Thông tin giá cả thị trường số 12/2018

09:38 AM 21/03/2018 |   Lượt xem: 4207 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giải pháp phát triển phân bón hữu cơ

Việt Nam có nhiều tiềm năng về sử dụng phân bón hữu cơ (PBHC), tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để tìm ra giải pháp về nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất cũng như về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển PBHC.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45 - 50%. Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm PBHC được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học. “Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm PBHC” - ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về sử dụng PBHC, tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để tìm ra giải pháp về nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất cũng như về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển PBHC.

Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Chúng ta sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng như nguyên liệu tại chỗ từ rơm, rạ để sản xuất PBHC sẽ giúp giảm chi phí vật tư phân bón đầu vào cho nông dân. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chứng nhận những sản phẩm này là sản phẩm hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một vấn đề khác trong sử dụng PBHC đó là người nông dân chưa hề có định hướng, tập huấn bài bản nào về tác dụng của PBHC. Nông dân cũng có rất ít cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về các mô hình sử dụng PBHC cân đối hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết: Phát triển sản xuất, sử dụng PBHC là xu thế tất yếu không chỉ điều chỉnh sự mất cân đối về giải pháp canh tác khi tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ - hóa học mà còn là yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp sạch, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã đặt ra mục tiêu và nhiều giải pháp để phát triển sản xuất và sử dụng PBHC cả về lượng và đảm bảo hiệu quả, bền vững góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ môi trường.

Theo đó, mục tiêu tăng PBHC sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm. Tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới. Khuyến khích vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn hiện nay. “Chúng ta có 10 triệu héc-ta đất canh tác, có hơn 20 triệu héc-ta lượt đất canh tác. Bình quân mỗi héc-ta sử dụng 10 tấn phân hữu cơ thì trong tương lai nhu cầu sử dụng sẽ đạt hơn 200 triệu tấn PBHC…”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để phát triển PBHC cần tập trung ở 3 khu vực: Nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Phú Yên: Diện tích sắn tăng

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, niên vụ sắn 2017 - 2018, nông dân trong tỉnh trồng 19.000 héc-ta, năng suất đạt 24,5 tấn/héc-ta với sản lượng 465.500 tấn. Tuy nhiên, hiện nay mới đầu vụ, nông dân đã trồng 11.227 héc-ta sắn, giai đoạn cây con. Dự kiến niên vụ này nông dân trồng đến 24.000 héc-ta.

Cơn bão số 12 cuối năm 2017 làm ngã đổ nhiều diện tích cao su, keo lá tràm, nhiều nông dân không đủ vốn đầu tư trồng lại nên chọn giải pháp trồng sắn để lấp đất trống khiến diện tích sắn tăng cao. Dọc tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa, nhiều vườn cao su đã được thay thế bằng những rẫy sắn. Xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) có gần 374 héc-ta cao su bị ngã đổ, hầu hết đã được nông dân chuyển sang trồng sắn. Cũng như huyện Sơn Hòa, người dân Sông Hinh cũng chuyển nhiều diện tích cao su bị ngã đổ do bão sang trồng sắn.

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, niên vụ 2016 - 2017, toàn tỉnh có 24.065 héc-ta sắn, vượt 13.065 héc-ta so với quy hoạch; năng suất bình quân 19,26 tấn/héc-ta, sản lượng gần 463.500 tấn. Trong đó, hai nhà máy chế biến sắn của tỉnh tiêu thụ 397.000 tấn. Việc mở rộng diện tích sắn ngoài vùng quy hoạch dẫn đến việc các nhà máy chỉ dựa vào vùng nguyên liệu dồi dào mà không chú trọng đến khâu ký kết hợp đồng đầu tư với nông dân. Các nhà máy cũng chưa quan tâm du nhập giống mới để thay các giống đã thoái hóa, bị sâu bệnh dẫn đến giảm năng suất và độ bột. Chính vì vậy, nông dân không có điều kiện thâm canh, nhất là sử dụng các loại giống mới để đưa vào trồng.

