Thôn tin thị trường giá cả số 42/2021

12:00 AM 15/10/2021 |   Lượt xem: 20446 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối

Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, vụ đông 2021, các địa phương phía Bắc gieo trồng khoảng 110.000 héc-ta ngô lấy hạt và ngô sinh khối. Để tạo điều kiện phát triển diện tích ngô sinh khối thì cần tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ.

Chủ yếu phục vụ chăn nuôi gia súc

Thời gian qua, sản xuất ngô sinh khối (trồng ngô lấy thân) vụ đông ở các tỉnh miền Bắc ngày càng tăng và mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho gia súc rất lớn. Vì vậy, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc.

Với 1 héc-ta chuyên canh được trồng ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng 80 đến 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác. Hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả của việc chuyển trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 2 đến 3 nghìn héc-ta ngô sinh khối. Trong đó, các địa phương như thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, Dũng Phong huyện Cao Phong do có diện tích đất trồng cam đã hết chu kỳ thu hoạch nên chuyển sang trồng ngô sinh khối để cải tạo đất. Hay một số địa phương khác chuyển đổi từ diện tích đất trồng mía, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối. Qua đánh giá, năng suất thu được trung bình của ngô sinh khối trên địa bàn khoảng 50 tấn cây tươi/héc-ta, giá bán dao động từ 700 đến 1.000 đồng/kg tươi, lợi nhuận thu về 35 đến 45 triệu đồng/héc-ta/vụ.

Bảo đảm đầu ra ổn định

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân để tiêu thụ ngô sinh đã và đang phát huy được hiệu quả. Mặc dù cây ngô sinh khối được đánh giá là dễ trồng, thời vụ sản xuất ngắn nhưng sản xuất ngô sinh khối ở nhiều địa phương còn mang tính nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, người dân chưa chủ động và chú trọng tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ ngô sinh khối. Một số địa phương chưa thu hút được doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi thu mua nên việc phát triển ngô sinh khối còn nhiều hạn chế. Sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông trên đất 2 lúa còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hệ thống tưới tiêu… Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường liên kết nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phát triển ngô sinh khối trong thời gian qua đã và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương quan tâm triển khai. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi cũng đang tạo điều kiện cho việc phát triển ngô sinh khối ở nhiều địa phương. Trong năm 2020, các địa phương đã trồng khoảng hơn 11.000 héc-ta ngô sinh khối. Đặc biệt, các chuỗi liên kết trong sản xuất ngô sinh khối năm 2020 được kết nối và tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì ngô sinh khối vẫn đang cần được quan tâm phát triển hơn nữa nhằm phát triển ngành chăn nuôi. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối không chỉ góp phần tận dụng quỹ đất trong vụ đông mà còn giải quyết nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc. Vì vậy, việc phát triển các vùng trồng ngô sinh khối là khá cần thiết, nhất là trên chân đất lúa kém hiệu quả và trên chân đất lúa vụ đông.

Việc chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đã và đang mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân các huyện miền núi phía Bắc. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Lộc Ninh - Bình Phước:

Người nuôi dê gặp khó

Thời gian qua, phong trào chăn nuôi dê phát triển mạnh ở huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ nuôi dê. 

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá dê giảm mạnh và không có đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gây khó khăn cho không ít hộ chăn nuôi. Hiện giá dê chỉ còn hơn 70.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cao điểm. Giá dê giảm mạnh khiến hàng ngàn hộ chăn nuôi dê đang tìm nơi tiêu thụ. Điển hình là tại ấp Bù Nồm có 218 hộ dân, trong đó 56% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số và nơi đây có trên 75% số hộ đang đầu tư nuôi dê. Hộ có ít nuôi 3, 4 con nái, hộ trung bình nuôi khoảng 100 con/chuồng. Một số trang trại nuôi từ 300 - 500 con. Tình trạng giá dê xuống thấp, không có thương lái thu mua khiến nhiều nông hộ bất an bởi dê đã đến kỳ xuất chuồng, lại không có đầu ra, bán nhỏ lẻ thì giá rất thấp. Hiện các hộ nuôi dê đang phải cầm cự và tìm mọi cách giữ đàn. Thậm chí, để hạn chế thua lỗ, nhiều hộ chủ động cắt giảm nguồn thức ăn cho dê và tăng cường cho ăn lá keo. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp dài hơi bởi dê vẫn phải ăn cám.

Trước tình hình này, huyện Lộc Ninh đã thành lập Tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản để cùng ngành nông nghiệp và cộng đồng tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho người dân.

