Thông tin giá cả thị trường số 22/2017

12:00 AM 14/06/2017 |   Lượt xem: 9721 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vải thiều Bắc Giang niên vụ 2017: Thuận đường thông thương

Những biến động về khí hậu thời tiết đã khiến vải thiều Bắc Giang năm nay ra hoa muộn và đậu quả giảm khoảng 40% so với năm 2016 (ước đạt khoảng 100.000 tấn). Nhưng với giá bán bình quân từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí đầu vụ lên tới 65.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2016 khiến người trồng vải phấn khởi.

Vải sớm được mùa, được giá

Niên vụ 2017, diện tích vải thiều sớm của Bắc Giang vào khoảng 6.000 héc-ta với sản lượng ước đạt 26.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2016, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn... Điều đáng nói, năm nay, quả vải Bắc Giang chín rải rác chứ không chín rộ đồng loạt như các năm trước nên người trồng vải không phải chịu áp lực thu hái và không bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, giá  bán bình quân từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thậm chí đầu vụ lên tới 65.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2016, khiến người trồng vải phấn khởi.

Đặc biệt, nhờ có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón ngay từ đầu vụ; đồng thời tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap nên chất lượng và mẫu mã quả vải năm nay hơn hẳn những năm trước.

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết: Qua khảo sát ban đầu, lượng đường và các loại vitamin trong quả vải thiều năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Các huyện cơ bản đã triển khai ứng dụng công nghệ trong bảo quản giúp kéo dài thời gian bảo quản quả vải tươi; từng bước hạn chế tính mùa vụ, để phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường nước ngoài.

Còn với vải chính vụ, bây giờ mới bắt đầu vào cùi nhưng các nhà chuyên môn nhận định, chất lượng quả rất tốt, mẫu mã đẹp hơn những năm trước nhiều. Song, vải sẽ cho thu hoạch muộn hơn năm trước tầm nửa tháng, tức phải vào thời điểm giữa tháng 6 mới có vải chính vụ.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều chính vụ của tỉnh năm nay đạt khoảng 74.000 tấn, giảm 40% so với năm 2016. Dù không được mùa như năm trước nhưng công tác xúc tiến thương mại vẫn phải coi trọng. Để tập trung cho thị trường xuất khẩu vải thiều, công tác xúc tiến thương mại vẫn phải coi trọng, sản lượng càng ít càng phải xúc tiến, tìm kiếm thị trường cho để tăng giá trị cho trái vải với mục tiêu không để mất mùa, mất giá.

Các thị trường truyền thống tiếp tục được Bắc Giang xác định là quan trọng nhất trong tiêu thụ vải thiều năm nay. Đối với thị trường nội địa, Bắc Giang tập trung vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh lân cận; đồng thời mở rộng phát triển thị trường mới ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh vẫn duy trì xuất quả vải tươi và vải thiều chế biến. Ngoài thị trường Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang cũng tiếp tục nâng cao sản lượng xuất khẩu vào thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia… Đặc biệt, mở rộng thêm một số thị trường xuất khẩu mới như: Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Để mở rộng sang các thị trường mới, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, các bộ, ngành và tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản, đặc biệt với trái vải để hoạt động thu mua, tiêu thụ trong nước và nước ngoài được thuận lợi.

Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Mỹ, Australia, Nhật Bản… Qua đó, hạn chế đến mức tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thừa Thiên Huế: Tìm đầu ra cho đặc sản A Lưới

Mật ong rừng, gạo Ra Dư, nếp than, chuối A Nhoi, thịt bò hay sản phẩm dệt Zèng... là những sản vật, đặc sản của vùng đất A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Song, do sản phẩm số lượng ít, sản xuất quy mô hộ gia đình, manh mún nên đầu ra gặp khó, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sảm phẩm tốt nhưng khó đầu ra  

