TIÊU ĐIỂM |
Thái Nguyên: Chè an toàn - hướng phát triển bền vững
Để nâng giá trị kinh tế của cây chè – cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Trong đó, xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn là một trong những định hướng được tập trung thực hiện.
Mô hình sản xuất chè an toàn đạt hiệu quả cao
Ông Vũ Trọng Đại, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên chia sẻ: Từ tháng 8/2013 bà con tham gia Tổ hợp tác Sản xuất chè an toàn Hồng Thái xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn UTZ (Certified - tiêu chuẩn quốc tế) trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Đến đầu năm 2015, Ban Chủ nhiệm dự án – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức trao Giấy chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ Certified cho Tổ hợp tác Sản xuất chè an toàn Hồng Thái. “Sản xuất chè an toàn vừa giảm được chi phí lại đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và sản phẩm có uy tín chất lượng tiêu thụ thuận lợi hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mỗi héc-ta chè thu lãi gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với mức bình quân”, ông Đại nói.
Cùng với sản xuất, chế biến chè, các hộ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên tham gia mô hình về làng du lịch văn hóa cộng đồng tại vùng chè Tân Cương với trọng tâm tại xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương), Khuôn 1 và Khuôn 2 (xã Phúc Trìu) và Gò Móc (xã Quyết Thắng). Cơ sở sản xuất chè an toàn Tiến Yên đã trở thành điểm du lịch để khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm thực tế cuộc sống, văn hóa của người làm chè. Mô hình đi vào hoạt động, người dân địa phương đã có thêm 1 nghề mới – làm du lịch cộng đồng - vừa góp phần tăng thêm thu nhập vừa bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của địa phương cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho Thái Nguyên.
Còn tại HTX Tân Hương (xã Tân Hương), với việc áp dụng đồng bộ các khâu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm chè của HTX đã 5 năm liên tục được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Đến nay, HTX đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước tạo uy tín và độ tin cậy của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Doanh thu của HTX hàng năm tăng từ 30 - 40%.
Cần tiếp tục nhân rộng
Theo ông Nông Xuân Bắc - Phó giám đốc Sở NN & PTNT Thái Nguyên, cây chè được coi là cây có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác, đóng vai trò xóa đói giảm nghèo và góp phần làm giàu cho địa phương. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên các sản phẩm chè chế biến tại Thái Nguyên ngày càng có uy tính và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm và nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm chè chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ nội địa của chè Thái Nguyên đạt 32.680 tấn thành phẩm (chiếm 83,8%); sản lượng chè xuất khẩu đạt 6.300 tấn (chiếm 16,2% sản lượng chè chế biến). Thu nhập của người trồng chè ngày càng được cải thiện, năm 2015, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng chè đạt 100 triệu đồng/héc-ta.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè nhằm tạo ra giá trị thu nhập và giá trị gia tăng sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu giống chè, đưa những giống chất lượng cao vào sản xuất; đẩy mạnh diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh chế biến chè theo hướng: Giống chè có thể sản xuất được chè đen xuất khẩu ra nước ngoài, đối với sản phẩm nội tiêu gắn sản xuất chè xanh trong đó kết hợp sản xuất công nghiệp với truyền thống và gắn kết với du lịch sinh thái… Đây cũng là giải pháp giúp ngành chè tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững mang lại thu nhập ổn định cho những người nông dân.
MUA GÌ |
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng trở lại
Trong vài ngày gần đây, giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng nhẹ từ 100 - 300 đồng/kg tùy từng loại. Cụ thể, giá lúa tươi IR50404 tại ruộng đã tăng lên khoảng 4.300 - 4.400 đồng/kg. Giá lúa hạt dài OM 4900, OM 6976 hiện ở mức 4.600 - 4.800 đồng/kg.
Tại một số địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, giá gạo bán tại các chợ cũng đã bắt đầu nhích lên thêm từ 100 - 150 đồng/kg. Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có mức giá dao động khoảng 6.600 – 6.700 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300 – 6.400 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500 – 7.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.300 – 7.400 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.200 – 7.300 đồng/kg.
