TIÊU ĐIỂM |
Sâm núi Ngọc Linh: Nâng cao giá trị sản phẩm quốc gia
Sâm Ngọc Linh là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, có nhiều công dụng quý đối với sức khoẻ con người và được xếp vào 1 trong 4 loại sâm tốt nhất thế giới. Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 787/2017/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, cây sâm Ngọc Linh đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum. Trong dịp lễ hội Sâm núi Ngọc Linh lần thứ 1 năm 2017, bà con nhân dân ở huyện Nam Trà My đã tiêu thụ được trên 200kg sâm với trị giá trên 12 tỷ đồng. Hiện tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000 héc-ta để trồng sâm với số lượng trên 1.000 hộ, tăng 900% tại 7 xã của huyện Nam Trà My. Đặc biệt, nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc vùng trồng sâm được nâng lên, người dân đã biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm.
Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ 1 năm 2017 với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” nhằm quảng bá đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta. Đồng thời, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My tới du khách trong và ngoài nước. Kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, phục hồi rừng, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Tây Nguyên: Tập trung chăm sóc vườn tiêu mùa mưa
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, mùa mưa là mùa cây tiêu ở Tây Nguyên ra hoa, chắc quả và đây cũng là mùa dễ làm cho vườn tiêu bị ngập úng, mắc bệnh chết nhanh, chết chậm.
Do vậy, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên lưu ý các nông hộ trồng tiêu tạo hệ thống rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn, gốc tiêu, dọn sạch cỏ, cắt tỉa cành để cây tập trung nuôi nhánh ngang (nhánh cho quả vụ sau) và xử lý tàn dư thực vật trong vườn tiêu. Viện cũng hướng dẫn các nông hộ trồng tiêu cắt các nhánh tiêu mọc sát gốc, nhánh sâu bệnh, chậm phát triển, nhánh tiêu khô nhằm tạo ra khoảng trống cung cấp đủ ánh sáng, giảm độ ẩm trong vườn để tiêu diệt các mầm bệnh hại cho cây tiêu.
Ngay đầu mùa mưa, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ trồng tiêu sử dụng các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ cũng như kỹ thuật bón phân nhằm cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cây tiêu phát triển ra hoa, đậu quả, hạn chế rụng chùm quả (gié)… Đồng thời, khuyến cáo các nông hộ mỗi năm sử dụng từ 30 - 40 m³ phân chuồng ủ hoai mục trộn với phân hữu cơ vi sinh bón cho mỗi héc-ta hồ tiêu hoặc bón 30 kg phân chuồng ủ hoai mục cho mỗi gốc. Bên cạnh đó, sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dùng như 16 – 8 – 16 bón mỗi năm từ 9 đến 12 kg/gốc, bón 4 lần cho hồ tiêu đã đưa vào kinh doanh và từ 4 - 6 lần cho hồ tiêu đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, sử dụng các loại phân bón lá để tăng tỷ lệ đậu quả… Các nông hộ cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi vườn tiêu để sớm phát hiện sâu bệnh hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.
Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây hồ tiêu trên 70.500 héc-ta, đạt sản lượng mỗi năm từ 121.000 tấn tiêu hạt trở lên. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với trên 28.000 héc-ta, tiếp đến là tỉnh Đắk Nông có gần 25.000 héc-ta.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Lào Cai: Thu mua chè búp tươi cho người dân huyện biên giới
Toàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có 829,5 héc-ta chè, trong đó hơn 597 héc-ta chè kinh doanh, 232 héc-ta chè kiến thiết cơ bản. Hiện nay, bà con trồng chè ở huyện biên giới này đang bước vào vụ thu hoạch chính trong năm.
Tuy nhiên, do Công ty TNHH một thành viên Chè Phong Hải - đơn vị được giao quản lý vùng nguyên liệu gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và đang trong quá trình cổ phần hóa nên thiếu nguồn lực để thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của người dân.
Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Bảo Thắng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng đề nghị trực tiếp các doanh nghiệp thu mua chè búp tươi cho người dân. Qua đó đã có 3 công ty cam kết đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi trên địa bàn bắt đầu từ 1/6 đến hết năm 2017. Đó là: Công ty THHH một thành viên Chè Phong Hải, Công ty TNHH một thành viên Chè Đại Hưng (Bảo Yên) và Công ty TNHH Tân Mạnh Cường (Bát Xát). Đến nay, các đơn vị đã thông báo kế hoạch và giá thu mua tại các điểm thu mua. Cụ thể: chè chất lượng cao, loại 1 giá thu mua 10.000 đồng/kg, loại 2 giá 6.000 đồng/kg; chè lai LDP1 và LDP2, loại 1 giá 7.000 đồng/kg, loại 2 giá 6.000 đồng/kg, loại 3 giá 5.000 đồng.
