Thông tin giá cả thị trường số 13/2019

09:26 AM 05/04/2019 |   Lượt xem: 4289 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tuyên Quang: Cam Hàm Yên cuối vụ giá thấp

Theo UBND huyện Hàm Yên, vụ cam 2018 - 2019, sản lượng cam ước đạt khoảng 100.000 tấn, trong đó riêng cam sành ước đạt 85.000 tấn, còn lại là các loại cam khác. Tháng ba, cam Hàm Yên đã vào cuối vụ thu hoạch nhưng các nhà vườn mới thu hoạch được khoảng 60.000 tấn cam sành. Lượng cam sành cuối vụ chưa được thu hoạch còn lại khá lớn, giá xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây khiến người trồng cam lo lắng.

Sản lượng cam cuối vụ tăng

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, cam sành cuối vụ đang còn tại các vườn  khoảng 15.000 tấn, nhiều nhất trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do năm nay rất ít thương lái thu mua nên lượng tiêu thụ cam vào miền Nam chỉ bằng 30% so với những năm trước, trong khi đây là thị trường chính tiêu thụ cam sành của huyện. Bên cạnh đó, nhiều trang trại, nhà vườn có tâm lý găm cam để chờ cuối vụ bán giá cao hơn khiến sản lượng cam đến thời điểm này còn khá lớn. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản lượng cam tồn lớn là nguyên nhân chính dẫn đến giá cam giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. Đó là chưa tính đến tình trạng cam cuối vụ chưa được thu hoạch kịp thời, chất lượng sẽ bị giảm, gây hại cây do đồng thời cây phải nuôi dưỡng lộc, hoa và quả nên cây bị già cỗi nhanh, sức đề kháng sâu, bệnh kém. 

Với mục đích tìm giải pháp tiêu thụ cam cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã cam kết đồng hành với UBND huyện Hàm Yên, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cam về các chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn. Riêng Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên sẽ tiếp tục đàm phán với các siêu thị, chợ đầu mối để tiêu thụ hết số lượng cam tại các chi hội, nhà vườn trồng cam trên địa bàn.

Cam hữu cơ cho thu nhập cao

Bên cạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ, UBND huyện, các địa phương cần kiềm chế phát triển nóng cây cam. Hiện nay, cây cam đang phát triển quá nóng không chỉ trên địa bàn huyện Hàm Yên mà trên cả nước khiến sản lượng cam quá lớn dẫn đến cung vượt cầu. Để cây cam phát triển bền vững, giữ vững giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động bà con chặt tỉa cây cam bị già cỗi, sâu bệnh; bổ sung các loại giống cam mới có chất lượng cao vào trồng để rải vụ, đa dạng hóa sản phẩm cam; mở rộng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng cam Hàm Yên.  Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến cho bà con mô hình trồng cam hữu cơ. Bởi trên thực tế, một số hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi, cuối vụ có thu nhập cao. Nếu cam của những hộ trồng thông thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg thì những hộ trồng cam hữu cơ giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Cam trồng theo phương pháp này không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ. Ngoài ra, tham gia mô hình trồng cam hữu cơ ngoài tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, bà con cũng học được cách liên kết trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích các hộ dân sản xuất nông nghiệp sạch và nâng cao thương hiệu cam Hàm Yên trên thị trường, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ 190.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ gia đình; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ cam cho người nông dân. Tỉnh cũng đã mở 6 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây có múi cho 194 học viên tham gia. Qua đó, giúp người nông dân nắm chắc hơn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cũng như tiếp cận, cập nhật kịp thời về thông tin sản xuất quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lai Châu: Mía không có đầu ra

Thời điểm này, bà con nông dân xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang tập trung nhân lực thu hoạch mía. Giá giảm, tiêu thụ chậm khiến người trồng mía lao đao.

Từ lâu, cây mía ở bản Tẩn Phủ Nhiêu đã giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo. Diện tích mía ngày càng được mở rộng nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Năm qua, bà con trong bản trồng 15 héc-ta mía. Mặc dù đã là thời điểm cuối vụ nhưng đến nay bà con mới bán được 50% diện tích mía; trong khi thời điểm này của năm trước mía đã thu hoạch xong. Tháng trước, một số nhà vườn đã tranh thủ bán buôn tại vườn với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/cây mía chọn, mỗi ngày bán từ 70 - 100 cây. Tuy nhiên, mức tiêu thụ chậm nên nhiều vườn đã hạ giá 1.000 đồng/cây to và 550 đồng/kg (cây nhỏ). Để chuẩn bị cho vụ mía mới, nhiều vườn đang dồn nhân lực chặt, bán mía cho tư thương với giá rẻ để “vớt vát” vốn.