Nghệ An: Măng rừng vào mùa
Mùa măng rừng thường bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 10 dương lịch. Khi những cơn mưa đầu mùa ẩm ướt qua đi cũng là lúc những mầm măng vươn mình, nhú lên khỏi mặt đất. Đó cũng là thời điểm người dân miền núi ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) lên rừng hái măng. Măng rừng là loại đặc sản sạch được nhiều người miền xuôi ưa chuộng. Măng rừng ở huyện Anh Sơn chủ yếu là măng tre, măng nứa, măng mét. Đây là những loại cây chịu nắng hạn tốt, mọc cheo leo trên các sườn núi. Bà con xã Thọ Sơn cho biết: Để bóc được măng chúng tôi phải đi sâu vào rừng 2 đến 3 km. Việc lấy măng cũng không hề đơn giản, sau khi tìm được những cây măng, người hái phải lấy dao tách vỏ. Măng rừng là loại măng rất ngứa, vỏ mỏng nên đòi hỏi người bóc phải có nhiều kinh nghiệm. Một ngày đi rừng lấy măng, bà con có thể lấy được 15 - 20 kg măng rừng. Sau khi được lấy về, măng được và con dân bản luộc ngay để giữ được độ tươi và thơm ngon. Măng tươi đầu mùa được người dân bán tại nhà với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nhưng giá của dân buôn bán ở các chợ thì lên đến 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Tập đoàn CJ Hàn Quốc trồng ớt tại Việt Nam
Tập đoàn CJ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, quyết định đầu tư trồng ớt tại Việt Nam sau nửa năm thử nghiệm thành công tại Ninh Thuân. Qua đó, CJ quyết định chi 2,1 triệu đô-la Mỹ cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại Ninh Thuận trồng 10 héc-ta ớt. Vụ mới sẽ khởi đồng từ đầu tháng 7, CJ sẽ cung cấp giống, phân bón, đồng thời đem chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc. Dự kiến, CJ có thể thu được 200 tấn ớt tươi mỗi năm từ 10 héc-ta này. CJ vào Việt Nam từ năm 1998 và thành lập Công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi.
Bắc Giang: Nở rộ dịch vụ bẻ vải thuê
Xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đang trong giai đoạn cao điểm khi cả vùng vải vào mùa. Bên cạnh lao động tự có ở địa phương, mùa vải cũng thu hút hàng trăm lao động của các huyện lân cận và những tỉnh gần đó đến bẻ vải thuê. Khu "chợ" lao động mùa vụ cũng vì thế mà hình thành nhiều năm qua. Mỗi gia đình ở đây thường phải thuê 8 - 9 nhân công bẻ vải. Cao điểm chính vụ, số lao động có thể gấp đôi, tuỳ đơn hàng. Những người được thuê chủ yếu là làm thời vụ đến từ các huyện khác trong tỉnh. Lao động bẻ vải thường là đồng bào dân tộc Tày, Nùng... tranh thủ lúc nông nhàn về đây làm việc. Mỗi ngày, trung bình một người bẻ vải thu hoạch được 2 - 3 tạ vải. Năm nay, nhờ vải được giá nên chủ vườn trả công khoảng 150.000 - 160.000 đồng/ngày, chưa kể tiền ăn, chỗ ở. Mức này cao hơn 10.000 - 20.000 đồng so với vụ trước. Không đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng nghề bẻ vải đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo. Thậm chí, các chủ vườn cho hay, họ thích chọn thuê chị em bẻ vải, bởi phụ nữ tuy sức yếu nhưng chịu khó, cẩn thận.
BÁN GÌ |
Quảng Ngãi: Sản vật núi rừng đắt hàng
Vài năm gần đây, các sản vật ở vùng miền núi Quảng Ngãi được người tiêu dùng miền xuôi ưa chuộng, săn tìm. Đường giao thông ngày càng thuận tiện giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của bà con miền núi ngày càng dễ dàng, nhanh chóng.
Ớt xiêm rừng
Hầu như vùng núi nào ở Quảng Ngãi cũng có ớt xiêm rừng, nhưng tại khu vực xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây có số lượng nhiều và thơm ngon nhất. Ớt mọc tự nhiên và riêng lẻ từng cây ở các vùng đồi, núi, trên nương rẫy. Thân cây chỉ cao khoảng 0,5 - 1m và trái thì chỉ nhỉnh hơn đầu que hương một chút. Ớt xiêm rất thơm và có vị cay nhưng không gắt như các loại ớt trồng khác. Với giá bán hiện 250.000 đồng/kg, ớt xiêm rừng tí hon có giá cao hơn gấp 25 lần so với ớt thường trồng ở đồng bằng. Ngoài để ăn sống, ớt xiêm rừng còn được bà con mua về phơi khô, rồi xay nhuyễn để sử dụng dần; hoặc rửa sạch rồi ngâm thành ớt muối cho vào chai nhựa có dung tích khoảng 0,5 lít/chai để bán, với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/chai.
