Thông tin giá cả thị trường số 25/2017

08:50 AM 07/07/2017 |   Lượt xem: 9575 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Kiến nghị một số ưu đãi cho cây sắn

Sắn là một trong những loại cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây cũng là cây trồng giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa - mất giá, sản phẩm khó tiêu thụ… khiến cuộc sống của người trồng sắn lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực trạng này, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã kiến nghị một số chính sách ưu đãi cho cây sắn như đang áp dụng cho cây lúa, cây mía, cây cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sắn.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, với diện tích khoảng 550.000 héc-ta, năng suất 10 triệu tấn/năm, cây sắn đang được trồng từ Bắc tới Nam, có mặt trên cả 6 vùng sinh thái trong cả nước, thu hút trên 50.000 lao động công nghiệp cho các nhà máy, cơ sở chế biến và 1,2 triệu lao động trồng sắn. Mỗi 1 héc-ta sắn mang lại lợi nhuận khoảng 11,6 triệu đồng, thấp hơn một chút so với trồng lúa (14 triệu đồng/héc-ta/năm). Đặc biệt, cây sắn ít kén đất, lại được trồng ở những vùng đặc biệt khó khăn, cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo.

Những năm gần đây, sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào nhóm 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Riêng năm 2016, sản lượng xuất khẩu sắn và các mặt hàng từ sắn đạt 3,9 triệu tấn với tổng giá trị kim ngạch 1,08 tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 5 trong các cây trồng có kim ngạch xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Chính vì vậy, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị Thủ tướng có những chính sách ưu đãi cho cây sắn như đang áp dụng cho cây lúa, cây mía, cây cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sắn.

Thứ nhất, về vấn đề quy hoạch, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần có chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển nhà máy chế biến, đảm bảo sự phát triển cân đối và bền vững cho ngành sắn trước mắt và lâu dài. Bởi trên thực tế, nhiều diện tích cây sắn ở các địa phương vẫn được trồng theo quảng canh, năng suất thấp. Đối với công nghiệp chế biến, vẫn còn xuất thô lớn và phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nên có nhiều rủi do trong khi tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn tiếp tục là vấn đề nan giải.

Thứ hai, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, thuế giá trị gia tăng đường kính đã giảm từ 10% xuống còn 5% nhưng tinh bột sắn vẫn áp dụng mức thuế 10%. Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh mức thuế xuống 5% với tinh bột sắn vì sản phẩm này có 80% được xuất khẩu và đóng góp vào kim ngạch lớn của quốc gia. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu sắn củ tươi nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu củ sắn tươi qua các cửa khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, hạn chế việc xuất khẩu thô, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trong nước. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi để khai thác nguồn nguyên liệu từ Lào và Campuchia về Việt Nam, đảm bảo nhu cầu chế biến trong nước. Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến chương trình làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho đăng ký xuất khẩu bã sắn của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cần Thơ: Xoài cát Hòa Lộc tiêu thụ khó

Hiện nay, các nhà vườn ở Nam bộ đang vào vụ thu hoạch xoài cát. Khác với mọi năm, năm nay, xoài cát tiêu thụ khó, giá giảm trong khi giá nhiều loại trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giữ ở mức khá cao.

Nhiều nông dân trồng xoài tại Cần Thơ đang lâm vào cảnh khốn đốn do thương lái không thu mua xoài. Hiện xoài chín cây rụng gần 1/3 sản lượng nhưng vẫn chưa thấy thương lái vào thu mua. Trước đây khoảng nửa tháng, xoài cát được thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg thì hiện nay, giá chỉ còn 12.000 đồng/kg nhưng không phải ai cũng bán được vì có rất ít thương lái thu mua.

Chủ một vựa xoài lớn ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, các năm trước mỗi lần vận chuyển xoài lên TP. Hồ Chí Minh bán cho các chủ vựa trái cây đầu mối với số lượng từ 700 đến 1.000 thùng. Thế nhưng hiện tại, mỗi chuyến chỉ bán được khoảng 300 – 400 thùng. Giá xoài bán cho vựa đầu mối hiện cũng đã giảm mạnh, chỉ còn từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đang vào mùa vụ thu hoạch chính của nhiều loại trái cây nên có hiện tượng dội chợ. Địa phương đang tìm biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà vườn bằng cách liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối, triển khai đầu tư các điểm thu mua trái cây trên địa bàn, kiến nghị Sở Công Thương tìm giải pháp tiêu thụ…

Xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất của thành phố Cần Thơ với diện tích lên đến 1.200 héc-ta. Xoài cát Hòa Lộc cũng là loại cây ăn trái đặc sản có chất lượng của vùng Nam bộ, được nông dân tập trung trồng chủ yếu. Đây cũng là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân trong những năm qua.