Việc tìm kiếm các doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con là một hướng đi mới. Điều đó cũng khẳng định, sự liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân là vấn đề cốt lõi trong tiêu thụ sản phẩm.
Bạc Liêu: Giá muối tăng cao
Bạc Liêu là tỉnh có diện tích sản xuất lớn nhất, nhì cả nước với hơn 2.300 héc-ta. Niên vụ muối năm nay, diêm dân không dám mở rộng đầu tư sản xuất, cộng thêm thiên tai bất lợi dẫn đến sản lượng đạt thấp, nguồn cung giảm, đẩy giá muối tăng mạnh.
Liên tục trong những ngày qua, giá muối trên thị trường đứng ở mức cao. Tại tỉnh Bạc Liêu, giá mua đã tăng hơn 100% so với đầu vụ. Nhiều diêm dân tiếc vì không còn muối để bán. Cụ thể, muối đen hiện được thương lái mua với giá từ 700 - 900 đồng/kg; muối trắng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Trong khi đó, giá muối cuối vụ năm trước và đầu vụ năm nay chỉ khoảng 250 - 500 đồng/kg muối đen; muối trắng dao động từ 500 - 600 đồng/kg.
Nguyên nhân giá tăng chủ yếu do giá muối đầu vụ quá thấp nên diêm dân không đầu tư sản xuất. Hơn nữa, do thời tiết năm nay không thuận lợi, phần lớn diện tích sản xuất muối cho năng suất thấp và giảm hơn 50% so với vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu thị trường có chiều hướng tiêu thụ mạnh. Thực tế cho thấy, ở vụ muối năm trước, lượng muối còn tồn nhiều nên diêm dân không mạnh dạn sản xuất. Thậm chí, một số diện tích đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, do ảnh hưởng của thời tiết mưa trái mùa diễn ra thường xuyên nên năng suất muối không cao.
Theo Ðề án Quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu sẽ chuyển khoảng 500 héc-ta sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia, nuôi trồng thủy sản. Trước đó, địa phương cũng đã khuyến cáo diêm dân thận trọng khi mở rộng diện tích sản xuất do giá muối giảm mạnh trong thời gian dài; đồng thời, khuyến khích chuyển sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.
Vụ muối 2016 - 2017, tỉnh Bạc Liêu đưa vào sản xuất gần 1.700 héc-ta, giảm hàng trăm héc-ta so với vụ trước. Không chỉ giảm mạnh diện tích, sản lượng vụ muối này cũng giảm khoảng 30% so với vụ trước.
MUA GÌ? - BÁN GÌ? |
Tiền Giang: Giá trứng vịt ở mức thấp
Những ngày qua, giá trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang ở mức thấp, gây khó khăn cho người nuôi. Cụ thể, giá trứng vịt giống giảm xuống chỉ còn 3.000 - 3.300 đồng/trứng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.500 đồng/trứng; trứng vịt lạt cũng ở mức từ 1.100 - 1.500 đồng/trứng. Giá trứng gà công nghiệp loại 1 là 1.400 đồng/trứng, loại 2 là 1.100 đồng/trứng, trong khi đó giá thành sản xuất khoảng 1.300 đồng/trứng (chưa tính chi phí nhân công chăm sóc, các yếu tố phát sinh khác).
Theo nhận định của Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang, giá trứng giảm chủ yếu do quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi ở tỉnh hiện nay chủ yếu vừa và nhỏ. Do đó, việc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết lại với nhau thành những tổ hợp tác, hợp tác xã là rất cần thiết.