Dê vốn ăn tạp, ít dịch bệnh nên dễ nuôi. Bình Phước lại có diện tích hồ tiêu lớn, trong đó hơn 2/3 được trồng bằng cây nọc sống. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp khi tận nguồn lá cây cho dê ăn, rồi lấy phân dê bón lại cho cây tiêu.

Đồng Nai:

Ca cao không lo đầu ra

Nhờ xây dựng tốt chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, trái ca cao của các hộ dân xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai luôn được thu mua với giá ổn định, bất chấp nhiều loại trái cây khác đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Diện tích cây ca cao của Đồng Nai trong những năm gần đây đã tăng khoảng 20%. Nhờ các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên thu nhập của nông dân trồng ca cao tương đối ổn định. Đây chính là cơ sở để huyện Xuân Lộc hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng cánh đồng lớn ca cao với diện tích khoảng 70 héc-ta tại các xã: Suối Cát, Xuân Thọ và Xuân Bắc. Trong đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát đã liên kết với Công ty ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các xã viên. Với mức giá được ký kết là 6.000 đồng/kg, người trồng ca cao có thu nhập 150 - 200 triệu đồng/héc-ta/năm. Công ty ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân với giá sàn trong thời hạn 5 năm. Mỗi năm lại có mức giá sàn riêng để đảm bảo lợi ích cho nông dân. Từ khi được Công ty ca cao Trọng Đức bao tiêu sản phẩm, trái ca cao ở xã Suối Cát không còn bị tư thương ép giá, bà con yên tâm gia tăng trồng trọt, sản xuất mà không phải lo đầu ra.

Không chỉ dừng lại trong việc cung cấp hạt ca cao thô, Hợp tác xã ca cao Suối Cát còn mạnh dạn hợp đồng với công ty Marou, một doanh nghiệp chế biến socola uy tín của Pháp để cung cấp hạt ca cao đã qua công đoạn ủ men sơ chế. Hiện tại, hợp tác xã đã tự sản xuất tại chỗ các loại socola, bột socola và rượu làm từ ca cao để cung cấp cho thị trường. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho các thành viên, đến nay, hợp tác xã đã trang bị hệ thống máy móc trong các khâu ủ, tách hạt, chế biến thành các sản phẩm như bột ca cao và ca cao dạng viên nén. Đồng thời, xây dựng một số hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm về quy trình sản xuất ca cao của Hợp tác xã Suối Cát. Mô hình du lịch sinh thái vườn ca cao được triển khai từ đầu năm 2021 nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của vườn ca cao.

Bình Định:

Thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng giá

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi như: C.P, Cargill, Guyomarc’h-VCN, Vina, BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam… đã gửi thông báo chính thức đến đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi. Mức tăng bình quân từ 300 - 500 đồng/kg tùy loại sản phẩm. Đặc biệt có một số loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp, tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Đây là lần thứ 9 trong năm 2021, thức ăn chăn nuôi tăng giá, khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% so với hồi đầu năm. Hiện giá cám heo ở mức 265.000 – 290.000 đồng/bao 25kg; cám gia cầm 260.000 – 285.000 đồng/bao 25kg; cám cá 250.000 – 270.000 đồng/bao 25 kg, cám tôm 220.000 – 255.000 đồng/bao 25 kg.

Hương Khê - Hà Tĩnh:

Kết nối tiêu thụ trên 17.000 tấn bưởi Phúc Trạch

Thu hoạch bưởi Phúc Trạch năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên việc phân phối, vận chuyển bưởi gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã xây dựng phương án, đề ra các giải pháp kết nối, tiêu thụ, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do đó, việc tiêu thụ bưởi có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện Hương Khê đã tiêu thụ được trên 17.000 tấn bưởi Phúc Trạch, đạt trên 70% sản lượng. Với tiến độ này, dự kiến khoảng 10 - 15 ngày tới, người dân trên địa bàn sẽ cơ bản thu hoạch và tiêu thụ hết số lượng bưởi còn lại của vụ mùa năm nay.