Lai Châu: Đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây mắc ca rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Lai Châu, có thể trồng tập trung hoặc trồng xen chè. Hiện nay, tỉnh đã đưa loại cây trồng mới này vào quy hoạch phát triển nông nghiệp với mục tiêu đưa mắc ca trở thành cây trồng chủ lực.

Thời gian qua, bà con nông dân đã trồng tự phát khoảng 250 héc-ta mắc ca và đã thu hoạch, sản phẩm không đủ để bán trên thị trường. Theo Ðề án phát triển cây mắc ca của tỉnh Lai Châu, từ nay đến năm 2020, địa phương sẽ trồng 3.600 héc-ta, trong đó có 2.600 héc-ta trồng tập trung và 1.000 héc-ta trồng xen cây chè.

Một hộ gia đình trồng mắc ca xen chè ở bản Chin Chu Chải, xã San Thàng cho biết, gia đình bà đã thu hoạch ba mùa quả mắc ca. Cây trồng càng lâu năm quả càng sai, sang năm thứ 6 sẽ cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả tươi/héc-ta, giá bán năm ngoái là 50.000 đồng/kg, không đủ để bán ở thị trường Lai Châu. Các chuyên gia cũng cho biết, mỗi héc-ta cây mắc ca trồng tập trung, sau năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch khoảng 800 kg quả, thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Càng về sau, năng suất càng tăng. Gần 4.000 héc-ta chè của địa phương là một lợi thế lớn để trồng xen loại cây trồng mới này.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang giao cho Sở Nông nghiệp cùng với các sở, ngành xây dựng Ðề án phát triển cây mắc ca. Đề án bao gồm cả hướng dẫn về kỹ thuật, chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc dành khoảng 100 tỷ đồng hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện về cơ chế và đất đai cho các doanh nghiệp vào đầu tư trồng tập trung, thu mua và chế biến hạt mắc ca.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

An Giang: Giá sắn giảm mạnh

Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, hàng ngàn héc-ta sắn non đang chờ thu hoạch. Tuy nhiên, giá sắn trên thị trường giảm mạnh do tình trạng cung vượt quá cầu đã khiến người nông dân ngán ngẩm. Hiện thương lái thu mua củ sắn loại tốt nhất là 1.100 đồng/kg. Nhưng những rẫy sắn ở xa đường lớn, chi phí vận chuyển cao thì thương lái không thể đến thu mua được. Trong khi đó, mỗi 1.000 m² sắn chi phí trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể chi phí nhân công của cả gia đình đổ vào đó. Với giá chưa tới 1.000 đồng/kg thì không đủ chi phí thuê người thu hoạch, người trồng không có lãi.

Bình Phước: Người trồng bí đỏ lỗ nặng

Tại Bình Phước, bí đỏ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, nay giảm giá xuống chỉ còn từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Mức giá này đang khiến nhiều người trồng bí đỏ ở Bình Phước lao đao. Không chỉ giảm giá mạnh, người nông dân trên địa bàn còn phải đối mặt với nỗi lo mất mùa vì thời tiết không thuận lợi, mùa mưa đến quá sớm so với mọi năm. Nhiều vườn bí, sản lượng giảm mạnh nên bà con chỉ thu hoạch cầm chừng, được trái nào hay trái nấy.

Trên thực tế, bí đỏ mất mùa ở thời điểm này nằm ngoài dự tính của người nông dân bởi năm nay thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa đến quá sớm (từ giữa tháng 3), ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng. Hoa bí không thể thụ phấn và thậm chí thối trái khi đã đậu quả. Hơn nữa, mưa nhiều cũng gây thối hoa, bí không thể kết quả, chưa kể sâu bọ phát sinh khi mưa đến.

Thời tiết bất lợi, thị trường bị chi phối, đầu ra không ổn định, người nông dân trồng bí giờ không biết lấy đâu ra nguồn vốn để tiếp tục đầu tư.

