TIÊU ĐIỂM |
Mèo Vạc - Hà Giang: Nâng cao giá trị cây ngô
Được xem là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện vùng cao, cây ngô có vai trò quan trọng đối với đời sống của nông dân miền núi phía Bắc. Đây vừa là cây lương thực chủ đạo vừa là cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng đối với vùng trồng ngô Mèo Vạc (Hà Giang) nhằm giúp bà con tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm.
Từ ứng dụng công nghệ nano trong xử lý hạt giống ngô...
Đầu tháng 4/2019, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với huyện Mèo Vạc triển khai mô hình thí điểm “Ứng dụng công nghệ nano kim loại trong xử lý hạt giống ngô” tại xã Niêm Sơn. Đây là công nghệ mới được ứng dụng trong việc xử lý hạt giống trước khi đưa ra trồng nhằm kích thích nảy mầm, phát triển rễ, thân lá và tăng khả năng sinh trưởng, khả năng chống chịu hạn và bệnh, tăng năng suất cây trồng. Công nghệ này đã được thực hiện tại các tỉnh Cao Bằng, Sơn La và cho kết quả khả quan. Tại Mèo Vạc, việc triển khai ứng dụng nano kim loại trong xử lý hạt giống ngô được thí điểm tại xã Niêm Sơn, nơi có lượng mưa thấp với diện tích hơn 2 héc-ta. Mô hình sẽ được đánh giá kết quả vào cuối vụ, nếu đạt kết quả tốt sẽ đưa ra sản xuất đại trà.
Đây là mô hình thí điểm mới, lần đầu tiên công nghệ nano được nghiên cứu, ứng dụng trên địa bàn huyện. Qua đó, lãnh đạo huyện Mèo Vạc mong muốn Viện Khoa học Vật liệu tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ mới trong xử lý giống sẽ là tiền đề để nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân.
… đến sản xuất bún ngô
Ngô vốn chỉ biết đến dùng làm “mèn mén” trong bữa ăn thường ngày của đồng bào Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, một số người dân tại thị trấn Mèo Vạc đã tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương vào sản xuất bún để phục vụ bà con. Đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phải kể đến cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Hồng ở tổ 5 thị trấn Mèo Vạc. Bản thân chị Hồng đã học hỏi kinh nghiệm làm bún từ nguyên liệu ngô tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhận thấy quy trình làm bún khá dễ, chị mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bún ngô phục vụ nhu cầu của bà con. Sản phẩm bán ra thị trường bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và được bà con đón nhận. Quy trình sản xuất bún ngô cơ bản cũng giống như sản xuất bún gạo gồm: Ngâm hạt ngô đem ra máy nghiền tách vỏ, sau đó ngâm tiếp vài tiếng đồng hồ rồi đem ra nghiền thành bột và ép mịn, cuối cùng đổ vào máy nấu bún cho ra sản phẩm. Sản phẩm mới bước đầu được khách hàng đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng. Đặc biệt, đây là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm với 100% nguồn nguyên liệu là giống ngô địa phương của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Sản phẩm được sản xuất trong hệ thống dây chuyền khép kín, hiện đại, sạch sẽ nên không chỉ đồng bào và các quán ăn trên địa bàn tin dùng mà cả du khách đến Mèo Vạc cũng thích thú với món ăn lạ miệng và an toàn này. Dù mới chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ nhưng hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất bún của chị Hồng cung cấp 5 - 6 tạ bún ra thị trường.
Mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm bún ngô Mèo Vạc sẽ được đông đảo thực khách tin tưởng sử dụng. Hiện cơ sở đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra các địa phương khác. Sản phẩm bún ngô cũng được đánh giá là sản phẩm có mức tiêu thụ cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Diễn Châu được mùa lạc xuân
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lạc vụ xuân ở Diễn Châu (Nghệ An) cho thu hoạch sớm hơn những năm trước với năng suất đạt cao từ 3 - 5 tạ lạc tươi/sào.
Tại các xã Diễn Hùng, Diễn Hoàng, Diễn Thịnh, Diễn Thành... bà con nông dân đã bắt đầu bước vào thu hoạch lạc vụ xuân. Lạc chủ yếu được bán tươi cho các tư thương tại ruộng, phục vụ nhu cầu ngày nghỉ và các nhà hàng, quán bia. Điểm mới trong vụ xuân năm nay là bà con đã phục tráng được giống lạc Sen thắt truyền thống nên được trồng đại trà với 1.500 héc-ta, chiếm gần 50% diện tích toàn huyện, thay thế dần diện tích lạc lai. Ưu điểm của lạc Sen là củ chắc, nhân to, ngọt bùi nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Với năng suất đạt cao từ 3 - 3,5 tạ/sào lạc tươi, giá bán 1,3 triệu đồng/tạ, nông dân Diễn Châu thu về bình quân 4 triệu đồng/sào, tương đương với vụ xuân năm trước. Thu hoạch lạc bán tươi thường rút ngắn được thời gian nửa tháng so với lạc để phơi khô, đỡ được rất nhiều công nên nhiều nông dân thu hoạch sớm thay vì để bán khô. Năm nay, thời tiết nắng nóng và nhu cầu về lạc tươi tăng cao phục vụ mùa du lịch nên lạc đầu mùa được giá. Tư thương tới tận ruộng thu mua đưa đi bán ở TP. Vinh, ra Hà Nội.
