TIÊU ĐIỂM |
Đồng bằng sông Cửu Long: Sản lượng giảm, trái cây tết tăng giá
Những ngày này, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre… đang tập trung chăm sóc các loại trái cây để thu hoạch đúng thời điểm tết nhằm bán được giá. Cái khó năm nay là thời tiết không thuận lợi khiến nhiều vườn cây đậu trái không như mong muốn.
Bưởi da xanh khan hàng
Tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), những nơi trồng bưởi da xanh rất nhiều, nông dân đang dồn sức cho vụ bưởi tết. Mặc dù vùng này sản xuất bưởi da xanh quanh năm, nhưng tết vẫn là vụ mùa chủ lực bởi được giá và nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, cái khó của vụ bưởi tết là vào thời điểm tháng 5, tháng 6 âm lịch xuất hiện mưa nhiều khiến bưởi khó đậu trái. Vì vậy, không ít vườn bưởi da xanh giảm sản lượng. Hiện các nhà vườn đang khẩn trương chăm sóc vườn bưởi phục vụ nhu cầu tiêu thụ tết. Thương lái các nơi đã kéo về địa phương khá đông đặt cọc mua hàng. Năm nay, thời tiết không thuận lợi nên sản lượng bưởi giảm khoảng 30% so mọi năm. Chính vì vậy, nhà vườn có tâm lý ôm hàng chờ giá tăng cao chứ chưa vội bán sớm.
Hiện nay, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… đặt mua bưởi tết loại 1 với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng số lượng mà người dân bán ra vẫn chưa nhiều. Do dự báo nhiều loại trái cây đặc sản bị mất mùa, sản lượng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp tết sẽ tăng cao nên nhiều khả năng giá sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Sản lượng quýt hồng Lai Vung giảm
Tại thủ phủ quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), sản lượng quýt tết thời điểm này cũng không nhiều như mọi năm. Đây là trái cây đặc sản mỗi năm chỉ thu hoạch duy nhất 1 vụ vào dịp tết. Thời điểm này, nhiều nông dân bám miết ngoài vườn để chăm sóc cho trái quýt đẹp nhằm bán được giá. Song, bất lợi năm nay là dịch bệnh bùng phát khiến hơn 390 héc-ta quýt hồng bị vàng lá, từ đó nhiều vườn bị thất thu trong vụ tết này. Diện tích trồng quýt hồng phục vụ tết năm 2019 của toàn huyện Lai Vung đạt hơn 800 héc-ta. Diện tích năm 2019 giảm hơn 1.000 héc-ta, với sản lượng dự kiến thu hoạch hơn 23.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với 3 năm trở lại đây. Theo thống kê sơ bộ, sản lượng quýt hồng giảm kỷ lục do nhiều diện tích quýt bị chết vàng, chết xanh khoảng 330 héc-ta. Nguyên nhân do nhà vườn bón quá nhiều phân đạm làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH rất thấp. Nhiều nhà vườn cho biết, quýt hồng bị chết cây và suy kiệt và bệnh đốm trái nhiều hơn so các năm qua khiến cho trái quýt chuyển màu và chín sớm. Vì vậy, sản lượng quýt hồng thu hoạch bán trước tết hiện đã tương đối nhiều nên dự báo tết sẽ hiếm quýt hồng Lai Vung.
Xoài cát Hòa Lộc sẽ tăng giá
Hằng năm, người trồng xoài ở tỉnh Tiền Giang xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán được giá cao vào dịp tết. Năm nay, do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu trái, nên vụ xoài tết giảm sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, các thương lái các nơi kéo về Tiền Giang hỏi mua xoài cát Hòa Lộc loại 1 từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 70.000 đồng/kg… Tuy nhiên, do sản lượng xoài tết năm nay giảm nên họ chưa mua được nhiều. Với tình hình này, càng gần đến tết thì khả năng giá xoài cát Hòa Lộc sẽ tăng thêm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg bởi nhu cầu tiêu thụ rất cao.
Một số thương hiệu xoài đặc sản như: Xoài Cam Lâm trái vụ (Khánh Hòa), xoài Mũi Né (Bình Thuận)… sản lượng cũng giảm do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Thậm chí, một số nhà vườn mất trắng vụ.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Thừa Thiên Huế: Hơn 10 tấn chuối rừng về siêu thị mỗi tháng
Sau nhiều năm thử nghiệm, các sản phẩm chuối đến từ huyện vùng biên A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã khẳng định được chất lượng và chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị Big C miền Trung.
