Bế mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
05:08 PM 21/09/2017 | Lượt xem: 4001 In bài viết |Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 14 sau khi tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Theo báo cáo giám sát, bên cạnh những mặt đã đạt được, việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Về vấn đề này, báo cáo giám sát đánh giá: “Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống; đã đạt được mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được nâng lên”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng việc thực hiện Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như việc ngư dân khó tiếp cận các khoản vay tín dụng; thủ tục còn rườm rà, chưa có cơ chế cho ngư dân tham gia lựa chọn nguyên vật liệu, máy móc trong quá trình thiết kế, thi công tàu cá; việc sửa chữa những sự cố do lỗi kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tàu cá đóng mới chưa kịp thời, gây thiệt hại cho ngư dân; việc đóng mới tàu vỏ thép, tàu có công suất lớn chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng cho thuyền viên… Đặc biệt nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động thủy sản được báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua,
Là người phát biểu đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, vấn đề rất nhức nhối vừa qua là vi phạm của cơ sở đóng tàu vỏ sắt, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín chính sách, cũng gây thiệt hại lớn với ngư dân. “Ngư dân trông chờ khi có tàu này thì công suất, năng suất cao hơn nhưng có lẽ vừa qua chúng ta chưa xử lý vấn đề này nghiêm minh” – ông nói.
Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ “Khi ban hành Nghị định này chúng ta rất kỳ vọng, tuy nhiên từ khi thực hiện đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề như báo chí đã đưa tin. Trong khi đó, báo cáo chỉ liệt kê vài chính sách phát triển thủy sản như: đầu tư, tín dụng, bảo hiểm…”. Nhấn mạnh bên cạnh những mặt được thì người dân quan tâm đến những hạn chế, tiêu cực trong thực hiện Nghị định 67, bà đề nghị: “Tình trạng thế nào, trách nhiệm thuộc về ai phải nói rõ”.
Dưới góc độ công tác dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Bà phát biểu thẳng thắn: “Tôi rất không đồng tình khi chúng ta chỉ đánh giá vấn đề mờ nhạt. Đây là vấn đề lớn, được cử tri rất quan tâm, Nghị định này đã được thực hiện 3 năm, việc tổng kết thực hiện thế nào không chỉ ảnh hưởng đến các cử tri mà còn ảnh hưởng đến lòng tin với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Những kiến nghị của cử tri được Chính phủ tiếp thu, bố trí nguồn vốn nhanh chóng nhưng trong triển khai lại gây ra những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tôi đề nghị đoàn giám sát, Bộ chủ quản đánh giá sâu sắc hơn, thậm chí có riêng báo cáo đầy đủ về vấn đề này”.
Liên quan đến việc đóng tàu cá vỏ thép, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đóng tàu cá vỏ thép thì chủ trương, quan điểm rất là đúng còn sai do thực thi pháp luật”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trước những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, một quyết sách đúng. Tuy vậy, một trong những tồn tại là việc đóng tàu mới để tăng phương tiện ra ngoài khơi. “Đến giờ phút này thì các tỉnh đăng kí với ngân hàng để đóng tàu được 1948 chiếc. Hiện nay tổ chức thực hiện đóng mới được 1510 chiếc, trong đó có 761 chiếc đi vào hoạt động cơ bản tốt. Trong số này có 301 tàu thép đang hoạt động nhưng hiện nay có 40 cái hỏng hóc ở các tỉnh khác nhau. Trong đó, tâm điểm là tỉnh Bình Định có 18 chiếc, những tỉnh khác có 1, 2 chiếc hỏng hóc nhỏ”.
Theo Bộ trưởng, cho đến giờ phút này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có 3 việc đang tập trung giải quyết gồm: sửa chữa các tàu bị hỏng; Bộ Công an vào cuộc điều tra rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng này ở đâu để xử lý theo đúng quy định pháp luật; ngành nông nghiệp hướng dẫn 27 tỉnh có tàu này thường xuyên rà soát.
“Để xảy ra việc này là đáng tiếc, nhưng Thủ tướng Chính phủ, các ngành, đặc biệt là tỉnh Bình định đã kiên quyết tập trung khắc phục với thái độ nghiêm túc. Đến giờ phút này có thể khẳng định đây là chủ trương đúng để tăng năng lực cho đội tàu đủ sức vươn khơi, sai đâu trị đấy, không phải vì một vài cái hỏng mà chính sách lớn của ta bị đổ vỡ” – Bộ trưởng khẳng định.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh./.
(Theo dangcongsan.vn)