TIÊU ĐIỂM |
Đảm bảo hàng tết khu vực miền núi, hải đảo
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, không khí mua sắm tết của người dân ở các huyện miền núi, huyện đảo đã sôi động hơn. Ngay từ thời điểm cuối năm 2018, Sở Công Thương các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị ổn định thị trường hàng hóa tết khu vực này.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức khoảng 30 - 35 chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát công tác dự trữ, chuẩn bị, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường. Năm nay, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt gần 900 tỷ đồng, tăng gần 12,5% so với Tết Mậu Tuất. Đối với thị trường các tỉnh miền núi, hàng hóa phục vụ sẽ chú trọng vào những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, các loại thịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ tươi, các mặt hàng nông sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát... Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thuận lợi để chuẩn bị nguồn hàng tết.
Theo dự báo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, nhu cầu hàng hóa tết năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2018. Các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo phương thức hữu cơ trong nước được dự báo sẽ tiêu thụ mạnh... Hiện nay, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10 -15% so với các tháng trong năm để phục vụ thị trường tết; không để xảy ra tình trạng khan hàng, hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau tết. Quảng Ngãi cũng chỉ đạo công tác bình ổn thị trường tết phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để người tiêu dùng, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua được hàng chất lượng, đúng giá, trong dịp tết này, Sở Công Thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ tết tại nhiều điểm bán hàng di động, cố định, phiên chợ hàng Việt và hàng chục chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động khai thác nguồn hàng sản xuất theo quy trình hữu cơ tại các trang trại, nhà vườn.
Đặc biệt, Quảng Ngãi rất chú trọng đến việc cung ứng hàng hóa cho các huyện đảo. Ngay đầu tháng Chạp, người dân huyện đảo Lý Sơn đã tranh thủ mua hàng tết chở ra đảo. Mặt hàng được chở ra nhiều nhất thời điểm này là các loại cây cảnh. 2 - 3 năm gần đây, người dân đảo Lý Sơn thích chơi cây cảnh mini trong mấy ngày tết. Tuy nhiên, cây cảnh là một trong những mặt hàng khó vận chuyển trên tuyến giao thông thủy nên thương lái phải chủ động đưa hàng về từ đầu tháng Chạp để hạn chế hư hại do thời tiết. Bên cạnh cây cảnh, các mặt hàng bánh kẹo cũng được các cơ sở kinh doanh chủ động đưa ra đảo. Hiện nay, lượng bánh kẹo tại một số siêu thị mi ni trên đảo Lý Sơn đã tăng 50 - 70%. Trong đó, bánh kẹo nội do các doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất chiếm ưu thế.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các tàu vận tải hàng hóa trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn hoạt động hết công suất đưa hàng tết ra đảo. Trung bình mỗi ngày có 3 chuyến tàu vận tải chở hơn 100 tấn hàng tết ra huyện đảo Lý Sơn. Ngoài các mặt hàng khô, rau củ quả, thực phẩm tươi sống, gia súc gia cầm cũng được chuyển ra đảo khá sớm. Ban Quản lý cảng Lý Sơn cũng đã phối hợp với các cơ quan để chủ động tăng cường các phương tiện vận tải. Đồng thời, bố trí neo đậu, cập cảng, bốc vác hàng đảm bảo cho các tư thương, các chủ phương tiện phục vụ nhu yếu phẩm trên đảo cho bà con trong dịp tết được đảm bảo, không để thiếu một mặt hàng nào.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Khánh Hòa: Thương lái “săn” mua xoài Úc
Để có những quả xoài Úc đạt trọng lượng từ 1 - 1,3 kg cung cấp chokhách hàng, nhiều thương lái ở Khánh Hòa phải vào tận các vườn “săn” mua.
Các nhà vườn trồng xoài Úc ở Khánh Hòa cho biết, xoài Úc năm nay có phần khan hiếm hơn so với mọi năm. Chính vì vậy, các thương lái trên địa bàn huyện Cam Lâm đổ xô vào tận vườn, thương lượng với nông dân để thu mua. Đây là giống xoài cho trái rất to, mẫu mã đẹp, có những loại quả đạt trọng lượng tới 1,3kg/quả.