Dự kiến niên vụ sắn 2017 - 2018, toàn tỉnh Phú Yên đạt sản lượng khoảng 440.000 tấn và các nhà máy sẽ thu mua để chế biến khoảng 385.000 tấn tinh bột, còn tồn khoảng 55.000 tấn sắn củ. Như vậy, người trồng sắn ở Phú Yên có thể phải chấp nhận bán giá thấp nếu các nhà máy viện lý do không tìm được thị trường cho đầu ra sản phẩm.

Lâm Đồng: Thu mua 19 mẫu cà phê Arabica

Tập đoàn UCC - tập đoàn cà phê số 1 của Nhật Bản đã quyết định mua 19 mẫu cà phê Arabica của Lâm Đồng sau cuộc thi tuyển chọn chất lượng cà phê của UCC tổ chức tại Đà Lạt đầu tháng 3/2018.

Cuộc thi với sự tham gia của 63 nông hộ trồng cà phê Arabica tại Đà Lạt và huyện Đơn Dương. 60 mẫu cà phê của 63 nông hộ tham dự cuộc thi lần này được Ban Tổ chức lựa chọn trong hàng ngàn hộ trồng cà phê Arabica tại Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Ban Giám khảo gồm những nhà thẩm định cà phê có uy tín và kinh nghiệm do Tập đoàn UCC tuyển chọn, đã chọn ra 19 sản phẩm vào chung kết. 19 mẫu cà phê của các nông hộ này đã được tập đoàn cam kết thu mua để phối trộn cho các sản phẩm cà phê uy tín của tập đoàn này.

Đây là lần thứ 4 Tập đoàn UCC tổ chức cuộc thi tuyển chọn cà phê chất lượng cao tại Việt Nam. Cuộc thi nhằm nâng cao hiểu biết và giới thiệu sâu hơn về cà phê Arabica. Qua đó, thúc đẩy người nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn thị trường chung thế giới và giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Năm 2017, sản lượng cà phê Arabica của Việt Nam được Tập đoàn UCC nhập vào Nhật Bản và châu Âu tăng khá mạnh. Với đà phát triển và cập nhật kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, UCC hy vọng Lâm Đồng sẽ là thị trường nhập khẩu cà phê Arabica chất lượng cao trọng yếu của tập đoàn trong thời gian tới.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Tây Nguyên: Giá cà phê tăng, tiêu đen giảm

Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên thời điểm đầu tháng 3/2018 đã tăng từ 37 triệu đồng/tấn lên 37,6 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu đạt 38 triệu đồng/tấn giao hàng tại các kho quanh TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm này năm 2017, giá cà phê trong nước ở quanh mức 46 - 47 triệu đồng mỗi tấn thì đến nay đã giảm 10 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu thời điểm này đang lên xuống thất thường. Hiện nay, các vựa thu mua chỉ ra giá chưa được 60.000 đồng/kg, nếu ở thị trấn còn được 61.000 - 62.000 đồng/kg. Mức giá này giảm gần một nửa so với thời điểm năm ngoái khiến người trồng lo lắng.

Đông Nam bộ: Giá gà giảm hơn một nửa

Người nuôi gà khu vực Đông Nam bộ lo lắng do giá gà giảm mạnh. Thậm chí có những thời điểm giá gà giảm đến 10.000 đồng/kg, từ 28.000 đồng xuống còn 18.000 đồng/kg.

Đầu tháng 2/2018, giá gà lông trắng bán sỉ tại trại 40.000 - 41.000 đồng/kg, giá bán lẻ 60.000 - 61.000 đồng/kg. Gà lông vàng có giá thấp hơn, từ 31.000 - 32.000 đồng/kg. Từ sau tết, gà trắng đột ngột giảm giá từ 40.000 đồng/kg xuống còn 30.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm giá bán ra tại một số trang trại khu vực Đông Nam bộ giảm sâu, chỉ còn 18.000 đồng/kg.