Trung tuần tháng 1/2019, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Central Group Việt Nam tổ chức lễ ra mắt dự án sinh kế cộng đồng hỗ trợ nông dân huyện A Lưới tại hệ thống siêu thị Big C Huế. Với sự hỗ trợ của Central Group, sản phẩm chuối của nông dân huyện A Lưới đã chính thức có mặt tại các hệ thống siêu thị Big C nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch của người tiêu dùng. Dự kiến, hằng tháng Big C sẽ nhập hơn 10 tấn chuối để phân phối trên toàn hệ thống. Riêng tại Big C Huế dự kiến sẽ nhập hơn 2 tấn.
Sản phẩm chuối A Lưới tạo dựng được uy tín về chất lượng vì không sử dụng thuốc trừ sâu. Do vậy, 100% sản phẩm là nông sản sạch. Những năm vừa qua, mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại huyện A Lưới đang phát triển tốt và người dân đang tích cực học tập nhằm nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài sản phẩm chuối, một số sản phẩm đặc sản của A Lưới như thịt bò một nắng, heo một nắng... sắp tới sẽ tiếp tục được hệ thống các siêu thị nghiên cứu tính khả thi trước khi quyết định nhập về phân phối. Đây đều là những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trong thời gian dài và được người dân vùng biên chú trọng đặc biệt đến chất lượng.
Vĩnh Long: Hành lá giá cao
Hiện nay, tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhiều hộ nông dân đã khá lên nhờ trồng rau màu, trong đó hành lá chiếm một diện tích khá lớn.
Đặc biệt, vụ hành này, giá hành lá đạt mức cao, từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tạ (60kg). Giá hành gần tết tăng cao khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi. Thương lái thậm chí còn đặt tiền cọc trước khá cao, đến tận rẫy thu mua, không ép giá hoặc làm khó dễ như trước đây. Thời tiết khá thuận lợi nên với năng suất từ 25 - 30 tạ/công, nông dân có lời từ 15 triệu đồng/công trở lên, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Năm 2018, huyện Bình Tân đã xuống giống 2.594 héc-ta hành, sản lượng trên 67.000 tấn. Dự kiến năm 2019, huyện sẽ xuống giống 2.600 héc-ta. Ngành nông nghiệp huyện Bình Tân cũng kết hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, bảo vệ hoa màu vụ đông - xuân. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về các quy trình sản xuất rau màu sạch, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế và an toàn cho người tiêu dùng.
Giá hành tăng cao khiến vào thời điểm giáp tết khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi. Đây cũng là cơ hội giúp cho người trồng có vốn đầu tư mạnh vào mùa vụ tới, năng suất, chất lượng sẽ cao hơn.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Quảng Ngãi: Đảo Bé mất trắng vụ tỏi đông xuân
Trong khi đảo Lớn, huyện đảo Lý Sơn gồm 2 xã: An Vĩnh, An Hải được mùa tỏi, giá giảm sâu thì đảo Bé, xã An Bình lại mất mùa. Những ngày này, người dân đảo Bé đứng ngồi không yên vì tỏi đến kỳ thu hoạch bị mất mùa.
Vụ tỏi đông xuân 2018 - 2019, xã An Bình, huyện Lý Sơn có khoảng 10 héc-ta đất trồng tỏi. Sau 1 tháng xuống giống, tỏi phát triển tốt. Đến khi cây tỏi chuẩn bị sang giai đoạn tạo củ thì sâu bệnh hoành hành cộng với mưa lớn kéo dài làm cây tỏi khô lá, củ lép rồi chết dần. Trên thực tế, diện tích đảo An Bình rất nhỏ và không có nước ngọt nên tỏi dễ mất mùa. Vì diện tích nhỏ nên mỗi vụ bà con chỉ trồng khoảng mười mấy héc-ta tỏi. Không có nước ngọt, chủ yếu là nước trời, phải phụ thuộc vào thời tiết nên tỏi ở đó dễ mất mùa.
