TIÊU ĐIỂM |
Bắc Giang: Nguy cơ mất mùa vải thiều
Thời tiết ấm được cho là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn héc-ta vải thiều tại Bắc Giang, Hải Dương ra hoa muộn. Những ngày tới, nếu thời tiết không lạnh, khả năng mất mùa vải rất cao, kéo theo đó là sụt giảm sản lượng xuất khẩu.
Cây không ra hoa
Vụ vải năm nay, hàng nghìn héc-ta vải thiều tại tỉnh Hải Dương không thể trổ hoa vì mùa đông không lạnh. Toàn tỉnh có 2.000 héc-ta vải thiều vụ sớm có tỷ lệ ra hoa đạt 80%. Còn đối với 8.500 héc-ta vải thiều chính vụ cũng chỉ mới có 50% diện tích ra hoa. Trong số 50% diện tích cây vải ra hoa, có tới 1/4 diện tích vừa ra hoa vừa ra lộc, vì vậy tỷ lệ đậu quả cũng sẽ không cao. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, dự báo, diện tích vải thiều ra hoa chỉ đạt dưới 50% và nguy cơ mất mùa có thể sẽ xảy ra.
Tại tỉnh Bắc Giang, thời điểm hiện nay, gần 10.000 héc-ta vải đã ra lá, ít có khả năng ra hoa; 11.000 héc-ta đang chờ thời tiết lạnh để kết hoa. Trong khi thời điểm này năm ngoái, hoa vải đã bắt đầu nở rộ. Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 11, 12/2016 và tháng 1/2017, nhiệt độ cao hơn trung bình các năm từ 1 - 2 độ C. Mặc dù người dân đã áp dụng nhiều biện pháp để kích ra hoa nhưng vẫn chưa thành công. Hiện 70% diện tích vải trên địa bàn chưa có nụ, ra hoa.
Theo các cán bộ kỹ thuật, trong quá trình sinh trưởng, cây vải cần một giai đoạn nhiệt độ ngoài trời thấp dưới 15 độ C để tích lũy nhiệt, phân hóa mầm, lộc, hoa. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ ấm hơn, thời gian ngày có nhiệt độ thấp chưa đủ và không tập trung nên cây vải sẽ ra hoa ít.
Hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật
Vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản... tập trung chủ yếu tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). 107 hộ dân tại đây được đánh riêng từng mã số để trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể xác định, mùa vải năm nay sẽ muộn, chủ yếu do tác động của thời tiết.
Trước diễn biến phức tạp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, tập trung chăm sóc để dù sản lượng có giảm một chút nhưng được giá. Trong trường hợp vải thiều mất mùa, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tập trung chăm sóc diện tích vải ra quả để nâng cao chất lượng. Đồng thời, chú trọng làm tốt khâu kết nối thị trường để nâng cao giá trị quả vải. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định và thị trường nội địa được xác định là trọng tâm, các địa phương cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân: Với cây vải sớm, cần bón thúc hoa, tưới dưỡng, phun phân bón qua lá, chất điều tiết sinh trưởng để tăng tỷ lệ đậu quả. Thời tiết ấm dễ phát sinh sâu bệnh nên bà con cần chủ động phun phòng trừ sâu bệnh, dịch hại, đặc biệt là bệnh sương mai hại hoa. Riêng với những cây vải vừa ra hoa và vừa ra lộc, cần ngắt bỏ lộc. Với những trà vải muộn (vải thiều), ở những cành đã có hoa, cần tập trung chăm sóc, tưới dưỡng, phòng trừ sâu bệnh hại và ngắt bỏ lộc để hoa phát triển. Còn ở những cây chưa có biểu hiện ra hoa hay ra lộc, cần tiếp tục theo dõi để chủ động các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây vải phù hợp, kịp thời.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Ninh Thuận: Diêm dân thêm nguồn lợi nhờ nuôi artemia
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu dùng ấu trùng artemia (loài bào xác nhỏ) làm thức ăn tươi cho con tôm giống ngày càng cao. Từ đó, một số diêm dân ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng ao chứa nước của ruộng muối để nuôi ấu trùng artemia thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao.