Đắk Lắk: Diện tích trồng nghệ tăng đột biến

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2017, toàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk sẽ trồng 500 héc-ta nghệ. Tuy nhiên, đến nay, diện tích đã tăng lên 1.356 héc-ta, bằng 271% kế hoạch, trong khi vụ đông xuân 2016 - 2017 chỉ có 752 héc-ta.

Nguyên nhân khiến diện tích nghệ tăng đột biến là do nhu cầu thị trường tăng cao khiến người dân đổ xô trồng. Phần lớn các diện tích trồng nghệ đều tự phát, chỉ một số ít là có liên kết với doanh nghiệp. Mặc dù ngành nông nghiệp huyện Ea Kar đã đưa ra những khuyến cáo nhưng người dân vẫn tự ý phát triển diện tích. Hiện địa phương đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình phát triển cây nghệ trên địa bàn huyện để đưa ra giải pháp, kế hoạch phát triển phù hợp trong thời gian tới.

Trên thực tế, bà con có thể tận dụng diện tích lớn đất trống, đồi núi trọc để trồng nghệ. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cần tuân theo quy hoạch của địa phương, chủ động từ khâu ươm trồng đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.

Đồng Nai: Giá hạt điều giảm 30 - 40%

Thời điểm này, nông dân huyện Long Thành đang thu hoạch điều cuối vụ với giá bán giảm mạnh. Cụ thể, giá hạt điều tươi bán tại rẫy chỉ được 25.000 đồng/kg và hạt điều khô 49.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% so với đầu vụ. Đáng chú ý, giá bán giảm, năng suất và chất lượng hạt điều năm nay cũng đạt thấp khiến nhiều hộ nông dân bị lỗ nặng. Theo nhiều nông dân, ước tính nhiều vườn điều năm nay năng suất giảm từ 30 - 70%. Nguyên nhân chính do mưa trái mùa kéo dài gây khô bông, rụng trái non cộng với nhiều loại sâu bệnh như: bọ xít muỗi đỏ, thán thư... Bên cạnh năng suất giảm, nhiều vườn điều đậu trái muộn cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng hạt, nông dân phải phân loại bỏ đi những hạt không đạt chất lượng.

Huyện Long Thành có tổng số trên 3.200 héc-ta điều trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Phước Bình, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn và Tân Hiệp…

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai: Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ heo

Sau gần 2 tháng tập trung “giải cứu”, đến nay, số lượng heo tồn của tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 300.000 con xuống còn hơn 120.000 con. Ngành chức năng của địa phương đang nỗ lực tìm các phương án giúp người chăn nuôi qua cơn “bĩ cực”.

Gặp khó do tăng trưởng “nóng”

Tại cuộc tọa đàm ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập, bà Hoàng Thị Bích Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trong việc “giải cứu” đàn heo ở Đồng Nai nhiều tháng qua, vai trò của các sở, ngành chức năng của TP. Hồ Chí Minh là rất đáng kể, đặc biệt là Sở Công thương. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ của thành phố không thể tăng thêm được nữa (với mức thu mua 5.000 - 6.000 con/ngày) nên các cơ quan hữu quan tỉnh Đồng Nai phải tăng cường các biện pháp nhằm kết nối hỗ trợ để tiêu thụ heo trong nội bộ tỉnh. Cụ thể như kết nối tiếp với tổng cộng 21 doanh nghiệp có lượng công nhân lớn và có bếp ăn tập thể; kết nối với hệ thống các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng điểm bán thịt heo bình ổn từ 14 lên 24 điểm như hiện nay. Trên thực tế, lượng heo tồn giảm nhưng giá heo hơi trên địa bàn tỉnh không tăng bởi sức tiêu thụ đã bão hòa.

Theo ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tổng số đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1,6 triệu con, đã giảm so với tổng đàn hơn 2 triệu con hồi đầu năm 2017. Trước tình hình giá bán heo hơi giảm sâu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó có việc triển khai các cửa hàng bình ổn giá. Theo đánh giá, hoạt động của các cửa hàng này đã góp phần đẩy giá bán heo tăng lên. Tuy nhiên, với số lượng heo tồn lớn, giá heo hiện vẫn đang ở mức thấp, dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg giá bán tại hộ dân và khoảng 24.000 - 27.000 đồng/kg giá bán ở các trang trại.