Tại bản Nà Sài, tình trạng cũng tương tự. Bà con dân bản đều mong muốn có đầu ra cho sản phẩm mía với giá ổn định. Năm trước, bà con thu lãi 15 triệu đồng/1.000 m2 mía. Nhưng năm nay, tiền mía không đủ trả tiền phân bón. Hiện nay, mía đầy vườn nhưng thương lái không đến thu mua. Nếu từ nay đến tháng 4 mưa nhiều, mía nhạt cũng phải chặt bỏ. Trước đây, mía tập trung nhiều ở bản Tẩn Phủ Nhiêu nhưng nay người dân ở các bản: Nà Bỏ, Bản Giang, Cốc Pa, Nà Cơ, Nà Sài cũng chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang trồng mía. Việc mở rộng diện tích khiến sản phẩm mía tăng cao, trong khi nhu cầu thị trường giảm. Dù người trồng mía chủ động tìm kiếm tư thương đến thu mua tại ruộng và đưa ra các chợ trong tỉnh bán lẻ nhưng cũng chỉ bán được 50% sản lượng mía.

Thiếu đầu ra, rớt giá, người trồng mía khốn đốn. Bà con mong tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường sớm giúp tìm đầu ra cho sản phẩm mía để bà con yên tâm gắn bó với nghề.

Ninh Thuận: Muối trải bạt được mùa, được giá

Ninh Thuận là một trong những tỉnh sản xuất muối lớn nhất cả nước với tổng diện tích sản xuất hơn 3.500 héc-ta. Năm 2019, tỉnh đề ra kế hoạch sản xuất khoảng 300.000 tấn muối các loại.

Tại Ninh Thuận, muối sản xuất trên nền bạt hiện có giá dao động từ 1.100 –1.300 đồng/kg, muối sản xuất trên nền đất từ 900 – 1.100 đồng/kg, tăng từ 300 – 500 đồng/kg so với giá muối cuối năm 2018. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, muối được mùa, trung bình mỗi héc-ta ruộng muối cho thu hoạch từ 10 – 15 tấn muối kết tinh nên diêm dân rất phấn khởi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhờ thời tiết nắng nóng kéo dài, các cánh đồng muối ở xã Tri Hải, Nhơn Hải và Khánh Hải cho năng suất cao, ổn định. Nguồn nước mặn đủ cung cấp cho các ruộng giúp nông dân sản xuất muối đạt chất lượng, cho năng suất cao. Hiện thời tiết nắng nóng thuận lợi giúp lượng nước biển phơi trong ruộng bốc hơi mạnh làm hạt muối kết tinh nhanh hơn, trung bình 1 tuần có thể thu hoạch muối 1 lần. Nếu giá muối giữ ổn định từ 1.000 – 1.300 đồng/kg thì đa phần bà con làm muối đều có lãi, đời sống kinh tế cũng khá hơn. Giá muối giữ ổn định là yếu tố quan trọng giúp bà con vùng biển gắn bó với nghề sản xuất muối.

Để tạo điều kiện cho ngành muối phát triển, tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối với công nghệ phủ bạt ô kết tinh; khuyến khích diêm dân chuyển đổi dần từ sản xuất muối trên nền đất sang trải bạt để nâng cao năng suất, chất lượng muối. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất muối, xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các nhà máy chế biến muối và sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm muối sản xuất ở địa phương khác.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Khánh Hòa: Sắn mất mùa, mất giá

Bước vào vụ thu hoạch sắn (mì) năm nay, nông dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ do năng suất thấp và giá giảm mạnh.

Do ảnh hưởng nhiều đợt mưa cuối năm 2018 nên năng suất sắn giảm và giá sắn tươi vụ này đang xuống thấp. Vụ sắn năm trước, thương lái thu mua với giá từ 2.200 - 2.300 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó. Còn vụ này, giá thu mua tại ruộng chỉ đạt 1.600 đồng/kg, thương lái cũng thu mua dè dặt. Trong khi đó, năng suất của các vườn sắn đều giảm 1/3 so với vụ trước, đạt 2 tấn/sào. Bên cạnh đó, chi phí nhân công thu hoạch tăng đến 250.000 đồng/ngày, trong khi giá nông sản hạ thấp khiến nhiều nông dân đang hết sức khó khăn.