Hằng năm, vụ sản xuất muối chính của diêm dân tỉnh Ninh Thuận từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Theo phương thức sản xuất truyền thống, cứ 1 héc-ta ruộng muối, diêm dân phải dành khoảng 3 sào (3.000 m2) để làm ao liên thông, chứa nước biển, sau đó mới dẫn vào ruộng muối. Trong thời gian chờ nước biển trong ao chứa đạt độ mặn, diêm dân kết hợp thả trứng ấu trùng artemia nuôi. Kỹ thuật nuôi artemia không khó lắm. Sau khi thả ấu trùng xuống ao chứa nước biển, khoảng 25 ngày sau, có thể thu hoạch artemia thương phẩm để bán. Với giá artemia hiện từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, mỗi tháng, diêm dân sẽ có thu nhập tăng thêm khoảng 10 triệu đồng.
Xã Phương Hải, huyện Ninh Hải hiện có khoảng 150 hộ diêm dân với tổng diện tích sản xuất muối xấp xỉ 90 héc-ta, trong đó hơn 30 héc-ta được tận dụng nuôi artemia. Trong bối cảnh nghề làm muối vài năm trở lại đây khá chật vật vì thời tiết thất thường, giá muối bấp bênh thì việc tận dụng ao chứa nước biển làm muối để nuôi artemia cho hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, huyện Ninh Hải sẽ nhân rộng mô hình này để cải thiện đời sống diêm dân.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 4.000 héc-ta ruộng muối, trong đó của diêm dân khoảng 500 héc-ta. Nếu mô hình nuôi ấu trùng artemia trên diện tích sản xuất muối được mở rộng, sản lượng artemia thương phẩm ở đây có thể lên đến 300 - 400 tấn/năm.
Cà Mau: Nhân rộng mô hình nuôi tôm trong ao lót bạt
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đã thí điểm thành công mô hình nuôi tôm thẻ ương trong ao lót bạt. Mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm thẻ ương trong ao lót bạt được triển khai tại 5 địa điểm thuộc tỉnh Cà Mau là: xã Trần Phán thuộc huyện Đầm Dơi, xã Hòa Mỹ thuộc huyện Cái Nước, thị trấn Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển, xã Phú Tân thuộc huyện Phú Tân, xã Phan Lạc thuộc huyện Trần Văn Thời.
Tùy vào tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của các huyện mà năng suất và chất lượng sản phẩm tôm cũng khác nhau. Tuy nhiên, qua đánh giá, cả 5 địa điểm nuôi tôm trên đều mang lại hiệu quả cao, năng suất đạt từ 6 - 9 tấn/héc-ta, lợi nhuận đạt từ 136 - 773 triệu đồng/héc-ta. Đặc biệt, nuôi tôm theo cách này cần nguồn điện ổn định, không được nuôi nhiều vụ trong năm do thời gian cải tạo ao đầm dài và không nuôi được mật độ cao. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi tôm mới này cho lãi gần 100 triệu đồng trên diện tích 1 ao nuôi.
Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật ở địa phương, nuôi tôm theo mô hình này có chi phí đầu tư ít, dễ quản lý môi trường. Đặc biệt, hạn chế rủi ro từ dịch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh trong suốt quá trình nuôi mà chỉ sử dụng vi sinh xử lý môi trường. Mô hình này cũng dễ nhân rộng vì phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nuôi tôm hiện nay.
Tại Cà Mau, phong trào nuôi tôm thẻ trong ao lót bạt đang được nhân rộng. Năm 2015, tỉnh Cà Mau chỉ có 14 héc-ta với 60 ao nuôi thì hiện nay đã lên tới 353 héc-ta với gần 1.280 ao nuôi.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng mạnh
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ chính thu hoạch đông xuân và giá lúa tăng mạnh. Đây là điều trái ngược so với nhiều năm trước. Hiện, giá lúa tươi giống IR50404 dao động ở mức từ 4.900 - 5.000 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân. Một số loại lúa khác như: OM2514, OM2517, Jasmine... cũng tăng thêm từ 500 - 600 đồng/kg.
Ngoài ra, việc tiêu thụ lúa cũng có nhiều thuận lợi, không có dấu hiệu nông dân bị các thương lái, doanh nghiệp ép giá. Diện tích lúa thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó với mức giá ổn định. Sản lượng thu hoạch lúa vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt trên 10 triệu tấn, tăng gần 200.000 tấn so với vụ đông xuân trước.
Trà Vinh: Dưa hấu rớt giá, nông dân lỗ nặng
Hiện nay, người trồng dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh đứng ngồi không yên vì giá liên tục sụt giảm, khó tiêu thụ. Thậm chí, nhiều thương lái đã đặt cọc mua toàn bộ ruộng dưa nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền cọc.