Hậu Giang:

Giá trứng vịt tăng

Hiện tại, tình hình giãn cách xã hội tại một số tỉnh thành đã nới lỏng giãn cách xã hội nên thương lái đẩy mạnh thu gom trứng. Tuy nhiên, lượng trứng vịt đẻ đã giảm nên dẫn đến thiếu cung so với cầu, khiến cho giá trứng tăng theo từng ngày.  Hiện giá trứng mua tại lò ấp vịt là 2.300 đồng/trứng, tăng 500 - 600 đồng/trứng so với tháng trước. Người bán lẻ thì phải tăng giá bán lên từ 22.000 - 28.000 đồng/chục tùy loại lớn hay nhỏ.
Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá bưởi da xanh giảm xuống mức thấp

Hiện nay, bưởi da xanh đang được nông dân tại các địa phương vùng ÐBSCL bán cho thương lái với mức giá giảm gần 50% so với hồi đầu năm 2021 và thấp nhất trong nhiều năm qua. Bưởi da xanh hàng tuyển lựa loại 1 tại Tiền Giang, Vĩnh Long… được nông dân bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Còn bưởi da xanh (trọng lượng từ 1kg/trái trở lên) nhiều nhà vườn bán xô ngay tại vườn chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu năm giá trên dưới 20.000 đồng/kg. Tại TP. Cần Thơ, bưởi da xanh (loại từ 1 kg/trái trở lên) bán lẻ tại điểm kinh doanh trái cây với giá 25.000 - 35.000 đồng/kg, còn giá bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng tự chọn ở mức 35.000 - 45.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh giảm thấp do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sức tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng khá chậm dù nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội.

Lào Cai:

Mở rộng diện tích trồng bồ đề

Cùng với cây trồng khác, bồ đề đang là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao đối với bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Lào Cai hiện có gần 6.620 héc-ta cây bồ đề. Trong đó, nhiều diện tích đang cho thu hoạch nhựa cánh kiến trắng. Sản lượng bình quân 1,5 - 1,8 tấn nhựa/héc-ta với giá bán được doanh nghiệp thu mua dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Đặc biệt, vài năm gần đây, nhựa cây bồ đề để sản xuất cánh kiến trắng được biết đến là một loại sản phẩm tự nhiên có giá trị kinh tế cao, dùng làm nguyên liệu để chế biến dược liệu và hương liệu mỹ phẩm cao cấp. Với điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nhựa bồ đề, Lào Cai đang đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú Hà Nội đã tổ chức khai thác, thu mua nhựa bồ đề trên địa bàn để xuất khẩu. Theo đánh giá của các đơn vị thu mua, nhựa bồ đề ở Lào Cai có năng suất, chất lượng cao. Với giá 350.000 đồng/kg nhựa, 1 héc-ta bồ đề thu từ 60 - 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất lấy gỗ trước đây. Chính vì vậy, nhiều diện tích trồng bồ đề đã đến tuổi khai thác gỗ thay vì bán gỗ bà con đã chuyển sang khai thác nhựa. Đây là hướng đi mới, có tiềm năng cho người dân. Người dân vừa phát triển cây bồ đề lấy gỗ, song song với đó là lấy nhựa bồ đề vì giá trị của nhựa bồ đề cao gấp 2 - 3 lần giá trị gỗ.

Thời gian tới, Lào Cai tập trung vào việc tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân quy trình sản xuất bồ đề lấy nhựa. Đồng thời, đẩy mạnh mở rộng diện tích gừng dưới tán bồ đề, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Tuy nhiên, để cây bồ đề cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững, các địa phương, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, độ tuổi thu hoạch, kỹ thuật lấy nhựa… để nhựa bồ đề được lấy có chất lượng tốt nhất.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Thanh Hóa:

Quản lý chất lượng giống cây trồng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay vẫn còn tồn tại hàng trăm vườn ươm tự phát tại các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Như Thanh, Như Xuân... Giá cây giống bán ra từ các vườn ươm này chỉ bằng khoảng 1/2 so với các cơ sở đủ tiêu chuẩn cung ứng giống.

Và tất nhiên, chất lượng của cây giống tại các vườn ươm tự phát này cũng không bảo đảm, nguồn gốc, xuất xứ mập mờ. Bởi theo quy định, cây giống của các cơ sở được cấp phép phải đầy đủ các tiêu chuẩn, như: Nguồn gốc xuất xứ hạt giống, tiêu chuẩn chiều cao, đường kính cây giống, cây đạt tiêu chuẩn không sâu bệnh, thân cây không cong... mới cho xuất khỏi vườn ươm. Thực tế cho thấy, mức độ thiệt hại kinh tế do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát gây ra không nhỏ. Điển hình với cây keo, các giống keo lai chuẩn sẽ cho thu hoạch gấp khoảng 3 lần so với các giống trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều hộ dân trồng rừng vẫn tìm mua giống tại các cơ sở này.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, cây lâm nghiệp, cây ăn quả đều là những loại cây có chu kỳ đầu tư dài, vốn lớn. Do đó, người dân cần thận trọng khi lựa chọn giống đưa vào sản xuất, nhất là với quy mô lớn. Thiết nghĩ, để chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh để phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống. Trong công tác quản lý, các lực lượng chức năng cần phối hợp, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, lấy mẫu trên thị trường để đánh giá thực trạng về chất lượng giống cây trồng. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện cung ứng và chất lượng giống cây trồng theo quy định.

