TIÊU ĐIỂM |
Ninh Thuận: Nâng cao giá trị cây nho
Nho là cây trồng chủ lực, có thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận. Những năm qua, nghề trồng nho đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Với lợi thế này, Ninh Thuận đang tiếp tục xây dựng các vùng nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao vị thế, giá trị của cây nho.
Thị trường khởi sắc, cho thu nhập cao
Tại buổi Tọa đàm “Nho và Vang Ninh Thuận”, do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức đầu tháng 10/2016, ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại “nho Ba Mọi” thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước cho biết, hiệu quả kinh tế của cây nho cao hơn 8 - 9 lần so với cây lúa... Nếu áp dụng đúng quy trình, tổng thu từ sản xuất nho dao động từ 750 - 900 triệu đồng/héc-ta/năm tùy từng loại giống, trừ các chi phí đầu tư, thu nhập từ 280 - 320 triệu đồng/héc-ta/năm. Hiện tại, nho chất lượng cao Ninh Thuận luôn bán được giá cao khoảng 70.000 đồng/kg nho xanh và 35.000 đồng/kg nho đỏ và có mặt tại các siêu thị, cửa hàng uy tín trong cả nước.
Chủ một vườn nho tại xã Phước Thuận, Ninh Phước cũng cho biết, trước đây, anh trồng 2 sào nho giống cũ, mỗi năm cắt 3 lứa được 9 tấn, trái nho nhỏ lại có vị chua, nên thương lái mua giá thấp, lời lãi chẳng bao nhiêu. Từ khi được Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố hỗ trợ giống nho mới NH01- 48, năng suất cao gần gấp đôi giống nho cũ, đã nâng nghề trồng nho nơi đây lên tầm cao mới. Nông dân coi trọng làm ra sản phẩm người tiêu dùng cần, chứ không sản xuất “theo cảm tính” như trước. Quả nho trồng theo quy trình VietGAP thương lái mua tận giàn cao gấp đôi so với phương thức canh tác cũ.
Các hộ trồng nho hiện nay đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng quy trình sản xuất sạch, nên chất lượng và năng suất cây nho tăng cao hơn trước, cuộc sống của bà con nhờ đó ngày càng khấm khá.
Ðẩy mạnh sản xuất nho an toàn
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích nho khoảng 1.120 héc-ta, tập trung chính ở: Huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn… Sản lượng ước đạt 33.600 tấn/năm. Tổng giá trị nho thu hàng năm khoảng 822 tỷ đồng. Phần lớn diện tích trồng 2 giống nho Red Cardinal và NH01-48 đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Đỗ Trung Thu - Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận cho biết, nho Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012, góp phần nâng cao vị thế nho của địa phương. Bản thân Hiệp hội Nho Ninh Thuận luôn đồng hành với nhà nông, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hơn 350 hội viên để tham gia lớp sản xuất nho VietGAP. Tuy nhiên, để nho Ninh Thuận đứng vững trên thị trường cần phải có sự chung tay tham gia của cả 3 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Đăng Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận chia sẻ: “Vấn đề khó khăn của người trồng nho là khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để gỡ khó cho người trồng nho, hàng năm ngành công thương luôn thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, thực hiện đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương. Đồng thời hỗ trợ cho các trang trại nho, các doanh nghiệp, các cơ sở trồng nho mang sản phẩm nho và sau nho kết nối với thị trường các tỉnh bạn”.
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh sẽ bổ sung, hoàn thiện việc xây dựng chương trình phát triển nho và các sản phẩm từ nho theo chuỗi giá trị trong toàn bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Qua đó để cây nho phát triển một cách bền vững và sản phẩm mang thương hiệu nho Ninh Thuận mãi “độc tôn” trên thị trường.
Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020”, cây nho vẫn được tỉnh tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực. Diện tích trồng nho sẽ được phát triển đến năm 2020 lên 2.200 héc-ta, dự kiến sản lượng khoảng 54.100 tấn.
