Những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH năm 2017

03:08 PM 06/01/2017 |   Lượt xem: 4635 |   In bài viết | 

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp với chủ đề năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên của Nghị quyết là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và trong nước để chủ động có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành chính sách bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương điều hành ứng phó với diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống Đô la hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.

Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và chủ động phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc huy động và tăng trưởng tín dụng phục vụ đầu tư sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Trong quý II năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhân rộng khoán xe công. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tự cân đối, bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo chế độ: Một phần số thu để lại theo chế độ và tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách (không kể các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật) để thực hiện cải cách tiền lương.

Đối với những địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà vẫn thiếu nguồn, ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017. Các địa phương chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang năm sau để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Ngân sách trung ương không hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cho các địa phương có dư nguồn cải cách tiền lương hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2017 - 2020.

Nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng phát triển trong một số ngành lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.

Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động đến phát triển kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2017.

Các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Phấn đấu đạt được mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp, chính sách thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp phụ trợ; xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình triển khai việc áp dụng công nghệ thông tin, internet, ứng dụng số hóa trong các ngành, lĩnh vực; xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh,... tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm trong nước.

Các địa phương đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu và có giải pháp cụ thể để cải thiện từng chỉ số trong Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAPI).

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng gồm: Tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Trong đó, về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu, diện tích cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nuôi công nghiệp, thực hành quy trình nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn quốc tế, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương có kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu. Huy động có hiệu quả các loại khoáng sản có trữ lượng lớn vào chế biến sâu; phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế tạo; công nghiệp phụ trợ; tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm du lịch Việt Nam. Khai thác tiềm năng du lịch bảo đảm phát triển bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường bền vững bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Các địa phương phát huy lợi thế của địa phương lựa chọn phát triển ngành, lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường; nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh nhằm khắc phục tính cục bộ, phát huy thế mạnh của kinh tế vùng và liên kết vùng; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể giữa các vùng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển KTXH 2011- 2020

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 gồm: 1- Tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; 3- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tế. Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa giáo dục và đào tạo; thực hiện phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng cường tính tự chủ và áp dụng cơ chế cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; tăng dần đấu thầu, đặt hàng chỉ tiêu đào tạo nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước; nghiên cứu thí điểm chuyển đổi một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang mô hình cổ phần hóa.

Đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng tăng nội dung thực hành, gắn kết chặt chẽ hơn với thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Rà soát quy hoạch mạng lưới trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề.

Ưu tiên đào tạo nhân lực ngành kỹ thuật, công nghệ; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành các quy định về hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản sửa đổi bổ sung các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành; khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2017.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với hoạt động cải cách hành chính. Tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức, viên chức trong triển khai thực hiện công vụ. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của đơn vị mình được phân công phụ trách. Nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các nhiệm vụ giao cho đơn vị mình quản lý. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

Đồng thời, tăng cường triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công qua mạng, thuê doanh nghiệp thực hiện cung cấp hoặc thực hiện một số khâu, thủ tục cung cấp dịch vụ công; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch tất cả các khâu trong quy trình bổ nhiệm để chọn được người tài.

(Theo: Hoàng Diên - chinhphu.vn)