TIÊU ĐIỂM |
Cần giải pháp căn cơ để giữ cây vú sữa Lò Rèn
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã trở thành “thương hiệu độc quyền” của tỉnh Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã đốn bỏ cây vú sữa do hiện tượng suy kiệt ngày càng tăng, gây chết cây hàng loạt.
Diện tích trồng vú sữa giảm mạnh
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Tiền Giang có 3.114 héc-ta trồng cây vú sữa. Diện tích này đã giảm 800 héc-ta so với năm 2011. Vú sữa được trồng tập trung ở các huyện như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè… Nguyên nhân làm cho diện tích cây vú sữa trên bàn tỉnh giảm mạnh là do những năm qua, hiện tượng suy kiệt cây vú sữa ngày càng tăng mạnh. Trong đó, bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa diễn ra phổ biến. Đây là đối tượng dịch hại nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho vùng trồng vú sữa tập trung.
Mặc dù nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên môn với các giải pháp khắc phục tình trạng suy kiệt cây vú sữa đã được công bố nhưng chưa mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, trong 3 năm gần đây, giá vú sữa Lò Rèn cũng giảm đáng kể nên lợi nhuận trồng vú sữa không cao. Đây là 2 nguyên nhân chính khiến phần lớn nhà vườn không còn quan tâm đến cây trồng này. Họ mạnh tay đốn bỏ vú sữa để trồng các loại cây khác như: sầu riêng, bưởi da xanh, sa pô, dừa… Vì vậy, những giải pháp căn cơ để “vực dậy” cây vú sữa Lò Rèn đang là vấn đề cấp thiết.
Giải pháp “vực dậy” cây vú sữa Lò Rèn
Tại Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Châu Thành (Tiền Giang) tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng, các nhà khoa học đã cùng nhau đánh giá, phân tích những nguyên nhân gây thiệt hại cho cây vú sữa Lò Rèn; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp “vực dậy” cây trồng này.
Theo đó, bà con trồng vú sữa cần lưu ý về mặt kỹ thuật canh tác để đạt năng suất, chất lượng cao. Đối với các vườn vú sữa Lò Rèn đã xảy ra tình trạng suy kiệt cần phải bón phân hợp lý, tăng cường phân bón hữu cơ, bón vôi. Đồng bộ với quy trình này, bà con phải sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất. Áp dụng triệt để quy trình quản lý bệnh thối rễ, chết cành… Thường xuyên vệ sinh vườn trồng và nguồn nước tưới…
Về giải pháp thủy lợi, bà con phải kiểm soát được mực nước trong các mương vườn. Từ đó, khống chế được lượng nước cấp, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây và quy trình quản lý bệnh thối rễ trên cây vú sữa. Đặc biệt, đối với vùng trồng vú sữa tại Châu Thành hiện nay, giải pháp về nông học (vệ sinh vườn, trừ nấm gây bệnh, tỉa cành, trẻ hóa vườn vú sữa…) là quan trọng.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương nên có những giải pháp căn cơ (ngắn hạn và dài hạn), cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm hỗ trợ nhà vườn quản lý dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.
Thực tế cho thấy, việc khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang là vấn đề cấp thiết, cần phải triển khai thực hiện với những giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm giảm thiệt hại kinh tế cho người dân và không làm mất đi một loại đặc sản nổi tiếng của Tiền Giang.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
An Giang: Đồng bào Khmer trúng mùa đậu xanh
Trong không khí vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer Bảy Núi lại có thêm niềm vui khi đậu xanh trúng mùa, được giá.
Những ngày qua, tại các tỉnh An Giang, nhiều nông dân đang tất bật thu hoạch đậu xanh để kịp trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo mới, thức ăn ngon, cùng góp sức trang hoàng các ngôi chùa Khmer trong vùng để đón Tết Chôl Chnăm Thmây. Trên các cánh đồng ruộng ở ấp An Thạnh, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), bà con Khmer ai nấy cũng phấn khởi, bởi đậu xanh năm nay vừa trúng mùa lại được giá hơn năm trước.