Cá niên hơn nửa triệu đồng/kg
Cá niên thường sống theo đàn và cư trú tập trung nhiều ở những vùng nước sâu dọc các con sông, suối đầu nguồn... thế nhưng chỗ ưa thích nhất của cá niên là dưới chân các con thác, ghềnh đá. Đặc biệt là dưới những chân thác bọt nước tung trắng xóa. Kích cỡ của cá niên trung bình chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái người lớn. Gần đây cá niên được nhiều người biết đến và trở thành đặc sản nên giá rất cao, có thời điểm lên đến 600.000 đồng/kg, trở thành một trong những sản vật đắt tiền nhất ở Quảng Ngãi.
Sâm bảy lá
Sâm bảy lá chỉ có ở núi Cà Đam (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng). Một củ sâm bảy lá cao từ 30 - 35cm, vỏ màu nâu, hình xoắn hơi dài, nặng từ 200 – 500 gam/củ. Củ sâm bảy lá có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng… nên từ xưa đồng bào Kor ở đây đã tìm đào để về ngâm với rượu uống chữa bệnh. Hiện giá củ sâm này được bán với mức 200.000 - 300.000 đồng/kg củ tươi.
Tiêu Ba Lế
Giống tiêu Ba Lế (huyện Ba Tơ) có lá nhỏ, chùm quả ngắn và hạt nhỏ, màu xanh của lá không đậm như các giống tiêu khác. Đặc biệt, không dùng trụ gỗ chết, hay bê tông... 100% gốc tiêu Ba Lế được thả bò tự nhiên trên một số loại cây rừng như: Gòn gai, mít, ké... Hạt tiêu Ba Lế có phần thịt dày và hạt nhỏ hơn các loại tiêu trồng bình thường, còn mùi vị cũng khác biệt hẳn: Cay và rất thơm nhưng không nồng xé; có vị hơi ngọt. Ngoài sử dụng làm gia vị tẩm ướp, tiêu Ba Lế còn được người dân ăn sống, giã vào mắm như ớt trái. Hiện toàn xã chỉ còn vài trăm gốc tiêu. Cho nên dù nhiều người miền xuôi đặt mua hạt tiêu tươi với giá 300.000 - 350.000 đồng/kg, nhưng không phải lúc nào cũng có.
Gà re
Gà re vốn gốc là gà rừng được người dân các thôn, bản bắt về thuần hóa và nuôi từ hàng trăm năm nay. Bộ lông của gà re chỉ có 3 màu, gồm: Đen, trắng ngà và nổ (đen xen trắng); chân có 2 màu chì và vàng; hình dáng thấp, nhỏ với trọng lượng khi trưởng thành trung bình khoảng 1,2 kg/con. Chất lượng thịt thơm ngon, dai, ngọt... nên gà re trở thành giống gà được ưa chuộng số 1 Quảng Ngãi và cả nhiều vùng lân cận, với giá bán có thời điểm lên đến 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Heo nuôi hoang dã
Không nhốt chuồng như ở đồng bằng hoặc chỉ kiếm ăn loanh quanh trong vườn nhà như một số bản làng ở vùng núi khác; trừ lúc chiều tối về ngủ thì thời gian còn lại ban ngày của giống heo (lợn) của đồng bào thiểu số người Kor nuôi ở chân núi Cà Đam sống trong rừng. Do sống gần như hoang dã và thức ăn chỉ là cỏ, côn trùng, như: Giun, dế... cho nên heo khi trưởng thành có trọng lượng thường chỉ từ 20 - 40 kg/con. Thịt heo ngon, săn chắc, sạch 100%... cho nên được nhiều người tiêu dùng ở đồng bằng ưa chuộng. Theo đó bất chấp đường đi lại rất khó khăn, hiểm trở nhưng các thương lái miền xuôi vẫn lên tận nơi mua với giá khoảng 130.000 đồng/kg hơi để chở về bán.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, cần thiết phải minh bạch hóa các thông tin về tính độc hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc một cách có ý thức.