Là nghề truyền thống thu hút trên 1 ngàn lao động tham gia, dệt Zèng trở thành sản phẩm may mặc đặc trưng của vùng đất A Lưới. Dù chất lượng rất tốt, song các sản phẩm thiết kế từ vải Zèng như váy, áo quần, túi xách, khăn… tiêu thụ chậm, chủ yếu là phục vụ người dân địa phương, số ít cung cấp cho các cửa hàng lưu niệm nên thu nhập của người lao động chưa tới 2 triệu đồng/người/tháng. Đại diện một số Hợp tác xã dệt tại A Lưới cho rằng, nếu đầu ra ổn định, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nghề dệt Zèng sẽ là nghề chính và thu hút nhiều chị em tham gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Hay như mật ong rừng, gạo Ra Dư và nấm sò xám là những đặc sản mà các địa phương trong tỉnh không có nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Song, với số lượng ít do sản xuất theo mùa vụ hoặc phụ thuộc vào người cung cấp nên lâu nay, các sản phẩm này cũng chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện và cung ứng cho một số tư thương, giá cả không ổn định, nguồn cung bấp bênh. Mặt khác, do sản xuất quy mô hộ gia đình, thiếu vốn nên đa số các sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, không có bao bì đóng gói đạt chuẩn và công tác quảng bá chưa được quan tâm. Hộ kinh doanh mật ong rừng Hồ Thị Ngư trăn trở: Mỗi tháng thu mua của các hộ đi rừng trên 300 lít mật ong, qua kinh nghiệm thì đây là mật ong rừng nguyên chất, không pha trộn. Tuy nhiên, do không có thiết bị thẩm định cũng như chưa đăng ký nhãn hiệu nên người tiêu dùng dè dặt, không dám mua, các siêu thị thì không nhập hàng vì thiếu giấy tờ kiểm định.       

Kết nối cung - cầu

Vừa qua, từ sự kết nối của chính quyền địa phương, sau khi tham khảo quy trình chăn nuôi, giết mổ và thưởng thức đặc sản thịt bò A Lưới, mật ong rừng, gạo Ra Dư... nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ở thành phố Huế có nhu cầu nhập hàng về phân phối. Tuy nhiên, qua trao đổi thì các sản phẩm ở đây số lượng không đảm bảo và chưa đăng ký nhãn hiệu.

Anh Trần Như Hùng Tấn - Trưởng Bộ phận ngành Hàng tươi sống, Siêu thị Big C Huế - băn khoăn: Qua khảo sát thực địa tại A Lưới, có hai sản phẩm mà doanh nghiệp cần kết nối để đưa vào kinh doanh, đó là thịt bò và gạo Ra Dư. Điều mà chúng tôi lo lắng đó là phương thức giao hàng, cách bảo quản và số lượng có đảm bảo theo đơn đặt hàng không.

 Trong khi đó, Giám đốc Công ty hữu cơ Huế Việt - Nguyễn Thị Huệ khẳng định, nếu các sản phẩm như gạo Ra Dư, thịt bò, mật ong rừng hay nấm sò xám được công bố chất lượng, doanh nghiệp sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ và phân phối cho chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở các tỉnh miền Trung.

Tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ A Lưới 2017, ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết: A Lưới là huyện miền núi có nhiều nông sản, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ mà các địa phương trong tỉnh không có, tuy nhiên mức tiêu thụ, kết nối với thị trường còn hạn chế. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu sẽ là cầu nối để các nhà phân phối kết nối với các cơ sở sản xuất tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường nhằm phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Theo ông Thanh, để sản phẩm A Lưới tiêu thụ mạnh, đứng chân tại các siêu thị hay cửa hàng nông sản sạch, vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở sản xuất và chính người dân. Những rào cản như: đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có bao bì đóng gói hay nguồn cung ổn định cần được khắc phục.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Sắp tới huyện sẽ giám sát quy trình sản xuất, hỗ trợ các cơ sở đăng ký nhãn hiệu và vận động người dân đầu tư bao bì đóng gói để cung ứng ra thị trường. Đối với sản phẩm thịt bò, sắp tới huyện sẽ tạo điều kiện cho một cơ sở đứng ra làm đầu mối thu gom và giết mổ, sau đó đưa vào trữ đông và vận chuyển về thành phố Huế tiêu thụ. 

Tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông - đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ huyện A Lưới (5/2017), có 2 hợp đồng và 15 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm nông - đặc sản và thủ công mỹ nghệ được ký kết…

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Tây Ninh: Giá ớt giảm sâu

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với khoảng 200 héc-ta, chủ yếu tập trung ở 2 xã Ninh Điền và xã Long Vĩnh. Tuy nhiên, vụ ớt này, năng suất giảm 50% khiến nhà vườn lo lắng. Giá ớt cũng giảm mạnh, thương lái thu mua chỉ còn 9.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá ớt phải đạt từ 20.000 đồng/kg, nhà nông mới có lãi.

Trước đó, nhằm hạn chế tình trạng dịch bệnh xảy ra bất ngờ trên cây ớt, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành đã đưa ra quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt trị bệnh. Đồng thời, khuyến cáo do bà con sử dụng thuốc trừ sâu quá nhiều, không đúng quy trình, thời gian nên rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc trên các loại sâu bệnh; cũng như sử dụng thuốc trừ sâu quá liều lượng đã vô tình tiêu diệt những thiên địch có lợi bảo vệ đồng ớt.

Huyện Thanh Chương (Nghệ An): Ngô ngọt vụ đầu tiên bán hết ngay tại ruộng

Vụ xuân năm nay, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã đưa vào trồng thử giống ngô ngọt Thái Lan. Bà con nông dân phấn khởi bởi đây là năm đầu tiên họ trồng một loại giống ngô ngắn ngày, bông to, thu hoạch bán được ngay tại ruộng chứ không phải phơi phóng, lấy hạt. Đặc biệt, bà con được doanh nghiệp cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sau khi thu hoạch bà con mới phải trả tiền giống bằng cách trừ vào sản phẩm nên ai cũng phấn khởi.

Theo nghiệm thu sơ bộ bước đầu của địa phương, năng suất bình quân đạt từ 7 tạ/sào. Với giá thu mua là 380.000 đồng/tạ, mỗi sào ngô ngọt cho doanh thu gần 3 triệu đồng sào, lãi cao hơn ngô thường trên 600.000 đồng. Trồng ngô ngọt còn có ưu điểm vượt trội là không mất thêm chi phí phơi, tuốt hạt, khi thu hoạch thân cây đang còn xanh nên có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi. Từ kết quả của vụ đầu tiên, huyện Thanh Chương sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Đây cũng là một hướng đi nhằm thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An” và Ðề án “Phát triển một số cây trồng hàng hóa tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 - 2020” của huyện Thanh Chương; là kết quả của liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng

Giá lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đã tăng 300 - 400 đồng/kg so với tuần trước. Lúa khô loại thường trên 5.000 đồng/kg, loại hạt dài khoảng 5.500 đồng/kg, một số loại lúa thơm chất lượng cao giá lên tới trên 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại một số nhà máy xay xát, giá mua trung bình loại gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.700 đồng/kg. Mặc dù giá lúa gạo tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế do nông dân đã cơ bản bán hết lúa. Ngoài ra, lúa vụ này còn bị thiệt hại nặng nề do mưa dầm kéo dài. Vì vậy, dù giá lúa tăng nhưng nông dân không được hưởng lợi nhiều.

Đắk Lắk: Siêu thị thu mua bí đỏ giúp bà con nông dân

Xã Cư Yang, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 200 hộ dân trồng bí đỏ với diện tích 135 héc-ta. Diện tích này đã tăng gấp đôi so với năm trước, lại được mùa nên giá giảm mạnh. Giá bán đầu vụ 3.000 đồng/kg, sau đó giảm còn 1.500 đồng/kg, có thời điểm thương lái ngưng mua hoặc chỉ mua 300 - 500 đồng/kg. Vụ này, bà con nông dân đã thu hoạch hơn 2.700 tấn bí đỏ và hiện còn 200 – 300 tấn chưa tiêu thụ được.

Trước tình trạng này, Tập đoàn Lotte Mart đã thu mua hơn 20 tấn bí đỏ của các hộ dân ở xã Cư Yang để bán lại tại 8 siêu thị Lotte Mart ở miền Nam. Đồng thời, hỗ trợ tất cả chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo quản, bán hàng không lợi nhuận, thậm chí còn bù lỗ một phần chi phí để hỗ trợ người trồng. Từ ngày 7/6, bí đỏ Đắk Lắk có mặt ở các siêu thị Lotte Mart miền Nam. Đây là đợt thu mua đầu tiên. Nếu sức tiêu thụ khả quan, Lotte Mart sẽ tiếp tục thu mua và phân phối trên toàn hệ thống.