Một nông dân ngụ tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải cho biết, đầu vụ thương lái trả 9.500 đồng/kg. Tuy nhiên, tới ngày thu hoạch do tiêu thụ chậm nên thương lái chỉ mua 6.500 đồng/kg nhưng chỉ lựa dưa loại 1, còn loại 2 thương lái chỉ mua với giá 1.500 đồng/kg. Thậm chí, dưa hấu được thương lái mua tại ruộng của nông dân đem ra lề đường bán với giá 10.000 đồng/3kg dưa loại nhỏ, 4.000 đồng/kg dưa loại lớn. Mặc dù thời tiết năm nay nắng nóng nên dưa hấu trúng mùa nhưng giá lại giảm. Ngoài ra, phía bên Trung Quốc không “ăn hàng” như trước nên giá dưa ngày càng rớt thê thảm vì chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Theo nhiều nông dân, chi phí trồng 1 công dưa hấu khoảng 8 triệu đồng. Với năng suất từ 2,5 đến 3,5 tấn/héc-ta thì giá dưa khoảng 3.000 đồng/kg trở lên người trồng mới có lãi. Hiện hầu hết nông dân bán ngay tại ruộng với giá chỉ 1.500 đồng/kg nên lỗ nặng.
Tiền Giang: Sầu riêng tăng giá do khan hàng
Những ngày qua, giá sầu riêng tại huyện Cai Lậy luôn ở mức cao, nhiều nhà vườn không có sầu riêng để bán cho thương lái. Nguyên nhân khiến sầu riêng tăng giá là do thiếu hụt nguồn cung. Hiện tại, sầu riêng Mongthong, Ri 6 loại 1 ở mức từ 100.000 - 105.000 đồng/kg. Một số nơi, người dân còn bán được với mức giá khoảng 110.000 đồng/kg. Nguyên nhân do sầu riêng đang khan hiếm, từ đó dẫn đến giá tăng cao.
Mặt khác, năng suất sầu riêng vụ này đạt thấp trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu cao. Tuy giá cao nhưng số nhà vườn thu hoạch không nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải tạm ngưng xuất khẩu do thiếu nguồn sầu riêng. Theo dự đoán của các thương lái có kinh nghiệm, vào khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến 15/3 âm lịch, nguồn cung sầu riêng sẽ dồi dào trở lại, mức giá sẽ quay trở về mốc 60.000 – 80.000 đồng/kg.
Đồng Tháp: Giá gương sen giảm
Hiện nông dân trồng sen ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch gương sen chính vụ. Tuy nhiên, hơn 1 tuần qua, giá gương sen liên tục sụt giảm. Cụ thể, giá gương sen tươi thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 7.000 đồng/kg, giảm hơn 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng trước. Đây cũng là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân khiến giá gương sen giảm mạnh là do các diện tích sen đang vào vụ thu hoạch đồng loạt nên nguồn cung lớn hơn cầu. Theo nhiều nông dân trồng sen, trung bình 1 héc-ta sen từ khi trồng đến khi thu hoạch chi phí đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng. Nhưng với giá bán hiện nay, người trồng sẽ lỗ vốn hoặc không có lãi dù sen có trúng mùa.
Vụ đông xuân này, toàn huyện Tam Nông đã xuống giống hơn 100 héc-ta sen, tập trung ở các xã: Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Đức và thị trấn Tràm Chim.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Lào Cai: Dứa thối, thiệt hại hàng tỷ đồng
Dứa là cây trồng quen thuộc gắn liền với sinh kế của bà con nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai từ gần 20 năm nay.
Tuy nhiên, liên tục trong những ngày cuối tháng 3/2017, trên diện tích khoảng 160 héc-ta trồng dứa của hàng trăm hộdân xã Bản Lầu, dứa có triệu chứng thối quả, táp lá.
Theo các hộ dân, trên từng vạt nương, lá dứa xém đen như bị ai đốt cháy, quả dứa trông bình thường nhưng khi bổ ra bên trong lại thối đen tận lõi, còn những cây dứa non thì thối nuỗng từ mầm đến củ phải nhổ bỏ. Mỗi hộ gia đình bị thối hàng chục tấn dứa, thương lái không thu mua. Vậy là, cả năm mong đợi một mùa thu hoạch, giờ bà con trắng tay.