Thanh Hóa: Sản xuất ngô ngọt theo hướng hữu cơ

Vụ xuân 2019, Trạm Khuyến nông Thọ Xuân (Thanh Hóa) phối hợp với xã Xuân Lai triển khai mô hình “Sản xuất ngô ngọt theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” trên quy mô 9,5 héc-ta. Bà con tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư phân bón, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo và đặc biệt được bao tiêu sản phẩm với giá cao. Bởi khi thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông Thọ Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Hà Trung (HAVECO) với giá 3.800 đồng/kg. Vì vậy, bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Qua quá trình trồng và theo dõi cho thấy, giống ngô ngọt F1 SW 1011 thích nghi tốt với điều kiện thâm canh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Sinh trưởng phát triển khỏe, cứng cây, bộ rễ vững chắc, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với diện tích ngô thâm canh theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ nảy mầm đạt 95%.

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Diện tích trồng cam xoàn giảm

Theo thống kê, tổng diện tích trồng cam xoàn ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện chỉ còn khoảng 500 héc-ta, giảm hơn 200 héc-ta so với năm 2016. Nguyên nhân diện tích trồng cam xoàn giảm mạnh là do dịch bệnh vàng lá gân xanh tấn công mạnh trên loại cây này. Ngoài ra, chi phí đầu tư sản xuất tương đối cao trong khi giá bán vài năm trở lại đây ở mức rất thấp, nhiều nông dân thua lỗ nên đã chuyển sang trồng tràm. Hiện cam xoàn hàng xô được thương lái cân tại vườn với giá 17.000 đồng/kg, loại 1 có giá 20.000 đồng/kg, loại 2 giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Tháng 6/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Phụng Hiệp” cho hợp tác xã Phương Phú. Theo đó, 21 thành viên của hợp tác xã được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Phụng Hiệp” để kinh doanh. Đây là một trong những tiền đề quan trọng giúp cam xoàn Phụng Hiệp vươn xa hơn trên thị trường trái cây.

Bình Định: An Lão được mùa dưa hấu

Những ngày này, không khí ở vùng bãi của thôn Vạn Khánh, xã An Hòa - vùng dưa lớn nhất huyện An Lão (tỉnh Bình Định) rất sôi động. Các hộ nông dân tập trung thu hoạch dưa hấu đến độ chín, thương lái từ các nơi đến tận ruộng để thu mua. Năm nay, giá dưa cao, ổn định nên bà con phấn khởi. Khi mới bắt tay vào thu hoạch cách đây một tuần, dưa loại 1 được thương lái thu mua tại ruộng có giá trung bình 5.500 đồng/kg. Nhưng vài ba ngày trở lại đây, khi thời tiết nóng bức hơn, giá tiếp tục lên cao đến 6.500 - 7.500 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với vụ trước. Giá dưa tăng là do diện tích trồng dưa ở An Lão cũng như cả tỉnh giảm nhiều, vì vậy thị trường hút hàng. Trong khi đó, vụ dưa này thời tiết thuận lợi, năng suất dưa ổn định, giá lại tăng nhiều hơn so với mọi năm nên niềm vui của nông dân cũng như được nhân đôi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Giá điều giảm mạnh

Đang mùa thu hoạch nhưng giá điều giảm mạnh, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của giá thế giới.

Những ngày qua, điều tươi thu mua tại vườn ở Bình Phước chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nếu giao đến nhà máy giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, giá điều khô tại kho khoảng 36.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, điều khô tại kho lên đến 50.000 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, giá điều vẫn đang đà đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Chủ một vườn điều ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, giá điều ở khu vực này cao hơn các khu vực khác do chất lượng tốt hơn, giao thông thuận tiện nhưng đợt này giá thu mua thường xuyên biến động. Đầu tuần trước, điều tươi mua tại vườn giá 32.000 - 33.000 đồng/kg, nay chỉ còn 29.500 đồng/kg, giảm 2.500 - 3.500 đồng/kg. Hiện vào mùa thu hoạch rộ, nhiều chủ vườn lo giá càng thấp càng dễ bị thương lái ép giá hoặc chiếm dụng vốn bằng cách mua chịu, chủ vườn nào không chấp nhận bán chịu thì thương lái không mua.

Trên thực tế, giá điều thu mua trong nước thường chịu ảnh hưởng của giá thế giới. Bởi sản lượng điều trong nước chỉ khoảng 400.000 tấn trong khi nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp hằng năm lên đến khoảng 1,5 triệu tấn. Ngành chế biến điều phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá thu mua nguyên liệu đầu vào cũng ảnh hưởng theo.