Lotte Mart còn đề xuất các giải pháp hợp tác lâu dài với địa phương nhằm tránh lặp lại tình trạng được mùa mất giá như hiện nay. Theo đó, siêu thị đặt hàng địa phương trồng một số loại nông sản được thị trường tiêu thụ mạnh như khoai lang, bí đỏ...  Lotte Mart sẽ hỗ trợ đầu ra, góp phần tiêu thụ nông sản ổn định cho bà con nông dân.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Duyên hải miền Trung: Tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm trên cát

Trung tuần tháng 5/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát”. Theo đó, tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển.

Nâng cao thu nhập cho người dân miền Trung

Khu vực Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố, trải dài trên 1.800 km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó, các vùng đất cát ven biển thường có điều kiện khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, hiệu quả thấp. Việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát vùng ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân miền Trung.

Đến năm 2016, diện tích nuôi tôm trên cát của các tỉnh Duyên hải miền Trung là 3.734 héc-ta, sản lượng đạt 41.705 tấn. Năng suất nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung cũng cao hơn năng suất bình quân của cả nước (trung bình khoảng 10 - 14 tấn/héc-ta). Những tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên Huế...

Trong chiến lược phát triển ngành tôm nước ta, vùng Duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng và tiềm năng phát triển riêng, đặc biệt là các vùng đất cát ven biển. Nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển nuôi tôm trên cát như: nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm sạch; thị trường thuận lợi, ngoài phục vụ xuất khẩu, các tỉnh miền Trung có thị trường tôm tươi sống lớn vì đây là vùng công nghiệp, du lịch phát triển, gần thị trường Trung Quốc với nhu cầu lớn. Nếu làm tốt, đúng quy trình, đầu tư bài bản sẽ cho năng suất, hiệu quả cao.

Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Đó là, quy hoạch lại vùng nuôi và đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống chính sách, quản lý chặt chẽ cơ sở nuôi và kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm năng lượng; quản lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả; đào tạo nghề có trình độ kỹ thuật cao; chủ động về thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam...

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều giải pháp, chia sẻ những kinh nghiệm trong nuôi tôm như: Mô hình nuôi nhiều giai đoạn, nuôi trong ao bạt, ao có mái che, xử lý nước…  Lựa chọn vụ nuôi và cách nuôi phù hợp cho từng loại hình nuôi ao đất, ao bạt. Tăng diện tích ao chứa nước để xứ lý trước khi nuôi (có thể lên tới 50% diện tích mặt nước), không nên nuôi mật độ quá lớn, chỉ nên tập trung khoảng mật độ 200 – 300 con/m2. Nên thành lập các hiệp hội, hợp tác xã để giảm giá thành khi mua thức ăn và các sản phẩm đầu vào, chủ động nguyên liệu trong sản xuất thức ăn nuôi tôm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng khuyến cáo, nuôi tôm trên cát không sử dụng nước ngầm, nên sử dụng nước ngọt mặt nếu cần thiết. Kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước cấp và nước thải, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần rà soát những diện tích đất cát có thể phát triển nuôi tôm, quy hoạch lại trên nguyên tắc không cho phép xâm phạm diện tích rừng ven biển. Quy hoạch tập trung và quy mô phù hợp với địa hình, quản lý, khả năng đầu tư, trình độ quản trị để đảm bảo phát triển bền vững.

Song song với việc quy hoạch, các địa phương cần xây dựng các đề án, dự án cụ thể. Riêng 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với diện tích, tiềm năng lớn cần tập trung chỉ đạo sát sao cùng với tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu để phát triển nghề tiềm năng này.

HÀNG VIỆT

Nghệ An: Công bố Nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương

Ngày 23/5/2017, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ công bố Nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương. Đây là loại gà ri (gà cỏ, gà kiến) được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng bởi chất lượng và thịt thơm ngon.