Bạc Liêu: Các mặt hàng thủy hải sản tăng giá
Những ngày qua, giá các mặt hàng thủy hải sản ở tỉnh Bạc Liêu đang tăng mạnh, nhiều loại tăng hơn 20.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm sú loại 15 con/kg giá 340.000 đồng, loại 25 - 30 con/kg giá 230.000 đồng, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 135.000 đồng, loại 80 con/kg giá 110.000 đồng, loại 120 con/kg giá 85.000 đồng, tăng trung bình từ 10.000 đến hơn 20.000 đồng/kg tùy theo loại. Các loại cá biển như: cá kèo, cá chẽm, cá nâu, cá đối, cá chét, cá đuối, cá khoai... giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Có nhiều loại cá như: cá dứa, cá nâu, cá khoai... giá đứng ở mức cao nhưng vẫn khan hiếm hàng.
Nguyên nhân của việc tăng giá là do nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản đã vào cuối vụ, diện tích nuôi mới chưa đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết bất lợi, số lượng tàu thuyền ra khơi khai thác, đánh bắt chưa nhiều. Cùng với đó, việc tăng giá nhiên liệu, vật tư, ngư cụ, chi phí sản xuất tăng cũng đẩy giá sản phẩm tăng.
Hiện tỉnh Bạc Liêu đang vào đầu mùa mưa. Đây là thời điểm thuận lợi để bà con mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, các hộ nuôi tôm công nghiệp xuống giống sớm cũng đang chuẩn bị thu hoạch tôm. Vì vậy, nhiều khả năng giá các mặt hàng thủy hải sản sẽ giảm trong thời gian tới.
Đồng Tháp: Đu đủ bí đầu ra
Làng trồng đu đủ ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang vào mùa thu hoạch nhưng vắng tanh, khác hẳn không khí tấp nập những năm trước. Bà con nơi đây đang đứng ngồi không yên, đu đủ không bán được dù giá đã hạ xuống còn 500 đồng/kg. Trong khi đó, vào mùa đu đủ mọi năm, thương lái đến tận vườn cân với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Đu đủ là loại cây dễ trồng, ít phải chăm sóc nên được nhiều người dân Hồng Ngự chọn trồng. Chỉ tính riêng ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền hiện có khoảng 70 hộ trồng, người ít thì vài công đất, những người trồng nhiều lên đến vài héc-ta. Tại các xã Long Khánh A, Long Khánh B, nhiều hộ cũng trồng đu đủ và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ dù giá giảm nhiều lần.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, toàn huyện có khoảng 600 héc-ta rẫy đu đủ. Trong đó, nhiều diện tích do bà con nông dân tự chuyển đổi, dẫn đến dư thừa, không có đầu ra.
Tây Ninh: Nông dân thu hoạch mì sớm do mưa ngập ruộng
Đầu mùa mưa năm nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh liên tục xuất hiện những cơn mưa to kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản lượng khoai mì, khiến người trồng loại cây nông nghiệp này lao đao, vất vả. Những ngày này, dọc hai bên đường nhựa dẫn vào huyện Dương Minh Châu, không khí thu hoạch mì vô cùng hối hả. Nhiều tốp nông nhân phải thức đến 1- 2 giờ khuya nhổ mì đến sáng để tránh mưa.
Mùa mưa năm nay đến sớm khiến củ mì không lớn, dẫn đến năng suất giảm. Năm ngoái, trung bình mỗi héc-ta lúa mì thu hoạch được 40 - 50 tấn, năm nay năng suất giảm chỉ còn 35 tấn/héc-ta.
Bên cạnh đó, lượng mưa to và cường độ mưa dầy đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ tính riêng diện tích trồng cây hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh bị thiệt hại gần 2.000 héc-ta. Riêng những ruộng mì ở hai bên đường vào xã Phan trồng là sai quy hoạch. Đây là vùng đất trũng thấp, ngành nông nghiệp không khuyến khích trồng mì.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Gia Lai: Hàng trăm héc-ta đậu xanh nhiễm bệnh vàng lá
Cây đậu xanh được bà con nông dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đưa vào trồng nhiều năm nay. Nhiều hộ gia đình nhờ loại cây trồng này đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện, hàng trăm héc-ta cây đậu xanh bị bệnh vàng lá, có chỗ loại bệnh này chiếm tới hơn 70% diện tích. Vì vậy, nguy cơ một vụ đậu xanh mất mùa đang đến rất gần. Mặc dù các hộ gia đình đã dùng nhiều biện pháp như: nhổ bỏ những cây mới bị nhiễm bệnh, phun thuốc phòng trừ theo định kỳ nhưng bệnh vẫn không giảm mà còn lây nhanh ra toàn rẫy.
