Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc 2023

11:06 AM 13/02/2023 |   Lượt xem: 6759 |   In bài viết | 

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuânvà lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về dự Ngày hội

Tham dự Ngày hội còn có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; cùng lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương.

Về phía Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông tham dự Ngày hội.

Đồng bào các dân tộc phấn khởi đón các vị khách quách quý về dự Ngày hội

Phát biểu tại Ngày hội, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển, bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

“Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và cùng giúp nhau phát triển”, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chào mừng Ngày hội

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho hay trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc đã phát huy truyền thống yêu nước; đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Nhiều vùng dân tộc đã trở thành căn cứ địa cách mạng, đùm bọc nuôi giấu, chở che bộ đội. Nhân dân các dân tộc anh em đã hiến dâng sức người, sức của để cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đi đến thắng lợi cuối cùng; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đồng bào các dân tộc đã quyết tâm vươn lên mạnh mẽ; đồng tâm, hiệp lực, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng - kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi được quan tâm, đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Ngày hội

Quyền Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa; đặc biệt là văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa và tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Văn hóa các dân tộc Việt Nam mang tính đặc sắc, riêng có của Việt Nam; vừa thống nhất, vừa đa dạng. Đây là công lao, kết quả sáng tạo, gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của 54 dân tộc anh em. Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân nhưng đồng thời là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao quà lưu niệm cho đại diện đồng bào DTTS

Nhân dịp này, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã biểu dương Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, bà con DTTS vì có nhiều sáng kiến, nỗ lực bền bỉ duy trì và phát triển các hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong suốt 13 năm qua. Sự kiện quan trọng lần này cùng nhiều hoạt động ý nghĩa của Làng thời gian qua đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và đoàn kết dân tộc; tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, tiềm năng và sức sáng tạo của các dân tộc vào sự nghiệp chung.

Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc cũng cần kề vai sát cánh, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên; cùng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các vị già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục là hạt nhân quy tụ, đoàn kết, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nỗ lực giữ gìn, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp đến nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và trao truyền cho thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần bồi đắp sức mạnh và giá trị Việt Nam, đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Hòa chung không khí phấn khởi, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thiết thực triển khai các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, VHTT&DL long trọng tổ chức Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2023.

Đại diện đồng bào DTTS tặng nón lá cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Bộ trưởng một lần nữa khẳng định trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp. Tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, nhân nghĩa, bao dung, cần cù, sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất là “mạch nguồn” của sức mạnh Việt Nam.

Trong chặng đường đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước, văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương văn hóa năm 1943, Đảng ta đã xác định: Văn hóa là một trong ba mặt trận trọng tâm (kinh tế - chính trị - văn hóa), thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa theo hướng dân tộc - khoa học - đại chúng.

Đại diện đồng bào DTTS chia sẻ cảm nghĩ tại Ngày hội

“Từ ánh sáng và những giá trị vượt thời gian của bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hơn. Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tới Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đều xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng đến sự toàn diện và hài hòa. Trong đó, nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em đươc lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng, hoạt động theo phương châm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” là một minh chứng sống động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.

Bộ trưởng đánh giá, bằng văn hóa và từ văn hóa, thông qua các sự kiện lớn được tổ chức thường niên cùng các hoạt động hằng ngày của cộng đồng các dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng được Nhân dân và du khách biết đến nhiều hơn, như là một "địa chỉ đỏ" về bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc là dịp để đồng bào các dân tộc chia sẻ tình cảm gắn bó keo sơn một nhà; cùng ước vọng về một năm mới may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc đến với cộng đồng 54 dân tộc anh em, cho đất nước phát triển ngày càng phồn vinh. Với sự đổi mới về hình thức và nội dung qua từng năm, Ngày hội đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của những người thực hành văn hóa, đồng bào từng dân tộc đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; củng cố sức mạnh của khối Đại đoàn kết, đồng thời là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc 2023 diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/2, với sự tham gia của hơn 200 đồng bào DTTS, những chủ nhân của văn hóa đến từ cộng đồng 25 dân tộc thuộc 14 tỉnh/thành phố. Đến với Ngày hội, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đậm màu sắc với chương trình giao lưu Xuân về trên Đền, Tháp tại quần thể tháp Chăm; không gian di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO vinh danh; cồng chiêng Tây Nguyên vang nên giữa đại ngàn, hưởng ứng Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại… Hòa với sắc vàng hoa cải, sắc đào Tây Bắc… Tất cả những hoạt động đó đã tạo nên âm thanh đa sắc màu, các loại hình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc được quyện hòa.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với đồng bào

Đồng bào, du khách, người dân cùng nhau thưởng thức ẩm thực, tham gia các trò chơi dân gian tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng, Ba Na... Đây cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của 25 cộng đồng dân tộc đang sinh hoạt thường xuyên tại Làng.

Vòng xòe Ngày hội

Đại diện cho đồng bào các dân tộc tham dự Ngày hội, bà Nguyễn Thị Xuyến (dân tộc Tày) thể hiện sự xúc động, hạnh phúc vì thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng “Ngôi nhà chung” để đồng bào 54 dân tộc anh em được về đây tái hiện, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Đồng bào các dân tộc sẽ tục phát huy vai trò, trách nhiệm để cùng nhau bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khơi dậy ý thức tự hào về văn hóa dân tộc.

“Chúng tôi hứa một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cố gắng gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, bà Nguyễn Thị Xuyến bày tỏ.

(baodantoc.vn)

Tin khác