TIÊU ĐIỂM |
Vải thiều VietGAP: Giá ổn định, tiêu thụ thuận lợi
Tại thời điểm này, giá vải thiều sớm trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP và tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP được thương lái thu mua với giá khá cao từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, thậm chí có những lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Giá bán này cao gấp 2 - 3 lần so với vải được chăm sóc bình thường.
Giá cao, tiêu thụ tốt
Hồng Giang là một trong những xã có diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn nông sản sạch VietGAP, GlobalGAP nhiều ở huyện Lục Ngạn. Theo các hộ trồng vải ở đây, việc sản xuất an toàn theo tiêu VietGAP, GlobalGAP không những mang lại nhiều ưu thế nổi trội cho quả vải mà còn ổn định về giá và đầu ra tiêu thụ.
Với hơn 1 héc-ta trồng vải sạch, trong đó có 2 mẫu trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Global, gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1 dự tính, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ vải thiều đem lại cho gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng. Được biết, từ năm 2015, gia đình anh Quyên đã đầu tư chăm sóc vải theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nên giá cả rất ổn định, vải bán được giá, có đầu ra bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - ông Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, năm 2017 dù thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản xuất, làm sản lượng vải thiều Lục Ngạn giảm. Tuy nhiên, nhờ chất lượng tốt, vì đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGap nên giá trị xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vẫn đạt khoảng 26.000 tấn, doanh thu 1.300 tỷ đồng, tương đương 60 triệu đô-la Mỹ.
Hiện nay, sản xuất vải thiều an toàn không chỉ được thực hiện ở hộ trồng vải tại các thôn mà được nhân rộng thành phong trào sản xuất an toàn theo tổ, nhóm, hợp tác xã, nhằm giúp vải thiều Lục Ngạn đồng bộ về mặt chất lượng và mẫu mã theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGap và GlobalGap. Để tiêu thụ vải thiều ổn định và bền vững, huyện Lục Ngạn đã xây dựng Nghị quyết giao Hội nông dân huyện và các xã vận động hội viên mỗi xã thành lập có ít nhất 1 hợp tác xã. Mỗi thôn ít nhất phải có 1 Tổ hợp tác là đầu mối kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp thu mua vải thiều xuất khẩu.
Niên vụ vải thiều Lục Ngạn 2018, từ cuối tháng 5/2018 đã có hàng trăm thương lái và doanh nghiệp tìm về địa phương để ký kết các đơn hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tăng diện tích sản xuất VietGAP, GlobalGAP
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung sản xuất theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo đó, cùng với mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 11.000 héc-ta (tăng 300 héc-ta so với vụ trước), Lục Ngạn duy trì thực hiện hơn 217 héc-ta vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 18 mã vùng được cấp tại 6 xã gồm: Hồng Giang, Kiên Lao, Tân Sơn, Giáp Sơn, Tân Mộc và Biên Sơn.
Trên thực tế, việc đẩy mạnh sản xuất vải thiều sạch, an toàn không chỉ giảm chi phí, nâng cao giá trị quả vải mà còn bảo vệ sự an toàn cho người sử dụng và cả chính người sản xuất. Chất lượng quả vải thiều Bắc Giang cũng được nâng cao, quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Và để phát triển bền vững cây vải thiều thì đây là một trong những hướng đi tất yếu.
Ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, trong 5 năm trở lại đây, vải thiều Lục Ngạn năm nào cũng tiêu thụ thuận lợi, chưa xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá” như một số mặt hàng nông sản khác. Năm nay, hình thức đóng gói bao bì cũng có nhiều đổi mới, sử dụng hộp nhựa, túi lưới chứa 1 - 5 kg. Ngoài ra, còn có thùng giấy, thùng carton đóng gói từ 1 - 5 kg theo yêu cầu của các nước nhập hàng. Cùng với hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng tiếp tục khuyến khích người dân sản xuất an toàn để tiêu thụ và quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Bao tiêu mía nguyên liệu cho nông dân
Để nông dân an tâm đầu tư sản xuất vụ mía mới 2018 - 2019, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã triển khai chương trình bao tiêu mía cho nông dân. Đây là một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng giá mía và giá đường giảm mạnh, đồng thời cứu nguy cho người trồng mía.