Theo tư vấn của Chi cục BVTV Hà Nội, để đảm bảo sử dụng thuốc BVTV an toàn, có hiệu quả, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:
Sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết
Cần thường xuyên kiểm tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng để quyết định có cần dùng thuốc hay không. Không nên phun thuốc định kỳ nhiều lần mà không dựa vào tình hình dịch hại. Điều này gây nên sự lãng phí và cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại. Việc sử dụng thuốc chỉ thực sự đạt hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật khi sinh vật hại đã phát triển đến ngưỡng gây hại hoặc ngưỡng kinh tế.
Sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”
Một là “đúng thuốc”: Bà con nên chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ, ít độc hại với người, môi trường. Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, thuốc đã bị cấm sử dụng, thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng.
Hai là “đúng lúc”: Sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ (tuổi 2, 3). Không phun thuốc khi trời đang nắng nóng, khi đang có gió lớn, sắp mưa, khi cây đang nở hoa thụ phấn.
Ba là “đúng liều lượng và nồng độ”: Lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và độ pha loãng của thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Việc tăng, giảm liều lượng và nồng độ không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại.
Bốn là “đúng cách”: Cần phun rải đều và chú ý những nơi sâu, bệnh tập trung nhiều. Thuốc dùng để rải xuống đất không hòa nước để phun. Với thuốc trừ cỏ không nên phun trùng lặp.
Dùng hỗn hợp và sử dụng luân phiên thuốc
Dùng hỗn hợp là pha chung 2 hoặc nhiều loại thuốc trong một bình phun nhằm tăng hiệu lực phòng trừ do hiệu quả bổ sung cho nhau, để có một hỗn hợp thuốc mang nhiều ưu điểm hơn, phòng trừ cao hơn khi dùng riêng lẻ. Ngoài ra, việc hỗn hợp thuốc còn có thể mở rộng phổ tác dụng và giảm số lần phun thuốc. Tuy nhiên, việc hỗn hợp thuốc cần yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Nếu bà con chưa rõ tính năng tác dụng thì không nên hỗn hợp. Tốt nhất, bà con nên thay đổi loại thuốc giữa các lần phun khi phòng trừ cùng một đối tượng dịch hại. Mục đích chính là ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc.
Kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác trong hệ thống biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Theo đó, gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công (bắt tay, bẫy bã…). Chú ý bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc.
Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, việc quản lý dịch hại cây trồng phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc BVTV chiếm vị trí đặc biệt. Vì vậy, hiểu biết đúng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Box: Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc BVTV, kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV, ngày 21/4/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam và công bố mã HS đối với thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp gồm 1.710 hoạt chất, cấm sử dụng có 29 hoạt chất.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Cà Mau: Cá sấu không tiêu thụ được
Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nuôi cá sấu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và bất cập do sản phẩm không có đầu ra.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 300 hộ dân nông thôn nuôi cá sấu theo quy mô nhỏ với vài chục con/hộ. Ước tính, tổng đàn cá sấu đã lên tới trên 5.000 con. Đấy là chưa kể tới một số trang trại nuôi cá sấu với quy mô 500 - 700 con/trang trại. Tuy nhiên, hiện nay cá sấu không bán được do không có thị trường tiêu thụ. Thỉnh thoảng, thương lái tới tận nhà thu mua với giá khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng họ chỉ mua loại từ 15 - 30 kg/con để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện những hộ nuôi cá sấu chỉ bán cá thương phẩm cho nhà hàng với giá 120.000 đồng/kg, còn thương lái tới mua để xuất khẩu sang Trung Quốc thường rất ít. Tuy nhiên, nếu mua thương lái cũng chỉ mua cá có trọng lượng trung bình 10 kg/con (khoảng 1 năm tuổi), không mua cá lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Nhằm giúp người nuôi cá sấu tránh thiệt hại, cơ quan chức năng yêu cầu người dân có nhu cầu nuôi cá sấu thì phải đăng ký với Chi cục kiểm lâm. Qua đó, cơ quan này có kế hoạch hỗ trợ thị trường tiêu thụ. Các gia đình có nhu cầu nuôi lâu dài cần có sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến ngư để có nguồn giống chất lượng, kỹ thuật nuôi đúng quy trình, đạt hiệu quả cao.
Bình Dương: Giá mủ cao su có xu hướng tăng
Bước vào vụ thu hoạch năm 2016, giá mủ cao su có xu hướng tăng nhẹ. Nhiều hộ gia đình trồng cao su đã bắt đầu có lãi.
