Thông tin giá cả thị trường số 12/2016

03:27 PM 08/07/2016 |   Lượt xem: 3720 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long: Kết nối tiêu thụ hàng hóa

Với số người sinh sống tập trung đông, nhu cầu tiêu thụ lương thực – thực phẩm của Hà Nội luôn rất lớn. Đây chính là cơ hội để các sản phẩm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gia tăng số lượng tiêu thụ đáng kể tại thị trường Hà Nội.

Nhu cầu tiêu thụ lớn

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP. Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng gần 10 triệu người sinh sống, chưa kể gần 20 triệu khách du lịch mỗi năm. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng năm rất lớn: Trung bình khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản, 900.000 tấn rau. Trong đó, số lượng thực phẩm Hà Nội tự sản xuất được còn rất thấp: Khoảng 69% nhu cầu về thịt, 32% thủy hải sản, 38% gạo tẻ, 60% rau củ, 18% hoa quả tươi… Số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài về.

Nắm bắt được khả năng cung cấp dồi dào với nhiều thực phẩm chất lượng của ĐBSCL, mấy năm gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại như: Phối hợp tổ chức các hội chợ trên địa bàn thành phố và tại các địa phương; chương trình OVOP – mỗi làng một sản phẩm; chương trình đặc sản vùng miền kết nối với trên 40 tỉnh, thành phố; chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương tại các địa phương: An Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…

Với các chương trình này, người sản xuất đã yên tâm sản xuất vì có thị trường đầu ra tương đối ổn định; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, giá cả hợp lý thông qua hệ thống siêu thị uy tín như: Fivimark, Intimex, Vinmart, Co.opmart, BigC. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản của ĐBSCL như: Trái cây (thanh long, mãng cầu, bưởi, dưa hấu, xoài), thủy hải sản (tôm, cua, cá), thực phẩm chế biến (bánh pía, gạo, các sản phẩm từ trái dừa…) đã có mặt tại hệ thống phân phối của Hà Nội. Nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề của Hà Nội cũng đã xuất hiện ngày một nhiều tại ĐBSCL…
Chủ động kết nối cung - cầu

Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Một số địa phương ở ĐBSCL còn ít doanh nghiệp (DN) lớn làm đầu mối mua hàng cho nông dân nên khi Hà Nội cần lượng hàng lớn, chất lượng đảm bảo, đồng nhất, thường gặp khó khăn; nhiều hộ sản xuất nông sản của ĐBSCL vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, bao bì đặt ra. Thêm vào đó, khoảng cách giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và Hà Nội khá xa, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, khó khăn, tốn kém… khiến nhiều DN chùn bước.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt – Phó trưởng ban – Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, để mối liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố ĐBSCL với thị trường Hà Nội ngày một phát triển, bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết, nâng cao chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm, xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản, các địa phương ĐBSCL cần có kế hoạch, chương trình phối hợp cụ thể với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trên từng lĩnh vực; định kỳ có sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận ký kết. Từ đó chủ động khắc phục những tồn tại để hàng hóa – dịch vụ của mỗi bên không ngừng phát triển và đạt giá trị cao nhất. Trong đó, Sở Công Thương của mỗi địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để giới thiệu, tuyên truyền về các sản phẩm đã được chứng nhận ISO, VietGAP, GlobalGAP để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn; hỗ trợ các DN, nhà phân phối mở rộng kênh phân phối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh…

Mùa vải thiều năm nay, trái vải thiều miền Bắc lại đang tiếp tục đến với các tỉnh phía Nam và được người tiêu dùng nhiệt tình hưởng ứng, góp phần san sẻ bớt nỗi lo về “đầu ra” cho người trồng vải thiều. Hy vọng, cũng như trái vải, các sản phẩm của ĐBSCL rồi cũng sẽ được tiêu thụ rộng rãi, với số lượng lớn hơn tại thị trường Hà Nội sau những cái “bắt tay” chặt chẽ tích cực, thường xuyên trong hợp tác thương mại giữa DN ĐBSCL với các DN Hà Nội.