Qua tìm hiểu, diện tích dứa bị thiệt hại nhiều nhất đều ở quanh khu vực Nhà máy Luyện kim màu của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh.
Trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai còn đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân có phải dứa thối là do tác động từ khí thải của khu nhà máy luyện kim gần đó hay không, thì lãnh đạo đơn vị có nhà máy đã giới thiệu một doanh nghiệp khác đến thu mua toàn bộsốdứa thối cho bà con. Ngay sau đó, tại trụ sở UBND xã Bản Lầu, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kim Sơn (có địa chỉ tại Sa Pa, Lào Cai) đã cam kết thu mua tất cả số dứa thối cho người dân với giá 3.500 đồng/kg, trong khi giá dứa ngon trên thị trường chỉ có giá 4.500 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết bà con trồng dứa đã quyết định không bán dứa thối với quan điểm không đưa hàng thối hỏng, có thể gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe đến tay người tiêu dùng.
Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, các cơ quan chức năng và các bên liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng dứa bị úa, thối, hỏng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ra tình trạng này. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ giảm bớt thiệt hại cho bà con địa phương.
Bình Phước: Sản lượng điều giảm mạnh
Vụ điều năm nay, sản lượng điều thu hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước bất ngờ giảm sút trầm trọng. Đáng lo ngại hơn cả là diện tích điều bị mất mùa phần lớn rơi vào những hộ là bà con dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, mưa trái mùa, sương muối, phát sinh bọ xít muỗi tấn công đã làm mất trắng phần lớn diện tích điều của bà con nông dân. Tại vùng chuyên canh điều tại huyện Bù Gia Mập, sản lượng điều giảm trên 50%. Đến nay, tuy nhiều diện tích điều chưa thu hoạch xong nhưng mưa trái mùa và sương muối khiến hàng chục nghìn héc-ta điều không đậu trái hoặc có trái nhưng bị nạn bọ xít muỗi tấn công làm khô héo, dẫn đến mất mùa. Đáng lo ngại hơn cả là diện tích điều bị mất mùa phần lớn rơi vào những hộ là bà con dân tộc thiểu số; hộ dân ít có thời gian chăm sóc vườn cây để có cách ứng phó thời tiết xấu.
Mặt khác, người nông dân chưa nắm vững kỹ thuật cũng như phương pháp trừ nạn bọ xít, ứng phó sương muối… khiến nhiều diện tích điều không đậu được trái. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng cứ được giá là mất mùa và ngược lại khiến nhiều hộ nghèo, nhất là bà con DTTS chưa thể thoát nghèo bền vững từ cây điều.
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã chú trọng đến mô hình hợp tác xã trồng xen canh cây ca cao với điều. Nhằm khuyến khích mô hình này, Bình Phước đã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước cho mỗi héc-ta đất của các thành viên hợp tác xã đưa vào canh tác điều xen ca cao từ 10 - 20 triệu đồng. Theo đó, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân còn khó khăn. Mô hình tưới nước nhỏ giọt được cho là giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước để thúc đẩy mở rộng diện tích điều ngày càng phát triển bền vững.
Về lâu dài, tỉnh Bình Phước sẽ đẩy mạnh mục tiêu quy hoạch diện tích vùng chuyên canh cây điều lên 200.000 héc-ta. Đồng thời, cải tạo các vườn điều già cỗi thay thế cây điều lai giống cho sản lượng cao. Tạo cơ chế thông thoáng hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng và đưa cây điều thành cây rừng phòng hộ vừa tạo rừng vừa tạo nguyên liệu sản xuất ổn định.
HÀNG VIỆT |
Trái dứa Mường Chà giúp dân thoát nghèo
Từ năm 2012 trở lại đây, trên những sườn đồi ở xã Na Sang, xã Sa Lông (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) cây dứa được trồng khá phổ biến. Dứa Mường Chà không chỉ là loại trái cây ngon, được nhiều người chọn mua mà hơn thế, nhờ trái dứa, nhiều hộ đồng bào Mông đã vượt qua đói nghèo.