HÀNG VIỆT

Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung:

Ðặc sản đất Tổ

Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung là một sản vật truyền thống của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Đây là sản phẩm được chọn là một trong 5 sản phẩm OCOP hạng 5 sao cấp tỉnh và được đầu tư phát triển chuỗi sản xuất nhằm khẳng định vị thế đặc sản đất Tổ.

Nét văn hóa ẩm thực lâu đời của dân tộc Mường

Người dân xã Mỹ Lung ở huyện miền núi Yên Lập chủ yếu là người dân tộc Mường. Do gạo nếp Gà gáy chỉ phù hợp với đồng đất, thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước của Mỹ Lung nên cái tên gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung được hình thành chính là tên sản phẩm và địa danh nơi đây. Sản phẩm không chỉ là nét văn hóa ẩm thực lâu đời của địa phương mà còn chinh phục người tiêu dùng bởi những đặc trưng rất riêng biệt. Nếp Gà gáy là giống lúa dài ngày nên việc trồng và chăm sóc cũng khó hơn nhiều so với các loại lúa khác. Khi thu hoạch, nếp Gà gáy không thể thu hoạch bằng máy hay cắt bằng liềm mà phải thu hoạch từng bông bằng phương pháp hái nhắt. Đặc điểm nổi bật nhất là khi đồ xôi bằng nếp Gà gáy nhanh chín hơn so với các loại gạo khác. Nếu như gạo nếp thông thường phải ngâm gạo qua mấy giờ, sau đó đồ trong 40 phút mới thành xôi thì gạo nếp Mỹ Lung có thể không cần ngâm gạo, đồ xôi chỉ 15 - 20 phút là chín. Tương truyền trước đây, chỉ những gia đình khá giả, trung lưu mới trồng lúa nếp Gà gáy. Khi đến mùa thu hoạch, sau khi gặt, đập lúa phơi thóc xong thì người dân phải làm lễ ăn cơm mới, đồ xôi bằng gạo mới thắp hương cúng tổ tiên.

Gìn giữ sản vật quý

Tuy sản phẩm gạo nếp Gà gáy quý như vậy nhưng từng có thời gian sản phẩm này đứng trước nguy cơ mất giống. Đó là năm 2005, cả tỉnh Phú Thọ chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng gạo nếp Gà gáy với diện tích ít ỏi, khoảng 4 - 5 héc-ta. Sau đó, dự án phục tráng gạo nếp Gà gáy được thực hiện từ năm 2005 - 2011, diện tích nếp Gà gáy tăng lên 70 héc-ta. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc diện tích trồng gạo nếp Gà gáy lại giảm xuống còn 40 héc-ta. Năm 2012, một tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã thực hiện dự án bảo tồn và phát triển gạo nếp Gà gáy. Với sự hỗ trợ của dự án này, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy ra đời với 12 thành viên. Ngay khi mới thành lập, HTX đã cùng bà con nông dân xã Mỹ Lung ngày đêm bàn bạc và quyết tâm quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp, gìn giữ một sản vật quý. Đồng thời, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất. Nhóm giống có nhiệm vụ bảo tồn giữ nguồn gen quý, không bị lẫn tạp và cung ứng đủ giống cho các hộ gia đình. HTX trực tiếp hướng dẫn thành viên và bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới, từ đó hạn chế được sâu bệnh mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt. HTX còn là đầu mối thu mua sơ chế, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã.

Đáng mừng là những năm gần đây, thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, diện tích gieo cấy nếp Gà gáy đã chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất trồng lúa của xã Mỹ Lung. Năng suất trung bình 120 - 150 kg/sào, tương đương 3,2 đến 4,0 tấn/héc-ta, doanh thu trung bình đạt 90 triệu đồng/héc-ta, cao gấp 3 lần so với trồng các giống lúa khác.

Cũng nhờ giữ gìn và phát triển sản vật Gạo nếp Gà gáy mà các hộ thành viên của HTX sản xuất kinh doanh Gạo nếp Gà gáy Mỹ lung và người dân xã Mỹ Lung đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm ngoái, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đoạt cúp Vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm nay, sản phẩm được chọn là 1 trong 5 sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Phú Thọ. Đây là tiền đề để sản phẩm không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn góp phần vào kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm tới.