MUA GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Năng suất và giá bán mè giảm

Năm nay, nông dân trồng cây mè trên nền đất lúa trong vụ hè thu 2016 tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long kém vui vì giá mè ở mức thấp so với các năm trước. Vào đầu vụ thu hoạch, giá hạt mè được thu mua ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg, nhưng 1 - 2 tuần nay, giá mè chỉ còn ở mức 28.000 - 32.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ mè của nhiều bà con nông dân cũng gặp khó do có ít thương lái thu mua. Thời điểm này, nhiều địa phương đã thu hoạch dứt điểm các diện tích mè nhưng có một bộ phận nông dân chưa bán được mè, phải trữ lại trong nhà, chờ thương lái. Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, khô hạn gay gắt hồi đầu vụ và nhiều ruộng mè bị cỏ dại tấn công nên năng suất mè cũng thấp so mọi năm, bình quân khoảng 1 - 1,2 tấn/héc-ta.

Phú Yên: Khan hiếm mía giống

Trong vụ mía vừa qua, do được mùa, được giá nên nông dân ở Phú Yên thu nhập cao. Nhiều hộ đã đầu tư tăng diện tích trồng mía. Tuy nhiên, do người dân tăng diện tích trồng mía nên đã xuất hiện tình trạng khan hiếm mía giống. Hiện giá mía giống do thương lái bán là 1,7 triệu đồng/tấn, cao hơn 600.000 đồng/tấn so với năm trước. Thậm chí, nhiều hộ dân không mua được mía giống nên đã chuyển sang trồng sắn trở lại. Một số hộ do thiếu giống nên phải trồng thưa, bình thường trồng các hom gối đầu thì nay trồng cách nhau một gang tay. Điều này đồng nghĩa với năng suất mía năm đầu sẽ đạt sản lượng thấp.

Thực trạng này xuất phát từ việc nhà máy đường không đầu tư mía giống nên nông dân phải tự tìm mua. Trong khi đó, mùa thu hoạch trước, thương lái đã tận thu với giá cao, dẫn đến khan hiếm nguồn mía giống. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn mía giống, tỉnh đã chỉ đạo các huyện làm việc với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa để khảo sát, quy hoạch và vận động người trồng mía giữ lại những diện tích mía đảm bảo chất lượng, chủ động phân phối nguồn giống đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.

Cần Thơ: Giá heo giống giảm

Hiện heo giống (trọng lượng khoảng 10 -15 kg) tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ có giá từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/con, giảm khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con so với cách nay khoảng 1 tháng. Giá heo giống giảm do gần đây giá heo hơi giảm làm cho nhiều người chăn nuôi thận trọng trong việc mua heo con để tái đàn. Dù vậy, hiện giá heo hơi vẫn ổn định ở mức giúp người chăn nuôi heo có lời. Tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ, giá heo hơi đang ở mức phổ biến từ 44.000 - 46.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ chăn nuôi heo, với mức giá hiện tại, xuất bán mỗi con heo có trọng lượng khoảng 100kg, nhiều người chăn nuôi vẫn có thể kiếm lời ít nhất 500.000 - 600.000 đồng.

Vũng Tàu: Cá lồng bè rớt giá, người nuôi cầm chừng

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện nay giá cá biển nuôi lồng bè giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Trước tình hình này, nhiều hộ nuôi cá lồng bè đã giảm nuôi.

Hiện nay, giá một số mặt hàng cá biển nuôi lồng bè ở mức thấp so với những tháng đầu năm 2016. Cụ thể, giá cá bớp hiện dao động ở mức 105.000 – 115.000 đồng/kg; cá chim trắng vây vàng dao động ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg; cá chẽm khoảng 6.000 – 10.000 đồng/con. Với giá bán hiện tại, người nuôi cá lồng bè chỉ hòa vốn. Giá cá nuôi lồng bè giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sức tiêu thụ tại chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh giảm. Ngoài ra, các tin đồn thất thiệt thời gian gần đây về tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức tiêu thụ và giá cá nói chung. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng các thương lái cố tình bắt tay nhau ép người dân bán cá với giá thấp nhằm trục lợi. Chính vì giá xuống khá thấp nên nhiều hộ dân vẫn còn lưỡng lự chưa xuống giống đồng loạt mà chỉ thả cầm chừng

BÁN GÌ

Thận trọng khi trồng thanh long ruột đỏ

Việc người dân ồ ạt chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ sẽ tạo ra nguồn cung cao hơn lượng cầu khiến giá thanh long ruột đỏ giảm thấp.