Tiền Giang: Thanh long chín đỏ phục vụ tết
Hiện nay, nhà vườn tỉnh Tiền Giang đã áp dụng phương pháp xông đèn về đêm để cho hàng nghìn héc-ta cây thanh long ra hoa trái mùa phục vụ thị trường tết cổ truyền sắp tới. Tuy nhiên, giá trái thanh long cận tết hiện chỉ ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg (đối với ruột trắng) và từ 23.000 - 25.000 đồng/kg (đối với ruột đỏ). Với mức giá này, nhà vườn không có lãi. Do vậy, nhiều nhà vườn chưa vội thu hoạch mà chờ đến gần tết mới thu hoạch với hy vọng giá có thể tăng lên.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 8.000 héc-ta cây thanh long chuyên canh, trong đó có khoảng 40% diện tích được nhà vườn xử lý cho ra trái vào dịp tết. Năm nay dù năng suất, chất lượng trái thanh long đạt cao nhưng với mức giá như hiện nay nhà vườn lãi ít.
Miền Bắc: Giá lợn hơi tăng
Từ đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) đến nay, giá lợn hơi tại một số địa phương thuộc khu vực miền Bắc có dấu hiệu tăng nhanh. Hiện giá lợn hơi dao động từ 48.000 - 49.500 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước, người chăn nuôi rất phấn khởi. Tại Sơn La, do nguồn hàng không còn nhiều nên các lái buôn Sơn La đánh xe lên tận chuồng trại để bắt cả đàn. Từ đầu tháng Chạp đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng từ 44.000 đồng/kg lên đến 49.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá lợn giống cũng tăng từ 1,350 triệu đồng/con lên đến 1,5 triệu đồng/con. Tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang… giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất khu vực miền Bắc, song cũng tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân giá lợn hơi phía Bắc tăng mạnh là do một số cơ sở chế biến thực phẩm đang đẩy mạnh sản xuất nguồn hàng phục vụ tết. Do đó, nhu cầu về thực phẩm, trong đó có thịt lợn tăng cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm, long móng diễn ra phức tạp, rất nhiều hộ nông dân đã tìm cách bán “chạy” đàn lợn, dẫn đến lượng lợn hơi cung ứng ra thị trường không còn dồi dào như trước.
Tiền Giang: Nuôi yến yên tâm tiêu thụ
Người nuôi chim yến thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang đang rất phấn khởi do đầu ra của tổ yến rất thuận lợi. Ở thời điểm này, giá tổ yến (dạng thô) từ 22 - 24 triệu đồng/kg, tổ yến sạch giá trên 30 triệu đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp còn thu mua, chế biến tổ yến để phục vụ xuất khẩu.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 nhà nuôi yến, trong đó tập trung nhiều ở khu vực thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thành phố Mỹ Tho… Mỗi hộ nuôi trung bình hơn 2.000 con, năng suất đạt 1 kg tổ yến/tháng. Thời gian qua, nghề nuôi chim yến đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho khoảng 70% hộ nuôi; trong đó có gần 30% hộ giàu lên nhờ mô hình này.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Bình Định: Thất thu mùa kiệu tết
Từ đầu tháng Chạp âm lịch đến nay, bà con nông dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định hối hả thu hoạch, vận chuyển kiệu đưa đi tiêu thụ. Thế nhưng, vụ kiệu tết năm nay, người trồng kiệu ở Phù Mỹ kém vui vì kiệu rơi vào cảnh mất mùa, mất giá.
Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài ở giai đoạn kiệu vừa xuống giống và mưa lũ muộn vào thời điểm kiệu sắp thu hoạch khiến một phần diện tích củ thối rữa, sụt giảm năng suất. Giá kiệu từ đầu vụ đến nay cũng thấp hơn các năm trước khiến người trồng kiệu thêm phần thất thu.
Tại cánh đồng kiệu thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, thời điểm này, nông dân đang tất bật thu hoạch kiệu. Tuy nhiên, không khí thu hoạch năm nay có phần trầm lắng hơn so với mọi năm. Năng suất kiệu cũng giảm do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Năm ngoái, kiệu ở đây đạt đến 600 - 700 kg kiệu hột/sào, năm nay không đến 300 kg. Kiệu không đẹp, giảm chất lượng nên giá cũng giảm.
Tại xã Mỹ Trinh, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” kiệu của huyện Phù Mỹ, năm nay người trồng kiệu cũng mất mùa. Năng suất trung bình của các hộ trồng kiệu chỉ đạt khoảng 600 kg kiệu nước (kiệu luôn cả lá)/sào, thay vì từ 800 - 900 kg/sào như năm ngoái. Bình thường đến tháng 9 là mưa nhiều, nhưng năm nay trời hạn nặng nên kiệu phát triển chậm, củ rất nhỏ.