Cây dứa bén duyên đất Mường Chà
Năm 2012, phong trào trồng dứa bắt đầu xuất hiện ở Mường Chà. Từ mấy ngàn mét vuông trồng dứa ban đầu, đến nay, Mường Chà đã có mấy chục héc- ta dứa, tập trung chủ yếu tại 2 xã: Na Sang (23 héc-ta ) và Sa Lông (15 héc-ta), diện tích còn lại được trồng rải rác tại các xã như: Huổi Lèng, Ma Thì Hồ, Mường Mươn…
Theo anh Lý A Vàng (người dân tộc Mông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà), ban đầu giống dứa được mang về từ tỉnh Lào Cai, đến nay, bà con đã tự lo được giống. Hiện mỗi mét vuông, gia đình anh đang trồng khoảng 8 gốc dứa. Với giá bán trung bình hiện nay từ 8.000 – 10.000 đồng/quả to, 4.000 – 6.000 đồng/quả nhỏ, 1 héc-ta dứa, trừ khoảng 10 triệu đồng tiền phân bón, gia đình anh Vàng vẫn có thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng mỗi năm. Mức thu nhập cao hơn hẳn so với trồng ngô lúa.
Nhờ nguồn thu này, nhiều hộ người Mông đã thoát nghèo. “Chăm sóc cây dứa không quá vất vả, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế khá cao nên đất nào trồng được dứa là nhà tôi chuyển trồng dứa hết. Hiện gia đình có 2 héc-ta dứa. Hộ trồng nhiều nhất trong xã có tới 8 - 9 héc-ta trồng dứa” - anh Vàng cho biết. Cùng với gia đình anh Vàng, mấy năm trở lại đây, có rất nhiều hộ đồng bào Mông cũng chuyển sang trồng dứa. Nếu năm 2012, toàn huyện có khoảng 15 héc-ta dứa thì đến nay diện tích trồng dứa tăng gấp 3 lần.
Nỗi lo đầu ra cho trái dứa
Trò chuyện với anh Vàng và một số người dân ở xã Sa Lông được biết, việc trồng dứa ở Mường Chà hoàn toàn do người dân tự trồng chứ không được hỗ trợ về vật tư hay hướng dẫn kỹ thuật. Minh chứng cho lời anh Vàng là hình ảnh ruộng dứa trải dài nhưng các quả dứa có kích thước không đều nhau, quả to, quả bé, quả chín vàng, quả còn ương…
Dứa được các hộ dân tính toán trồng gối nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 20 ngày để dứa chín dần chứ không chín cùng một lúc, như vậy việc tiêu thụ cũng sẽ thuận lợi hơn. Việc trồng và thu hoạch dứa kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.
“Nếu như trước kia ít người trồng, những quả dứa to chúng tôi bán được từ 10.000 – 15.000 đồng/quả, thương lái đến tận đồi mua. Nay vì diện tích mở rộng, sản lượng dứa tăng cao nên giá bán chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/quả to” – anh Vàng cho hay.
Ngoài tiêu thụ tại chỗ, hiện người dân Mường Chà còn mang dứa đi bán tại các địa bàn lân cận như: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và thị xã Mường Lay. Tuy nhiên, so với trồng ngô hay lúa thì trồng dứa vẫn cho thu nhập tốt hơn hẳn.
Năm 2016, trước tin đồn về việc người trồng dứa ở Mường Chà có sử dụng chất kích thích để tăng trưởng, cho trái dứa chín đều…, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã kiểm nghiệm, phân tích mẫu về các chỉ tiêu như: thuốc trừ cỏ, kích thích sinh trưởng, tẩm củ quả nhằm bảo quản được lâu, Ethephone điều hòa sinh trưởng, gây chín hàng loạt… trên dứa Mường Chà nhưng đều âm tính. Kết quả này không chỉ minh oan cho dứa Mường Chà, mà còn góp phần khẳng định chất lượng nông sản của vùng đất này.
“Dứa cho thu nhập ổn định và có thể trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm, vì thế không dại gì chúng tôi lại bỏ “thuốc độc” vào chính nồi cơm của mình” – chia sẻ của các hộ đồng bào Mông trồng dứa ở Mường Chà đã phần nào cho thấy, ý thức của người trồng đối với sản phẩm gắn liền với tên tuổi của quê hương, là nguồn thu cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
Tuy nhiên, cũng không khỏi lo ngại khi mà đến nay, nông dân ở Mường Chà vẫn phát triển diện tích trồng dứa một cách tự phát, thiếu quy hoạch và liên kết bài bản. Bởi lẽ, khả năng tự xoay xở đầu ra của người nông dân chỉ có mức độ. Đã đến lúc, Mường Chà cần có quy hoạch phát triển cụ thể, để cây dứa thực sự thành cây xóa nghèo của bà con, chứ không vấp phải nỗi lo bị ép giá vì sản lượng không có nơi tiêu thụ như nhiều loại nông sản khác.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Rượu giả - chết thật
Từ đầu tháng 2/2017, liên tục có thông tin về các trường hợp ngộ độc do sử dụng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol). Trong đó, không ít nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thực tế này cho thấy, chất lượng rượu cũng như thói quen sử dụng rượu không rõ nguồn gốc của bà con đang trong tình trạng đáng báo động.