Thời gian qua, tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giá thanh long ruột đỏ luôn cao gấp 2 - 4 lần so với thanh long ruột trắng. Vì vậy, một số nhà vườn trong vùng đã đổ xô trồng loại cây này. Điển hình là tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) và huyện Châu Thành (tỉnh Long An) tình trạng nhà vườn phá bỏ cây thanh long ruột trắng chuyển qua trồng ruột đỏ ngày càng tăng.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện nay ở khu vực phía Nam, nông dân đã trồng hơn 5.000 cây thanh long ruột đỏ. Trong đó, riêng tỉnh Long An là hơn 1.000 héc-ta. Tuy trước mắt, giá thanh long ruột đỏ luôn tăng cao nhưng địa phương cần vận động bà con nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi. Bởi trên thực tế, thanh long ruột trắng vẫn đang cho thu nhập tốt. Trước tình hình này, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch trồng cây thanh long, không nên “chạy” theo phong trào, trồng ào ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Việc thay đổi giống cây trồng, đặc biệt là cây thanh long cần theo quy hoạch của địa phương. Mặt hàng nào cũng theo quy luật cung cầu, nếu trồng nhiều một loại thanh long khi nguồn cung cao hơn lượng cầu chắc chắn giá sẽ thấp xuống. Mặt khác, hiện nay, vẫn có đến 70 - 80% thanh long được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Nếu vì lý do nào đó thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu sẽ làm cho lượng cung dư thừa. Lúc đó, giá tất nhiên sẽ giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến người trồng trọt.

Đồng Nai: Thị trường trái cây gặp khó

Vụ trái cây hè năm nay, nông dân Đồng Nai gặp khó khăn do nhiều loại trái cây mất mùa và trái cây ế hàng, dội chợ. Theo các thương lái, nguyên nhân là do chợ ế, sức tiêu thụ về các tỉnh phía Bắc rất chậm.

Dù đang vào thời điểm mùa trái cây thu hoạch rộ nhưng tại khu vực tập kết trái cây bỏ mối về các nơi tiêu thụ tại bến xe Long Khánh (thị xã Long Khánh), các xe chở trái cây chỉ về rải rác. Các vườn báo trái chín nhiều nhưng vẫn buộc phải neo trên cây chờ khách đặt thì vựa mới báo hái, vì hái xuống để từ sáng đến chiều chậm tiêu thụ là rớt thêm mấy giá. Theo bà Võ Thị Trúc Thanh - Chủ vựa trái cây Thanh Trung, từ đầu mùa đến nay, trái cây đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc rất chậm. Một phần nguyên nhân là do năm nay mất mùa, dẫn đến thời điểm đầu mùa giá nhiều loại trái cây đứng ở mức cao hơn so với cùng kỳ nên khó bán. Giá các loại chôm chôm nhãn, chôm chôm thái, bơ… cũng đang hạ nhiệt dần. Hiện giá chôm chôm thường chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Với trái sầu riêng, từ khi Trung Quốc giảm nhập hàng thì giá chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg, giảm 1/3 mức giá đầu mùa mà tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Cùng chung tâm trạng lo lắng vì buôn bán ế ẩm, một thương lái thu mua chôm chôm tại Xuân Lộc, Long Khánh, cho hay: “Đợt này, tôi chủ yếu đóng hàng chôm chôm cung cấp ngược về cho các tỉnh miền Tây do khu vực này năm nay trái cây bị mất mùa nặng do hạn, mặn. Riêng các đơn hàng đi những tỉnh phía Bắc giảm mạnh. Nhìn chung, sức tiêu thụ của các thị trường đều rất chậm”.

Để có vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nông dân phải đổ chi phí đầu tư cao hơn hẳn mọi năm để vườn cây vượt qua giai đoạn hạn hán. Tuy nhiên, nhiều vườn cây không chỉ giảm năng suất ở vụ này mà có thể còn bị ảnh hưởng cho vụ sau. Giá trái cây đầu mùa cao, một số vườn thu hoạch sớm còn có lợi nhuận, những vườn thu hoạch muộn hầu như mất trắng vì vừa mất mùa, vừa mất giá.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Các tỉnh ven biển ĐBSCL: Nghêu chết, dân thiệt hại tiền tỷ

Mô hình nuôi nghêu ven biển đang được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, tình hình nghêu chết chưa rõ nguyên nhân trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người nuôi nghêu không dám đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện các ngành chức năng đang tìm cách để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Thu hoạch nghêu non bán tháo