Dưa kiệu, dưa hành là một món ăn không thể thiếu được trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Củ kiệu và cả lá kiệu đều có thể làm các món ăn. Để phát triển nghề truyền thống này, Phù Mỹ cần thành lập các tổ sản xuất, chế biến nhằm giúp bà con ổn định đầu ra sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hướng tới tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm kiệu Phù Mỹ.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
An Giang: Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu qua biên giới
An Giang có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp Vương Quốc Campuchia; có 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ). Do vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Do địa hình có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở, nhất là khi nước lũ dâng cao tràn ngập các tuyến đường thông qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Trong đó, mặt hàng thuốc lá và đường cát là những mặt hàng buôn lậu trọng điểm. Tuy nhiên, công tác đấu tranh và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng này vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, vẫn còn tồn tại nhiều đường dây nổi cộm. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa hiệu quả, nhất là khu vực biên giới, bà con, dân nghèo vẫn tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Đặc biệt, trong năm qua, các mặt hàng rác thải, chất thải độc hại đội lốt phế liệu từ các nước trên thế giới vận chuyển đến Việt Nam gia tăng đột biến và tập trung vào các tỉnh biên giới Tây Nam bộ như: Kiên Giang, An Giang...
Trước tình hình trên, An Giang xác định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhất là trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng các hình thức phong phú, phù hợp với bà con khu vực biên giới để bà con không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, các thủ đoạn gian lận thương mại. Qua đó, nêu rõ tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc để người dân không tiêu dùng các mặt hàng này.
HÀNG VIỆT |
Sơn La: 10 năm hàng Việt chinh phục người tiêu dùng
Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống phân phối; người tiêu dùng ưu tiên cho các sản phẩm hàng hóa Việt; các sản phẩm của Sơn La được nhiều địa phương biết đến… Đó là những thành tựu của Sơn La - một địa phương miền núi nhiều khó khăn, thiếu thốn hàng hóa sau gần 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ).
Hiệu quả từ sự phối hợp
Là một địa phương miền núi, nhu cầu hàng Việt Nam có chất lượng của Sơn La rất cao. Ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, để nâng cao hiệu quả triển khai CVĐ, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thành lập các Ban Chỉ đạo CVĐ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; tổ chức các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao… Nhờ đó, hiệu quả CVĐ thu được rất khả quan.
Năm 2018, Sở Công Thương Sơn La đã tổ chức 18 hội chợ trên địa bàn các huyện, thành phố với gần 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia và khoảng 40.000 lượt khách thăm quan mua sắm. Giá trị hàng hóa lưu thông ước khoảng hơn 5 tỷ đồng với trên 90% hàng Việt.
Ngoài ra, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh và 7 điểm đã được xây dựng thành công. Các Điểm bán hàng Việt Nam được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu còn mỏng; hoặc những khu vực tập trung nhiều khách du lịch nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt với giá cạnh tranh; quảng bá hàng hóa đặc sản địa phương. Hàng hóa được bày bán phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối của Sơn La ngày càng cao, lên đến trên 80%. Đặc biệt, bà con Sơn La ưa chuộng hàng Việt Nam hơn các sản phẩm khác.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm địa phương
Song song với việc mang hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng địa phương, Sở Công Thương Sơn La còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư) và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Sơn La tại các hội chợ, triển lãm lớn do các tỉnh, thành phố tổ chức. Đơn cử, Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8 đã thu hút rất đông người tiêu dùng Thủ đô. Qua đó, quảng bá tốt các sản phẩm nông sản thế mạnh Sơn La đến với người tiêu dùng.
Từ đó, Sở Công Thương cũng tổ chức làm việc với các Sở Công Thương địa phương, cùng các doanh nghiệp phân phối như Tổng công ty thương mại Hà Nội, các siêu thị LotteMart, siêu thị HaproMart, VinMart… khảo sát các điều kiện để hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn, có khả năng liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình nhỏ lẻ để định hướng kế hoạch sản xuất, thu gom sản phẩm và dẫn dắt ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đầu mối tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Tại các cuộc họp này, Sơn La mang các mặt hàng nông sản chủ lực để giới thiệu đến doanh nghiệp. Từ đó, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nhiều mặt hàng như nhãn, xoài… Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến của Sơn La, đến nay đã có 6 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Lê Quang Trung cho hay.
Ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La:
CVĐ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người dân.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)