TIÊU ĐIỂM |
Lao đao đại lý thức ăn chăn nuôi
Tại tỉnh Đồng Nai, giá heo giảm mạnh khiến hàng ngàn hộ chăn nuôi phải bán trại, treo chuồng, cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng. Kéo theo đó, nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi cũng đối mặt nguy cơ phá sản. Tiền nợ bán cám cho người chăn nuôi không thể thu hồi, trong khi các khoản lãi vay vẫn phải trả khiến nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi rơi vào tình cảnh mắc kẹt.
Heo rớt giá, người nuôi treo chuồng
Ghi nhận tại một số cửa hàng và đại lý cấp 1 chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, hầu như các nơi đều vắng khách, cả ngày chỉ có 2, 3 khách tới mua cám, chủ yếu là thức ăn cho gia cầm. Bà Nguyễn Thị Tâm - chủ cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày cửa hàng nhà tôi bán được từ 2 đến 3 tấn cám, mỗi tháng bán được khoảng gần 100 tấn cám thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm gần đây, số lượng sụt giảm rõ rệt, nhất là khoảng 1 tháng trở lại đây. Hiện tại, cửa hàng của tôi bán được rất ít thức ăn cho heo, khách chủ yếu là mua thức ăn gia cầm”.
Huyện Thống Nhất là địa phương có số hộ nuôi heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai nên các đại lý thức ăn tập trung nhiều ở vùng này cũng là điều dễ hiểu. Đại lý thức ăn chăn nuôi Minh Thúy (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) trong 3 tháng qua rơi vào cảnh “chợ chiều”. Hiện đại lý đang gánh số nợ của bà con nông dân trong vùng lên tới hơn 15 tỷ đồng. Bà Trần Thị Thanh Thúy - chủ đại lý Minh Thúy cho biết, giá heo liên tục giảm sâu, 100% hộ chăn nuôi thua lỗ khiến việc trả tiền cám bị ngưng trệ. Giờ bà con nông dân lỗ cả triệu đồng khi bán 1 con heo thì lấy tiền đâu mà trả tiền cám. Từ đầu năm đến giờ, hầu như đại lý không thu hồi được tiền bán cám. Hụt vốn, áp lực trả lãi ngân hàng gay gắt khiến việc kinh doanh của đại lý cũng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì vậy, hiện nay, hầu hết các đại lý thức ăn chăn nuôi chỉ bán cám cho những hộ có tiền trả ngay. Những hộ mua nợ, cửa hàng nhất quyết từ chối, bởi đã không còn đủ vốn để nhập hàng. Nếu kéo dài như thế này thì việc các đại lý phá sản là điều thấy rõ. Bởi tiền bán cám đại lý chưa thể thu hồi nhưng lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đúng hẹn.
Đại lý thức ăn chăn nuôi cạn vốn
Chưa có con số thống kê các đại lý thức ăn chăn nuôi thiệt hại như thế nào từ chuyện heo hơi rớt giá thảm hại, nhưng hiện tại họ thực sự khó khăn. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ lâu nay, giữa các đại lý cám và hộ chăn nuôi vẫn duy trì kiểu bán hàng “gối đầu”. Theo đó, các đại lý sẽ cung cấp cám cho người nuôi từ đầu vụ, đến khi bán được heo người nuôi sẽ thanh toán tiền.
Cuộc khủng hoảng giá heo kéo dài nhiều tháng qua đã làm người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai gần như cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến việc không trả nợ đúng hạn cho chủ đại lý thức ăn gia súc. Những năm trước, các đại lý thức ăn chăn nuôi vẫn xoay vòng vốn được vì thời gian heo rớt giá xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lần này heo rớt giá mạnh khiến người chăn nuôi cũng như các đại lý thức ăn chăn nuôi đều kiệt quệ, nhất là những đại lý ít vốn phải vay tiền ngân hàng để kinh doanh.
Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan “giải cứu” người chăn nuôi trong tỉnh, bởi đàn heo thịt còn tồn trong dân rất lớn, lên tới 1,7 triệu con. Chủ quan là vậy, song nếu giá heo không cải thiện trong thời gian tới, người chăn nuôi bỏ chuồng thì sẽ tạo ra hiệu ứng kéo theo người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bán thịt… đều bị ảnh hưởng.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Vải sớm Thanh Hà giá cao
Những ngày này, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch vải sớm. Vải đầu vụ bán được giá, sản lượng cao hơn trung bình các năm nên người dân rất phấn khởi.
Năm nay, thời tiết không thuận đối với trà vải thiều nên tỷ lệ ra hoa và đậu quả đạt rất thấp, nhưng bù lại, các trà vải sớm lại sai quả hơn. Ngay đầu vụ thu hoạch, thương lái đã đến tận vườn thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Đặc biệt, năm nay, thời tiết ấm và ít mưa, tạo thuận lợi cho giống vải u trứng ra hoa, đậu quả. Theo các nhà vườn, vải đầu mùa tiêu thụ rất thuận lợi, lại có giá bán cao. Vải chủ yếu được xuất đi Hà Nội, Hải Phòng. Đối với những hộ có vải u trứng, khi vải mới bắt đầu báo mã đã có người đến đặt mua, chỉ chờ vải chín là thương lái đến thu hoạch.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện hiện có hơn 1.000 héc-ta vải sớm các loại, tập trung chủ yếu ở các xã của khu Hà Đông như: Thanh Bính, Thanh Cường, Trường Thành, Hợp Đức... Hiện nay, trà vải u trứng đang cho thu hoạch, giá bán từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái. Hiện trà vải u hồng đang trong giai đoạn đẫy cùi, một số diện tích đã báo mã, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau gần 1 tháng nữa. Theo đánh giá, năm nay, tổng sản lượng vải sớm của huyện Thanh Hà có thể đạt khoảng 13.000 tấn, cao hơn 30% so với năm 2016.
Để bảo đảm năng suất và chất lượng quả vải, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chỉ nên thu hoạch vải khi đã đủ độ chín. Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tích cực phòng trừ các loại sâu bệnh hại bằng các loại thuốc đặc hiệu và ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch khoảng 14 ngày.
Thanh Hóa: Phục hồi rừng luồng suy thoái
Nếu như lúa được xem là cây trồng chủ lực ở các huyện miền xuôi thì ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cây luồng được xem là cây kinh tế mũi nhọn để người dân huyện miền núi này xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa hiện có 7.583 héc-ta luồng, phân bổ trên địa bàn 22 xã; trong đó, có 27 héc-ta luồng thuộc rừng đặc dụng, 394 héc-ta luồng thuộc rừng phòng hộ và 7.162 héc-ta luồng thuộc rừng sản xuất.
Trên thực tế, nếu rừng luồng được trồng, chăm sóc, khai thác đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi héc-ta cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, bà con đã lạm dụng khai thác, không chăm sóc nên rừng luồng Bá Thước bị suy thoái, cho năng suất thấp. Vì vậy, năm 2016, huyện Bá Thước đã triển khai chương trình phục hồi thâm canh vùng luồng tập trung tại 3 xã: Kỳ Tân, Thiết Ống, Ái Thượng với trên 300 héc-ta rừng luồng suy thoái của 250 hộ dân. Tổng kinh phí thực hiện phục hồi rừng luồng khoảng 1,290 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ phân bón chăm sóc rừng luồng cho các hộ dân 600 triệu đồng, làm đường lâm nghiệp 690 triệu đồng. Qua 1 năm thực hiện, huyện đã phục hồi được khoảng 23% diện tích rừng luồng bị thoái hóa, bước đầu tạo tâm lý phấn khởi cho người dân trồng luồng địa phương. Tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi, thâm canh vùng luồng tập trung, năm 2017, huyện lựa chọn 3 xã gồm: Thiết Kế, Điền Trung và Lương Trung với diện tích thực hiện là 300 héc-ta.