Theo Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá gà tăng hay giảm nông dân gần như không được hưởng lợi. Bởi phần lớn những nông dân có trang trại đã tham gia vào các chuỗi liên kết và bán giá ổn định theo hợp đồng đã ký, không được tính theo giá thị trường. Thị phần chăn nuôi hiện phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những đơn vị này có giá thành chăn nuôi thấp trong khi giá bán sản phẩm lại cao hơn chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đồng Nai: Giá chuối tăng mạnh

Người dân trồng chuối ở Đồng Nai vui mừng khi giá chuối già xuất khẩu được thương lái vào tận vườn thu mua với giá rất cao. Một số thương lái đặt giá thu mua là 16.500 đồng/kg nhưng nhà vườn chưa có chuối bán. Với mức giá này, mỗi héc-ta chuối già cho thu nhập trên 800 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí thuê đất, phân bón, thuốc, điện… mỗi héc-ta chuối có thể thu lợi hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, điều mà người trồng chuối phấn khởi là có nhiều thương lái đặt mua cả vườn với giá “chết” 7.000 đồng/kg hoặc 120.000 đồng/cây chuối. Với mức giá này, người dân thu lợi từ 200 - 250 triệu đồng/héc-ta.

Thực tế cho thấy, chuối sốt giá do Trung Quốc và một số nước khác mất mùa. Để chủ động nguồn hàng và đón đầu thị trường, nhiều thương lái bao tiêu cả vườn để chủ động nguồn hàng. Bên cạnh đó, do chuối chưa chính thức vào vụ, lượng hàng chưa nhiều nên thương lái nâng giá cao để gom cho đủ chuyến hàng.

Lâm Đồng: Trồng gần 2.500 héc-ta cỏ chăn nuôi

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xuống giống gần 2.500 héc-ta cỏ chăn nuôi, chủ yếu là các giống cỏ cho năng suất, chất lượng cao như cỏ voi, cỏ VA06, cỏ alfalfa… Diện tích cỏ trên phục vụ chính cho đàn bò sữa trên 20.000 con, chủ yếu thuộc các địa bàn các huyện: Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc, bên cạnh đó còn cung cấp thức ăn xanh cho đàn bò thịt. Phát triển diện tích cỏ được ngành nông nghiệp chú trọng bởi đây là cơ sở cho việc phát triển đàn bò sữa chất lượng cao, một trong những mũi nhọn của nông nghiệp Lâm Đồng.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Di Linh - Lâm Đồng: Sẽ tái canh 2.500 héc-ta cà phê

Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hiện có 41.718 héc-ta cà phê, chiếm 90,5% diện tích cây lâu năm của toàn huyện.

Do hầu hết diện tích cà phê lâu năm già cỗi, nên những năm qua, huyện Di Linh đã chú trọng thực hiện chương trình tái canh. Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn huyện đã tái canh được 2.527 héc-ta, đạt 101% kế hoạch, nâng tổng số diện tích cà phê tái canh từ năm 2012 đến nay lên 20.349 héc-ta, đạt 48,8% kế hoạch. Theo thống kê, năng suất diện tích tái canh đạt từ 4 - 6 tấn/héc-ta, đặc biệt có diện tích lên tới 8 tấn/héc-ta. Trong năm 2018, huyện Di Linh có kế hoạch tái canh 2.500 héc-ta, trong đó trồng tái canh 1.000 héc-ta và ghép cải tạo 1.500 héc-ta.

Cùng với việc nâng cao chất lượng diện tích tái canh, huyện Di Linh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về hiệu quả chương trình tái canh. Đồng thời, nâng cao vai trò, năng lực cán bộ khuyến nông cơ sở làm cầu nối hướng dẫn cho bà con chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người dân tiếp cận và áp dụng kỹ thuật tái canh một cách hiệu quả.

Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 thực hiện tái canh, cải tạo gần 60.000 héc-ta cà phê, đến năm 2025 Lâm Đồng xây dựng 4 vùng cà phê đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ áp dụng khoa học, đổi mới phương thức sản xuất nên tỷ lệ cà phê sau tái canh và ghép cải tạo của bà con phát triển tốt, sâu bệnh giảm, năng suất tăng bình quân 1,5 - 2 tấn/héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lai Châu: Quan tâm chống buôn lậu khu vực biên giới

Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lai Châu hết sức quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả cao…

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các sở, ngành thành viên, các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các huyện biên giới quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định, văn bản pháp luật của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Theo đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa; chủ động phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các tụ điểm kinh doanh, tập kết hàng nhập lậu, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, các hành vi quay vòng hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa hàng nhập lậu; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.