Theo tính toán, vụ lạc xuân, bà con nông dân Diễn Châu sẽ bán tươi khoảng 6.000/20.000 tấn cả vụ, chiếm gần 30% sản lượng. Diễn Châu sẽ hoàn thành việc thu hoạch lạc vụ xuân vào thời điểm đầu tháng 4.
Lâm Hà - Lâm Đồng:
Nấm linh chi tiêu thụ khó
Năm 2018, Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi thuộc “Dự án hỗ trợ giảm nghèo” cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, do không tìm được đầu mối tiêu thụ nên bà con không còn mặn mà, nhà trồng nấm thì bỏ hoang.
Mục tiêu ban đầu của dự án là hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ đa dạng hóa các hình thức cải thiện sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. Theo đó, dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm hộ về vật tư, trang thiết bị để xây dựng mô hình với tổng nguồn vốn 332 triệu đồng. Bà con đối ứng 30% kinh phí, gồm công lao động, diện tích đất dựng nhà nấm cùng các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc nấm. Dự án được triển khai chính thức từ tháng 10/2018 bằng việc xây dựng nhà nuôi nấm cho 5 nhóm hộ thuộc thị trấn Đinh Văn (2 nhóm), xã Mê Linh (2 nhóm) và xã Đạ Đờn (1 nhóm). Sau 4 tháng, mỗi nhà nấm có diện tích 60 m2 bình quân cho thu hoạch khoảng 30 kg nấm khô. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng thực tế lại không có đơn vị đứng ra thu mua nên nấm cứ để trong nhà. Một vài hộ nhờ người liên hệ bán giúp thì được trả giá với mức chỉ 200.000 – 250.000 đồng/kg, trong khi giá trị của nấm linh chi trên thị trường dao động vào khoảng 700.000 đồng/kg.
Hiện huyện Lâm Hà đã hỗ trợ bà con bằng cách liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị dược liệu nhưng cũng không tìm được hướng giải quyết.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Bà Rịa - Vũng Tàu:
Giá hạt điều tiếp tục giảm sâu
Niên vụ 2019, diện tích trồng điều của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 9.000 héc-ta. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất điều đạt cao, bình quân khoảng 1,5 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá hạt điều tươi luôn ở mức thấp. Đến thời điểm cuối vụ, giá loại nguyên liệu này tiếp tục giảm mạnh, hiện ở mức 25.000 – 26.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 7.000 đồng so với đầu vụ và 13.000 – 15.000 đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân giá điều trong nước giảm mạnh là do giá điều nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước cũng nhập hàng dè dặt với số lượng nhỏ chứ không nóng vội thu mua nguyên liệu ồ ạt như những năm trước.
Tiền Giang:
Giá lúa gạo tăng mạnh
Tuần qua, giá lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang tăng cao khiến doanh nghiệp, thương lái và nông dân phấn khởi. Hiện các doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa giống 50404 giá 4.600 đồng/kg, lúa 6979 giá 4.800 đồng/kg, tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với tháng trước. Riêng các loại gạo giá cũng tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, gạo giống 5451 giá 10.600 đồng/kg, gạo 2517 giá từ 9.700 - 10.000 đồng/kg.
Giá lúa gạo tăng cao là do diện tích lúa chưa thu hoạch đã giảm, thị trường tiêu thụ gạo có chuyển biến tích cực, chủ trương hỗ trợ tạm trữ gạo đối với các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Tại tỉnh Tiền Giang, người dân đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nên các thương lái phải đi thu mua lúa gạo từ các địa phương khác.
Bến Tre:
Giá dừa khô đạt mức cao nhất trong nhiều tháng qua
Do nhu cầu tiêu thụ tăng và nguồn cung có phần hạn chế, giá dừa khô nguyên liệu ở tỉnh Bến Tre hiện tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/chục so với cách nay 2 tuần và đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Dừa khô nguyên liệu được nông dân bán ngay tại vườn cho thương lái ở mức 40.000 - 45.000 đồng/chục (12 trái). Giá thu mua tại nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh ở mức 50.000 - 55.000 đồng/chục. Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ được một số doanh nghiệp thu mua ở mức 60.000 - 70.000 đồng/chục. Giá dừa khô tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh thu để phục vụ chế biến, xuất khẩu, khi gần đây đầu ra xuất khẩu dừa khởi sắc so với trước. Thời điểm này, nhiều vườn dừa trong tỉnh cho trái ít do ảnh hưởng bởi nắng hạn và các yếu tố thời tiết bất lợi, góp phần kéo giá nhích lên. Nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh dừa trong tỉnh dự đoán, giá dừa khô nguyên liệu có khả năng còn tăng.