Cuối tháng 5/2016, khi những trận mưa đầu mùa xuất hiện cũng là thời điểm bước vào vụ thu hoạch mủ cao su. Hiện giá mủ nước nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương khá ổn định với mức tăng trên 40% so với cùng thời điểm năm 2015. Giá mủ cao su sơ chế SVR3L ổn định ở mức 32 - 33 triệu đồng/tấn. So với mức giá chạm đáy hồi đầu năm 2016 là 26 triệu đồng/tấn thì với mức giá 32 - 33 triệu đồng/tấn được xem là khá ổn định.
Tuy nhiên, hiện nhiều chủ vườn cao su tiểu điền tại Bình Dương vẫn chưa yên tâm với giá mủ cao su hiện tại. Bởi trong những năm gần đây, giá mủ cao su chưa bao giờ tăng cao đột biến mà tăng theo quy luật: Vào đầu mùa, cao su luôn được giá nhưng cứ đến giữa mùa, cuối mùa thì giá mủ lại giảm xuống. Vì vậy, bà con cũng chưa dám khai thác mủ ồ ạt. Nhiều gia đình đang chờ thêm một thời gian nữa, nếu giá mủ cao su vẫn giữ được như vậy thì mới thuê người cạo.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá mủ cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán. Đặc biệt, sau khi Thái Lan, một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cao su cho biết, sản lượng cao su của nước này giảm 50%. Điều này ít nhiều đã khiến giá cao su các nước trong khu vực tăng trong thời gian qua. Một lý do nữa khiến giá mủ cao su tăng là do tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới đang có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, giá dầu tăng trong những ngày gần đây cũng là động lực kéo giá cao su tăng. Cả ba yếu tố trên đã đẩy giá mủ cao su liên tục tăng trong thời gian qua.
Với diễn biến của giá mủ cao su những tuần gần đây, nhiều dự báo cho rằng, giá cao su sẽ khởi sắc. Đây cũng là dấu hiệu giúp người trồng cao su tiểu điền sớm khôi phục những diện tích cao su già cỗi, kém chất lượng.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Nghệ An: Xây dựng thương hiệu cam đạt tiêu chuẩn châu Au
Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vừa ban hành Nghị quyết về việc phát triển vùng cam theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo với 2.410 héc-ta cam. Theo đó, xây dựng thương hiệu cam Quỳ Hợp tách khỏi thương hiệu cam Vinh.
Được trồng nhiều tại địa bàn các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn... cam Quỳ Hợp có hương vị thơm ngọt đặc trưng. Cam V2 trồng trên đất Quỳ Hợp có độ rám, vàng óng như nghệ vỏ mỏng, không hạt hoặc rất ít hạt, ruột chín đỏ, vị ngọt thanh, không ngọt đậm như cam Xã Đoài. Quỳ Hợp hiện có khoảng 1.945,5 héc-ta cây có múi, trong đó cam chiếm 1.520 héc-ta, tăng 252% so với năm 2011. Thời gian gần đây, năng suất quả tăng từ 10 - 15%, sản lượng tăng 60%, tạo bước tăng trưởng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Huyện đã xây dựng được những vùng cam tập trung với giống Xã Đoài, Valencia, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Giá trị 1 héc-ta cam đạt trên 300 triệu đồng. Huyện đặt ra mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu cam Quỳ Hợp tách khỏi thương hiệu cam Vinh. Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số diện tích sản xuất cam theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, Euro GAP... Đẩy mạnh kiểm định chất lượng và dán tem mác cho sản phẩm nhằm đưa sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Đồng Tháp: Chuyên canh các loại rau màu
Do nguồn cung khan hiếm nên càng về cuối vụ hè thu, giá các loại rau màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng mạnh. Nông dân phấn khởi vì đạt lợi nhuận cao.