Mặc dù là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn nhưng với cách triển khai bài bản, cây luồng suy thoái ở Bá Thước đang được khôi phục, mở ra cơ hội cho người dân nâng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huyện cũng đã có nhiều chủ trương, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm từ cây luồng như: đũa tre, đũa dùng một lần, ván sàn bằng luồng, than hoạt tính và bán hoạt tính, chiếu luồng, nan, tăm, bột giấy…
MUA GÌ? - BÁN GÌ? |
Đồng Nai: Sầu riêng đầu mùa giá cao
Hiện nay, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, giá sầu riêng đầu mùa bán tại vườn khá cao. Cụ thể, sầu riêng Thái có giá 50.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 giá 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với năm trước. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất sầu riêng giảm từ 20 - 30% nhưng với giá bán như hiện nay, các nhà vườn có thu nhập trên 200 triệu đồng/héc-ta sau khi đã trừ chi phí đầu tư.
Theo chủ các đại lý mua bán trái cây tại huyện Thống Nhất, hiện nay, nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, miền Trung đến đặt mua hàng với số lượng lớn, đầu ra khá hút hàng nên sầu riêng được giá hơn vụ trước.
Bình Thuận: Thanh long giữ giá ổn định
Liên tục trong nhiều tháng qua, thanh long thu hoạch tại Bình Thuận được tiêu thụ với giá ổn định khiến nông dân địa phương rất phấn khởi. Tính trung bình, giá thanh long luôn duy trì ở mức cao từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 20.000 đồng/kg. Thanh long chất lượng tốt, xuất khẩu được thương lái thu mua tại vườn với giá 17.000 đồng/kg. Hàng xấu hơn có giá từ 14.000 đến 16.000 đồng/kg.
Với mức giá này, một lứa chong đèn 3 tháng, 1 héc-ta (khoảng 1.000 trụ) thanh long cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng. Giá cao giúp người trồng thanh long có cuộc sống ổn định và khấm khá. Nguyên nhân do từ nhiều tháng nay, thị trường các nước tiêu thụ khá mạnh loại nông sản này. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã chủ động tìm đối tác, mở rộng thị trường, tìm đầu ra, nên sức tiêu thụ trái thanh long Bình Thuận khá hơn.
Hiện nay, Bình Thuận có khoảng 27.000 héc-ta thanh long, sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, thanh long Bình Thuận còn được xuất khẩu sang các nước: châu Âu, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, các nước khu vực Trung Đông và một số thị trường khó tính khác.
Nghệ An: Giá lạc giảm mạnh
Hiện nay, bà con nông dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch đại trà gần 3000 héc-ta lạc vụ xuân. Tuy năng suất đạt khá cao, khoảng trên 3 tạ lạc tươi/sào, nhưng giá lạc lại giảm khá thấp. Nếu so sánh với giá lạc vụ trước, giá vụ này giảm khoảng 30%. Cụ thể, vụ xuân năm ngoái, giá lạc tươi dao động từ 14.000 đến 15.000 đồng/kg, năm nay chỉ có 10.000 đồng/kg, giá lạc khô từ 27.000 đồng/kg nay giảm còn 21.000 đồng/kg. Vì vậy, nếu một sào lạc năm trước, bà con có thể thu về hơn 4 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 3 triệu.
Mặc dù giá lạc giảm nhưng các doanh nghiệp, đại lý xuất khẩu vẫn không thu mua do tại thị trường nước ngoài, giá lạc cũng đang xuống thấp. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nắng thất thường khiến cho việc thu hoạch cũng như bảo quản gặp khó khăn. Các tư thương không thể thu mua dự trữ vì trời không nắng để phơi khô. Dự kiến vụ xuân năm nay, sản lượng lạc tươi toàn huyện đạt khoảng trên 18 nghìn tấn. Những năm trước, khoảng 30% sản lượng lạc được bán tươi tại ruộng cho các tư thương. Tuy nhiên năm nay, mới khoảng 10% sản lượng lạc được bán.