Hiện trên địa bàn huyện Kông Chro, bà con nông dân đã gieo trồng hơn 1.200 héc-ta đậu xanh, tập trung ở các xã: An Trung, Yang Trung, Yang Nam... Chỉ riêng tại xã An Trung, bà con gieo trồng được 200 héc-ta nhưng có đến 147 héc-ta bị nhiễm bệnh vàng lá từ 30% đến 75%, số còn lại đang xuất hiện bệnh rải rác.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, bệnh vàng lá trên cây đậu xanh là do vi rút gây ra, không có thuốc đặc trị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến lịch thời vụ. Đối với cây trồng đậu đỗ, bà con trên địa bàn huyện Kông Chro được khuyến cáo thời vụ gieo trồng thích hợp từ ngày 10 - 30/6. Tuy nhiên, do bà con nông dân gieo trồng sớm hơn lịch thời vụ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Bên cạnh đó, do thời tiết mưa sớm và thường xuyên nên các loại rầy, rệp có điều kiện phát triển mạnh. Đây là nguồn lây nhiễm chính khiến bệnh khảm vàng lá lây lan nhanh hơn.
Trước tình trạng này, bà con nông dân mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện vào cuộc làm rõ nguyên nhân. Nếu do giống không đảm bảo, khâu xử lý giống chưa tốt cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh thiệt hại cho nông dân trong thời điểm hiện tại cũng như lâu dài.
Kon Tum: Giá chanh dây giảm mạnh
Sau thời gian liên tiếp tăng giá, đỉnh điểm lên đến mức 43.000 - 50.000 đồng/kg, hơn nửa tháng nay, chanh dây bắt đầu giảm giá mạnh chỉ còn 1.500 - 3.000 đồng/kg. Thậm chí, các nhà vườn phải chủ động tìm thương lái đến thu mua.
Bắt đầu từ giữa tháng 5/2017 đến nay, giá chanh dây được thương lái thu mua tại vườn đã giảm mạnh. Hiện giá chỉ còn 1.500 - 3.000 đồng/kg; có nơi nhà vườn khốn đốn khi quả đã chín nhưng không có thương lái đến thu mua. Theo một số thương lái, mặt hàng chanh dây phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Thời điểm hiện tại, thị trường Trung Quốc ngưng thu mua. Do vậy, lượng thu mua giảm mạnh, hiện chỉ có một số ít thương lái thu mua để mang ra các điểm chợ bán lẻ.
Thời gian qua, do giá cao su, hồ tiêu giảm mạnh nên hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Chim, Đắk Năng, Đắk Rơ Wa, Thắng Lợi… đã tự mày mò, chuyển đổi sang trồng chanh dây. Lúc đầu chỉ có một vài hộ trồng thử nghiệm, sau đó thấy lợi nhuận cao, lại là loại cây dễ trồng nên bà con mở rộng diện tích. Thậm chí có hộ gia đình đầu tư trồng cả héc-ta. Tuy diện tích chanh dây chuyển đổi chưa nhiều nhưng đây cũng là bài học mà nông dân cần rút kinh nghiệm, không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng với diện tích lớn khi thấy giá thị trường tăng cao.
HÀNG VIỆT |
Sơn La: Tăng cơ hội mua sắm hàng Việt
Mới đây, Sở Công Thương Sơn La đã tổ chức khai trương Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại cửa hàng Mộc Châu Farm - Đặc sản Mộc Châu (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu). Đây là Điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 của tỉnh Sơn La. Bà con Sơn La sẽ có nhiều cơ hội mua sắm hàng Việt tại các điểm bán này.