An Giang: Cá cóc tiêu thụ mạnh
Ngư dân giăng lưới đêm trên sông Hậu bắt dính nhiều cá cóc, loại từ 1 - 3kg/con. Hiện nay, loài thủy sản nước ngọt này được xem là đặc sản, thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Cá cóc được các quán ăn, nhà hàng thu mua mạnh nên có giá dao động từ 130.000 - 200.000 đồng/kg (loại trên 1 kg/con). Anh Nguyễn Ngọc Lợi (ngư dân chuyên giăng lưới cá cóc, ngụ huyện Châu Thành) cho biết, nguồn cá cóc xuất hiện trên sông Hậu xuyên suốt trong năm nên việc khai thác, đánh bắt thuận lợi. Đặc biệt, cá cóc loại lớn được các nhà hàng tại TP. Long Xuyên và TP. Cần Thơ mua mạnh. Những bến cá thu hút ngư dân đến khai thác mạnh, tập trung tại khúc sông Vàm Nao và khu vực thị trấn An Châu (Châu Thành). Trung bình mỗi đêm có từ 30 - 40 đầu xuồng đến đây khai thác cá, tôm các loại.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Sơn La: Xoài rụng do thời tiết nắng nóng
Những ngày gần đây, nhiều vườn xoài của người dân huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) bị rụng quả hàng loạt, sản lượng thất thu 30 - 40%.
Được xem là thủ phủ xoài của huyện Mai Sơn, những ngày này, bà con xã Hát Lót như ngồi trên đống lửa bởi xoài rụng. Nhiều vườn xoài héo lá, chỉ còn trơ cành, quả rụng vương vãi… Nguyên nhân ban đầu được dự đoán là do thời tiết khắc nghiệt. Thời tiết nắng hạn, đất khô, đồi nóng không giữ được nước, cây xoài bị rụng cả lá lẫn quả, có những quả to bằng nắm tay cũng rụng. Mọi năm tháng 4 có 2 - 3 trận mưa, năm nay không có. Từ ngày 15/4 - 20/4 cao điểm nhất của nắng nóng. Nhiệt độ cao, tưới cũng không ăn thua. Như mọi năm 1 cây thu được 3 tạ quả, năm nay giảm 70%, một số vườn giảm 20 - 30%.
Toàn huyện Hát Lót có 6.399 héc-ta cây ăn quả. Trong đó, trên 1.800 héc-ta xoài, 7,35 héc-ta xoài tượng da xanh trồng theo quy trình VietGAP được cấp mã số vùng trồng tập trung tại các xã: Hát Lót, Chiềng Mung, Cò Nòi, Mường Bon và thị trấn Hát Lót. Riêng xã Hát Lót có diện tích cây ăn quả hơn 1.000 héc-ta, diện tích cho thu hoạch khoảng 500 héc-ta. Dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa, diện tích cây ăn quả của xã có thể thiệt hại 30 - 40%, đặc biệt là cây xoài. Hiện chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ diện tích xoài còn lại. Những nơi thuận tiện về nước tưới thì hút ở các bó, giếng lên tưới tạm thời cho khỏi chết cây. Đặc biệt, nắng nóng bà con không nên phun thuốc bảo vệ thực vật.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Phú Yên:
Bắt giữ lô hàng giả trị giá hơn 1 tỷ đồng
Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã bắt giữ 2 xe tải chở lô hàng giả, không rõ nguồn gốc… trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, lô hàng này có nhiều sản phẩm sử dụng cho trẻ em. Tất cả số hàng hóa khoảng 2 tấn với trị giá ước tính hơn 1 tỷ đồng. Đây là hàng giả, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Các loại hàng hóa có chữ nước ngoài không có dán nhãn phụ theo quy định. Các mặt hàng cụ thể như: Kem đánh răng ngoại nhập hiệu Closeup, các loại sữa tắm dành cho trẻ em, phấn trị rôm sảy, các loại nước giặt, mỹ phẩm… Các loại đồ gia dụng như: Máy xay sinh tố, nồi cơm điện, điều hòa nhiệt độ (đã qua sử dụng)…
Sơn La: Tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả
Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức lớp tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả năm 2019.
Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý và các công ty trao đổi, cập nhật thông tin nhận diện hàng thật, hàng giả. Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.