Casuco sẽ tiến hành ký hợp đồng bảo hiểm, bao tiêu giá sàn mua mía nguyên liệu cho nông dân là 800 đồng/kg (loại mía 10 chữ đường) tại cầu cảng của nhà máy đường Casuco. Phạm vi bao tiêu là những nông dân trồng mía có liên kết với Casuco ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng… Đây là mức giá đảm bảo đời sống cho nông dân trồng mía. Cũng theo Casuco, điểm mới trong hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu lần này là nông dân khi ký hợp đồng với công ty xong, trường hợp tới kỳ thu hoạch mà giá mía và giá đường sụt giảm… thì Casuco vẫn thu mua mía bằng với giá sàn đã ký kết. Đối với trường hợp nông dân không có hợp đồng bao tiêu, thì sẽ mua thấp hơn, theo giá thị trường.
Song hành với bao tiêu giá sàn cho nông dân, Casuco còn hỗ trợ về khuyến nông, cho mượn mía giống tốt, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng mía…
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 10.600 héc-ta mía nguyên liệu. Hiện cây mía đang được tái cơ cấu để giảm giá thành sản xuất xuống mức 500 đồng/kg vào năm 2020. Đồng thời, tăng cường cơ giới hóa trên đồng mía. Đối với nhà máy đường thì nghiên cứu phát triển thêm những sản phẩm sau đường, nhằm gia tăng chuỗi giá trị mía đường…
EC sẽ tăng cường kiểm tra thanh long Việt Nam
Cục Bảo vệ Thực vật đã có công văn gửi các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long về việc Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thanh long Việt Nam sau khi phát hiện có sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng thanh long.
Dự kiến việc tăng cường kiểm tra nói trên sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 6. Phía EC dự định áp dụng quy định mỗi lô thanh long xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không vượt mức dư lượng tối đa của EC (EU-MRLs) kèm theo kết quả xét nghiệm, đồng thời tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu (hiện là 10%).
Trước tình hình đó, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, hướng dẫn các địa phương, người trồng thanh long, thực hiện một số nội dung sau: Rà soát bộ thuốc BVTV sử dụng cho thanh long trên địa bàn; hướng dẫn người trồng sử dụng đúng các thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây thanh long; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối thuốc trên địa bàn, nhất là vùng trồng thanh long; tăng cường kiểm tra việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV tại vùng trồng thanh long; tăng cường hoạt động tuyên truyền, huấn luyện người trồng thanh long về việc sử dụng thuốc BVTV, các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, quy trình phòng trừ dịch hại đảm bảo ATTP; khuyến cáo các chủ thể trong chuỗi sản xuất thanh long thực hiện và duy trì hoạt động truy xuất (lưu trữ thông tin, ghi chép lại các hoạt động đầu vào, đầu ra); hình thành thói quen ghi chép hoạt động sử dụng thuốc BVTV của người trồng thanh long.
Trước mắt, EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra, bao gồm: Yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU, thay vì chỉ 10% như hiện nay. Mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có “Giấy chứng nhận” (do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp) đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức MRLs theo quy định của EC, kèm theo kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Đồng Tháp: Giá khoai môn giảm mạnh
Hơn 2 tuần nay, người dân trồng khoai môn trên địa bàn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đang khốn đốn vì giá khoai giảm mạnh chỉ bằng 1/3 giá bán so với cùng kỳ. Hiện giá khoai còn 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu tính trung bình chỉ được khoảng 5 triệu đồng/công, trong khi tính riêng tiền thuê đất đã là 4 triệu đồng/công. Theo tính toán sơ bộ, người nông dân sẽ lỗ 15 triệu đồng/công. Dù biết khoai bán ra phải chịu lỗ nặng nhưng bà con vẫn phải bán vì để lâu khoai sẽ bị hỏng. Vì vậy, đa số nông dân đang có diện tích khoai thu hoạch phải “bán đổ, bán tháo” được đồng nào hay đồng nấy. Không chỉ nông dân gặp khó mà thương lái cũng thua lỗ vì đã đặt cọc mua khoai vào thời điểm giá cao.
