TIÊU ĐIỂM |
Đồng bằng sông Cửu Long: Bưởi da xanh tiêu thụ mạnh
Hơn chục năm nay, cây bưởi da xanh được nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chọn trồng vì cho thu nhập khá cao. Trung bình 1 héc-ta bưởi da xanh cho thu nhập khoảng 200 đến 300 triệu
đồng/năm. Hiện toàn vùng có hơn 15.000 héc-ta bưởi da xanh tập trung ở các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…
Giá tăng cao, tiêu thụ tốt
Thời gian gần đây, giá bưởi da xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng cao khiến bà con nông dân phấn khởi. Theo Hợp tác xã Bưởi da xanh và năm roi Kế Thành, giá bưởi dao động trong khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhà vườn đã có lãi. Hiện giá bưởi đã vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg giúp nhà vườn thắng đậm.
Không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, bưởi da xanh còn được xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới như: Canada, Đức, Cộng hòa Czech, Hà Lan, Australia… Trong đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nhất bưởi da xanh của ĐBSCL… Đặc biệt, những ngày này, nhiều thương lái ở Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long… xuôi ngược khắp các vườn bưởi da xanh để săn lùng bưởi phục vụ nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh. Thậm chí, thương lái tới tận vườn đặt mua bưởi với số lượng lớn để cung ứng sang thị trường Trung Quốc.
Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP
Chủ vườn bưởi da xanh ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, nhà ông đã tiếp nhiều thương lái Trung Quốc sang khảo sát để nhập khẩu bưởi da xanh về Trung Quốc tiêu thụ. Trên thực tế, hầu hết các vườn bưởi phục vụ xuất khẩu đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các công đoạn chăm sóc đều tuân thủ chặt chẽ an toàn thực phẩm. Việc bón phân, tưới nước cũng được phân đúng định kỳ để đảm bảo trái bưởi phát triển đều, chất lượng ngon… Từ khi trồng đến từng giai đoạn thu hoạch được ghi chép vào sổ sách, nhằm truy suất nguồn gốc.
Tuy bưởi da xanh luôn trong tình trạng sốt giá nhưng các địa phương cũng thường xuyên lưu ý bà con phải chú trọng chất lượng, sản xuất đúng quy trình VietGAP. Đặc biệt, không được thu hoạch bưởi non, không chạy theo số lượng mà phải chú trọng chất lượng thì việc tiêu thụ mới bền vững.
Mặc dù bưởi da xanh hiện tiêu thụ mạnh sang thị trường Trung Quốc nhưng người dân vẫn không khỏi lo ngại trước tình trạng tồn ứ sản phẩm nếu thị trường này ngừng thu mua. Tuy nhiên, theo phân tích của các địa phương, tình trạng này khó có thể xảy ra bởi cung bưởi da xanh hiện thấp hơn cầu rất nhiều. Sản lượng bưởi da xanh cũng không nhiều. Đó là chưa kể đến nhu cầu của nhiều nước trên thế giới chuộng bưởi da xanh. Thêm lợi thế nữa là bưởi da xanh có thể bảo quản được từ 1 - 2 tháng mà vẫn không hư, vì vậy không lo bị ép giá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL đều chung nhận định, thực tế những năm qua, bưởi da xanh là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để cây bưởi phát triển bền vững, thời gian tới, cần quy hoạch lại các vùng trồng bưởi da xanh, triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng với các doanh nghiệp. Xây dựng liên kết ngang giữa các nông dân trồng bưởi da xanh, hình thành Chi hội nông dân trồng bưởi da xanh trên địa bàn từng ấp, xã; liên kết dọc giữa nông dân trồng bưởi da xanh và thương lái. Đồng thời, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế của trái bưởi da xanh.
Bên cạnh đó, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đạt chất lượng trái cao, đồng đều theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Quảng Ngãi: Tìm đầu ra cho cây quế Trà Bồng
Quế là cây trồng truyền thống của đồng bào dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Trà Bồng đang có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây quế lên gần 2.000 héc-ta. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tìm đầu ra ổn định cho cây quế.