Tử vong do dùng rượu có chứa methanol
Đồng bào dân tộc từ nhiều năm nay vẫn có thói quen sử dụng rượu mỗi khi gia đình, dòng họ hoặc thôn bản có những sự kiện lớn như: lễ hội, cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới, sinh con đầu lòng…
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể tự nấu rượu để uống. Đại đa số, khi tổ chức hoạt động ăn uống đông người, nhu cầu sử dụng rượu tăng lên, bà con thường đi mua rượu ở chợ về để tiếp khách. Rượu mua ở chợ có giá khá rẻ, chỉ từ 12.000 – 15.000 đồng/lít. Rượu được rót từ trong can ra, không nhãn mác, không có bất kỳ thông tin gì về nguyên liệu hay nơi sản xuất, ngoại trừ có mùi… rượu. Với loại rượu này, không ai có thể đảm bảo được chất lượng cũng như các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Câu chuyện về vụ ngộ độc methanol sau khi đi đám ma tại thôn Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là một ví dụ điển hình. Chỉ vì dùng rượu có pha methanol mà hơn 100 người đã phải nhập viện, trong đó 9 người đã tử vong. Theo người nhà các nạn nhân, số rượu dùng trong đám cưới đa số được mua ở khu vực chợ xã Sỉ Lở Lầu, huyện Phong Thổ. Kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của các ca ngộ độc do Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cho thấy, 8 trong số 10 người được xét nghiệm đều có nồng độ methanol trong máu cao. Thông thường nồng độ methanol trong máu cao hơn 20 mg/dL là ngộ độc, nếu cao hơn 40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng. Trong khi đó, tại Lai Châu có trường hợp nồng độ methanol trên 326 mg/dL.
Ngay sau khi vụ việc đau lòng này xảy ra, cơ quan chức năng huyện Phong Thổ đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp và tiêu hủy gần 1.000 lít. Theo một số người dân cho biết, giá 1 lít rượu họ vẫn mua, chỉ từ 10.000 đồng – 12.000 đồng, có cả rượu dưới xuôi mang lên, cả rượu từ bên kia biên giới về. Với giá bán này, chất lượng rượu đương nhiên là không đảm bảo. Bởi nếu nấu rượu đúng quy trình, bằng ngô, sắn, hay gạo thì giá rượu phải cao gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Theo anh Nguyễn Ngọc Hưng, sinh sống tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, từ nhiều năm trước, anh đã chứng kiến các xe hàng dưới xuôi chở rượu đóng trong phi nhựa chuyển lên vùng cao bán. Không rõ rượu được pha trộn những gì nhưng uống xong rất đau đầu. Do giá rẻ, nhiều bà con lại có thói quen uống rượu hàng ngày nên loại rượu này vẫn được tiêu thụ khá mạnh.
Không nên mua rượu không rõ nguồn gốc
Thực tế, trước đây, đồng bào vẫn sử dụng rượu nhưng là rượu nấu bằng men lá, chiết xuất từ nông sản tự nhiên nên độ độc hại không cao. Ngày nay, do lợi nhuận, nhiều người đã sử dụng cồn công nghiệp methanol pha với nước để chế thành rượu. Mới đây nhất, chỉ trong vòng nửa tháng (từ 1 - 15/3/2017), cơ quan chức năng đã phát hiện 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp…
Nếu không may bị ngộ độc rượu mà phải vào viện thực hiện phác đồ chống độc thì không chỉ nguy hiểm tính mạng mà còn mất thời gian và rất tốn kém. Chính vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bà con không uống quá nhiều rượu (tiêu chuẩn không quá 30 ml/người/ngày với loại rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên). Đặc biệt, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol cao hơn 0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao; không uống rượu không có nguồn gốc, xuất xứ; rượu không nhãn mác; không có chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài ra, bà con cũng không nên uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ ràng tính độc.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)