Cơ hội mua hàng chính hãng
Với quy mô 200m2, hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả được niêm yết rõ ràng, 100% sản phẩm hàng hóa là đặc sản của Mộc Châu, Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc, cửa hàng Mộc Châu Farm là địa điểm mua sắm tin cậy đối với người tiêu dùng địa phương. Đồng thời, đây cũng là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của Sơn La tới tất cả du khách trong và ngoài nước khi đến với Mộc Châu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại cửa hàng Mộc Châu Farm – Đặc sản Mộc Châu là mô hình thí điểm thứ 2 trên địa bàn huyện Mộc Châu và là mô hình thứ 7 trên địa bàn tỉnh Sơn La được thiết lập và đưa vào hoạt động. Mô hình Điểm bán hàng Việt Nam được Sở Công Thương Sơn La xây dựng nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng. Điểm bán hàng cũng là nơi để người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận và sử dụng các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sơn La đều nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng địa phương. Bà Nguyễn Thị Thảo (huyện Mai Sơn) cho hay, bà thường mua sắm hàng hóa tại Điểm bán hàng Việt Nam tại Ngã 3 Cò Nòi – huyện Mai Sơn – tỉnh Sơn La. “Hàng hóa ở đây đa dạng, từ xà phòng, bột giặt, nước xả… đến gạo, mắm… Giá cả phải chăng, thỉnh thoảng có hàng tặng kèm như mua mỳ chính được tặng bát, mua dầu ăn được tặng bột canh… nên tôi rất thích mua hàng tại đây” – bà Thảo chia sẻ.
Nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam
Ông Nguyễn Duy Nhượng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, từ xưa đến nay, bà con Sơn La có đặc điểm là thích dùng hàng Việt thay vì hàng Trung Quốc vì giá cả phải chăng, chất lượng tốt, độ an toàn cao. Do đó, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động được Sở Công Thương tỉnh Sơn La chú trọng triển khai trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ). Các Điểm bán hàng đang thu hút rất đông du khách, cho thấy bà con ngày càng ưa chuộng hàng Việt và ưu tiên mua sắm tại các điểm bán này.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại tổ 1, phường Chiềng Sinh (TP. Sơn La), cho biết, đăng ký xây dựng điểm bán hàng Việt Nam từ cuối năm 2015, cửa hàng được hỗ trợ về quầy kệ, đèn chiếu sáng, biển quảng cáo, đồng thời được thông tin, giới thiệu trên báo, đài của tỉnh. Nhân viên Sở Công Thương cũng đến tận nơi hướng dẫn cửa hàng trưng bày hàng hóa sao cho bắt mắt. Nhờ đó, bà con rất thích mua hàng tại đây, doanh thu tăng 10 – 15% so với thời điểm chưa trưng biển Điểm bán hàng Việt Nam.
“Đặc biệt, trước đây, nhiều lúc tôi phải tự đi lấy hàng về cửa hàng bán. Nhưng từ khi gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chủ động mang hàng đến đây để chào hàng. Doanh nghiệp cũng thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút người dân đến với cửa hàng. Bà con ngày càng thích mua hàng tại đây” – ông Sơn cho biết.
Ở một số Ðiểm bán hàng Việt, ngoài việc bày bán các mặt hàng tạp hóa thiết yếu, các cửa hàng còn tăng cường thêm những đặc sản nổi tiếng của địa phương như: dâu tây, mật ong rừng, phấn hoa, chè, miến dong, hoa quả... Qua đó, Điểm bán hàng Việt Nam sẽ không chỉ là nơi bán hàng cho bà con trong tỉnh mà còn là điểm phát luồng các mặt hàng đặc sản địa phương đi khắp cả nước.
Năm 2017, Sơn La đặt ra mục tiêu xây dựng từ 16 - 18 Điểm bán hàng Việt tại các huyện, thành phố.
KHỞI NGHIỆP - GƯƠNG SÁNG |
Lão nông Hà Nhì làm giàu nhờ nuôi bò
Ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có rất nhiều người nuôi bò, nhưng ông Chang Váng Sinh (dân tộc Hà Nhì) có lẽ là người chăn nuôi bò đặc biệt nhất. Bởi nhờ nuôi bò, ông xây được nhà khang trang, có tiền lo cho con cái học hành. Nhiều năm liền, ông luôn là người sở hữu đàn bò lớn nhất, nhì xã Sín Thầu.
Vượt qua hơn 1 km đường đồi đất khúc khuỷu giữa trưa hè nắng nóng, chúng tôi gặp được ông Chang Váng Sinh trong ngôi nhà gỗ khang trang, còn thơm mùi gỗ mới. Chưa kịp khen ngôi nhà thì được biết, đây chỉ là nhà ông làm để tiện trông coi trang trại, nhà chính ở trên bản A Pa Chải. Ông Sinh bộc bạch: “Nhà nào thì cũng là nhờ nuôi bò mà ra cả. Ti vi, tủ lạnh, 2 xe máy, cả cái công nông, máy xay xát kia cũng đều mua từ tiền bán bò… mà có. Nhờ nuôi bò, tôi được công nhận là nông dân điển hình 3 năm liền, được tỉnh cho đi thăm quê Bác, được vào Huế, Quảng Bình. Phấn khởi lắm…”. Và câu chuyện về công việc chăn bò được ông Sinh kể chậm rãi, tự nhiên như những gì ông đã trải qua hơn 20 năm nay.