Theo người dân địa phương, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ kéo dài làm cho nhiều diện tích xoài trên địa bàn bị hư hại dẫn đến hoa xoài khó đậu, số hộ có xoài bán vào dịp giáp tết chỉ tính trên đầu ngón tay. Mấy ngày nay, giá xoài Úc trên thị trường liên tục tăng. Hiện giá thu mua xoài Úc dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với xoài đẹp. Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc nhận định, giá xoài Úc trên thị trường hiện khá cao, tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
Theo Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc, những năm gần đây, bà con đã chuyển các giống xoài Canh nông, xoài Hòa Lộc sang trồng giống xoài Úc chất lượng cao, ước tính khoảng trên 560 héc-ta. Các vụ trước, cứ vào dịp giáp tết, lượng quả đậu tỷ lệ 60%, nhưng thời tiết năm nay bất lợi nên chỉ đạt 20%.
Huyện Cam Lâm là địa phương trồng xoài nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, với diện tích trên 4.500 héc-ta, trong đó xoài Úc chiếm 70%. Người dân trồng tập trung tại xã: Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc và thị trấn Cam Đức. Với giá cao như hiện nay, những người trồng xoài đã có một cái tết no ấm.
Thành Sơn (khánh hòa): Tập trung chăm sóc chuối tết
Xã Thành Sơn là địa phương tập trung phần lớn diện tích chuối mốc của huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Thời điểm này, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc cho vụ chuối tết.
Đối với bà con xã Thành Sơn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chuối là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính trong mỗi dịp tết. Như mọi năm, nhiều hộ thu được 10 triệu đồng, thậm chí 30 - 40 triệu đồng nhờ bán chuối tết. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên dự báo sản lượng chuối sẽ giảm so với mọi năm.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 440 héc-ta chuối, giảm khoảng 40 héc-ta so với năm ngoái. Diện tích giảm do một số vườn chuối trồng nhiều năm bị thoái hóa, giảm năng suất hoặc bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa bão nên người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Số khác bị thiệt hại do cơn bão số 12 được người dân khôi phục hoặc trồng lại, đến nay cũng mới bắt đầu cho thu hoạch rải rác. Ngoài ra, một số diện tích chuối hiện tại đã bị nhiễm nấm Panama, kém phát triển. Hoặc số bị ảnh hưởng bởi đợt nắng hạn kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 vừa qua, dẫn đến nhiều đồi chuối tại Thành Sơn năm nay cho quả nhỏ, năng suất thấp. Dự báo sản lượng chuối tết năm 2019, toàn xã chỉ đạt khoảng 70% so với mọi năm.
Về giá, hiện nay, giá chuối tại Thành Sơn vẫn duy trì khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, chỉ những ngày rằm hoặc cuối tháng (âm lịch) giá tăng lên khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ tăng. Do giá chưa ổn định nên các thương lái đặt cọc chuối tết cầm chừng.
Để nâng cao năng suất, chất lượng vụ chuối tết năm nay, Thành Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát dọn cỏ, xử lý những bụi chuối bị nhiễm nấm, chặt tỉa những cây đã thoái hóa, tập trung chăm sóc những cây đã cho buồng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tính toán cẩn thận để thu hoạch chuối tết đúng thời điểm, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và giá bán ổn định.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Sóc Trăng: Hành tím vụ tết bị thiệt hại nặng nề
Hàng trăm héc-ta hành tím của người dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng dự định bán vụ tết đã bị chết do ngập úng lâu ngày. Hiện bà con đang nỗ lực khắc phục lại sản xuất sau bão. Tuy nhiên, việc hành tím bị ngập úng lâu ngày, khiến nhiều diện tích hành không thể khắc phục được, thiệt hại trắng; nhiều diện tích bị ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng củ hành. Mặc dù khi bão đến, một số hộ gia đình đã lấy rơm che chắn, bao bờ và tát nước cứu hành nhưng không chống đỡ nổi. Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, mưa bão vừa qua làm hơn 2.100 héc-ta trên tổng số 3.700 héc-ta hành tím vụ tết của người ở thị xã Vĩnh Châu bị mưa ngập. Trong đó có hơn 600 héc-ta bị ngập sâu, ngập lâu ngày ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng hành tím, hoặc bị thiệt hại trắng.
Tỏi Lý Sơn được mùa, rớt giá
Mặc dù đang vào mùa cao điểm tiêu thụ tỏi nhưng người trồng tỏi huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không thể bán được sản phẩm vì giá quá thấp. Hiện giá tỏi Lý Sơn dao động từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với cùng thời điểm năm trước. Nghịch lý là giá tỏi thấp nhưng người trồng tỏi lại đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay, cả huyện Lý Sơn còn tồn đọng khoảng 100 tấn tỏi củ trong dân. Nếu không giải toả được lượng tỏi tồn kho vụ trước, sản phẩm thu hoạch vào tháng 2 sắp tới sẽ tiếp tục nâng khối lượng tồn kho lên.