Sở dĩ, giá khoai môn bấp bênh vì hiện nay bà con nông dân vẫn bán chủ yếu cho thị trường Trung Quốc xuất theo đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, trên địa bàn vẫn chưa có cơ sở chế biến khoai môn đủ mạnh để liên kết bao tiêu ổn định cho người dân.
Cần Thơ: Giá phân bón giảm
So với cách nay khoảng 1 tháng, giá nhiều loại phân bón: urê, kali, DAP... hiện giảm 200 - 400 đồng/kg, tương đương với mức giảm 10.000 - 20.000 đồng/bao 50kg. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhiều loại phân bón vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm trước từ 30.000 - 80.000 đồng/bao. Cụ thể: Urê Phú Mỹ và urê Cà Mau giá 350.000 - 370.000 đồng/bao. Giá DAP nâu (Trung Quốc) ở mức 530.000 đồng/bao; DAP hạt xanh (Trung Quốc) 620.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Cò Pháp 600.000 đồng/bao… Giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ đang giảm mạnh. Nông dân sản xuất lúa tại Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thu hoạch lúa vụ 2 (lúa hè thu) nên ít có nhu cầu mua phân bón. Dự báo, giá một số loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới.
Hậu Giang: Chanh không hạt giảm giá
Giá chanh không hạt ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã giảm hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm những tháng đầu năm. Cụ thể, giá chanh không hạt loại 1 được thương lái mua 10.000 đồng/kg, loại 2 có giá 7.000 đồng/kg. So với thời điểm tháng Giêng và tháng 2 âm lịch, giá chanh không hạt giảm từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Mặc dù giá chanh không hạt giảm mạnh nhưng vẫn đảm bảo cho nhà vườn có lãi. Hơn nữa, đây là loại cây trồng có thể cho trái quanh năm nên các nhà vườn có thể chủ động thời điểm thích hợp xử lý chanh ra trái để tăng nguồn thu nhập.
Toàn huyện Phụng Hiệp có khoảng 260 héc-ta đất sản xuất được nông dân đầu tư trồng chanh, phần lớn là chanh không hạt, tập trung nhiều ở xã Thạnh Hòa và Long Thạnh.
Thanh Hóa: Dứa thiếu đầu ra
Xã Hà Long, huyện Hà Trung được xem là một trong những thủ phủ trồng dứa của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, giá dứa xuống thấp, thậm chí thương lái không thu mua khiến nông dân lao đao. Hơn một tháng trước, giá dứa từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 2.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không thu mua.
Tính đến giữa tháng 6, xã Hà Long đã thu hoạch được khoảng 80%, còn lại khoảng hơn 5.000 tấn dứa chưa có thương lái thu mua. Đến thời điểm này phải che lại vì thời tiết nắng nóng, nhưng do giá dứa rẻ nên bà con cũng không làm, bỏ bê ruộng dứa.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cây dứa cho sản lượng, chất lượng cao. Tuy nhiên, quả dứa chủ yếu bán cho các thương lái trên thị trường, qua nhiều khâu trung gian nên giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến người trồng trọt.
Để đảm bảo sản xuất dứa của bà con theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có giá thành ổn định, phát triển bền vững, UBND xã Hà Long đã đề nghị được xem xét xây dựng nhà máy chế biến dứa tại địa bàn xã.