Thanh Hóa: Đẩy mạnh trồng cỏ thâm canh
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ. Điều này đã góp phần chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, nâng cao quy mô đàn gia súc, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Năm 2016, toàn tỉnh đã trồng được khoảng gần 3.900 héc-ta cỏ chăn nuôi và có tới 195.377 hộ/255.379 hộ chăn nuôi trâu, bò có dự trữ thức ăn thô xanh; riêng khu vực 11 huyện miền núi có 61.652 hộ/106.488 hộ chăn nuôi có dự trữ thức ăn thô xanh.
Năm nay, toàn tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi lên 5.050 héc-ta và đến năm 2020 lên 12.700 héc-ta. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chuyển đổi diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn gia súc; trồng cỏ thâm canh theo quy hoạch để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa...
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Tái canh cây cà phê ở Chư Prông
Chư Prông là một huyện của tỉnh Gia Lai mà kinh tế chủ yếu dựa vào việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là nhóm cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, tiêu... Hiện nay, toàn huyện Chư Prông có khoảng 13.500 héc-ta cà phê, trong đó có 4.000 héc-ta cần được tái canh, trồng lại.
Hỗ trợ 100% giá trị cây giống tái canh
Thực tế đã chứng minh, cây cà phê có tính bền vững hơn đối với vùng đất Chư Prông trong nhiều năm qua vì điều kiện đất đai, khí hậu... rất phù hợp, và là nguồn thu nhập chính của người nông dân trên địa bàn. Do đó, những năm trước đây, huyện đã triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê nhưng mỗi năm cũng chỉ được khoảng 100 héc-ta. Bởi vậy, khi được tỉnh giao chỉ tiêu tái canh cà phê năm 2017, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, cuối năm 2016, huyện Chư Prông đã quyết định hỗ trợ 100% giá trị cây giống cho các hộ tái canh cà phê trong diện được duyệt, mỗi hộ 1,7 héc-ta; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo tái canh cà phê và 3 tổ công tác bám cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Thời điểm này là lúc bắt đầu mùa mưa, rất thuận lợi để trồng mới cà phê cũng như nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, người dân đã đăng ký tái canh tới 680 héc-ta cà phê. Tuy nhiên, huyện Chư Prông đã tiến hành rà soát theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chốt diện tích là 460 héc-ta, trong đó, gần 50% diện tích là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua kiểm tra, 95% diện tích tái canh đã được các hộ phơi đất và đào hố, chỉ chờ đến thời vụ là tiến hành xuống giống.
Ngoài ra, các hộ cũng tự chủ động tái canh khoảng 100 héc-ta, nâng tổng diện tích cà phê tái canh của huyện năm nay lên 560 héc-ta. Số diện tích ngoài kế hoạch này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giới thiệu bà con đăng ký mua giống từ chương trình hỗ trợ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên với giá 1.500 đồng/cây giống. Đặc biệt, tất cả diện tích tái canh đều được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật và yêu cầu thực hiện đúng theo phương pháp thâm canh mới ngay từ lúc trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn khi xuất khẩu.
Năng suất tăng cao sau tái canh
Bên cạnh đó, nhằm chủ động nguồn cây giống cà phê, huyện Chư Prông đã chủ trương cho các vườn ươm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai công nhận đủ tiêu chuẩn theo dự án tiến hành ươm cây giống tại chỗ phục vụ tái canh cho người trồng. Đến nay, các vườn ươm cơ bản đáp ứng được nguồn giống theo nhu cầu của người trồng trên địa bàn huyện. Đồng thời, rà soát hộ nào đủ điều kiện sẽ cho vay vốn tái canh cà phê, đáp ứng số vốn thực tế cần.