Huyện Trà Bồng đang vào vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm. Trên các trục đường xuyên xã, liên thôn ở vùng cao Trà Bồng đâu đâu cũng ngào ngạt hương quế. Bà con đồng bào Cor ai cũng tranh thủ lên rẫy lột vỏ quế mang về bán cho thương lái. Tùy theo chất lượng vỏ quế, hiện nay, vỏ quế tươi giá bình quân từ 15.000 – 17.000 đồng/kg, quế khô giá 36.000 – 37.000 đồng/kg. Mặc dù giá quế cao nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, quế chậm tróc vỏ nên thời điểm này, lượng quế bà con thu hoạch chưa nhiều.
So với các loại cây nguyên liệu khác, cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Tất cả sản phẩm của cây quế như vỏ quế, thân, lá và cành quế người trồng đều có thể bán được cho các cơ sở sản xuất dùng làm nguyên liệu chế biến. Chính bởi ưu điểm này mà sản phẩm từ quế luôn cho giá trị kinh tế cao trên thị trường. Quế trở thành cây trồng mũi nhọn và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình huyện Trà Bồng.
Huyện Trà Bồng hiện có gần 1.400 héc-ta quế. Mới đây, huyện đã xây dựng Dự án Ðầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế. Từ nay đến năm 2020, huyện tiếp tục phát triển thêm 1.700 héc-ta, hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá. Người dân tham gia trồng quế sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng.
Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho cây quế về lâu dài vẫn là một bài toán khó. Bởi thực tế mấy năm nay cho thấy, mặc dù ngành công thương đã nỗ lực giúp địa phương tìm kiếm thị trường, đối tác liên doanh, liên kết nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, diện tích trồng quế ở địa phương còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các nông hộ vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo đột phá lớn trong sản xuất; chưa chú trọng việc trồng giống quế thuần và chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất nên chất lượng sản phẩm quế làm ra chưa chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hưng Yên: Nâng cao giá trị cây nghệ Chí Tân
Xã Chí Tân nằm ven đê sông Hồng, đất canh tác phần lớn là pha cát, rất thích hợp với trồng cây nghệ vàng. Thời gian qua, người trồng nghệ đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng củ. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ nghệ.
Tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nghệ được xem là cây trồng mũi nhọn nhờ hiệu quả kinh tế cao nổi bật so với các loại cây khác. Điều khác biệt ở Chí Tân so với nhiều địa phương trong sản xuất nông sản chính là sản phẩm làm ra chưa bao giờ lo ế. Nguyên nhân là bởi nghệ trồng ở đây được các nhà khoa học xác nhận có hàm lượng curcumin cao hơn hẳn nhiều nơi. Nhưng điều quan trọng hơn chính là hiện nay, một lượng lớn củ nghệ tươi sau khi thu hoạch không bán thô ra thị trường mà được chế biến thành những sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao như: nghệ sấy khô, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên nghệ tẩm mật ong… ngay tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nghệ trong xã bằng những dây chuyền hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Diện tích trồng nghệ ở Chí Tân bởi vậy ngày càng được mở rộng. Nhiều hộ dân trong xã Chí Tân đã cải tạo diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây nghệ vàng. Bình quân mỗi héc-ta trồng nghệ cho thu hoạch trung bình khoảng 27 tấn. Giá trị trên mỗi héc-ta ước đạt 400 - 540 triệu đồng. Ước tính, mỗi sào nghệ cho thu lãi trên 20 triệu đồng, gấp 7 - 10 lần trồng lúa.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện Khoái Châu sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các bước nhằm xây dựng thương hiệu cho củ nghệ vàng Chí Tân. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để ổn định đầu ra cho người trồng nghệ, nâng cao giá trị, thêm cơ hội để cây nghệ Chí Tân vươn xa hơn nữa…
Trong thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân chuyển đổi gần 100 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây nghệ… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng với bà con nông dân để phát triển cây nghệ tại địa phương.