LƯU Ý - CẢNH BÁO |
Đắk Lắk: Người trồng khoai lang Nhật khốn đốn
Nhiều nông dân, doanh nghiệp trồng khoai lang Nhật ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang lo lắng vì giá bán khoai giảm mạnh mà vẫn khó tiêu thụ. Đặc biệt là các hộ dân phải vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng khoai với số lượng lớn đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Vào thời điểm này, trên các cánh đồng trồng khoai lang Nhật Bản thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nông dân đang tập trung thu hoạch. So với mọi năm, khoai năm nay được mùa, nhưng giá lại thấp nên nhiều hộ thua lỗ nặng. Giá khoai đầu vụ là 13.000 đồng/kg mua xô nhưng đến thời điểm này, giá bán khoai chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Tính trung bình, mỗi héc-ta khoai bà con lỗ 30 - 35 triệu đồng.
Đáng lo ngại nhất là một số hộ dân thấy bà con trong vùng trồng khoai lang Nhật năm trước thu lãi từ 80 - 90 triệu đồng/héc-ta đã vay tiền ngân hàng để chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng khoai. Năm nay, đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm thấp, không có thương lái thu mua nên khả năng thu hồi vốn rất khó, khoản vay ngân hàng chưa biết lấy gì để trả.
Theo các đại lý thu mua, sở dĩ năm nay giá khoai lang Nhật Bản xuống thấp là do các địa phương trong khu vực Tây Nguyên ồ ạt trồng với diện tích, sản lượng rất lớn. Vào vụ, các địa phương trồng khoai thu hoạch đồng loạt nên nguồn cung lớn hơn cầu. Ngoài ra, thời tiết miền Bắc nắng nóng nên người tiêu dùng ít ăn khoai. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Các thương lái Trung Quốc không nhập nhiều hàng như trước cũng là một trong những tác nhân khiến giá khoai lang giảm.
Mấy năm gần đây, trồng khoai lang Nhật đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến người dân đổ xô trồng loại cây này. Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Krông Ana có khoảng 350 héc-ta khoai lang Nhật Bản. Đây là vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, nên năng suất bình quân đạt từ 18 - 20 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, khi cung vượt cầu, giá khoai giảm mạnh dẫn đến tình trạng thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Căn cứ vào diễn biến thị trường niên vụ 2017 - 2018, huyện Krông Ana khuyến cáo người dân chỉ nên trồng khoai ở các chân ruộng cao, dễ thoát nước, tránh khu vực trũng. để đạt năng suất, bà con cũng nên chọn loại giống tốt phù hợp trồng để xuất khẩu. Những diện tích không phù hợp thì nên chuyển sang trồng các loại cây truyền thống như lúa, bắp để tránh rủi ro, thua lỗ.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI |
Tiêu huỷ 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Trung tuần tháng 5/2018, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã công bố việc tiêu hủy kho thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ trên địa bàn tỉnh.
Số thuốc được đem đi tiêu hủy có khối lượng gần 3 tấn. Chủ yếu là các loại thuốc kích chín hoa quả, kích thích sinh trưởng đóng trong các thùng, các bao in chữ Trung Quốc. Đáng lo ngại, các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều loại thuốc cực độc như thuốc diệt chuột, diệt ốc và trừ cỏ. Đặc biệt, theo kiểm tra của các cơ quan chức năng, toàn bộ số thuốc trên không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong đó có các nhóm thuốc trừ cỏ, trừ ốc, thuốc trừ cỏ có độc trong nhóm 1 (nhóm rất độc).
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật ở địa bàn biên giới hiện đang diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng thường xé lẻ các lô hàng, thuê người vận chuyển qua các đường mòn, rồi chở bằng xe đạp để tuồn sâu vào trong nội địa. Sau đó, thuốc được bán lẻ lén lút trong các chợ nhỏ nên rất khó phát hiện và xử lý. Thông thường, khi bị bắt, các đối tượng thường bỏ luôn hàng nên rất khó để cơ quan chức năng xử phạt.
Được biết, toàn bộ kho thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu này được vận chuyển bằng xe chuyên chở chất thải nguy hại để đưa về một lò nung xi măng ở tỉnh Hải Dương. Các thùng thuốc sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao để tiêu hủy. Trong suốt quá trình này, Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ giám sát chặt chẽ.