Anh Ngô Anh Tuấn - Phó tổ trưởng Tổ Chỉ đạo tái canh cà phê xã Ia Phìn cho biết, việc tái canh cà phê trên địa bàn xã Ia Phìn bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Giống cà phê mới được bà con lựa chọn có nguồn gốc đảm bảo mua tại Viện Eakmat và được Công ty Netslé hỗ trợ 50% giá cây giống, chất lượng giống tốt, chi phí chăm sóc, nhân công giảm, cho năng suất cao, có vườn đạt 30 - 40 tấn tươi/héc-ta vào năm thứ tư. Ví như hộ ông Trần Đình Dũng ở thôn Hoàng Ân đã thực hiện tái canh 1 héc-ta cà phê vào năm 2012. Trước khi tái canh, năng suất cà phê trung bình trong 3 năm 2009 - 2011 của gia đình ông chỉ đạt 10 tấn tươi/héc-ta. Sau tái canh, khi thu hoạch năm thứ hai, vườn cây nhà ông đã đạt 11,2 tấn tươi/héc-ta, dự kiến năm nay đạt 16 tấn tươi/héc-ta và chất lượng hạt cà phê thu hoạch được rất cao. Xã Ia Phìn cũng đã thành lập Tổ Chỉ đạo tái canh cà phê, phân công cho các thành viên trong tổ rà soát các diện tích đăng ký tái canh cà phê năm 2017. Đến nay, đã có 108 hộ của 9/10 thôn làng đăng ký với tổng diện tích gần 46 héc-ta và đã được UBND huyện phê duyệt hỗ trợ 100% giống.
Đối với xã Ia Kly, năm nay, các hộ dân trên địa bàn mới bắt đầu thực hiện chương trình tái canh cà phê. Tổng diện tích tái canh cà phê của xã được huyện phê duyệt là 18 héc-ta/36 hộ. Bà con rất phấn khởi vì được nhà nước hỗ trợ toàn bộ giống mới và đều đặt niềm tin vào những vụ thu hoạch cà phê sau này với năng suất, chất lượng quả cao, giúp tăng thu nhập.
HÀNG VIỆT |
Gạo đặc sản Rạ Dư
Tượng trưng cho sự no đủ, sung túc, gạo Rạ Dư đã trở thành biểu tượng văn hoá của đồng bào Pa Cô sống ở dãy Trường Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Rạ Dư là giống thóc tẻ trồng trên nương, có hai màu đỏ và trắng. Hạt gạo to, dẻo, có mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạo nào. Đây là loại thóc quý, đặc sản của người Pa Cô, đồng bào còn gọi đây là giống “thóc thiêng”. Trông gạo Rạ Dư, ngay từ khâu chọn giống rất cầu kỳ, phải chọn từng bông một. Việc gieo trồng loại thóc này không dễ như các loại khác. Bởi khi trồng gần các loại giống khác, ong bướm, chim chóc và gió dễ làm bay phấn hoa, sẽ bị lai tạp với các loại giống khác. Thế nên khi chọn giống, đồng bào phải chọn từng bông nguyên hạt gạo Rạ Dư chứ không chọn từng cụm vì trong một cụm vẫn có những bông bị lẫn. Vì vậy, phần lớn các hộ gia đình mỗi năm chỉ trồng 1 sào lúa Rạ Dư; trong 1 sào, đồng bào cũng chỉ chọn được vài ki-lô-gam giống thôi.
Tuy là loại lúa trồng trên nương nhưng hiện nay, đồng bào đã đem gieo cấy lúa Rạ Dư trên những chân ruộng hai vụ. Điều này giúp cải thiện năng suất cao hơn nhưng vẫn không thể bằng các giống lúa khác. Đặc biệt, các cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn đồng bào áp dụng quy trình chăm bón nghiêm ngặt, sử dụng các loại phân bón hoá học để thu về sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích lúa Rạ Dư trên nhiều chân đất khác nhau. Kế hoạch này bước đầu đã được bà con tích cực hưởng ứng, tạo tiền đề cho việc đưa loại gạo đặc sản này trở thành hàng hoá có thương hiệu ở A Lưới.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý Nhãn lồng Hưng Yên
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị Nghiệm thu Dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Dự án đã xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý Hưng Yên cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh với các đặc điểm về hình thái và chất lượng nhãn lồng Hưng Yên. Hầu hết các chỉ tiêu hình thái quả gồm: trọng lượng, chiều cao, đường kính, độ dày cùi... đều có giá trị lớn hơn khi so sánh với các giống nhãn ở Hà Nội, Bắc Giang và Sơn La.