Theo đánh giá khách quan, nguyên nhân giá tỏi giảm sút là do năm nay, cả nước được mùa tỏi, trong khi đó lượng tỏi nhập khẩu lớn, bán với giá rẻ nên thị trường tiêu thụ bị phân tán. Huyện Lý Sơn đang khẩn trương kết nối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải cứu tỏi cho bà con nhân dân.
Bình Định: Giá thịt, trứng gia cầm giảm, người chăn nuôi gặp khó
Khác với mọi năm, gần 1 tháng trở lại đây, giá thịt, trứng gia cầm ở tỉnh Bình Định liên tục giảm, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đối diện với nguy cơ thua lỗ. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do nguồn cung dồi dào, trong khi sức tiêu thụ của thị trường không tăng nhiều. Cụ thể, giá trứng vịt đã giảm từ 3.300 đồng/quả xuống chỉ còn 2.200 đồng/quả. Giá trứng gà đã giảm tới 400 đồng/quả, hiện chỉ còn 1.750 đồng/quả. Giá gà ta nuôi trại, thương lái mua tại trại ở mức từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng; giá vịt thịt ở mức 65.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Theo tính toán của người chăn nuôi, giá gia cầm như hiện nay chỉ đủ bù đắp tiền thức ăn, còn tiền công chăm sóc, chi phí thuốc thú y… coi như phải bù thêm vào. Tình trạng này khiến các chủ gia trại, trang trại đứng ngồi không yên; nhất là đã vào thời điểm cần có tiền để tái đầu tư.
Cần Thơ: Giá vú sữa tại vườn giảm
Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, giá vú sữa tại miền Tây Nam bộ giảm khiến nhiều nhà vườn lỗ nặng. Hiện nay, giá vú sữa bán tại vườn ở huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng/kg. Hiện tại giá vú sữa thường chỉ bán được 5.000 đồng/kg, còn vú sữa loại ngon (Lò Rèn) cũng chỉ khoảng 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm đầu tháng 10 âm lịch, khi mới vào vụ, giá vú sữa ở mức đỉnh đến 35.000 đồng/kg. Hồi tháng trước, giá có hạ đôi chút nhưng cũng ở mức 27.000 - 28.000 đồng/kg. Còn hiện giờ giá bán lẻ tại chợ cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.
Với mức giá hiện nay thì nông dân thua lỗ nặng bởi theo tính toán sơ bộ, giá vú sữa từ 10.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lãi.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Bình Thuận: Vụ xoài tết thất thu
Thương hiệu xoài Mũi Né từ lâu được nhiều người biết đến bởi được trồng ở vùng đất cát cùng với nguồn nước ngầm tốt nên sản phẩm có hương vị đặc trưng. Năm nay, các vườn xoài đang trong tình trạng thất thu do xoài rụng hoa, không đậu trái.
Vụ xoài tết được xem là vụ chính trong năm của người dân Bình Thuận. Năm nay, để chuẩn bị cho vụ xoài tết, các nhà vườn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua phân bón, thuê nhân công kích thích cây ra hoa trái vụ. Khoảng đầu tháng 10 âm lịch, cây bắt đầu phân chi và ra những nhánh hoa đầu tiên. Chưa kịp mừng thì liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn kéo dài làm cây rụng hết hoa và trái mới ra.
Tình trạng thất thu vụ xoài tết cũng diễn ra tại những vùng có diện tích trồng xoài lớn khác của tỉnh, như: xã Sông Bình (huyện Bắc Bình), xã Tân Phúc, Thắng Hải (huyện Hàm Tân)… Các địa phương đều xác nhận, năm nay nông dân bị thiệt hại nặng do mất mùa vụ xoài tết và cùng nguyên nhân cây không đậu trái. Số ít vườn xoài may mắn còn giữ được trái là do nông dân kích thích xoài ra hoa sớm vào cuối tháng 9 và đầu 10, tránh được đợt mưa lớn vào tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua.