Vào đầu vụ, giá đậu xanh hạt 23.000 đồng/kg, hiện nay giá dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg, tùy loại hạt lớn nhỏ. Theo tính toán, năm nay, mỗi công đất trồng đậu xanh cho gần 200kg hạt, cao hơn những năm trước. Trừ hết chi phí, mỗi công bà con lãi trên 2 triệu đồng, cao hơn trồng lúa. Vì vậy, một số hộ đồng bào có điều kiện còn đầu tư cả máy suốt nhỏ, gọn, chạy bằng máy xăng. Đậu xanh được thu hoạch xong, phơi chừng vài giờ rồi đem suốt, vừa nhanh vừa tiết kiệm chi phí. Đậu hạt thu được đem bán cho đầu mối sẽ được giá cao hơn.
Ngoài ra, nhiều nông dân tận dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất 1- 2 tấn/héc-ta.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng đậu xanh mùa khô hạn, nông dân nhiều nơi trong huyện Tịnh Biên cũng làm theo và thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Bến Tre: Phát triển các sản phẩm từ dừa
Trong thời gian tới, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa sẽ là sản phẩm chủ lực được tỉnh Bến Tre chú trọng đầu tư, phát triển.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 1.900 cơ sở chế biến dừa. Hầu hết các sản phẩm chế biến từ dừa chủ yếu như: cơm dừa nạo sấy, mụn dừa, kẹo dừa, than hoạt tính, than thiêu kết, thạch dừa, sữa dừa... Trong đó, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa là sản phẩm chủ lực được ưu tiên đầu tư, phát triển.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian tới, Bến Tre sẽ phát triển công nghiệp chế biến dừa theo hướng đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, cải tiến bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, Bến Tre cũng ưu tiên tập trung đầu tư tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi các cơ sở sản xuất sang doanh nghiệp; hình thành phát triển nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, các doanh nghiệp quy mô lớn có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tuy có nhiều tiềm năng xuất khẩu nhưng hiện sản phẩm cơm dừa nạo sấy của Bến Tre cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thế giới. Trong khi đó, việc tổ chức quản lý hoạt động thu mua của các doanh nghiệp chế biến cơm dừa trong nước còn yếu, nguồn nguyên liệu còn lệ thuộc các cơ sở sơ chế. Tỉnh Bến Tre hiện có 10 cơ sở chế biến cơm dừa nạo sấy, tổng công suất thiết kế trên 80.000 tấn/năm, hàng năm có khả năng tiêu thụ trên 500 triệu trái dừa nguyên liệu.
Sữa dừa là sản phẩm mới phát triển nhưng lượng sản xuất đã gần đạt công suất thiết kế. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 3 doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm này với tổng công suất thiết kế trên 50.000 tấn/năm. Hiện sản phẩm sữa dừa Bến Tre được xuất khẩu đi 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, thị trường đầu ra của sản phẩm sữa dừa còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng.
MUA GÌ? BÁN GÌ? |
Bắc Kạn: Trồng dong riềng lãi khá
Vụ dong riềng năm 2017, do giá dong riềng giống cao và thiếu hụt nguồn cung nên toàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chỉ trồng được 460 héc-ta, đạt trên 90% kế hoạch. Trong đó có 390 héc-ta trồng trên đất đồi, soi bãi; 70 héc-ta được bà con trồng xuống ruộng cạn.
Được biết, năm 2016, huyện Na Rì thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách trồng thử nghiệm dong riềng xuống ruộng cạn và vun luống. Kết quả khả quan, năng suất trung bình đạt 85 tấn/héc-ta, khu ruộng tốt đạt trên 100 tấn/héc-ta. Với giá bán 2.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi trên 100 triệu đồng/héc-ta.
Huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định): Mở rộng diện tích cây đậu đen
Vụ đông xuân 2016 - 2017, nông dân huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên 441 héc-ta, tập trung nhiều nhất ở xã Vĩnh Thuận với 220 héc-ta. Nhờ điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên cây đậu đen phát triển tốt, năng suất bình quân khoảng 18 tạ/héc-ta, tăng hơn 1 tạ/héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Với giá bán 28.000 - 32.000 đồng/kg tùy loại, tính ra 1 héc-ta đậu đen cho thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/vụ. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch khoảng 80% diện tích đậu đen.