MUA GÌ? BÁN GÌ? |
Cần Thơ: Lúa thơm và nếp được giá
Vụ lúa đông xuân 2017, Cần Thơ đã thu hoạch trên 77.500 héc-ta trong tổng số hơn 85.000 héc-ta. Hiện nay, lúa thơm và nếp nông dân bán được giá cao nhất. Lúa khô Jasmine 85 giá 6.500 - 6.600 đồng/kg, nếp bán 6.700 - 6.800 đồng/kg. Trong khi các giống lúa OM giá 6.300 - 6.400 đồng/kg, còn lúa IR50404 thấp nhất 5.400 - 5.500 đồng/kg. So với cùng kỳ, vụ đông xuân năm trước giá lúa đã tăng 2 - 10%.
Hiện tại Cần Thơ có 14 công ty và 5 hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trên cánh đồng lớn, chiếm 35% diện tích lúa đông xuân. Cần Thơ đang khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn và nhân rộng mô hình liên kết hợp tác hiệu quả.
Đồng Nai: Giá heo hơi giảm mạnh
Hiện nay, giá heo hơi tại vùng Đông Nam bộ đang giảm mạnh khiến hộ chăn nuôi trong vùng lao đao. Một số hộ chăn nuôi phải bán tháo các trại chăn nuôi để trả tiền vay ngân hàng. Thời điểm cuối tháng 3/2017, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ còn 30.000 đồng/kg. Trong khi đó để đủ chi phí sản xuất, giá trên thị trường phải đạt mức hơn 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến heo hơi giảm giá mạnh là do không xuất sang được Trung Quốc. Những năm trước, toàn tỉnh Đồng Nai xuất khẩu khoảng 7.000 - 10.000 con/ngày, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1.000 con/ngày. Trước thực trạng này, nhiều hộ chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giảm đàn ồ ạt, thậm chí bán cả trại chăn nuôi vì lỡ vay tiền ngân hàng đầu tư chuồng trại. Trong số này, có trại do chính chủ bán, nhưng không ít người bán là các chủ đại lý cám, thức ăn chăn nuôi siết nợ từ người chăn nuôi. Đặc biệt, việc truy suất nguồn gốc đã khiến heo tồn đọng khá nhiều, không vào được chợ đầu mối và thương lái phải thêm tiền mua vòng đeo chân cho heo mặc dù chi phí này là rất thấp.
Các chủ trang trại mong Nhà nước đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, nhất là về vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đầu tư lại đàn theo hướng chuyên nghiệp, đạt năng suất cao.
Huyện Tuy An (Phú Yên): Đậu xanh xuống giống sớm bị gây hại
Tính đến thời điểm này, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã đưa vào sản xuất được gần 360 héc-ta đậu xanh vụ xuân hè 2017. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết lạnh và sương nên đã có hơn 40 héc-ta đậu xanh xuống giống trà sớm (trồng được hơn 1 tháng tuổi) tại các xã An Dân, An Định và An Nghiệp bị bệnh nấm và rầy gây hại, không còn khả năng sinh trưởng. Đáng chú ý, nhiều diện tích sản xuất đậu xanh ở đây phải làm đất xuống giống lại từ 2 đến 3 lần.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của huyện Tuy An đã kiểm tra, hướng dẫn hộ sản xuất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để điều trị cho cây đậu xanh, nhằm hạn chế bệnh lây lan diện rộng. Trong 3 năm trở lại đây, đậu xanh là một trong những loại cây trồng cạn chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái): Gần 80% diện tích thảo quả đã phục hồi
Sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, đã có trên 1.400 héc-ta cây thảo quả của người dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị chết. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp cũng như nỗ lực của chính quyền và người dân, đến nay, gần 80% diện tích cây thảo quả toàn huyện đã phục hồi.
Xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có diện tích thảo quả khoảng 450 héc-ta. Đến nay, phần lớn diện tích thảo quả của người dân đang phục hồi tốt, mặc dù chưa cho thu hoạch nhưng được đánh giá là khả quan và khoảng 1 - 2 năm tới sẽ cho thu hoạch ổn định.