Là huyện trung du miền núi thấp, đất Thanh Chương là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, dưới tán mít, đồi cọ trải dài, những chú gà thơ thẩn kiếm ăn đã làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn - gà đồi Thanh Chương. Gà đồi Thanh Chương được nuôi trên đồi, thả bãi, ăn cỏ, thóc, ngô. Do được “chạy bộ” nhiều nên thịt chắc, ngon và đậm vị. Ở Thanh Chương hiện nay có hàng trăm gia trại gà đồi. Để hỗ trợ cho thương hiệu gà đồi Thanh Chương, địa phương đã hình thành mạng lưới dịch vụ thu mua gà chuyên chở về thành phố Vinh và các thị tứ.

Từ năm 2012, lãnh đạo huyện Thanh Chương đã có kế hoạch triển khai đề án Phát triển chăn nuôi gà cỏ giống địa phương, xây dựng thương hiệu gà Thanh Chương song song với việc phát triển hệ thống trang trại, tạo chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp thực phẩm an toàn. Huyện cũng đã xây dựng đề án Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng trang trại; tổ chức hướng dẫn, ban hành quy trình kỹ thuật chăn nuôi đúng quy trình. Đặc biệt, nhằm tuyển chọn, bảo tồn nguồn gen gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết bao tiêu đầu ra, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án “Xây dựng, phát triển thương hiệu tập thể gà Thanh Chương”. Dự án tập trung vào 3 tiêu chí gồm: lựa chọn con giống là gà cỏ địa phương; nuôi theo hình thức gà thả vườn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương cũng nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) trong việc tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học tiến đến chăn nuôi hữu cơ.

Cây bơ sáp trên cao nguyên Mộc Châu

Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) rất thích hợp cho những loại cây công nghiệp và cây ăn quả phát triển. Ngoài những loại cây ăn quả truyền thống, những năm gần đây, Mộc Châu đã trồng thêm nhiều giống cây mới, trong đó có bơ Mộc Châu - một loại trái cây thơm ngon và bổ dưỡng.

Vốn là loại cây dễ trồng, hầu như không phải bón phân và mất nhiều công chăm bón nên cây bơ Mộc Châu sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, cây bơ của Mộc Châu trồng phục vụ theo chuỗi giá trị. Quả bơ được bao lớp bảo quản, đảm bảo khi chín mới hái để chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Với những điều kiện thuận lợi, người trồng bơ Mộc Châu chưa bao giờ phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng… nên trái bơ hoàn toàn sạch, an toàn đối với người sử dụng.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại Mộc Châu đã mở rộng diện tích trồng bơ, tạo nguồn thu nhập ổn định. Đây cũng là một trong những cây trồng đang được chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển. Hiện nay, huyện Mộc Châu có 20 cây bơ giống gốc đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La công nhận là cây giống gốc đầu dòng để phục vụ cho việc lấy mắt ghép, nhân giống ra các nơi khác, đảm bảo chất lượng cây tốt nhất. Với giá bán bình quân dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/kg, doanh thu của bà con trồng bơ đạt 200 - 300 triệu đồng/héc-ta. Ngoài ra, việc được công nhận giống gốc đầu dòng sẽ tạo điều kiện lấy mắt ghép, giúp tăng thu nhập cho những hộ có những cây giống chất lượng tốt.

Trong tương lai, Mộc Châu sẽ trở thành vùng chuyên canh bơ, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu bơ Mộc Châu rất cần các cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu và hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng để sản phẩm bơ Mộc Châu đứng vững trên thị trường.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bà con cần cảnh giác với tiền giả

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn bán tiền giả với số lượng lớn. Theo lời khai của các đối tượng bị bắt giữ, một phần không nhỏ tiền giả được đem đi tiêu thụ ở miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều thủ đoạn vận chuyển tinh vi