Theo những người kinh doanh, vụ xoài tết các tỉnh Nam Trung bộ đều bị chung tình trạng xoài rụng hoa, không đậu trái. Vì vậy, giá xoài tết năm nay chắc sẽ tăng cao. Cao điểm Tết Nguyên đán năm trước, giá xoài thu mua tại vườn xấp xỉ 100.000 đồng/kg. Năm nay, do nông dân không có hàng để bán nên giá xoài ở khu vực này đang tăng, dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày giáp tết.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Hà Tĩnh: Xử phạt doanh nghiệp bán xăng dầu kém chất lượng
Sở Khoa học - Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, năm 2018 Sở đã thanh tra chuyên đề, phát hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vi phạm về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn đo lường.
Kết quả thanh tra đối với 51 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cho thấy, một số đơn vị cố tình vi phạm các lỗi như: Bán xăng RON 92-II, xăng E5 RON 92-II và xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2015/BKHCN; bán dầu diezel DO 0,001S-V có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Qua quá trình thanh tra tại 134 cột đo xăng dầu của 50 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, lực lượng chức năng cũng đã xác định nhiều cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện đầy đủ việc lập và lưu giữ hồ sơ theo dõi quá trình tự kiểm tra sai số các cột đo định kỳ. Những đơn vị này cũng chưa xây dựng quy trình thực hiện việc kiểm soát hệ thống bể chứa xăng dầu.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính gần 333 triệu đồng đối với 8 đơn vị kinh doanh xăng dầu gồm: Công ty CP Kinh doanh thương mại Thảo My (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân), Công ty TNHH Thương mại Dũng Hường (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà), cửa hàng xăng dầu Đại Hồng (xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà), Doanh nghiệp tư nhân Lý Nghĩa (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc), Chi nhánh Công ty CP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, cửa hàng xăng dầu trung tâm Xuân Lĩnh, cửa hàng xăng dầu Thảo My (huyện Nghi Xuân); Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư xây dựng Vinh Thăng (huyện Cẩm Xuyên). Thậm chí, một số doanh nghiệp tái phạm lần 2 như cửa hàng xăng dầu Cầu Trù của Công ty TNHH Thương mại Dũng Hường (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà).
HÀNG VIỆT |
Đồng Nai: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường
Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Phát triển điểm bán tại vùng sâu, vùng xa
Hàng hóa trong Chương trình bình ổn là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con. Thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Trong đó, chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu vực vùng sâu, vùng xa. Có 11 mặt hàng tham gia bình ổn là: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm, gia vị (bột ngọt, bột nêm), nước chấm (nước tương, nước mắm), sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải đáp ứng các yêu cầu sau: Thứ nhất, có chức năng sản xuất, kinh doanh cung ứng bán buôn và bán lẻ hàng hóa phù hợp với các mặt hàng thuộc Chương trình bình ổn; có uy tín, năng lực; đáp ứng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình. Thứ hai, cam kết tổ chức phân phối hàng hóa phù hợp với chủng loại, số lượng theo kế hoạch đã được thẩm định, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Thứ ba, có năng lực tài chính và có ít nhất 1 điểm bán bình ổn giá. Ưu tiên xét chọn những đơn vị đã tham gia tích cực và chấp hành tốt các quy định của chương trình trong những năm trước.
Doanh nghiệp được vay với lãi suất 0%
Các doanh nghiệp tham gia chương trình được vay vốn từ ngân sách để tổ chức dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã được thẩm định. Được thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa khi tham gia cùng địa phương thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Được ưu tiên hỗ trợ các chính sách đầu tư phát triển hệ thống, được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi tham gia chương trình. Được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của chương trình và được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu. Được sử dụng biểu trưng (logo), băng rôn Chương trình Bình ổn thị trường Đồng Nai theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
Tỉnh sẽ cấp vốn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho các đối tượng tham gia chương trình bình ổn vay với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa đối với mặt hàng: Gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, bột nêm, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm). Trong đó, dành 6,5 tỷ cho khối hợp tác xã, 2 tỷ cho khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 1,5 tỷ dự phòng để thực hiện chương trình bình ổn giá.
Cấp vốn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho đơn vị tham gia bình ổn giá sách giáo khoa, vở học sinh vay với lãi suất 0%. Các đơn vị tham gia do Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu kèm theo kế hoạch thực hiện của đơn vị đăng ký tham gia.
Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thuộc đối tượng được vay vốn từ ngân sách với lãi suất bằng không, nhưng trả phí cho Quỹ với mức phí vay 0,2%/tháng. Trong đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay qua Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai, hợp tác xã vay vốn qua Quỹ trợ vốn phát triển Hợp tác xã. Riêng các đơn vị cam kết tham gia bình ổn được thanh toán các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa đến các vùng, địa phương thiếu hàng.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)