Ông Sinh nhớ lại, trước năm 1997, như nhiều gia đình ở Sín Thầu, gia đình có 8 người con của ông cũng thường xuyên đứt bữa. Lo ăn đã đủ cực nhọc, nghĩ gì tới việc xây nhà, mua sắm. Năm 1997, nhờ Chương trình 135 lên với vùng đất biên giới này, gia đình ông Sinh được nhận 10 con bò với cam kết nuôi trong vòng 3 năm, sau đó phải chuyển bò giống cho gia đình khác. Sau 3 năm nuôi bò, gia đình ông Sinh đã có thêm được 7 con bò giống. Nhận thấy, bò sinh sản thuận lợi lại khá phù hợp với địa hình đồi núi của địa phương, ông Sinh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách để mua thêm bò. Khi đó, giá bò khoảng 2 triệu đồng/con. Nhờ biết tận dụng nguồn thức ăn sẵn có là những đồi cỏ gianh mênh mông vùng ngã ba biên giới, từ 20 con bò ban đầu, sau vài năm, có lúc đàn bò của ông Sinh đã tăng lên gần 200 con.
Có bò rồi nhưng tiêu thụ không dễ vì đường từ Sín Thầu ra đến trung tâm huyện phải đi bộ mất vài ngày đường. Ông Sinh tính chuyện mang bò sang bản Long Phú, xã Khúc Thủy, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phía bên kia biên giới để bán. Nhằm phiên chợ, ông Sinh lại dong cả chục con bò, đi bộ vài cây số đường rừng đến bản Long Phú bán lấy tiền, rồi đổi gạo, đổi quần áo, đổi đồ dùng sinh hoạt. Thậm chí đổi cả vật liệu để xây nhà…
Thấy ông Sinh nuôi bò thành công, nhiều người trong bản tìm đến ông học hỏi. Biết gì ông đều mách cho bà con. Thậm chí ông còn trông bò hộ các hộ gia đình như: nhà Sá Hừ (12 con), Sùng Tư (6 con), Khóa Sang (4 con). “Trông hộ thôi, tối thì gọi chúng về ngủ trong chuồng. Bò ăn cỏ ngoài tự nhiên, có phải nuôi đâu mà lấy công” – ông Sinh hồn hậu.
Hỏi bí quyết giúp ông trở thành người nuôi bò nổi tiếng, ông Sinh cười bảo, trước nuôi dễ hơn nhiều, bây giờ thời tiết thất thường, bò cũng chết vì dịch bệnh đấy, có năm chết vài con liền. Nói rồi, ông Sinh chỉ cho chúng tôi xem khu chuồng bò được dựng bằng gỗ khang trang. “Ban ngày thả bò lên đồi kiếm ăn, tối lại gọi bò về chuồng ngủ. Bây giờ không để bò ngủ lang thang nữa để tránh bị chết rét. Ở đây thuận lợi vì có đất đai rộng lớn, nhưng để bò không bị bệnh phải thường xuyên theo dõi; định kỳ làm theo lời cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Mường Nhé hướng dẫn, mua thuốc thú y, tiêm phòng…” – ông Sinh chia sẻ.
Ở tuổi 65, ông Chang Váng Sinh vẫn nhanh nhẹn, săn chắc, bàn chân leo núi không biết mỏi, giọng nói sang sảng. Ông cười bảo: “Giờ tôi không phát triển đàn bò nữa, tới đây sẽ chia bớt cho con cháu, mình chỉ nuôi vài con cho vui thôi, ở nhà tập trung vào trồng ngô, nuôi ong, trồng cây ăn trái… Tôi hiện có 20 cháu và 1 chắt. Con cháu cứ hạnh phúc, ngoan ngoãn là mình vui”.
Là nông dân sống ở nơi ngã ba biên giới xa xôi, không có điều kiện để đi học nhưng bằng sự chịu thương chịu khó, lão nông người Hà Nhì - Chang Váng Sinh đã cho thấy, có nhiều cách để người nông dân có thể làm giàu trên chính quê hương mình.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)