MUA GÌ |
Hậu Giang: Nông dân chuẩn bị đào tiên hồ lô bán Tết
Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 năm nay nhà vườn Võ Hồng Quốc, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành – Hậu Giang sẽ lần đầu tiên cung cấp cho thị trường khoảng 200 cặp đào tiên với nhiều kiểu dáng như đào tiên hồ lô, đào tiên Tài Lộc và đào tiên hình bản đồ Việt Nam, giá mỗi cặp từ 600.000 – 1.000.000 đồng (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg). Ông Quốc cho biết, đào tiên là cây dễ trồng, thích nghi các vùng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, trồng 3 - 4 năm bắt đầu cho trái bói. Để tạo hình đào tiên hồ lô trước hết chọn những trái bóng đẹp, tròn cho vào khuôn. Thông thường mất 5 - 6 tháng trái tạo hình hồ lô hoàn chỉnh có thể cho thu hoạch. Hiện tại vườn đào tiên của ông trong giai đoạn tạo hình ở tháng thứ 3, dự kiến thu hoạch vào ngày 20 tháng Chạp. Với 100 cây đào tiên nói trên sau khi trừ hết chi phí dự kiến lãi khoảng 120 triệu đồng.
Giá đường trắng sẽ tiếp tục tăng
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 9, giá đường trên thị trường nội địa liên tục tăng lên. Đến cuối tháng, giá bán buôn đường kính trắng đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg, đường tinh luyện tăng 200 đồng/kg. Sang đầu tháng 10, giá đường vẫn tiếp tục tăng.
Do đó, giá bán buôn đường kính trắng đã vượt mốc 17.000 đồng/kg trên thị trường Hà Nội, ở mức 16.600 - 16.800 đồng/kg tại TP. Hồ Chí Minh và miền Trung. Giá bán buôn đường tinh luyện hiện khoảng 17.000 - 17.700 đồng/kg. Dự báo trong thời gian tới, giá đường còn có khả năng tăng tiếp.
Đồng bằng sông Cửu Long: Bắt ốc, kiếm tiền trăm mỗi ngày
Đồng bằng sông Cửu Long lũ về thấp, lại là điều kiện thuận lợi để ốc bươu vàng, ốc lát, ốc quắn… sinh sôi nảy nở vì không bị nước cuốn trôi. Thời điểm này, nhiều người dân ở An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, tranh thủ ra đồng bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Một nông dân ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, cho biết: Từ đầu mùa lũ đến nay gia đình anh mỗi ngày đi bắt ốc bươu vàng bán cho các hộ nuôi cá và nuôi vịt đem lại thu nhập khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Theo người dân, ốc bươu vàng lể ra lấy thịt bán giá 12.000 đồng/kg; ốc bươu giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, ốc lát giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Bình Định: Dừa xiêm lùn da xanh khan hàng
Hiện nay, mỗi trái dừa xiêm lùn da xanh được thương lái tìm về tận vườn tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định) thu mua với giá 8.000 đồng/trái. Nhu cầu cung ứng dừa với số lượng nhiều, thế nhưng nhiều chủ vườn tại đây không có dừa để bán. Chủ một vườn dừa xiêm lùn da xanh 150 cây ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn cho biết: Cả vườn dừa xiêm lùn da xanh với 150 cây của tôi trái chi chít oằn xuống chỉ cách mặt đất khoảng từ 0,5 – 1 mét, không cần leo trèo mà vẫn hái được dừa. Dừa xiêm lùn da xanh có lớp cơm mỏng, nước ngọt nên mỗi chuyến tàu vươn khơi ngư dân mang theo ít nhất 600 trái/chuyến đi. Vừa rồi, tôi mới bán được 300 trái/lượt với giá chỉ 8.000 đồng/trái, nhờ vậy đã thu về số tiền khá. Trước đây, nhiều ngư dân chọn nước giải khát có ga để uống khi đánh bắt trên biển thì hiện nay họ chuyển hướng sang uống nước dừa. Vừa thơm ngon vừa đạt chất lượng. Vì vậy, thương lái lùng sục khắp nơi vào tận vườn dừa để trả giá, thu mua nhưng vẫn “hiếm” hàng. Nhu cầu lớn, đôi lúc họ đành phải nhập dừa từ phía Nam về mới cung ứng đủ.
BÁN GÌ |
Hậu Giang: Triển vọng cá trê vàng trên ruộng lúa
Do có giá trị kinh tế cao nên ngoài những loại cá truyền thống được thả nuôi trên cánh đồng vào mùa nước nổi như: Cá chép, mè vinh, rô phi..., nông dân Phụng Hiệp (Hậu Giang) còn phát triển mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa. Theo thống kê, diện tích nuôi cá ruộng của Phụng Hiệp năm nay đạt khoảng 2.200 héc-ta thì có khoảng 50 héc-ta người dân áp dụng mô hình nuôi cá trê vàng. Trung bình 1kg cá giống khoảng 150.000 đồng, sau 6 tháng thả nuôi có thể cho thu 10kg cá thương phẩm, với giá bán hiện ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg, người nuôi có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/kg cá giống (cao gấp đôi so với các loại cá ruộng khác).
