Phú Thọ cần sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc

10:35 AM 04/09/2022 |   Lượt xem: 3102 |   In bài viết | 

Thủ tướng và các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những điều kiện, tiền đề để Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Nhiều kết quả tích cực

Phú Thọ có vị trí tương đối trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên không rộng, chỉ 3.534,6 km² (đứng thứ 38/63 cả nước), nhưng dân số gần 1,6 triệu người (thứ 21/63 cả nước) gồm hơn 20 dân tộc anh em sinh sống.

Phú Thọ có vị trí quan trọng, tiếp giáp giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng; vị trí "ngã ba sông", cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc; nằm trên Hành lang Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gần Sân bay Nội Bài, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai... có điều kiện thuận lợi, cơ hội hợp tác, liên kết phát triển kinh tế toàn diện.

Phú Thọ là vùng đất lịch sử, linh thiêng, có nhiều di tích, danh thắng (1.372 di tích, với 308 di tích được xếp hạng), 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương), nhiều lễ hội văn hóa, tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch.

Báo cáo của tỉnh Phú Thọ và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả tích cực.

Tốc độ tăng GRDP đạt 6,28%, đứng thứ 21/63 cả nước và thứ 5 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế đạt 80.958 tỷ đồng (đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp - xây dựng 38,0%; dịch vụ 40,4%; nông lâm nghiệp 21,6%). Công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Văn hóa, xã hội phát triển toàn diện; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016 -  2020 . Giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Xây dựng nông thôn mới được chú trọng, 4/13 đơn vị cấp huyện, 122/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung giải quyết những khó khăn ở vùng đồng bào DTTS

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng và các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những điều kiện, tiền đề để Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ ấn tượng khi tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển, vươn mình mạnh mẽ, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã dành sự quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục dân tộc. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực DTTS, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng tình với định hướng phát triển của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, tỉnh Phú Thọ cần phát huy tiềm năng. thế mạnh, tăng cường kết nối kinh tế vùng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, kinh tế rừng, quy hoạch, thu hút đầu tư… Nhờ thế mạnh tín ngưỡng thờ Mẫu, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch, tỉnh cần phát triển tua tuyến điểm, sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm đặc hữu, tạo thu nhập, sinh kế bền vững cho người dân.

Chia sẻ những khó khăn của tỉnh khi còn những địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS; cho rằng địa bàn này so với cả nước là không nhiều, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, tỉnh cần có quyết tâm, tập trung nguồn lực giải quyết những khó khăn ở địa bàn này, hoàn thành hiệu quả, trước thời hạn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo tinh thần Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Phú Thọ, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng Phú Thọ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn phát triển

Phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xứng đáng với vùng Đất Tổ

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu, kết quả đạt được trong thời gian qua của tỉnh Phú Thọ, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Phú Thọ về bộ mặt nông thôn, thành thị ngày càng khang trang; đoàn kết, thống nhất được giữ vững; sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho y tế và giáo dục; công tác phòng chống dịch được làm tốt; phục hồi kinh tế - xã hội nhanh so với cả nước…

Thủ tướng đề nghị Phú Thọ cần phát huy mạnh mẽ, đi lên từ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mà các đại biểu đã chỉ ra. Thủ tướng nhấn mạnh điểm đặc biệt của Phú Thọ là vùng Đất Tổ linh thiêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao…

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã chủ động xây dựng các Nghị quyết, đề án, quy hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành. Theo đó, tỉnh phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xứng đáng với vùng Đất Tổ", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng lưu ý, trước hết cần tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu lại để công nghiệp thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh như du lịch, vận tải, Logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương.

Tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; hạ tầng chuyển đổi số. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh. Nâng cao chất lượng y tế, nhất là tuyến cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Phú Thọ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Phú Thọ, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng Phú Thọ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn phát triển.

Trước đó, cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập, Trường THPT Yên Lập, thăm công trình xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương; làm việc, tháo gỡ khó khăn cho mô hình tự chủ tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ; kiểm tra, đôn đốc Dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

(baodantoc.vn)