Liên tiếp từ trung tuần tháng 6 đến nay, diện tích nghêu nuôi ven biển tỉnh Bạc Liêu chết hàng loạt gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Hiện nay, nhiều hộ nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh đang lâm vào cảnh khó khăn, không có vốn để tái đàn. Ban đầu, nghêu chết rải rác tại Tổ hợp tác Thanh Vũ , xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Chỉ vài ngày sau, toàn bộ diện tích hơn 20 héc-ta nghêu nuôi của tổ hợp tác này chết trắng, làm thiệt hại kinh tế khoảng 20 tỷ đồng. Sau đó, nghêu tiếp tục chết lây lan ra diện rộng, làm hơn 600 héc-ta nghêu nuôi của Hợp tác xã Đồng Tiến , xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình chết gần 90% sản lượng. Tình trạng nghêu chết hàng loạt khiến người nuôi nghêu hoang mang, lo lắng, không ít hộ thu hoạch nghêu non bán tháo. Điều lo lắng hơn, diện tích nuôi nghêu của tỉnh Bạc Liêu nằm dọc theo bãi bồi ven biển, dùng chung một nguồn nước, khi một diện tích nhiễm bệnh, chết thì khó phòng ngừa diện tích còn lại.

Tại tỉnh Cà Mau, UBND huyện Ngọc Hiển cũng đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn nắm lại tình hình nghêu chết xảy ra tại Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 130 tấn nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi bị chết, thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Tại huyện Gò Công Đông, xã Tân Thành, tỉnh Tiền Giang, bà con đang nuôi nghêu trên diện tích 350 héc-ta bãi bồi ven biển cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nghêu sắp đến thời điểm thu hoạch thì chết.

Ngoài ra, giá thu mua ngày càng có xu hướng giảm cũng là nguyên nhân khiến người nuôi nghêu lo lắng. Trước đây chỉ có Bến Tre, Tiền Giang nuôi nghêu, những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển mô hình nuôi nghêu ven biển khiến sản lượng nghêu ngày càng tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu đã cắt giảm xuất khẩu hoặc mua nghêu nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… để tận dụng giá rẻ. Những yếu tố này đặt người nuôi nghêu vào tình trạng hoàn toàn bị động. Con giống thì phụ thuộc thiên nhiên, nuôi nghêu phụ thuộc vào thời tiết, môi trường, còn bán nghêu thì phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Cần sớm ổn định cuộc sống cho bà con

Trước tình hình này, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu để xác định nguyên nhân. Các địa phương cũng tiếp tục thống kê cụ thể thiệt hại và trình cấp trên xem xét để có hướng hỗ trợ cho người nuôi nghêu.

Qua nhận định ban đầu, nghêu chết có thể do thời tiết thay đổi đột ngột. Mưa nhiều làm độ mặn nguồn nước giảm đột ngột, nghêu không thích nghi dẫn đến chết. Hoặc do nguồn nước ô nhiễm, nhiễm tảo độc. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn đang trong quá trình điều tra. Tại tỉnh Cà Mau, các cơ quan chuyên môn cũng nhận định, nguyên nhân do ảnh hưởng mưa lớn và kéo dài nên nước từ sông Rạch Thọ đổ ra làm môi trường nước thay đổi đột ngột dẫn đến nghêu bị sốc chết.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây diện tích nuôi nghêu tỉnh này tăng nhanh. Hiện có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã thả nuôi lên đến hàng trăm héc-ta. Mô hình nuôi nghêu ven biển cũng đang được tỉnh quy hoạch, mở rộng lên đến hàng ngàn héc-ta. Chính vì vậy, để người dân yên tâm sản xuất cần có những giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn vốn… Trước mắt cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để bà con ổn định cuộc sống. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước mắt phải xác định đúng tác nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm vừa qua để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, ương dưỡng nghêu giống để nghề nuôi nghêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nghêu giống tự nhiên.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thương lái tăng thu mua cá tra 1 kg/con

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện đang có hiện tượng bất thường khi thương lái thu mua loại cá tra trên 1 kg/con xuất sang Trung Quốc ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thời gian qua, thị trường cá tra nguyên liệu khá trầm lắng. Các doanh nghiệp chế biến do giảm công suất nên chỉ mua loại cá đúng cỡ (khoảng 700 - 900 g/con) để làm phile xuất khẩu, giá trả chậm chỉ 18.500 - 19.000 đồng/kg. Còn cá quá cỡ loại 1 kg/con trở lên khó bán, giá rẻ. Vì vậy, một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra như: Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp… đã giảm sản lượng. Các hộ nuôi liên tục chào giá ở mức thấp. Các nhà máy hầu như không thu mua cá từ bên ngoài mà chủ yếu bắt cá trong vùng nuôi hoặc từ các hộ nuôi liên kết.