Huyện Tam Nông (Đồng Tháp): Nuôi cá tra lãi cao
Nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện đang thu hoạch vụ nuôi cá tra trong ao - hầm với giá bán dao động ở mức trên dưới 27.000 đồng/kg tùy chất lượng và kích cỡ cá. Mức giá này tăng hơn 1.500 đồng/kg so với tháng trước. Với giá này, người nuôi cá tra đã có lãi từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn. Phần lớn cá được tiêu thụ tại các chợ và phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.
Toàn huyện Tam Nông đang nuôi 501 héc-ta cá tra trong ao - hầm. Thời điểm này đã có trên 400 héc-ta nuôi cá tra thu hoạch được trên 60.000 tấn.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra giống thiệt hại nặng do mưa trái mùa
Suốt một tuần qua, thời tiết tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến bất thường. Mưa lớn xảy ra liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cá tra giống.
Theo thống kê sơ bộ, có đến 90% lượng cá tra giống loại từ 1.000 con/kg đến 5.000 con/kg bị thiệt hại. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cá tra nguyên liệu cho năm 2018.
Hiện nay, mặc dù giá cá tra giống đã tăng lên 60.000 đồng/kg nhưng người nuôi và doanh nghiệp vẫn không có cá giống để thả. Dự báo, cá giống sẽ còn tiếp tục thiếu hụt và sản lượng cá thịt tới đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sự thiếu hụt này có thể sẽ kéo dài trong cả năm 2017. Và với tình hình này, nhiều khả năng đến tháng 10/2017, người dân sẽ không còn cá để cung ứng cho các nhà máy, trong khi các nhà máy cũng không còn nguồn nguyên liệu tự nuôi để chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp phải đối mặt với việc không có nguyên liệu sản xuất ít nhất là trong 5 tháng, từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018.
Tại thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày, các nhà máy chế biến chưa đến 1.600 tấn nguyên liệu và đang tiếp tục sụt giảm do không còn nhiều cá để mua. Dự báo, giá cá tra tiếp tục tăng quanh mức 27.000 đồng/kg và có thể lên đến 30.000 đồng/kg.
Cẩn trọng khi sử dụng giống tiêu lạ
Vụ thu hoạch hồ tiêu 2016/2017 đã kết thúc, nông dân bắt đầu chuẩn bị cho vụ mới. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), bà con không nên mua các giống tiêu lạ, bán trôi nổi trên thị trường.
Thông tin từ các địa phương cho biết, hiện trên thị trường đang có nhiều giống tiêu được quảng cáo là giống ngoại, gọi là: giống tiêu Sri Lanka, tiêu Thái Lan, tiêu Campuchia… Hình ảnh giới thiệu về loại tiêu này cùng có chung đặc điểm là gié ra thành chùm rất dài, có thể gấp 2 - 3 lần chiều dài gié tiêu các giống đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay. Điều này khiến nhiều nông dân kỳ vọng các giống tiêu mới sẽ cho năng suất cao hơn. Nhưng trên thực tế, những giống tiêu này hoàn toàn là nhập chui theo con đường tiểu ngạch. Bởi chính Hiệp hội Hồ tiêu đã mang hình ảnh các giống tiêu lạ này hỏi Hiệp hội Gia vị Sri Lanka thì Hiệp hội trả lời là Sri Lanka chưa bao giờ có giống tiêu này.
Vì vậy, Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo bà con không nên mua các giống tiêu này bởi cây hồ tiêu là cây hết sức nhạy cảm với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai… Thông thường với các sinh vật, kể cả các cây trồng dễ sinh trưởng cũng phải được đăng ký nhập nội, được cơ quan khoa học thử nghiệm diện hẹp, diện rộng trên những vùng sinh thái khác nhau, có đánh giá về tính thích ứng, khả năng cho năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh… rồi mới khuyến cáo cho nông dân có nên sử dụng hay không. Việc này hết sức quan trọng bởi nó không chỉ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro khi đầu tư trồng mới mà còn giúp đảm bảo ổn định hệ sinh thái của từng vùng, bởi nếu mất cân bằng sinh thái rất có thể gây bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, các giống tiêu lạ đang lưu thông trên thị trường nước ta đều chưa được thực hiện theo quy trình này. Bà con không nên nghe theo quảng cáo của người bán mà vội vàng trồng và nhân rộng giống tiêu này khi chưa được nghiên cứu, khảo nghiệm để đánh giá.