So với cách đây một tháng, giá các loại rau màu như: Hẹ, hành lá, củ cải trắng đều tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều, sâu bệnh tăng khiến năng suất bình quân giảm. Đồng thời, do các diện tích hoa màu đã xuống giống thu hoạch gần hết nên nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Với giá tăng cao như hiện tại, trung bình một héc-ta hành lá nông dân thu lãi trên 200 triệu đồng, một héc-ta củ cải trắng thu lãi gần 80 triệu đồng…
Chủ trương của tỉnh Đồng Tháp là hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu quy mô lớn, làm tiền đề tạo mối liên kết tiêu thụ. Hiện huyện Hồng Ngự đang khuyến khích người dân chuyển sang chuyên canh các loại rau màu để tăng thêm thu nhập. Huyện Thanh Bình đã đầu tư xây dựng vùng chuyên canh rau màu 5 xã cù lao Tây. Trong giai đoạn 1 (2014 - 2015), từ nguồn vốn các cấp và vốn nhân dân đóng góp gần 7,5 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng 36 công trình gồm đường dây điện, trạm bơm điện và nạo vét đường nước tưới tiêu. Đến nay, 30 công trình đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, những công trình còn lại đã hoàn thành trên 70% kế hoạch. Qua đó, giúp người dân canh tác cây màu được thuận lợi. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích rau màu trong dự án đạt gần 1.000 héc-ta, chất lượng rau màu được kiểm soát, đảm bảo ổn định thị trường tiêu thụ và tăng lợi nhuận cho người dân. Huyện Lai Vung đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh màu ở xã Tân Hòa. Vùng chuyên canh màu xã Tân Hòa thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020. UBND huyện sẽ đầu tư thực hiện các hạng mục: nạo vét 3 tuyến kênh, xây 3 cống hở, 2 trạm bơm điện, xây dựng nhà lưới, nhà sơ chế và phân loại rau màu, hệ thống tưới phun hoa màu…
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Tăng cường chống buôn lậu qua biên giới
Ngay từ đầu năm, UBND các tỉnh và Cục Hải quan địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có trọng tâm, trọng điểm theo đối tượng, tuyến đường, mặt hàng. Trong đó, chú trọng các cửa khẩu lớn như: Mộc Bài (Tây Ninh), Thường Phước (Đồng Tháp), Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây (Long An), Tịnh Biên, Vĩnh Xương (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang)...
Tây Ninh
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh nhưng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh và đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, hoạt động vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu thường diễn ra trên các tuyến, địa bàn biên giới trọng điểm huyện Trảng Bàng, ranh giới giữa Tây Ninh và Long An và 2 bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Điển hình là hình thức cất giấu hàng hóa ở nhiều nơi. Sau đó tập kết lại và lén lút vận chuyển nhỏ lẻ nhiều lần vào ban đêm. Các đối tượng còn sử dụng chiêu thức thuê người mang vác hàng lậu theo đường mòn, bờ ruộng từ Campuchia vào Việt Nam. Đồng thời, cho người theo sát lực lượng chống buôn lậu để đối phó và gây cản trở.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã có kế hoạch triển khai lực lượng, tăng cường phối hợp chốt chặn trên các tuyến biên giới trọng điểm và trong nội địa. Đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển thuốc lá và các loại hàng hóa nhập lậu.
Long An
Bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu qua tuyến biên giới Long An hoạt động cả ngày lẫn đêm với thủ đoạn tinh vi và ngày càng manh động. Các mặt hàng nhập lậu qua biên giới Long An chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại. Các đối tượng buôn lậu vẫn với thủ đoạn cũ, chia nhỏ hàng rồi dấu trong các ô tô vận tải, hoặc dùng xe mô tô, xuồng máy tốc độ cao vượt biên về Việt Nam. Lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt khá nhiều vụ, nhưng số vụ hàng lậu vận chuyển trót lọt cũng không ít. Đặc biệt, thời gian qua, mặt hàng đường cát là một trong những mặt hàng chính được nhập lậu vào thị trường nội địa với số lượng lớn.
Từ thực tế cho thấy, tại khu vực biên giới của tỉnh Long An, phần lớn người dân nghèo luôn là đối tượng bị các đầu nậu lôi kéo, tiếp tay để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Trước tình trạng này, tỉnh đã cấp phép cho các nhà đầu tư xây dựng 2 khu kinh tế, khu công nghiệp tại Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống cho bà con nghèo khu vực biên giới. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh, triệt phá buôn lậu đạt hiệu quả cao, các lực lượng phải tăng cường phối hợp. Nhất là các lực lượng: Công an, biên phòng, hải quan cần phối hợp mạnh hơn, chặt chẽ hơn với địa phương.