Bình Định: Thấp thỏm mùa cúc cuối năm
Những người trồng cúc ở thị xã An Nhơn (Bình Định) đang tất bật vào vụ trồng mới. Do thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, người trồng cúc phải can thiệp kỹ thuật dùng đèn điện hãm không cho cúc ra hoa sớm để kịp bán Tết. Bình quân 100 chậu cúc được bố trí 10 bóng điện sưởi treo bên trên giàn. Thông thường, ánh sáng điện sẽ duy trì đến mùng 6 tháng 11 âm lịch thì cắt, quãng thời gian sau đó để cúc phát triển tự nhiên. Sau khi cắt điện khoảng 10 ngày, cúc sẽ gom búp, ra hoa đúng dịp Tết. Nếu ai cắt điện muộn, cho cúc “ăn” điện thêm 5 - 10 ngày nữa thì cúc sẽ ra hoa muộn hơn, đến Tết hoa còn tươi nguyên thì sẽ bán được giá rất cao. Nhưng nếu trong quãng thời gian gần Tết gặp đợt lạnh bất thường thì coi như thất bại, bởi cúc sẽ không ra hoa.
Theo những người trồng cúc, 1 chậu cúc có đường kính 50cm, bung nở đẹp, tổng chi phí đầu tư là 120.000 đồng, nếu bán giá buôn sẽ được 250.000 đồng, bán lẻ từ 300.000 - 350.000 đồng. Chậu hoa có đường kính 40cm, đầu tư hết 80.000 đồng, bán sỉ được từ 150.000 - 170.000 đồng, bản lẻ được từ 200.000 - 250.000 đồng.
Đồng Nai: Xoài Suối Lớn xuất ngoại
Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã thực hiện những bước cuối cùng với đối tác đến từ Australia trong việc xuất khẩu trái xoài Đồng Nai vào thị trường Australia. Dự kiến, tháng 3/2017, những lô xoài đầu tiên của Đồng Nai từ hợp tác xã Suối Lớn sẽ được xuất vào thị trường Australia với sản lượng khoảng 18 tấn/ngày, gồm 3 loại xoài: Cát chu, ba mùa, Đài Loan đỏ sẽ có mặt trên thị trường Australia.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa cây xoài vào nhóm cây chủ lực để có những hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật công nghệ, nhằm hình thành những vùng chuyên canh lớn đạt tiêu chuẩn GAP. Bước đầu, tỉnh đã hình thành được 3 vùng chuyên canh xoài lớn tại các huyện: Xuân Lộc, Định Quán và Vĩnh Cửu.
Lâm Đồng: Ớt ngọt sừng bò năng suất cao, bán được giá
Ớt ngọt sừng bò vừa được một số nhà vườn tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đem về gieo trồng thử nghiệm thành công, cho năng suất, chất lượng cao, giá bán hơn hẳn các loại ớt ngọt chuông đang trồng phổ biến. Một trong những người tiên phong trồng loại ớt này là anh Nguyễn Định (30 tuổi), ngụ đường vòng Lâm Viên, phường 8, TP. Đà Lạt. Ớt ngọt sừng bò được anh Định ươm cho nảy mầm, khi cây được 4 - 5 lá non thì đem ra gieo trồng trên những luống đã được lên sẵn. Ớt trồng trong nhà kính theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng. Đến tháng thứ 3, ớt ngọt sừng bò bắt đầu cho ra trái. Loại ớt này khi chín có 2 màu chủ đạo là tím và vàng. Ớt ngọt sừng bò giống Hà Lan tại vườn của anh Định trái dài tới 30cm, nặng khoảng 300 gam. Hiện bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, cao hơn ớt chuông 10.000 đồng/kg.