Bên cạnh đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đã bắt đầu vượt cầu khiến giá đang có xu hướng đi xuống. Việc chạy theo năng suất cao sẽ càng khiến giá hồ tiêu giảm mạnh. Vì vậy, thay vì chạy theo năng suất, nông dân nên đầu tư canh tác tiêu theo hướng bền vững.
HÀNG VIỆT |
Hàng Việt lên biên giới
Sau năm 2016 quay lại thị trường phía Bắc thành công, năm 2017, Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tiếp tục trở lại phục vụ người dân các tỉnh phía Bắc. Theo đó, trong tháng tư này sẽ là chuỗi 6 phiên chợ tại 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Khai thác cơ hội ở những cửa khẩu
Trà Lĩnh, Hòa An và Thạch An, tỉnh Cao Bằng là các huyện vùng núi nhưng dân số khá đông với nhiều đồng bào dân tộc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mức độ giao thương tại cửa khẩu Trà Lĩnh diễn ra mạnh mẽ, nhất là các sản phẩm nông sản xuất sang Trung Quốc. Đời sống người dân cũng vì thế được nâng lên, nhu cầu dùng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng được bà con rất quan tâm.
Lạng Sơn cũng là địa phương có nhiều bà con dân tộc sinh sống. Theo đánh giá của BSA, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu lớn là cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng huyện Cao Lộc và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị (cửa khẩu quốc gia). Tất cả các hàng hóa từ nông sản, điện máy, thời trang… đều được xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu này và là nơi cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa khá lớn.
Khảo sát của BSA đối với hàng Việt tại chợ huyện Chi Lăng cho thấy, chợ Chi Lăng rất lớn, có đầy đủ hàng hóa từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến và tươi sống, điện tử, hàng may mặc… Trong đó, các mặt hàng may mặc đa dạng chủng loại và giá rất rẻ từ Trung Quốc sang. Trên thị trường có thấy các mặc hàng hóa mỹ phẩm của Mỹ Hảo, Lix… nhưng số lượng ít, đa phần vẫn là sản phẩm của Unilever và P&G. Ngành hàng nước chấm có các sản phẩm của Chinsu, Thái Long, Meizan, Cái Lân…
Nhiều doanh nghiệp tham gia phiên chợ
Chia sẻ lý do mà chương trình hàng Việt về nông thôn miền Bắc năm 2017 lại lựa chọn tổ chức tại Cao Bằng và Lạng Sơn, đại diện của BSA cho biết, đây là 2 địa phương có đông đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay… sinh sống. Bà con nơi đây không có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng và tiêu dùng hàng Việt.
Dự kiến, với gần 30 doanh nghiệp (DN) tham gia lần này, trong đó đa phần là các DN phía Nam gồm: Duy Tân, Kim Hằng, Quy Phúc, Khóa Việt Tiệp, Mỹ Hảo, Bột giặt Lix, Cholimex, Nutifood, Cát Hải… Chương trình sẽ giúp người tiêu dùng các địa phương trên nhận diện, tin dùng các sản phẩm của DN Việt Nam. Đặc biệt, phiên chợ còn có sự tham gia của những gian hàng bán các sản phẩm nông nghiệp thuộc mạng lưới Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp miền Bắc, hay những sản phẩm của Phiên chợ Xanh tử tế từ TP. Hồ Chí Minh ra phục vụ bà con miền Bắc, như: Con Tôm, HTX Eakmat Hòa Đông, Xơ mướp Vi Lâm.
Đại diện BSA cho biết, việc tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để DN tiếp cận với người tiêu dùng nông thôn, miền núi. Từ đó có cơ sở điều chỉnh kênh phân phối, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng địa phương. Đồng thời, đây cũng là những mảnh đất màu mỡ cho các DN trong nước tập trung khai thác, mở rộng hệ thống đại lý, phân phối sản phẩm.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Nhận biết tỏi Lý Sơn thật bằng mã vạch
Từ tháng 4/2017, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại đã cài đặt phần mềm quét mã vạch tra cứu thông tin sản phẩm tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để tránh mua phải hàng giả.
