Xuất cảnh lao động trái phép ở Yên Bái: Chưa kịp đổi đời đã bỏ mạng
10:47 AM 06/04/2018 | Lượt xem: 9082 In bài viết |Tuy nhiên, nhiều người thay vì tự nỗ lực, phấn đấu bằng chính sức lực của mình thì lại nhẹ dạ, cả tin, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, tìm cách vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động với giấc mơ đổi đời. Để rồi sung sướng đâu chẳng thấy, chỉ thấy những chuỗi ngày dài chịu cảnh đói khát, bị đánh đập, thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người…
Chồng mất chưa lâu, người con trai duy nhất cũng vừa bỏ mạng nơi xứ người…, nước mắt bà Trần Thị Chinh ở xã Tuy Lộc, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái như đã cạn khô… Ân hận, day dứt, giờ bà chỉ mong thời gian có thể quay trở lại để bà kiên quyết ngăn cản không cho con của mình xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động.
Bà Trần Thị Chinh nói: “Con tôi nói đi làm xa lắm, đi về tốn kém nên đi đến tết mới về một lần. Từ hồi đó, nó cũng chưa có gửi được đồng nào về nhà cả. Thế rồi bất ngờ, bên kia gọi điện báo về là con tôi chết, không về được nữa”.
Nỗi đau cũng vừa ập đến với gia đình bà Nguyễn Thị Dụng ở phường Minh Tân, TP.Yên Bái. Chỉ vì xuất cảnh trái phép nên khi bệnh tật không được cấp cứu kịp thời mà con trai bà đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Bà Nguyễn Thị Dụng xót xa nói: “Con tôi bảo kêu đau ngực, vợ nó mới gọi mấy người ở cùng, toàn là người Việt Nam. Mọi người chạy sang đưa đi viện, nhưng đến viện thì đã chết rồi. Giờ vẫn không làm được giấy báo tử vì đi lao động sai, không phép, không biết nguyên nhân chết nên chính quyền không cấp giấy báo tử”.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục trường hợp chết hoặc mất tích khi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong vòng vài năm trở lại đây. Đa phần họ đều vượt biên trái phép sang lao động tại Trung Quốc, do vậy ngoài việc vi phạm pháp luật của nước sở tại, thì họ còn bị các chủ sử dụng lao động từ chối thanh toán các khoản hỗ trợ khi có tai nạn rủi ro xảy ra.
Trung tá Vũ Thị Thanh Hà - Đội trưởng Đội Tham mưu xuất nhập cảnh, Phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, họ không lường được việc xuất cảnh trái phép còn có những rủi ro. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh, việc giải quyết việc làm cho người đến độ tuổi lao động vẫn còn nhiều bất cập”.
Trong năm 2017, các lực lượng chức năng ở Yên Bái đã phát hiện hơn 220 vụ xuất cảnh trái phép, những tháng đầu năm 2018 là hơn 60 vụ. Có một thực tế dễ dàng nhận thấy đó là hầu hết những người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động đều nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, cũng biết trước sẽ phải chịu nhiều hệ lụy, rủi ro... nhưng vì cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên họ vẫn chấp nhận đánh cược với số phận.
Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lí xuất nhập cảnh tại địa phương. Thứ hai là phối hợp với các cơ quan báo đài để tuyên truyền pháp luật đến người dân, để từ đó người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với các hoạt động môi giới, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Từ đó để người dân nhận thức rõ bản chất sự việc để không xuất cảnh trái phép ra nước ngoài và nếu có nhu cầu thì sẽ đi bằng con đường công khai, hợp pháp”.
Giữ chân người lao động vùng cao miền núi ở lại quê hương trong bối cảnh cuộc sống vất vả khó khăn là bài toán không dễ. Nhưng sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu các địa phương tìm ra được hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho từng bản làng, từng gia cảnh. Cơm đủ no, áo đủ mặc, cuộc sống ngày một sung túc hơn thì không ai nỡ rời bỏ quê hương./.
(vov.vn)