Đa số tiền giả thu giữ được các đối tượng buôn bán lén lút vận chuyển từ Trung Quốc về qua các cung đường đồi hiểm trở giữa biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Theo cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh - đơn vị nhiều lần phát hiện và bắt giữ các đối tượng buôn tiền từ bên kia biên giới Trung Quốc - thủ đoạn các đối tượng sử dụng để cất giấu tiền ngày càng tinh vi. Không chỉ giấu tiền giả trong giày dép, cạp quần, khâu thêm túi giả…, có đối tượng còn cho tiền giả vào bao cao su, nhét vào hậu môn. Lực lượng chức năng phải sử dụng máy nội soi của bệnh viện mới phát hiện được. Thời gian gần đây, một số đối tượng còn ngang nhiên tuồn tiền giả qua đường chính ngạch bằng cách giấu tiền giả lẫn vào hàng hóa…

Tiền được làm giả ở tất cả các mệnh giá từ 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đến 500.000 đồng, song nhiều nhất vẫn là loại mệnh giá 200.000 đồng. Bởi lẽ, xét về giá trị, loại mệnh giá này không thấp cũng không quá cao nên bà con không quá đề phòng, cảnh giác. Nếu là tờ 500.000 đồng thì ngoài việc bị đề cao cảnh giác hơn, khi đem tiêu dùng cũng khó hơn vì ít người có đủ tiền lẻ để trả lại.

Tiền giả từ biên giới Trung Quốc, theo chân các đối tượng này, tiêu thụ khắp các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc… Mới đây, Trung Quốc cũng đã phát hiện 1 số cơ sở in tiền Việt Nam giả, thu giữ nhiều thiết bị máy móc in tiền và trên 10 tỷ đồng tiền giả.

Cẩn thận khi trao đổi tiền mệnh giá lớn

Để tiêu thụ tiền giả, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn như: trộn lẫn tiền thật với tiền giả, lợi dụng đêm tối người bán hàng không để ý để tiêu tiền giả, mua hàng với giá trị thấp nhưng dùng tiền giả mệnh giá lớn để lấy tiền thật trả lại… Thông thường, các đối tượng này thường nhằm đến những người buôn bán nhỏ, người già, sống ở vùng nông thôn, miền núi, nơi người dân ít có thông tin về tiền giả để tìm cách tiêu thụ... Thực tế, do ít khi được cầm tiền mệnh giá lớn và không có thông tin về tiền giả nên không nhiều bà con không thể phân biệt tiền thật – tiền giả. Các đối tượng tiêu thụ tiền giả lại khá tinh vi, khéo léo.

Thực tế, đồng tiền kiếm được của bà con phải đổi bằng nhiều tháng ngày đổ mồ hôi trên đồng ruộng…, nên nếu không may bán nông sản, vật nuôi mà bị trả bằng tiền giả, sẽ là một thiệt thòi lớn cho bà con. Bởi lẽ, khi đem tiền đến ngân hàng gửi, nếu ngân hàng phát hiện là tiền giả thì những tờ tiền giả sẽ bị tịch thu để xử lý theo quy định. Nếu bà con nhận được tiền giả lại tiếp tục đi mua bán thì sẽ vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, để tránh những mất mát này, bà con nên tìm hiểu cách để phân biệt tiền thật – tiền giả. Quá trình mua bán, nếu thấy có nghi ngờ thì nên nhờ những người buôn bán có kinh nghiệm phân biệt giúp, hoặc khi khách hàng đưa tiền mệnh giá lớn để mua hàng với giá trị nhỏ thì nên xem kỹ đồng tiền khách đưa, lấy một đồng tiền thật mệnh giá tương tự để so sánh.

Bà con lưu ý, tiền polime thật được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam in bằng kỹ thuật in nổi, khắc lõm trên cả hình ảnh lẫn nét chữ tại mặt trước và mặt sau của tờ tiền. Bà con có thể kiểm tra độ nổi của kỹ thuật in tiền thật tại dòng chữ “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM”, mệnh giá bằng chữ và bằng số, phong cảnh ở mặt sau mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên.

Nếu là tiền giả thì khi cầm và vuốt nhẹ tay sẽ thấy trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, chứ không phải do độ nổi của nét in.

Điều 180 - Bộ luật Hình sự quy định: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3 đến 7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3 triệu đến 50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5 đến 12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10 đến 20 năm tù hoặc chung thân.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)