Điều bất thường là tại Đồng Tháp, thương lái lại thích mua loại cá tra quá cỡ để xuất sang Trung Quốc, nhưng với giá cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo nhận định của các địa phương, từ tháng 7 tới, nhu cầu thu mua cá tra xuất sang Trung Quốc có thể tăng lên, do trùng với thời điểm cá vượt cỡ - từ 1 kg/con trở lên nhiều hơn.

Đây là hiện tượng không bình thường, giống như thương lái thu mua gom lá điều, rễ tiêu, xoài non… bán cho Trung Quốc. Vì vậy, các ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân cần cẩn trọng, tránh vì thấy lợi trước mắt mà có thể gây thiệt hại tiền tỷ về lâu dài.

Trà Vinh: Tiêu thụ nghêu khó

Từ đầu tháng 6 đến nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở vùng biển Trà Vinh bước vào vụ thu hoạch rộ.

Tuy nhiên, với điệp khúc “được mùa nhưng rớt giá”, bà con ở vùng nuôi nghêu nơi đây đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo toan khi đứng trước tình thế bị thất thu hàng tỷ đồng.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác được nhà nước giao đất bãi bồi trên biển để nuôi nghêu. Xã viên và tổ viên tham gia nuôi nghêu đa phần là các hộ nghèo không có đất canh tác, sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu ở Trà Vinh chưa bền vững khi chưa có sự ổn định về đầu ra của sản phẩm. Vụ năm nay, Hợp tác xã Tiến Thành thả nuôi hơn 2,7 tỷ đồng nghêu giống trên diện tích gần 200 héc-ta bãi bồi ven biển và đang bước vào vụ thu hoạch rộ, ước tính sản lượng nghêu thương phẩm đạt trên 600 tấn. Mặc dù thu hoạch đạt năng suất cao hơn năm ngoái 100 tấn nhưng giá nghêu thương phẩm bán ra chỉ được 17.000 đồng/kg, thấp hơn bình thường 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là không có thương lái đến thu mua hết sản lượng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, mỗi năm, sản lượng nghêu thương phẩm ở địa phương này bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn. Bình quân, cứ 1 đồng vốn bà con đầu tư vào nuôi nghêu thì sẽ được khoảng 1 đồng lời. Thế nhưng, do không đảm bảo được tính ổn định của đầu ra nên nhiều bà con chán nản, không dám mạnh dạn nuôi nghêu. Tình trạng thương lái liên kết để chèn ép giá cũng khiến cho việc sản xuất và tiêu thụ nghêu ở Trà Vinh càng trở nên khó khăn hơn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Chuyển giao giống tràm chất lượng cao

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ cho biết, trong những năm qua Viện đã phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện nhiều nghiên cứu về cải thiện giống và các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh rừng tràm bền vững tại tỉnh Long An và Cà Mau.

Cây tràm được xác định là loại cây trồng chủ lực cho vùng Tây Nam bộ, đặc biệt trên vùng đất phèn nặng, ngập nước theo mùa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hệ sinh thái rừng tràm cũng là 1 trong 3 hệ sinh thái chính của các vùng đất ngập nước. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm thỏa đáng cho cây tràm cả về công tác nghiên cứu và phát triển.

Nhằm đảm bảo cung ứng giống tràm chất lượng cao cho bà con nông dân, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ đã xây dựng hơn 40 héc-ta rừng giống và vườn giống cho các giống tràm ta và tràm Úc với sản lượng 400 – 500 kg hạt giống/năm. Các vườn ươm của Viện có thể cung cấp khoảng 3 triệu cây giống/năm phục vụ nhu cầu sản xuất. Việc chuyển giao giống và kỹ thuật thâm canh rừng tràm bền vững đã được Viện chú trọng và đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. 9 giống tràm ta, tràm lá dài và tràm Úc đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Các kỹ thuật trồng thâm canh trên líp, kỹ thuật tỉa thưa đã đưa năng suất rừng đạt tới 40 mét khối/héc-ta/năm cho các giống tràm Úc và 30 mét khối/héc-ta/năm cho các giống tràm ta. Nhiều mô hình sử dụng giống, kỹ thuật do Viện nghiên cứu, kết hợp nuôi ong và nuôi cá trong rừng tràm đã được bà con nông dân xây dựng tại tỉnh Long An và Cà Mau. Đến nay, các mô hình này đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tiền Giang: Sầu riêng nghịch vụ giá cao

Hiện nay, nông dân huyện Lai Cậy, tỉnh Tiền Giang đang tiến hành xử lý vụ sầu riêng nghịch năm 2016 bằng cách điều tiết nước cạn trong mương, dùng màng nylon phủ mặt liếp, đồng thời phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa.