HÀNG VIỆT |
Xoài Yên Châu: “Bén duyên” thị trường Úc
Với 3 tấn xoài tượng da xanh vừa được Công ty TNHH Agricare Việt Nam thu mua và xuất khẩu sang thị trường Úc, người trồng xoài ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang có hy vọng mới trong việc nâng cao hơn nữa giá trị quả xoài - đặc sản của vùng đất này.
Sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý
Nếu như Sơn La là địa phương được biết đến với nhiều sản phẩm cây ăn trái cho giá trị cao; thì Yên Châu chính là huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh này. Trong đó, xoài là loại quả đang làm nên tên tuổi cho Yên Châu. Xoài trồng ở Yên Châu có hai loại chính là xoài tròn và xoài hôi. Xoài tròn Yên Châu nổi tiếng với hương vị đặc trưng thơm ngọt đậm đà, vỏ xanh vàng. Đây cũng là sản phẩm chỉ Yên Châu mới có, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu.
Ông Lường Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, huyện Yên Châu đã tập trung chỉ đạo phát triển một số cây ăn quả chủ lực dựa trên lợi thế về điều kiện khí hậu của vùng. Theo đó, Yên Châu đã tập trung phát triển cây xoài tại các xã vùng thấp dọc tuyến quốc lộ 6 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với trên 1.100 héc-ta, trong đó diện tích cho sản phẩm là 450 héc-ta, tổng sản lượng quả xoài đạt khoảng 3.500 tấn.
Bên cạnh đó, Yên Châu cũng đẩy mạnh thâm canh diện tích xoài cũ (xoài tròn và xoài hôi) và trồng mới thêm một số giống xoài có lợi thế xuất khẩu như xoài tượng da xanh. Đây là loại xoài thơm ngon, tươi lâu, trọng lượng lớn, có thể chế biến thành nhiều món và được nhiều thị trường ưa chuộng. Năm 2016, huyện Yên Châu đã phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng cho 7 héc-ta xoài tượng da xanh đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Úc. Đồng thời, phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La và Trung tâm quản lý chất lượng vùng I cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 6 hợp tác xã với gần 50 héc-ta sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn.
Cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào
Để có được các sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng xoài ở Yên Châu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, từ làm đất, bón phân, tỉa cành, phun thuốc, bao bọc quả và hái quá. Anh Hà Văn Nam, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho biết: Với 1 héc-ta trồng xoài tượng da xanh, vụ xoài năm nay gia đình anh dự kiến thu được khoảng 10 tấn xoài, trong đó có 2 tấn xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Với giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình anh Nam dự kiến sẽ có thu nhập khoảng 200 triệu đồng nhờ bán xoài.
Từ một người sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, đến nay, anh Nam và nhiều người dân Yên Châu đã rất có ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc và thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP. Với anh Nam, được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phát triển trồng cây ăn quả, được hỗ trợ xúc tiến thương mại… người dân rất yên tâm tập trung sản xuất để có các sản phẩm chất lượng cao.
Được biết, loại xoài mà doanh nghiệp sẽ thu mua để xuất khẩu sang Úc, Trung Quốc và các thị trường khác là xoài xanh, thuộc các giống lai như GL3; GL4, xoài Thái Lan, kích cỡ trung bình từ 7 - 9 lạng/quả. Ngoài yêu cầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm xoài xuất khẩu sang Úc đều được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; đồng thời thực hiện chiếu xạ theo quy trình của Úc.
Theo Phó Chủ tịch Lường Trung Hiếu, đây là năm thứ hai sản phẩm xoài tượng da xanh của Yên Châu xuất khẩu sang thị trường Úc – thị trường khó tính đối với các sản phẩm nông sản. Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người trồng xoài ở Yên Châu, mà hơn thế, còn tạo cho đồng bào ở Yên Châu ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm nông nghiệp làm ra; từ đó hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)