Hiện đảo Lý Sơn trồng khoảng 325 héc-ta tỏi, sản lượng từ 3.000 đến 5.000 tấn. Thời điểm giá cao nhất lên tới 140.000 đồng/kg tỏi thường và 1,4 triệu đồng/kg với tỏi một tép (tỏi cô đơn). Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn cả là thương hiệu tỏi Lý Sơn ngày càng bị “lợi dụng” khi người dân các tỉnh lân cận ồ ạt chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng tỏi một cách tự phát. Sau đó đưa tỏi về lại Quảng Ngãi bán dưới mác của tỏi Lý Sơn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn, tỏi giả thương hiệu Lý Sơn được bán tràn lan trên thị trường khiến Hiệp hội rất đau đầu. Không chỉ ở đất liền, ngay tại đảo Lý Sơn cũng có tình trạng thật giả lẫn lộn, từ tỏi trắng bình thường cho đến tỏi đen (loại tỏi đã qua chế biến, có giá trị kinh tế cao hơn tỏi trắng) hoặc tỏi một (tỏi cô đơn) cũng bị làm giả. Vì rất khó phân biệt tỏi Lý Sơn với tỏi nhái thương hiệu nên bản thân Hiệp hội cũng chưa có cách nào hướng dẫn người tiêu dùng tránh mua phải tỏi kém chất lượng.
Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng nhái thương hiệu tỏi Lý Sơn, ngoài việc tuyên truyền, huyện đảo Lý Sơn cũng khuyên người tiêu dùng nên đến các siêu thị hoặc những điểm bán lẻ tỏi Lý Sơn đã có uy tín hoặc có tem chống hàng giả của Hiệp hội hành tỏi để mua. Đặc biệt, thời gian qua huyện đã hỗ trợ cho các phương tiện tàu thuyền chở hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn mỗi năm 6 triệu đồng, yêu cầu không được chở tỏi từ các nơi khác về đảo, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả tàu cá. Bởi vậy, tình trạng tỏi nơi khác ồ ạt tràn về Lý Sơn đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ áp dụng ở đảo Lý Sơn, còn ở đất liền thì huyện không kiểm soát được.
Như vậy, bắt đầu từ tháng 4/2016, để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại đã cài đặt phần mềm quét mã vạch tra cứu thông tin sản phẩm tỏi Lý Sơn. Hội Kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn đã tiến hành in nhãn mác, logo, tem chống hàng giả có kèm mã vạch lên sản phẩm tỏi Lý Sơn. Theo đó, mỗi bao bì tỏi Lý Sơn đều gắn kèm thông tin nông dân trồng, cung cấp tỏi ra thị trường thông qua mã vạch gồm 4 đầu số với 6 con số.
Lâm Đồng: Bắt quả tang cơ sở sản xuất phân bón giả quy mô lớn
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị này đang tích cực điều tra vụ sản xuất phân bón giả tại kho hàng mang tên Bằng Hà (thôn 3, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Trước đó, đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an huyện Di Linh bắt quả tang các công nhân tại kho hàng Bằng Hà đang tự ý đấu trộn các loại phân bón hóa học như: Ammonium sunphate, M.A.P, Kali Mop và D.A.P (nguồn gốc Trung Quốc) có khối lượng 24.650kg thành phân bón thành phẩm NPK+TE cao cấp. Sau khi được đấu trộn, loại phân bón giả này được các công nhân đóng vào bao bì mang nhãn hiệu Công ty cổ phần Phân bón Đức Việt rồi đem đi tiêu thụ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng thu giữ 425 bao phân bón giả thành phẩm NPK với tổng trọng lượng 21.250kg. Ngoài ra, tại đây đang có 1 lượng phân bón đấu trộn chưa đóng bao, một lượng lớn bao bì cùng nhiều công cụ dùng để đấu trộn phân bón.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)