Một vấn đề phát sinh trong đợt giá heo hơi xuống thấp là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tự động giết mổ, bày bán heo tràn lan dọc các tuyến đường, thậm chí chở đi bán rong. Bên cạnh đó là việc lợi dụng để thu mua heo bệnh, chết về giết mổ. Để giải quyết tình trạng này, Sở Công thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền các hộ dân giết mổ tại các cơ sở tập trung; đồng thời kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ heo nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm, môi trường…

Hướng đến xuất khẩu

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định, nhu cầu tiêu thụ heo trong nước hiện nay khó có thể tăng. Do đó, nếu được xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường nội địa và sẽ giải phóng nhanh hơn lượng heo tồn trong người dân. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay, đầu ra xuất khẩu tiểu ngạch heo sang Campuchia cũng đang khá thuận lợi. Khi thấy giá heo hơi Việt Nam xuống quá thấp, nhiều thương lái đã sang thăm dò thị trường Campuchia và tiến hành mua heo với lượng lớn bán sang nước này.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, xuất khẩu heo sang Campuchia là một hướng mở trong lúc này. Song, heo hơi Đồng Nai xuất khẩu sang Campuchia có mức giá không cao, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Chỉ có heo tại các tỉnh gần biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia bán được giá hơn do tốn ít chi phí vận chuyển. Dù giá không được cao, thế nhưng ở thời điểm khó khăn, việc xuất được heo cũng sẽ giúp giảm bớt lượng heo tồn.

Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi - Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai), lượng heo của Đồng Nai xuất đi các địa phương giáp biên giới Campuchia như: An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp cũng đã có sự gia tăng từ đầu tháng 5/2017 đến nay. Cụ thể, ở thời điểm đầu tháng, mỗi ngày lượng heo của Đồng Nai xuất về các địa phương này khoảng gần 600 con, đến thời điểm giữa tháng, lượng heo về các địa phương này tăng lên mức hơn 900 con/ngày. Trong tháng 6 này, mỗi ngày vẫn có hơn 600 con heo từ Đồng Nai xuất về các tỉnh này.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Đinh Quốc Thái:

Phục hồi ngành chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Cụ thể là việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi, mở rộng các kênh tiêu thụ… Đồng thời, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ vay vốn để người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện tại.

HÀNG VIỆT

Chè hoa vàng – báu vật trên đất Quế Phong

Từ một loài cây mọc tự nhiên trên đồi núi, cây chè hoa vàng đã được người dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát triển, phục vụ cho bào chế dược liệu, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân…

Băng rừng tìm chè

Có mặt tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, chúng tôi được một cán bộ xã đưa xuống bản Hủa Na 1. Khó có thể nhận ra đây là bản tái định cư mới được xây dựng 5 năm, ngoại trừ một vài ngôi nhà xây đặc trưng của dự án, bởi xung quanh bản đã được phủ một màu xanh mướt của cây cối. Đặc biệt ở đây có ông Lô Văn Sinh – chủ một vườn chè hoa vàng “độc nhất vô nhị” với hơn 1.000 gốc. Vườn chè của ông Sinh nằm cách nhà khoảng 500 mét, là khu đất ông tự khai hoang khi di dân tái định cư cách đây 5 năm.

Theo tiếng Thái, chè hoa vàng được gọi là cỏ tắp quái, một loại cây thân gỗ nhỏ cao từ 2 - 5 mét. Năm 2012, cây chè hoa vàng được phát hiện và công bố những thông tin giá trị, đặc biệt nhất là nó có chứa hơn 400 thành phần dinh dưỡng, là loại dược liệu quý. Hiện nay, trên thị trường giá của 1kg chè hoa vàng khô từ 2 - 3 triệu đồng, còn loại đã qua chế biến có thể lên đến 12 triệu đồng.

Là cựu chiến binh chiến trường Campuchia, năm 2012 gia đình ông Sinh cùng 46 hộ trong bản được đưa đi tái định cư để xây dựng Thủy điện Hủa Na, đây cũng là lúc thông tin về cây chè hoa vàng được công bố. Ông không ngờ cái cây thấp lè tè có hoa vàng ánh kim mà mình đi rừng hay gặp lại có giá trị đến thế. Thế rồi, cứ mỗi khi rảnh rỗi, ông lại vào rừng, lùng tìm những cây chè con đem về trồng, ròng rã 5 năm, không ngừng nghỉ. Để có cây con, ông Sinh phải lặn lội vào rừng sâu để tìm, mỗi chuyến cả ngày trời, có khi đi mấy ngày. Khi rừng gần hiếm cây con, ông lại lặn lội đến những cánh rừng xa, trèo lên cả đỉnh Pù Noóc Ngùa (núi U Bò) – một đỉnh núi cao nhất ở Thông Thụ để tìm chè. Cứ thế, đào được cây nào về trồng cây ấy, đến nay vườn chè của ông đã có hơn 1.000 gốc và từ năm ngoái đã cho lứa hoa đầu tiên. 