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới nhập khẩu số lượng ít nguyên liệu điều về Việt Nam mà giá điều trong nước đã giảm mạnh. Nếu thời gian tới nhập số lượng lớn sẽ đẩy giá điều trong nước giảm sâu hơn. Vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu không nên thu mua điều nguyên liệu giá cao như trước mà chỉ mua ở mức 1.200 đô-la Mỹ/tấn. Rút kinh nghiệm năm 2018, giá điều nguyên liệu tăng quá cao, doanh nghiệp đua nhau nhập nguyên liệu về chế biến nhưng giá xuất khẩu lại giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phát hiện hơn 9.000 kg phân bón không nhãn phụ tiếng Việt

Lực lượng chức năng TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện 630 bao tương đương 9.450kg phân bón khô dạng hạt, hiệu KOKURYU, trên nhãn hàng hoá ghi bằng chữ nước ngoài, không ghi xuất xứ, không ghi
ngày sản xuất và hạn sử dụng, không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Đội Quản lý thị trường số 22 vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Phước Thạnh, Công an xã Phước Vĩnh An – Công an huyện Củ Chi tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 49C-085.68, hiệu HINO do ông Thới Duy Vĩnh điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, ông Thới Duy Vĩnh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên quan đến hàng hoá trên xe ô tô tải. Lái xe khai nhận toàn bộ số phân bón nêu trên được ông vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Lâm Đồng giao cho khách hàng. Lúc nhận hàng, chủ hàng không giao cho ông bất kỳ hoá đơn, chứng từ liên quan đến hàng hoá trên. Đội Quản lý thị trường số 22 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện nêu trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, liên quan đến mặt hàng phân bón, Tổng cục Hải quan đã nhận được phản ánh về việc một số doanh nghiệp gian lận trong khai báo hàng hóa để lẩn tránh thuế tự vệ đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu. Nhằm ngăn ngừa tình trạng này, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu yêu cầu phân tích phân loại hoặc thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với trường hợp các mặt hàng nhập khẩu có mã số khai báo thuộc một trong các mã số được nêu tại Quyết định 686 của Bộ Công Thương, được nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc danh sách các quốc gia được loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ nhưng lại khai báo thuộc diện được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

HÀNG VIỆT

Điện Biên: 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Trung tuần tháng 3/2019, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Điện Biên đã tổ chức bình chọn, công nhận các
sản phẩm tiêu biểu năm 2019.

Tính đến nay đã có 9/10 huyện, thị, thành phố đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với 56 sản phẩm của 31 cơ sở sản xuất công nghiệp. Các nhóm sản phẩm đăng ký tham dự gồm: Nhóm thủ công mỹ nghệ (dệt thổ cẩm, gỗ, tre, nứa, song mây); nhóm sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản, thủy sản và thực phẩm; nhóm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; nhóm sản phẩm khác (sản phẩm vật liệu xây dựng).

Căn cứ hồ sơ đăng ký của các cơ sở và Quy định của Hội đồng bình chọn về điều kiện sản phẩm đạt giải “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019”, Ban giám khảo đã chấm điểm và thống nhất lựa chọn thông qua các tiêu chí: Đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế; áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; tạo việc làm cho người lao động… Hội đồng đã bình chọn để trình UBND tỉnh công nhận 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, nhóm sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ có 7 sản phẩm; nhóm chế biến nông, lâm sản: 6 sản phẩm; nhóm vật liệu xây dựng 1 sản phẩm.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phải đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, khả năng tiêu thụ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Trong thời gian tới, Sở Công Thương Điện Biên sẽ tiếp tục hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển hoàn thiện những điều kiện cần thiết để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Các cơ sở có sản phẩm đã được bình chọn cần sớm hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019.

Kiên Giang: 21 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể

Trong thời gian qua, Kiên Giang đã triển khai các mô hình gắn với định hướng tái cơ cấu và giúp sản phẩm nông nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, còn tạo ra thương hiệu, sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm vùng miền.

Đến nay, tỉnh đã có 21 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp. Những sản phẩm này đã và đang tham gia vào thị trường và được đánh giá cao như: Khóm Tắc Cậu, khô cá sặc rằn U Minh Thượng, gạo một bụi trắng U Minh Thượng… Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng nông sản, thủy sản đã được chứng nhận VietGAP; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Thạnh An, huyện An Minh đạt chứng nhận quốc tế USDA; chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc được Cộng đồng châu Âu chấp nhận…

Đạt được những kết quả này là do trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các chương trình, mô hình khuyến nông có hiệu quả, phù hợp với vùng sinh thái, quy hoạch của ngành. Đồng thời, đưa một số giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để phát huy tiềm lực của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Về lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng hệ thống cống thủy lợi trên tuyến đê phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ; nạo vét hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi nội đồng, xây dựng trạm bơm. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão như: Lình Huỳnh, Hòn Tre, An Thới, Xẻo Nhàu… phục vụ phát triển kinh tế, khai thác đánh bắt hải sản và hậu cần nghề cá.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)