Dự án do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện năm 2016 và đã xác định được bản đồ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Để phù hợp với phát triển sản xuất nhãn lồng, dự án đề nghị đưa vào vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý Nhãn lồng Hưng Yên là 3.500 héc-ta.
Cùng với việc đề xuất vùng chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên, dự án cũng đã xây dựng hệ thống nhận diện (tem, nhãn, bao bì sản phẩm) và các phương tiện quảng bá sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên; xây dựng hệ thống các văn bản làm cơ sở cho việc quản lý.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Cẩn trọng khi mua cam Cao Phong
Hiện huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang trong thời điểm 4 tháng không có cam. Vậy nhưng, đây đó trên thị trường, vẫn có nhiều cửa hàng bày bán cam và quảng cáo là cam Cao Phong. Vậy đâu là sự thật?
Tháng 5, đến các vườn cam của huyện Cao Phong chỉ thấy một màu xanh của lá và quả non, điểm một vài bông hoa trắng. Ông Bùi Văn Bền – Phó chủ tịch xã Tây Phong cho biết, hiện diện tích trồng cam ở Cao Phong là 136 héc – ta (chỉ đứng sau thị trấn Cao Phong về diện tích). Tại đây, mỗi năm, cam cho thu hoạch 2 vụ: cam vụ 1 lòng vàng thu hoạch tập trung vào tháng 11 đến tháng 12, từ tháng 12 đến tháng 3 là cam vụ 2 (cam chín muộn). Đây cũng là 2 vụ cam phổ biến mà người trồng cam ở Cao Phong đang trồng.
Như vậy, dù có thu hoạch sớm và bảo quản tốt đến đâu thì cam Cao Phong cũng chỉ có từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc, giữa tháng 5 đến đầu tháng 9, Cao Phong sẽ không có cam để bày bán đại trà. Trong khi đó, tại thị trường các chợ Hà Nội và các hàng xe thồ bán rong dọc đường…, nhiều người bán cam vẫn quảng cáo là cam Cao Phong. Thực tế, đây là loại cam có hình dáng gần giống cam Cao Phong, nhưng ít nước và vị thơm ngọt thua xa cam Cao Phong. Tuy nhiên, để hấp dẫn người mua và bán được giá, những người bán hàng vẫn mượn tiếng Cao Phong để chào mời khách.
Mấy năm trở lại đây, để bảo vệ cho cam Cao Phong, huyện Cao Phong đã làm thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong; tổ chức thành công Lễ hội cam Cao Phong để cam Cao Phong có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu thời điểm nào Cao Phong có cam để tìm mua cam Cao Phong nhằm tránh bị lừa. Thậm chí, ngay cả chính vụ cam Cao Phong, người mua cũng nên tìm đến những địa chỉ uy tín để được thưởng thức những trái cam Cao Phong thực sự.
Đồng Tháp: Chống gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế
Năm nay, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa y tế qua biên giới, đặc biệt là thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Rà soát, đánh giá tổng thể công tác quản lý, cấp phép, chứng nhận… đối với các mặt hàng là thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, nguyên liệu làm thuốc nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong ngành nông nghiệp, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng là thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chất cấm trong chế biến thực phẩm, nguyên liệu làm thuốc nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong ngành nông nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, khu vực cửa khẩu…
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân… trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng tuyên truyền về an toàn thực phẩm, về các vi phạm an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)