Tham gia có 7 đại diện của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, đại diện cho các nhãn hàng như: Unilever, Nike, Levi’s, Masan, Superdry, New Era, L’Oreal… Các công ty này đã giới thiệu cách thức nhận biết hàng thật - hàng giả đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Đại diện các nhãn hiệu tham gia cũng mang tới các sản phẩm thật và giả để công chức tham gia tập huấn trực quan kiểm tra, phân biệt và trao đổi kinh nghiệm. Lực lượng thực thi đã thu nhận được những thông tin rất hữu ích, thiết thực đối với công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
HÀNG VIỆT |
Đặc sản khô vào mùa du lịch
An Giang có nhiều làng làm sản phẩm khô cùng tồn tại và phát triển. Trải qua thời gian, sản phẩm của làng khô đã trở thành thương hiệu như: Khô cá lóc Thoại Sơn, khô cá lóc Chợ Mới, khô cá sặc bổi Vĩnh Xương, Khánh An…
Mỗi năm, vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (thường tổ chức vào 2 tuần cuối tháng 5 hàng năm), cả làng khô dường như không ngủ, sản xuất không kịp bán cho khách hành hương, du lịch. Số thì xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, các nước châu Phi, Bangladesh... Phần thì đưa lên các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, các tỉnh phía Bắc như: Bắc Cạn, Hà Giang, Điện Biên…
Trong cơ chế thị trường hiện nay, đa phần bà con làng khô đã sản xuất theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm đặc sản mang tính vùng, miền như: Khô cá lóc, cá sặc, cá tra phồng... vẫn được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng tăng, cuộc sống người làm nghề khô ngày một khấm khá.
Ở làng sản xuất khô cá sặc bổi Khánh An, từ 2 - 3 giờ sáng, các dì, mẹ đã thức dậy để khởi đầu một ngày làm việc mới. Lao động ở làng khô đa phần là phụ nữ, bởi nghề này đòi hỏi người làm kỹ tính, chi ly, cần cù, chịu khó. Để có được con khô cá sặc bổi phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, quy trình sản xuất trải qua nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên là tổ chức nuôi cá sặc bổi theo quy chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy là cá nguyên liệu phục vụ chế biến khô nhưng cá nuôi có chứng nhận VietGAP, các cơ sở chế biến khô nhập nguyên liệu chế biến phải mua cao hơn cá nuôi thông thường ít nhất từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cá nuôi theo tiêu chuẩn này, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm vì dư lượng kháng sinh, hóa chất xử lý ao không có, sản phẩm an toàn. Sau công đoạn nuôi là thu hoạch, bắt cá mang đi đánh vẩy. Nếu là cá bổi phải đánh vẩy bằng tay, tất cả phải làm thủ công. Sau đó rửa, đưa lên giàn cho ráo nước, muối cá, sắp vào thùng đá. Khi muối xong, phải để cá qua 1 đêm để thịt cá thấm muối. Sáng hôm sau, ngâm rửa cho sạch để thịt cá ra hết muối, sau đó để ráo nước rồi ướp. Trong các công đoạn chế biến, khâu ướp và phơi là 2 trong 3 khâu rất quan trọng. Cá ướp nhiều muối thì mặn, ít muối thì bị hư. Vì vậy, người có kinh nghiệm ít nhất 5 năm mới được phân công làm khâu này. Thu nhập của người đảm trách công việc ướp, thấp nhất cũng từ 10 triệu đồng/tháng. Ướp xong, mang cá ra giàn phơi 2 - 3 ngày. Trước đây, con cá phải ướp rất nhiều muối, thịt cá mặn để bán cho người lao động, chuyên làm công việc nặng nhọc. Nay, khô phải ướp lạt, không chất bảo quản, khi nướng hoặc hấp, thịt cá vẫn còn thơm thì mới bán được. Vì hiện nay, sản phẩm khô mặn không phù hợp với khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm phải có bao bì đẹp, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có đầy đủ các giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận hợp quy... Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng, các cơ sở chế biến khô trong tỉnh An Giang đều tuân thủ quy trình chế biến một cách nghiêm ngặt, chuyên nghiệp các khâu từ bắt cá, vận chuyển, đánh vảy, ướp muối, phơi, đóng gói, hút chân không và vận chuyển sản phẩm đi bán, bảo quản sản phẩm tại nơi bán. Những người tham gia sản xuất, chế biến phải là người có kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở sản xuất phải hợp vệ sinh, có nơi xử lý nước thải, đồng thời phải thường xuyên gửi sản phẩm đến cơ quan chức năng để kiểm nghiệm, công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.
Về các làng chế biến khô trong những ngày này, điều dễ nhận thấy là không khí lao động, sản xuất tấp nập, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Cuộc sống của bà con làng khô ngày càng khấm khá hơn.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)