Địa phương này hiện có vùng trồng sầu riêng lớn nhất nước với gần 9.000 héc-ta sầu riêng tập trung tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Thời điểm đầu tháng 5, các hộ bắt đầu xử lý sầu riêng nghịch vụ. Tạo khô hạn khoảng 1 tháng cây ra hoa, dỡ mũ tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo định kỳ và cho thu hoạch vào tháng 11 âm lịch. Thông thường đây là thời điểm sầu riêng khan hiếm nên thương lái đến tận vườn mua sầu riêng với giá cao. Các thương lái thu mua sầu riêng ở địa phương cung cấp cho khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia. Hầu hết thương lái đều chọn lựa trái sầu riêng rất kỹ về chất lượng, mẫu mã trước khi thu mua. Họ chọn những trái đã già (trước khi rụng chín từ 5 - 7 ngày), bởi thu hoạch vào thời điểm này không ảnh hưởng đến chất lượng trái chín và vận chuyển được đi xa, dễ bảo quản.

Thông qua việc xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ giúp nông dân khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá", nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Khó kiểm soát phân bón kém chất lượng

Tại đồng bằng sông Cửu Long, phân bón giả, kém chất lượng đang là vấn đề bức thiết. Các sản phẩm giả, nhái thường xuất hiện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa với nhiều hình thức tinh vi nên rất khó phát hiện, khó xử phạt.

Hình thức vi phạm ngày càng tinh vi

Theo Ban Chỉ đạo 389 Cần Thơ, nhu cầu sử dụng phân bón của ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Vì vậy, đây là thị trường “màu mỡ” của các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Mặc dù thời gian qua, lực lượng QLTT Cần Thơ đã xử lý quyết liệt rất nhiều vụ việc vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Hơn nữa, phân bón giả, kém chất lượng hiện nay hoạt động liên tỉnh nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Hầu hết các mẫu phân bón sai phạm, kém chất lượng đều là sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hình thức vi phạm tinh vi. Các sản phẩm giả, nhái thường xuất hiện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa với nhiều hình thức tinh vi nên rất khó phát hiện. Điển hình là hình thức ký hợp đồng gia công hay mở cơ sở nhỏ lẻ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng tuồn bán ra thị trường hoặc nhái nhãn mác của các sản phẩm phân bón có thương hiệu lớn trong nước.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, Tại Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón cho các tỉnh, thành phía Nam do Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương tổ chức tại Cần Thơ trung tuần tháng 6/2016, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong việc quản lý hóa chất. Đặc biệt, cần phối hợp chặt với nhau để có biện pháp, chế tài răn đe đủ mạnh để xử lý triệt để nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Các ban, ngành cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác sản xuất kinh doanh phân bón. Khi phát hiện cần có biện pháp xử phạt nặng hành vi vi phạm. Về phía bà con nông dân, nên lựa chọn sản phẩm, thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng để sử dụng. Khi mua phân bón cần lưu ý các các ký hiệu trên thương hiệu, các thông tin trên bao bì sản phẩm để đảm bảo đấy là hàng do các công ty có uy tín sản xuất.
Sai phạm trong chứng nhận, thử nghiệm phân bón

Bên cạnh đó, tình trạng sai phạm trong chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm phân bón kém chất lượng không được kiểm soát. Mới đây, thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố về những sai phạm ở 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận, thử nghiệm phân bón.

Điển hình nhất trong các đơn vị này là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ. Trung tâm này là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đáng nói, trung tâm đã hoạt động khi không có “Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động”, Phòng thử nghiệm phân bón của trung tâm cũng không có “Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm”.