Theo đánh giá của bà con nông dân, cây đậu đen xanh lòng đặc biệt thích nghi và phát triển tốt ở địa phương. Loại cây này có sức chống chịu hạn cao, ít bị nhiễm sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Ðầu ra của loại nông sản này hiện rất ổn định, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu nên bà con rất phấn khởi. Vì vậy, năm nay, huyện Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi các loại cây trồng cạn kém hiệu quả sang trồng cây đậu đen, nhất là đậu đen xanh lòng. Hội Nông dân xã cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông tập huấn cho nông dân kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Đồng bằng sông Cửu Long: Chôm chôm được giá
Hiện nay, giá chôm chôm tại nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước và đang có mức giá cao kỷ lục trong nhiều tháng qua. Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... giống chôm chôm Java bán xô có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg; chôm chôm Java đạt chuẩn đóng thùng xuất khẩu có giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Các loại chôm chôm đường và chôm chôm Thái cũng đang có giá khá cao 70.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các loại chôm chôm này tiêu thụ nội địa chứ không được xuất khẩu nhiều như chôm chôm Java. Mùa vụ chôm chôm này được giá, nông dân rất phấn khởi vì thu lãi cao.
Theo nhiều nhà vườn và tiểu thương kinh doanh trái cây, giá chôm chôm tăng cao do nguồn cung giảm thấp so với nhu cầu. Chôm chôm là loại cây rất mẫn cảm với nước mặn. Từ năm 2016 đến nay, năng suất và sản lượng chôm chôm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập và các loại sâu bệnh diễn biến phức tạp.
Tiền Giang: Giá dứa tăng trở lại
Những ngày qua, giá dứa tại vùng chuyên canh Tân Phước thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang đã tăng lại sau thời gian liên tục mất giá. Hiện thương lái thu mua dứa trong khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg, tùy chất lượng, tăng hơn thời điểm giá xuống thấp nhất vừa qua gần 2.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ki-lô-gam dứa nông dân lãi khoảng 500 đồng. Với năng suất dứa trung bình đạt 20 tấn/héc-ta, người nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/héc-ta. Trước đó, dứa Đồng Tháp Mười liên tục mất giá và có thời điểm chỉ còn trên dưới 2.800 đồng/kg.
Dứa được xem là cây trồng chủ lực ở huyện Tân Phước. Địa phương cũng đã xây dựng được vùng chuyên canh dứa trên 16.000 héc-ta. Giá dứa hồi phục sau một thời gian xuống mức quá thấp giúp nông dân yên tâm sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để đạt hiệu quả kinh tế cao.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Nghệ An: Thâu đêm khai thác sứa biển
Theo ngư dân vùng biển Diễn Châu (Nghệ An), mùa khai thác sứa bắt đầu từ tháng giêng cho đến hết tháng tư âm lịch. Vào khoảng thời gian này, sứa về nhiều, chỉ cần giong thuyền ra 3 - 4 hải lý là có thể thả lưới đánh bắt sứa. Sản phẩm sứa đã qua chế biến của Diễn Châu chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc.
Vì vậy, ngay thời điểm đầu năm, hàng trăm ngư dân trong xã đã sắm thuyền mảng và ngư cụ để vươn khơi đánh bắt sứa. Nếu gặp thuận lợi, bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được từ 700kg đến hơn 1 tấn sứa. Với giá sứa hiện nay 1.400 - 1.500 đồng/kg bình quân 1 bè mảng 1 ngày thu về từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Hiện không riêng xã Diễn Kim mà các xã duyên hải như: Diễn Vạn, Diễn Hải, Diễn Thành, Diễn Bích cũng có hàng trăm con thuyền nhộn nhịp ra vào đánh bắt sứa. Sứa đánh bắt đưa lên bờ là có thương lái chờ sẵn thu mua để chế biến, đóng gói xuất khẩu. Thậm chí, một số chủ cơ sở chế biến xuất khẩu còn đầu tư vốn từ 5 - 10 triệu đồng cho một hộ ngư dân để đóng bè mảng đánh bắt sứa và bán sản phẩm lại cho mình. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt sứa và có thu nhập cao.
Huyện Diễn Châu hiện có 7 cơ sở chế biến sứa tại các xã: Diễn Kim, Diễn Hải và Diễn Thịnh. Những cơ sở này bao tiêu sản phẩm cho bà con ngư dân, trong đó có 3 cơ sở chế biến sứa có công suất hoạt động tới 300 tấn/ngày. Không chỉ chế biến ở dạng thô mà nhiều cơ sở còn sản xuất sứa ăn liền với nhiều loại khác nhau được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Sứa đã qua chế biến có giá cao gấp nhiều lần so với sứa thô, dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Bình Thuận: đầu tư ứng trước cho nông dân mở rộng diện tích trồng bắp
Đầu tư ứng trước cho đồng bào dân tộc trồng trọt, chăn nuôi là hoạt động thường xuyên, có hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ miền núi Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận.
