm tù trở xuống; 31 bị cáo bị phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm; 17 bị cáo bị xử phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm; 7 bị cáo bị xử phạt từ trên 15 năm đến 20 năm tù và 2 bị cáo bị xử phạt 22 năm tù. Các bị cáo phạm tội mua bán người phần lớn là nam giới có độ tuổi rất trẻ từ 18 - 30 tuổi (chiếm tỷ lệ gần 44%) và chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.
Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn bán người.
Theo Đại tá Lê Bá Long - Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), tình hình tội phạm mua bán người tại địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua đã có những diễn biến phức tạp. Trong số 29 xã biên giới của Điện Biên hiện nay có nhiều xã được xác định là địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người như: Mường Nhé, Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé), Mường Pồn (huyện Điện Biên), Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), Mường Mươn, Na Sang (huyện Mường Chà)… Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã xác lập 5 chuyên án; 8 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm mua bán người; bắt 5 vụ, 7 đối tượng, giải cứu 11 nạn nhân.
Trước diễn biến và hoạt động phức tạp của tội phạm buôn bán người qua biên giới, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên mà trực tiếp là Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp và tăng cường lực lượng để kịp thời ngăn chặn hành vi phi nhân tính, qua đó đã phần nào kiềm chế được sự gia tăng của loại tội phạm này.
Trên cơ sở các văn bản, chỉ thị của cấp trên, Công an và Bộ đội Biên phòng đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; tập trung chỉ đạo các đội nghiệp vụ rà soát, lên danh sách đối tượng để quản lý, xác minh tuyến trọng điểm, xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đấu tranh; phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư để nhân dân nâng cao cảnh giác với tội phạm buôn bán người; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng địa bàn vững mạnh, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới...
Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Điện Biên là trách nhiệm chung của cơ quan chức năng các cấp và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương.
Để giảm các vụ mua bán phụ nữ qua biên giới, các cấp, các ngành cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp phòng chống tội phạm mua bán người; đồng thời, nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là phụ nữ, trẻ em gái cần nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng buôn người; chủ động đấu tranh, phát hiện, tố giác đối tượng phạm tội với các cơ quan chức năng. Đó là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình và người thân trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người qua biên giới./.
(dangcongsan.vn)