Không chỉ có Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ, 10 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là đơn vị thử nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón đều có mức độ sai phạm nghiêm trọng khác nhau. Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hoá xuất nhập khẩu khi được thanh tra không có tài liệu chứng minh có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón, không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận. Tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2), đoàn thanh tra khẳng định trung tâm này không đủ kinh nghiệm, không thực hiện đánh giá, giám sát với sản phẩm phân bón đã chứng nhận hợp quy... Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert), Công ty TNHH Kencert, Trung tâm Chất lượng nông lâm sản vùng 2 và nhiều đơn vị khác cũng có những sai phạm tương tự như Quatest 2.

Trên thực tế, hậu quả của tình trạng thử nghiệm, chứng nhận sai là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, Đoàn thanh tra đã kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo rút, hủy toàn bộ các quyết định chỉ định doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chứng nhận phân bón đối với 11 đơn vị được thanh tra. Yêu cầu các tổ chức chứng nhận phân bón thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp không đúng quy định.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt “phủ sóng” vùng sông nước

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, có bờ biển dài 700 km và đường biên giới với Campuchia. Cư dân khu vực ĐBSCL còn khó khăn, nhu cầu được sử dụng hàng hóa có chất lượng với giá cả phải chăng tương đối lớn. Do đó, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn luôn được người dân chờ đợi.

Như một thói quen từ bao đời nay, bà con vùng ĐBSCL quen với tiếng ghe máy chở hàng hóa len lỏi qua từng con kênh, con rạch, đến tận gia đình, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Từ lương thực, thực phẩm như gạo, mỡ, mắm muối, đồ gia dụng, đồ điện máy… đến cây kim, sợi chỉ… đều ngấm trọn mùi nắng, mùi gió để đi đến tận tay bà con. Ở khu vực đất liền, người dân nông thôn quen mua sắm hàng hóa tại các chợ. Tuy nhiên, một phần do gần biên giới, phần do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trước đây, hàng hóa về với bà con chủ yếu là hàng Trung Quốc, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu. Ưu điểm của các mặt hàng này là giá thành rẻ, đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

Để giúp bà con khu vực nông thôn các địa phương ĐBSCL được sử dụng hàng hóa chất lượng tốt, giá cả phải chăng, trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng trăm chuyến đưa hàng Việt về nông thôn khu vực này đã được triển khai và được người dân chờ đón. Cuối tháng 6 vừa qua, tại thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Châu Thành tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Phiên chợ thu hút 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 36 gian hàng gồm các ngành may mặc, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, hàng điện tử, thực phẩm, công nghệ… Theo Trung tâm BSA, việc tổ chức phiên chợ nhằm mở ra cơ hội hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ ở địa phương có cơ hội nâng cao khả năng kinh doanh, kết nối nhà phân phối, đồng thời, giúp nâng cao kiến thức tiêu dùng của bà con về phân biệt hàng thật - giả.

Cũng là một địa phương chú trọng tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, những năm vừa qua, An Giang đã tổ chức được nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Năm 2015, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã chủ trì, phối hợp tổ chức và tiếp nhận, theo dõi doanh nghiệp tổ chức 9 phiên chợ và 19 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Doanh số bán hàng đạt 13,15 tỷ đồng. Khách đến tham quan và mua sắm khoảng 139.190 lượt người. Đồng thời, Sở Công Thương An Giang cũng tiếp nhận, theo dõi doanh nghiệp tổ chức 4 phiên chợ và 19 chuyến bán hàng lưu động. Doanh số bán hàng được 8,1 tỷ đồng, khách đến tham quan và mua sắm khoảng 88.600 lượt người.

Kết quả trên cho thấy, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn các địa phương ĐBSCL rất được bà con hưởng ứng, tin tưởng ủng hộ. Người dân thực sự có nhu cầu rất lớn về hàng hóa Việt chính hãng, có chất lượng. Tuy nhiên, về lâu dài, điều quan trọng hơn cả là phải xây dựng được những kênh phân phối tại các khu vực nông thôn để người dân có điểm mua sắm ổn định. Năm 2015, Bạc Liêu và Cần Thơ là 2 địa phương được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định. Thời gian tới, các địa phương còn lại cũng sẽ được hỗ trợ xây dựng những điểm bán tương tự, giúp hàng Việt “phủ sóng” tốt hơn khu vực ĐBSCL.

Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn các tỉnh ĐBSCL đã mang lại hiệu ứng rất tích cực. Các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thêm kênh phân phối tại thị trường nông thôn. Người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận các sản phẩm “Made in Việt Nam” có chất lượng cao, phù hợp với thu nhập của mình.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện))