TIÊU ĐIỂM |
Phú Yên:
Khan hiếm sắn giống
Nông dân tỉnh Phú Yên đã vào vụ trồng sắn nhưng do cây giống khan hiếm nên nhiều hộ dân phải tận dụng cây sắn còn sót lại. Điều này dẫn đến nguy cơ sắn bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng tăng cao.
Giảm năng suất, mất giá
Trước đó, cơn bão số 12 đã khiến hàng ngàn héc-ta sắn bị lỏng gốc, đổ ngã, năng suất thấp. Chính vì vậy, khi thu hoạch, hàm lượng tinh bột giảm nên thương lái ép giá. Đầu vụ, giá sắn được thương lái thu mua xấp xỉ 1.900 đồng/kg nay giảm xuống còn 1.500 đồng/kg.
Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, toàn huyện có hơn 5.000 héc-ta sắn, năng suất ước đạt 22,6 tấn/héc-ta, sản lượng đạt 125.452 tấn. Những năm trước, giá sắn từ 1.700 - 1.800 đồng/kg thì mỗi héc-ta nông dân sẽ lãi gần 20 triệu đồng. Nhưng hiện nay, một phần sắn giảm năng suất do ảnh hưởng bão số 12 nên sắn củ tại địa bàn có hàm lượng 30% độ bột là rất hiếm; số diện tích sắn ngã đổ thông thường chỉ vào khoảng 20 - 22% độ bột và giá dưới 1.500 đồng/kg nên thu nhập của người dân thấp hơn so với mọi năm.
Tương tự, huyện Đồng Xuân có 4.100 héc-ta sắn. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua làm hơn 553 héc-ta bị thiệt hại từ 50 - 70%. Vụ sắn vừa qua phải hứng chịu trận bão và 5 đợt lụt nên người trồng sắn nơi đây thiệt hại nặng.
Chất lượng giống không đảm bảo
Ngay từ đầu vụ, sắn giống đã khan hàng. Hiện nay, giá sắn giống tăng đến 30.000 đồng/bó (20 cây) nhưng vẫn không có hàng để mua. Tình trạng tranh mua, tranh bán cây sắn giống đang diễn ra phức tạp tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Thậm chí, một số hộ dân ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân đã tranh thủ đi mót cây sắn giống về bán. Nhiều người phải mót hom giống ven bờ bụi về trồng nên chất lượng không đảm bảo.
Trước tình trạng này, các cán bộ kỹ thuật đã khuyến cáo người dân không tự ý mua cây giống về trồng bởi những năm trước đây, nhiều vùng trồng sắn trong tỉnh bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng lây lan trên diện rộng. Nguyên nhân là do nông dân có thói quen trao đổi hom giống để trồng, chủ yếu là giống sắn cao sản KM94, dẫn đến giống nhiễm bệnh từ vùng này lan sang vùng khác. Nếu bà con tự đi mót cây giống trồng thì nguy cơ sắn bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng rất cao. Khi sắn bị rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không ra củ hoặc củ rất nhỏ nên năng suất thấp. Còn khi bị bệnh chổi rồng sớm, cây sắn thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10 - 30%, hàm lượng tinh bột giảm 20 - 30%.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Giải pháp phòng trừ bệnh chổi rồng là nông dân tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh, tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh, hom sắn được sử dụng khi trồng phải sạch bệnh.
Còn rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm, khó phòng trừ do chúng lây lan chủ yếu qua đường hom giống, các dụng cụ canh tác và gió. Khi sắn bị rệp sáp bột hồng, người trồng sắn sẽ thiệt hại nặng. Vì vậy, bà con tuyệt đối không vận chuyển hom sắn giống từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng phải tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng, đặc biệt là không làm giống trong vụ trồng mới.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Sóc Trăng:
Trồng hành tím GAP giúp tăng lợi nhuận
Bà con trồng hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang rất phấn khởi vì vụ hành tím cho năng suất cao nhờ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hành tím cho năng suất cao hơn khoảng 20%, chi phí đầu tư giảm khoảng 20% trên cùng diện tích đất, giá bán khá nên người dân phấn khởi. Đặc biệt, tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 30% chi phí và được hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết để hành sinh trưởng tốt, cũng như cách phòng trị sâu hại tấn công. Trên thực tế, áp dụng quy trình canh tác hành theo GAP đã giúp bà con giảm chi phí đầu tư sản xuất 20%, nhẹ công lao động 40%, người trồng hành hạn chế hơn 90% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh nhưng hành vẫn đạt năng suất và ít sâu hại tấn công. Với cách trồng hành theo chuẩn GAP khá hiệu quả, nhiều nông dân đã đăng ký thực hiện cho vụ hành tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn GAP là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc cấm và hạn chế sử dụng trên rau; áp dụng đúng thời gian cách ly khi phun thuốc (xem quy định trên nhãn); sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau và tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Đồng thời, trong mùa mưa, để tăng cường hiệu quả thuốc có thể pha thêm chất bám dính và phun thuốc chỉ được hỗn hợp tối đa 2 loại thuốc.
Mục đích của việc triển khai việc xây dựng mô hình quản lý chất lượng nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị hành tím nhằm hỗ trợ người trồng hành tại Vĩnh Châu sản xuất hành sạch, an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Bước đầu mô hình đã đạt hiệu quả tốt, được người dân đồng tình ủng hộ.
Lý Sơn - Quảng Ngãi:
Vào vụ thu hoạch tỏi đông xuân
Thời điểm này, nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung thu hoạch vụ tỏi đông xuân 2017 - 2018.
So với mọi năm, vụ tỏi đông xuân năm nay được mùa, được giá nên nông dân trồng tỏi phấn khởi. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, nông dân chủ động được nguồn nước tưới và thực hiện tốt khâu phòng trừ sâu bệnh gây hại ngay từ đầu vụ nên phần lớn diện tích cho năng suất cao, đạt từ 400 - 500kg/sào, cao hơn từ 20 - 30% so với các năm trước.
Vụ tỏi đồng xuân 2017 - 2018, nông dân Lý Sơn sản xuất được gần 330 héc-ta tỏi, với năng suất trung bình từ 8 -10 tấn/héc-ta, đưa tổng sản lượng thu hoạch cả huyện ước đạt gần 3.000 tấn tỏi củ. Với giá khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg, vụ tỏi này nông dân Lý Sơn thu về trên 120 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 60% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện. Đặc biệt, vụ tỏi này, sản lượng cho thu hoạch cao hơn niên vụ trước, ước mỗi héc-ta cho sản lượng thu hoạch từ 8 - 10 tấn. Với giá tỏi ổn định như hiện nay, nông dân sẽ có thêm thu nhập để tái đầu tư vào sản xuất.
Mỗi năm, nông dân Lý Sơn chỉ sản xuất một vụ tỏi và tỏi được xem là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho bà con. Tỏi được mùa, được giá là động lực giúp nông dân Lý Sơn có thêm niềm tin bước vào các vụ sản xuất tiếp theo.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Liên kết sản xuất giống cá tra
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác trong vùng. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án cá tra giống này là 592 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đề án này, từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung gồm 3 vùng tại An Giang (ở huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và TP. Long Xuyên) với tổng diện tích 350 héc-ta, 3 vùng tại Đồng Tháp (tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400 héc-ta.
Đà Lạt:
Hành tây, khoai tây giảm giá
Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng hành tây, khoai tây Đà Lạt đang ở mức dưới giá thành. Hiện tại, hành tây loại đẹp thu mua tại vườn ở Đà Lạt chỉ 3.000 đồng/kg và thương lái cũng rất kén hàng, chỉ chọn những vườn hành đẹp để mua trữ. Với mức giá này, nông dân khó thu hồi vốn vì hành tây chính vụ thường được nhà vườn chú trọng đầu tư, chưa tính tới việc chi phí nhân công thu hoạch.
Tương tự hành tây, các nhà vườn trồng khoai tây cũng đang trong tình cảnh lao đao vì giá. Hiện khoai tây da hồng, loại một (4 - 5 củ/kg) chỉ có giá 7.000 đồng/kg; khoai tây loại nhỏ hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ những vườn đạt sản lượng cao mới có thể hoà vốn. Trong khi đó, ở cùng thời điểm này của năm trước, khoai tây loại một ở Đà Lạt có giá 11.000 đồng/kg.
Ngoài nguyên nhân hành tây, khoai tây chính vụ rớt giá mạnh vì xuất khẩu kém, năm nay sản phẩm này còn bị cạnh tranh bởi nguồn hàng phía Bắc và Trung Quốc.
Hưng Yên:
Giá chuối tăng cao
Năm nay, người dân trồng chuối tại Hưng Yên đang phấn khởi khi giá chuối tăng cao, nhiều thương lái về tận vườn đặt mua hàng. Theo khảo sát tại các chợ đầu mối, những buồng chuối tiêu mã xấu bán trung bình 120.000 đồng/buồng, chủ yếu khách mua về chế biến chuối sấy. Còn chuối tây thì không đủ hàng để cung cấp cho thương lái, giá bán cũng tăng mạnh, dao động từ 300.000 – 360.000 đồng/buồng, tùy số lượng nải/buồng và mẫu mã quả.
Những ngày này, các doanh nghiệp chế biến cũng đẩy mạnh thu mua hàng để đóng hộp cung cấp cho các siêu thị. Hiện, giá bán chuối vẫn đang ở mức cao, trung bình 10.000 – 11.000 đồng/kg chuối tiêu hồng và 14.000 – 15.000 đồng/kg chuối tây. So với thời điểm này năm ngoái, giá chuối tây cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Dù giá thu mua chuối cao nhưng sản lượng chuối khá khan hiếm do mới vào đầu vụ thu hoạch chuối tây.
Nguyên nhân giá chuối tây lên cao so với cùng kỳ năm ngoái là vì nguồn chuối xuất khẩu hụt hàng, nhiều thương lái đẩy giá để thu gom cho đủ chuyến. Mặt khác, năm nay, Trung Quốc khan hiếm hàng nên phải tăng thu mua chuối từ Việt Nam.
Bình Thuận:
Giá thanh long tăng cao kỷ lục
Do nguồn hàng khan hiếm, thị trường Trung Quốc lại tiêu thụ mạnh nên giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận đã và đang có xu hướng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá thanh long luôn ở mức khá cao từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg và giữ ở mức ổn định trong thời gian dài nên người dân rất phấn khởi. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, giá loại trái cây này có lúc đạt mức 22.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng cao là do trong thời gian qua, tình hình thời tiết bất lợi, nấm bệnh tăng cao nên cây thanh long kết trái không nhiều. Thêm vào đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long trên địa bàn đang nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu dẫn đến nguồn hàng khan hiếm, đẩy giá tăng cao.
Bình Thuận là tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước với gần 28.000 héc-ta. Hơn 80% sản lượng trái thanh long của tỉnh này chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Bà con cẩn trọng khi chặt bỏ cây hồ tiêu
Trước việc giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh, bà con nông dân Tây Nguyên đang loay hoay chuyển đổi cây trồng. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) khuyến cáo bà con không nên chặt bỏ ồ ạt để chuyển đổi sang cây trồng khác mà cần chuyển đổi có kế hoạch.
Giá hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, hiện chỉ còn 57.000 – 58.000 đồng/kg, giảm gấp 3,5 lần so với mức 220.000 đồng/kg thời điểm hồi đầu năm 2015. Mức giá này đã khiến giá hồ tiêu, mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm qua. Các đại lý thu mua hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương… cũng e dè trong việc mua vào, dù mức giá đang rất thấp.
Trước tình hình giá tiêu giảm sâu, nhóm 25 doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt bán ra. Nguyên nhân là hiện tại chỉ có Việt Nam và Campuchia đang vào vụ thu hoạch. Do đó, từ nay đến khoảng giữa năm 2018, các nhà nhập khẩu thế giới sẽ tập trung mua hàng từ hai nước này.
Trước tình trạng giá tiêu giảm mạnh, một số hộ nông dân đã bắt đầu chặt bỏ cây trồng từng được ví là “vàng đen” này để trồng cây khác. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – cho biết: Hiện nay đang có xu hướng chuyển đổi cây tiêu sang cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi tập trung ở những vườn tiêu già cỗi hết thời kỳ kinh doanh thường trên 15 năm. Người dân thấy giá xuống nên chuyển qua cây khác không tiến hành tái canh hồ tiêu. Bên cạnh đó là những vườn tiêu bị bệnh được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển sang cây trồng khác (chiếm đa số). Ngoài ra, một số diện tích mới trồng đang trong thời kỳ kinh doanh nhưng không nằm trong quy hoạch, trồng ở đất xấu không phù hợp với cây hồ tiêu nên năng suất thấp thì người dân cũng chuyển sang cây trồng khác.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo bà con không nên chặt bỏ hồ tiêu để trồng loại cây khác. Nếu vườn hồ tiêu nào bị dịch bệnh, chết cả vườn thì bà con có thể chuyển đổi, thay thế toàn bộ vườn hồ tiêu bằng cây ăn quả. Nếu vườn tiêu nào còn có thể giữ được một phần, bà con nên giữ, đồng thời diện tích còn lại cho xen canh với cây ăn quả để cho thu nhập ổn định. Phương án này đặc biệt phù hợp với những hộ có thu nhập thấp, nguồn thu từ cây ăn quả và tiêu sẽ gánh cho nhau.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI |
Phân biệt bột ngọt Ajinomoto thật - giả
Vừa qua, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức hội thảo phòng chống bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và bột ngọt - hạt nêm 3 không.
Đại diện công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều hàng giả, hàng nhái sản phẩm bột ngọt thương hiệu của công ty. Hàng giả chủ yếu được nhập khẩu nguyên liệu và bao bì từ Trung Quốc, Thái Lan. Khi về Việt Nam được sang chiết, đóng gói thủ công và tung ra thị trường. Người tiêu dùng do chưa có sự nhận biết, vô tình sử dụng loại bột ngọt này có thể sẽ bị ngộ độc, lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
Về mặt cảm quan
Để phân biệt bột ngọt Ajinomoto thật và bột ngọt Ajinomoto giả dựa chủ yếu vào 3 yếu tố: Huy chương in trên bao bì, mép hàn và ngày sản xuất. Cụ thể: Huy chương in trên bao bì có màu vàng tươi dòng chữ “HỘI CHỢ THỰC PHẨM AN TOÀN 2002” rõ ràng; Mép hàn: cả 4 mép hàn phải đồng nhất; Ngày sản xuất: in nổi ở mặt sau của đáy bao, rõ ràng, dễ đọc. Đối với bột ngọt Ajinomoto giả thường chỉ có 1 trong 3 yếu tố: Huy chương có màu vàng sậm, nhòe, dòng chữ bên trong khó đọc. Mép hàn không đồng nhất, nhăn nheo, có bọt khí. Ngày sản xuất phần lớn không in hoặc có in nhưng khó đọc.
Về trọng lượng
Bột ngọt Ajinomoto thật luôn có trọng lượng đúng với trọng lượng ghi trên bao bì do được đóng gói bằng máy, còn bột ngọt Ajinomoto giả có trọng lượng thiếu hoặc chỉ gần bằng trọng lượng in trên bao. Bên cạnh đó, giá bột ngọt Ajinomoto rẻ hơn và có nhiều giá cho 1 loại sản phẩm. Còn sản phẩm thật có trọng lượng lớn hơn hoặc bằng trọng lượng ghi trên bao trì và mỗi sản phẩm chỉ có 1 giá duy nhất.
Quan sát hạt bên trong: Bột ngọt Ajinomoto thật có tinh thể to, đều và không dễ gãy, còn bột ngọt giả thì tinh thể không đều có nhiều hạt nhỏ màu trắng trộn lẫn và dễ bị gãy.
HÀNG VIỆT |
Hàng Việt bám rễ vùng khó
Bằng các chuyến hàng Việt về nông thôn cùng hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng Việt, xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, đến nay, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao tại tỉnh miền núi Bắc Kạn, kể cả khu vực khó khăn.
Sức bật của những chuyến hàng Việt về nông thôn
Là một tỉnh miền núi với nhiều khu vực còn khó khăn, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Công Thương Bắc Kạn sau 9 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai. Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, trong năm 2017, đã có 6 hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa được tổ chức.
Sau nhiều lần triển khai, các phiên chợ được đánh giá là ngày càng thu hút và mang lại hiệu quả cao hơn. Có được kết quả này là do Sở Công Thương đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân, từ đó có phương thức tổ chức phù hợp và thu hút nhiều người tiêu dùng hơn. Cụ thể, với đặc thù là tỉnh miền núi thuần nông, người dân phải đi làm ruộng, làm nương vào ban ngày nên các chuyến hàng Việt thường được tổ chức vào ban đêm, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút đông người dân tham gia. Đặc biệt, trong mỗi phiên chợ, Ban tổ chức và các doanh nghiệp (DN) thường xuyên tổ chức trao quà động viên khuyến khích các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt tại các địa phương. Đây đã trở thành một trong những điểm hấp dẫn, thu hút nhiều người tiêu dùng đến với phiên chợ.
Trong mỗi phiên chợ kéo dài khoảng 3 ngày, DN thường đưa đến các mặt hàng mà người dân có nhu cầu cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, giống cây trồng, lương thực thực phẩm… Để đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã chủ động hướng dẫn DN làm cam kết về tỷ lệ hàng Việt tại phiên chợ ít nhất là 80%, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Song song với đó, các DN sản xuất hàng đặc sản của địa phương như miến dong, phở khô, bún khô, rượu ngô, chè… cũng mang các sản phẩm thế mạnh của mình đến phiên chợ để bán cho khách du lịch hoặc tìm cơ hội giao thương với các DN tỉnh ngoài. Thông qua các phiên chợ này, hàng đặc sản của Bắc Kạn vốn có chất lượng cao nên dễ dàng tìm được các cơ sở phân phối, nhiều hợp đồng được ký kết. Nhờ đó, mỗi phiên chợ thu hút gần chục nghìn lượt người tham gia với doanh thu khá lớn.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn khẳng định, trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cả ở khu vực nông thôn và thành thị thì những phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển thị trường cho hàng Việt hiện nay.
Điểm sáng từ các Điểm bán hàng Việt Nam
Cùng với các chuyến hàng Việt về nông thôn, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng nhiều Điểm bán hàng Việt Nam. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 2 Điểm bán hàng Việt Nam tại TP. Bắc Kạn. Nhìn chung, các điểm bán hàng này đều thu hút đông người dân đến thăm quan mua sắm, doanh thu tăng cao. Đặc biệt, Điểm bán hàng Việt Nam còn là điểm phát luồng hàng hóa của tỉnh đến khách tham quan.
Trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ bằng việc xây dựng nhiều hơn các Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trong đó, chú trọng tại các khu vực khó khăn hoặc tập trung nhiều khách du lịch để tăng lượng tiêu thụ hàng hóa địa phương. Việc nhân rộng những điểm bán hàng này được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối cung cầu, giúp đưa hàng hóa của các DN trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, theo khảo sát tại các phiên chợ bán hàng Việt do Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tổ chức, doanh thu mua bán hàng hoá do Việt Nam sản xuất chiếm khoảng 90% tại siêu thị; 70% tại chợ, điều đó phản ánh ưu thế của hàng Việt tại thị trường nông thôn.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)