Lo bảo tồn nguồn gen quý

Sau khi công bố giá trị của cây chè hoa vàng, các xã có cây chè này cũng đang tích cực vận động người dân bảo vệ và phát triển loại cây này. Anh Lô Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng, xã đã tổ chức cho người dân ký cam kết không phá hoại cây chè hoa vàng, coi đây là cây đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương.  Tại xã Đồng Văn, Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng tại khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cây giống để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là việc mở rộng diện tích để trồng chè hoa vàng.

Trước giá trị kinh tế của cây chè hoa vàng, năm 2016, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5 héc-ta cây chè hoa vàng. Riêng  năm 2017, mục tiêu trồng được 1héc-ta, đến  nay đã trồng được 0,5 héc-ta cây chè hoa vàng. Điều này cho thấy, để phát triển được cây chè hoa vàng không phải là việc làm đơn giản. Chưa kể mới đây có tình trạng thương lái vào thu mua thân, rễ, lá chè hoa vàng với giá cao đã gây ra những bất ổn, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn của huyện.

Ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Trước thông tin tại một số xã xảy ra hiện tượng người dân vào rừng đào gốc, chặt cây chè hoa vàng để bán cho thương lái, huyện đã phải làm công văn hỏa tốc yêu cầu các xã, các chủ rừng và đơn vị liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng để bán. Giao cho các xã kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các đối tượng mua bán gốc, cây chè hoa vàng để nhắc nhở, xử lý nghiêm. Đồng thời, họp tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Vĩnh Long: Tập trung kiểm tra chất lượng phân bón

Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, trong 3 tháng qua, Chi cục quản lý thị trường và Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra 210 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, phát hiện 12 mẫu kém chất lượng.

Theo đó, cơ quan chức năng đã lấy 147 mẫu phân bón vô cơ các loại tại 72 cơ sở kinh doanh và gửi 134 mẫu đi kiểm nghiệm.  Kết quả, có 87/99 mẫu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất, chiếm tỷ lệ gần 88% và 12/99 mẫu phân bón không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất, chiếm tỷ lệ trên 12%.

Trong số 12 mẫu không đạt chất lượng có 4 mẫu có các chỉ tiêu chất lượng dưới 70% thuộc loại hàng giả về chất lượng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, so với tỷ lệ vi phạm phân bón kém chất lượng trong quý 2 giảm xuống còn 12% so với quý 1 là 17%.

Qua kiểm tra phát hiện 4 mẫu phân bón giả gồm: Mẫu phân High Fertilizer 16-48-0 ngày sản xuất 12/2/2017 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Osaka Nhật Bản do cửa hàng vật tư nông nghiệp Hồng Khánh bán; mẫu phân bón Fertilizer efficiency 15-15-15+TE ngày sản xuất 3/1/2017 do Công ty APT AgriCo., Ltd do Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Thuận bán. Riêng 2 mẫu phân dạng viên màu 32-10-10+TE ngày sản xuất 1/3/2017 và phân dạng màu 17-17-17+TE ngày sản xuất 10/3/2017 của Công ty phân bón An Phú Thuận đều giả do Cửa hàng vật tư nông nghiệp Yến Nhi bán.

Đoàn kiểm tra đã xử lý 12 mẫu phân bón không đạt chất lượng, phạt hành chính đối với 9 cửa hàng kinh doanh phân bón với số tiền gần 190 triệu đồng. Còn lại 7 mẫu vi phạm của 3 cửa hàng đang chờ kết quả thử nghiệm lại lần 2 sẽ xử lý.

Bình Thuận: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện và chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong đó, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chú ý tập trung kiểm tra các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý ngành Công Thương, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử gia dụng, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Chi cục cũng đã tổ chức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Theo đó đã có 78 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 85 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, 185 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương, 63 cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ… tham gia ký kết.

Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng quản lý thị trường còn kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các quy định về an toàn thực phẩm. Điều này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về thương mại, bảo vệ lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên khâu lưu thông. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nâng cao hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)