Ngay đầu vụ hè thu, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã có các buổi làm việc với cấp uỷ, UBND các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Na, tỉnh Bình Thuận) trong việc chỉ đạo triển khai công tác tổ chức đầu tư ứng trước năm 2017.
Trong năm 2017, xã Hàm Cần có 421 hộ đăng ký sản xuất 1.082 héc-ta bắp (ngô)lai theo chính sách đầu tư ứng trước, tăng hơn 60 héc-ta so với năm 2016. Đây là diện tích của các hộ đồng bào đã trồng mỳ (sắn) nay chuyển đổi sang trồng bắp. Cơ cấu giống bắp chủ yếu là giống CP333 và CP888. Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật, đây là giống bắp tương đối thích hợp, cho năng suất cao trên địa bàn xã Hàm Cần.
Riêng tại xã Mỹ Thạnh có 179 hộ đăng ký sản xuất 321 héc-ta bắp lai, tăng hơn 92 héc-ta so với năm 2016. Diện tích tăng chủ yếu do các hộ trồng mỳ chuyển sang trồng bắp và một số hộ nhận đầu tư của tư thương, năm nay chuyển sang nhận đầu tư của Nhà nước. Năm ngoái, các hộ đồng bào xã Mỹ Thạnh trồng giống bắp NK 7328. Tuy giống bắp này có năng suất tương đối cao nhưng diện tích bắp trồng trên đất mới khai hoang lại bị bệnh thối thân làm giảm năng suất và chất lượng của bắp.
Do đó, năm 2017, để tiếp tục sử dụng giống NK7328, các hộ cần tập trung phát dọn để diệt trừ mầm bệnh; thực hiện gieo trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo mật độ. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ miền núi còn kết hợp tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, quy trình kỹ thuật cho các hộ đồng bào khi bước vào vụ sản xuất. Triển khai mô hình giống mới có khả năng kháng bệnh thối thân để mở rộng diện tích trồng bắp trong năm 2018. Đồng thời, chuẩn bị đủ thuốc cho các hộ phun phòng bệnh khi cây bắp được 4 - 5 lá.
Với sự phối hợp chuẩn bị ngay từ đầu vụ sản xuất, các hộ đồng bào Hàm Cần và Mỹ Thạnh sẽ bước vào vụ sản xuất hè thu với những điều kiện thuận lợi và năng suất cao.
HÀNG VIỆT |
Dẻo thơm hạt gạo Điện Biên
Với lợi thế có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, được đánh giá là vựa lúa số một của tỉnh Điện Biên, huyện Điện Biên là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo đặc sản của vùng Tây Bắc.
Hạt gạo Ðiện Biên trắng tròn, thơm dẻo, ai đã ăn thử không thể quên được vị đậm đà của nó. Để xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên đảm bảo chất lượng, uy tín, tránh bị lai tạp với các loại giống cùng loại sản xuất ở các địa phương khác, đầu năm ngoái, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 của tỉnh Điện Biên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”. Một số công ty, đơn vị đã tiến hành liên kết với các hộ nông dân sản xuất lúa gạo Ðiện Biên. Chuỗi liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp bước đầu thu được kết quả khả quan từ sản xuất, kinh doanh, chế biến, bao tiêu sản phẩm…
Bên cạnh đó, huyện Ðiện Biên cũng tập trung hướng dẫn, tuyên truyền người dân thay đổi cách thức sản xuất theo hướng liên kết và sản xuất sạch. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nông dân các bản đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình gieo trồng, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Trước khi vào mùa vụ, hợp tác xã đều phối hợp với cán bộ khuyến nông xã trực tiếp triển khai quy trình kỹ thuật cho bà con. Vào các thời kỳ phát triển của cây lúa, cán bộ kỹ thuật tiếp tục kiểm tra, theo dõi tại đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc, bón lót, bón thúc đúng thời điểm. Trong vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến cáo bà con phải chấp hành đúng quy trình.