Kiên Giang
Hiện nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới ở tỉnh Kiên Giang đang diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới bộ, các đối tượng lợi dụng đường mòn để vận chuyển hàng lậu theo dạng nhỏ lẻ. Phương tiện các đối tượng buôn lậu thường sử dụng là mô tô chạy với tốc độ cao để vận chuyển hàng hóa các loại, nhiều nhất là thuốc lá, đường, mỹ phẩm… đưa thẳng vào nội địa. Khi bị truy đuổi, họ vứt bỏ hàng hóa để trốn thoát hoặc tụ tập đông người cướp lại, tẩu tán hàng. Trên tuyến biên giới biển, dân buôn lậu lợi dụng các phương tiện tàu cá, tàu hàng, xuồng, đò… lén lút qua Campuchia mua hàng chở về địa bàn tiêu thụ. Thủ đoạn ngụy trang, cất giấu dưới hầm máy, khoang chứa hàng hóa. Thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Trong nội địa và giữa đất liền với các đảo của Kiên Giang, các đối tượng lợi dụng phương tiện đường bộ, như ô tô, mô tô và các phương tiện đường thủy chở khách, chở hàng để cất giấu, vận chuyển hàng hóa. Trước tình hình trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để chống buôn lậu. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và đấu tranh mạnh mẽ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Từ đó đã kiềm chế, làm giảm được hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn.
HÀNG VIỆT |
Yên Bái: Để hương chè lan tỏa
Nức tiếng khắp trong và ngoài nước với thương hiệu chè Shan tuyết, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang triển khai Đề án Bảo vệ và Phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600 héc-ta chè Shan tuyết Suối Giàng tại 6 xã vùng cao của huyện.
Món quà của núi rừng
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm chè trên cả nước. Cây chè Suối Giàng hoàn toàn phát triển tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của đất trời Tây Bắc và không hề có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật như phân bón hóa học hay sử dụng thuốc trừ sâu, chính vì vậy chè có hương vị thơm ngon đặc biệt, đượm nước, không gây mất ngủ và rất tốt cho sức khỏe.
Có dịp lên xã Suối Giàng, thưởng thức trà vào sớm mai mới thấm hết vị của nó. Bên quán trà Shan tuyết, nhìn sương giăng như chiếc khăn ủ ấm trên những nương chè cổ thụ đang mỏng dần và trên cành của những gốc chè xù xì đã chi chít mầm non mập mạp, nhiều người bảo chỉ uống trà ở nơi đây mới thấy hết vị ngon của trà Suối Giàng. Giá trị và độ sạch của chè Shan tuyết đã được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó, việc tiêu thụ chè rất thuận lợi, với giá trung bình thường cao gấp đôi các sản phẩm chè trung du, chè lai. Nhiều hộ thu về cả trăm triệu đồng. Thế mạnh là vậy, nhưng một thời gian dài, do không quản lý được chất lượng đầu ra và cả đầu vào, năng suất bấp bênh, thương hiệu chưa được đăng ký, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng dần mất thị trường.
Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện đăng ký đối với nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2012. UBND tỉnh cũng đã cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm chè của 2 đơn vị là Hợp tác xã Suối Giàng và Công ty TNHH Đức Thiện, nhằm tiếp tục phát triển thương hiệu chè Suối Giàng. Sau nhiều năm nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị cây chè Shan tuyết Suối Giàng, đầu năm 2016, quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Gìn giữ nguồn gen quý
Phát huy kết quả đạt được, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo các ngành chức năng và các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng xúc tiến thực hiện đăng ký mã số, mã vạch trên bao bì sản phẩm để hoàn tất việc xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, tạo thuận lợi tối đa cho việc đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, huyện Văn Chấn cũng đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu bảo tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600 héc-ta chè Shan tuyết Suối Giàng tại 6 xã vùng cao của huyện.
Để bảo đảm gìn giữ và phát huy nguồn gen quý của các cây chè Shan tuyết cổ thụ, huyện sẽ trích ngân sách gần 250 triệu đồng hỗ trợ nhân dân cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời xây dựng vườn ươm cây giống và tổ chức nhân giống từ những cây chè Shan đầu dòng. Trong quá trình triển khai, huyện cũng sẽ hướng dẫn nhân dân cách trồng, chăm sóc để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân vùng cao. Với những giải pháp này, thương hiệu chè Shan tuyết Yên Bái được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn nữa.
Box: Lãnh đạo huyện Văn Chấn cho biết, cả huyện hiện có trên 1.300 héc-ta chè Shan tuyết, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn – 2 tấn/héc-ta, giá chè Shan tuyết luôn cao gấp đôi, gấp 3 so với chè trung du.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)