 UBND các huyện biên giới chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền các xã biên giới phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới được UBND tỉnh Lai Châu thường xuyên quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu.

HÀNG VIỆT 

Đồng Tháp:

Liên kết sản xuất lúa gạo bền vững

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Từ gạo tím than Tân Cường…

Trong 5 năm gần đây, HTXDVNN Tân Cường đã mở rộng 20 héc-ta đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu “Gạo tím than Tân Cường”. Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, canxi, magiê, ômêga 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xương khớp, béo phì. Đặc biệt, sản phẩm chỉ sử dụng phân hữu cơ và sản xuất theo hướng an toàn sinh học nên giảm chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Giống lúa tím than là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, hạt lúa và gạo đều màu tím than. Giống lúa này rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất đạt khoảng 5 tấn/héc-ta. Ưu điểm của giống lúa tím than là kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bệnh cháy bìa lúa. Gạo rất giàu chất dinh dưỡng, vitamin A, B, chất xơ và có thể nở gấp 3 lần so với gạo trắng thông thường nên khi nấu cơm dẻo, mềm và thơm.

Thời gian qua, nhiều đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua gạo tím than với HTX. Với giá bình quân 30.000 đồng/kg gạo đã đóng gói, sản phẩm hiện bán khá chạy tại một số siêu thị. Hiện HTX đang cải tiến mẫu mã bao bì sao cho bắt mắt hơn để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Đồng thời, liên hệ với ngành nông nghiệp nhờ phục tráng và đưa vào bộ giống lúa Việt Nam để nhân rộng loại giống lúa này.

… đến mô hình sản xuất lúa an toàn

Hướng đến mô hình sản xuất lúa an toàn, vụ hè thu năm 2016, HTXDVNN Tân Cường bắt đầu dành 10 héc-ta đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm gạo sạch. Hai giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8. Đây là 2 loại giống lúa mới được áp dụng lần đầu tại HTX. Quá trình canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP từ khâu trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser đến khâu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 6,5 tấn/héc-ta, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/héc-ta, tăng lợi nhuận cho bà con trên 13 triệu đồng/héc-ta. Đặc biệt, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, lúa phát triển rất tốt, khi xay ra gạo đạt chất lượng hơn, ngon hơn mà không có dư lượng thuốc trừ sâu, người dùng gạo sạch an toàn hơn.

Sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành công bước đầu, HTXDVNN Tân Cường sẽ triển khai, nhân rộng lên 20 héc-ta. HTX đang xây dựng thêm một nhà máy xay xát, chế biến gạo riêng đạt chuẩn HACCAP đặt cạnh cánh đồng lúa sạch để thuận tiện cho việc chế biến, đóng bao bì. HTX cũng đưa ra nhiều chủng loại sản phẩm gạo sạch có tên thương hiệu độc quyền là “gạo Hoa Sen”, “gạo Hương Sen”, “gạo Đài Sen”…

Tất cả sản phẩm gạo của HTXDVNN Tân Cường đều được đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. HTX cũng cam kết bước đầu thu mua lúa sạch của bà con cao hơn giá thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg để từng bước xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của HTX và nâng cao giá trị hạt gạo. Trong chuỗi chế biến, tất cả nông dân có thể tham gia từng chuỗi để tăng thu nhập.

Trong vụ đông xuân 2017 - 2018 và những vụ lúa tiếp theo HTXDVNN Tân Cường tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều nông dân tham gia, nhằm tăng sản lượng gạo sạch cung cấp cho thị trường. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi nhận thức canh tác theo kiểu truyền thống và tạo thói quen sản xuất giá trị lúa gạo theo chuỗi.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)