Đặc biệt, để hướng tới sản xuất sạch, sản xuất theo hướng hàng hóa, huyện Điện Biên đã đưa giống có độ thuần chủng cao vào gieo trồng trên một diện tích tập trung để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Nho Ninh Thuận - Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam
Ninh Thuận - miền đất cực Nam Trung bộ là vùng trồng nho nổi tiếng ở nước ta. Cây nho ở đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa, có nhiều tiềm năng để phát triển.
Đặc biệt, sau khi được chứng nhận là Thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam, nho Ninh Thuận đã được đông đảo người dân cả nước biết đến. Chứng nhận này cũng giúp nâng cao giá trị thương hiệu nho của vùng đất Ninh Thuận.
Sinh trưởng và phát triển ở vùng đất khô hạn với khí hậu nhiệt đới gió mùa có các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều và không có mùa đông nên nho Ninh Thuận cho năng suất cao cùng vị ngon ngọt đặc trưng mà không vùng miền nào có được. Điểm đặc trưng của nho đỏ Ninh Thuận là có vỏ bóng, mỏng, quả dạng hình cầu, khi quả chín có màu đỏ tươi hoặc đỏ đậm và có vị ngọt hài hòa với vị chua. Trong khi đó, nho xanh Ninh Thuận lại có vỏ màu xanh vàng nhạt, thịt mềm, hơi trong và có vị ngọt đậm, ít chát, hơi chua.
Nho Ninh Thuận từ lâu đã trở thành thương hiệu nho nổi tiếng của nông nghiệp Việt Nam và cũng là sản phẩm giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phát triển cây nho trở thành vùng sản xuất nho lớn nhất cả nước. Đồng thời, xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận và thực hiện liên kết, hợp tác theo chuỗi ngành hàng giữa người trồng nho, nhà chế biến, nhà tiêu thụ để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh
Sau tỏi Lý Sơn, cam Vinh cũng sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An. Việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác.
Cam Vinh đã trở thành một thương hiệu mạnh của Nghệ An và từng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 héc-ta. Còn theo quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 héc-ta với sản lượng 87.000 tấn/năm. Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Vinh đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Nhiều hộ, nhiều vùng miền núi Nghệ An đã khá lên nhờ trồng cam.
Về cơ chế chính sách, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như: quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ cam... Tuy nhiên, việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ. Quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa được tổ chức bài bản, chưa có những doanh nghiệp mạnh liên kết cùng người trồng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc dán tem nhãn mác hàng hóa để truy xuất nguồn gốc sản xuất chưa được quan tâm. Trong khi đó, mạng lưới tiêu thụ, kinh doanh cam hoàn toàn tự phát, chủ yếu do thương lái trực tiếp thương thảo và thu mua của người dân chứ ít ai quan tâm đến sử dụng tem nhãn. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh, xử lý việc lạm dụng thương hiệu cam Vinh...
Nhằm khắc phục những yếu điểm trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đề nghị tỉnh chỉ đạo chặt chẽ trong triển khai quản lý chất lượng, có thể thành lập tổ tư vấn về cấp tem, nhãn mác sản phẩm, quản lý bộ giống... UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển thương hiệu cam Vinh. Từ đó, tích cực triển khai các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Sở Khoa học Công nghệ và các ngành phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh một số chính sách khuyến khích phát triển cây cam, đồng thời chấn chỉnh, kiện toàn Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị để khảo sát cụ thể hơn, đề xuất điều chỉnh quy hoạch trồng cam cho phù hợp với thực tế phát triển.
Trước mắt cần triển khai việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền để giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác.
Quảng Ninh: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tăng
Thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, 3 tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa thuộc địa bàn quản lý của hải quan Quảng Ninh có dấu hiệu gia tăng. Nổi lên là tình trạng vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, trứng gia cầm, mỹ phẩm, thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, đồ sứ nghi là đồ cổ. Trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu các nhóm mặt hàng như: than, quặng, khoáng sản xuất lậu vẫn tiếp diễn. Xuất hiện một số đối tượng trong nước thu mua than có nguồn gốc bất hợp pháp để tiêu thụ nội địa.
Trong quý 1/2017, lực lượng chống buôn lậu hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 76 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; trị giá trên 3 tỷ đồng.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)