Theo anh Định, 1.000m2 ớt sừng bò có thể trồng được 4.000 cây, thu hoạch trong vòng 1 năm. Năng suất đạt 20 tấn quả, doanh thu được 600 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư sẽ có lãi gần 400 triệu đồng. Hiện nay, tại Đà Lạt, ớt ngọt sừng bò được một số nhà vườn, doanh nghiệp trồng với diện tích không lớn. Sản phẩm được làm ra chủ yếu xuất tiêu thụ trong các cửa hàng nông sản lớn, hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Sơn La: Sản lượng ngô giảm do sâu hại
Với gần 160.000 hecs ta, Sơn La là địa phương có diện tích và sản lượng ngô đứng đầu cả nước. Những năm trước đây, các vùng trồng ngô hàng hóa trên địa bàn đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, liên tiếp mấy vụ ngô gần đây, giá ngô giảm mạnh, không tiêu thụ được là nguyên nhân khiến người trồng ngô muốn từ tỏ loại cây trồng đã gắn bó với họ nhiều năm
Thương lái từ chối thu mua ngô
Mai Sơn - thủ phủ ngô của tỉnh Sơn La đang vào thời điểm thu hoạch vụ ngô lớn nhất trong năm. Nhưng vụ này, bà con nông sân nơi đây đang đối mặt với cảnh thua lỗ do ngô bị sâu hại tàn phá. Bắp ngô xấu mã, năng suất giảm. Đặc biệt, ngô thu hoạch về không bán được do thương lái từ chối thu mua. Nông dân ở huyện Mai Sơn đang phải cắn răng chịu lỗ, bán ngô với giá 1.000 đồng/kg để một số nhà vườn mua về ngâm làm phân tưới cây. Để bán được hàng, nhiều hộ gia đình sau khi thu hoạch đã bỏ công sức phân loại ngô. Các bắp đẹp được chọn ra bán riêng, nhưng năm nay cũng chỉ bán được với giá 2.500 đồng/kg, trong khi năm trước bán trên 3.000 đồng/kg. Còn những bắp ngô xấu bị sâu đục, mốc meo, thương lái không mua, các hộ gia đình hoặc là để ăn hoặc bán cho các nhà vườn về làm phân với giá 1.000 đồng/kg. Điều đáng tiếc là năm nay ngô xấu, bị sâu chiếm tới 70 - 80%. “Giá ngô thấp thế này gia đình tôi có bán hết cả nương ngô cũng không đủ tiền mua giống, phân, thuốc, thậm chí còn bị lỗ nữa” – một nông dân ở bản Noong Sơn, xã Chiền Sung, huyện Mai Sơn cho biết. Thậm chí, có những hộ gia đình gieo trồng từ 2 – 3 héc-ta ngô đang đứng trước nguy cơ thua lỗ hàng chục triệu đồng do giá ngô xuống thấp. Đặc biệt với tình trạng đất đai ngày càng bạc màu, năng suất ngô càng thấp, nông dân càng trồng càng lỗ…
Chuyển sang trồng ngô biến đổi gen
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Sơn La, hiện nay, diện tích ngô ở tỉnh bị sâu bệnh tàn phá rất lớn. Năng suất ngô giảm, giá thành cũng giảm theo. Mặc dù diện tích ngô toàn tỉnh ước đạt gần 160.000 héc-ta nhưng do địa hình khác nhau nên năng suất ngô không đồng đều. Vùng thuận lợi thì năng suất trên 10 tấn/héc-ta, vùng địa hình đồi dốc canh tác khó khăn thì chỉ 4 tấn/héc-ta. Mấy năm gần đây, giá ngô ngày càng giảm, trong khi chi phí vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... lại tăng mạnh. Do đó, thu nhập từ 1 héc-ta ngô ngày một giảm đi. Ngoài ra, 5 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp nên sâu bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, hầu hết diện tích ngô bị sâu hại tấn công chỉ diễn ra ở những nương rẫy gieo trồng giống ngô thường. Còn giống ngô biến đổi gen có tính kháng sâu đục thân, đục bắp nên năng suất vẫn đảm bảo. Thực tế, qua khảo sát ở các vùng ngô tại tỉnh Sơn La cho thấy, diện tích trồng ngô biến đổi gen cho năng suất ổn định. Giống ngô này có các ưu điểm: Chi phí đầu vào giảm, sử dụng ít nhân công lao động, bắp ngô khi thu hoạch đẹp, hạt đều được các đại lý thu mua khá ưa chuộng. Đáng nói, khi nông dân chuyển sang trồng giống ngô biến đổi gen còn tiết kiệm được chi phí sản xuất do không phải phun thuốc trừ sâu, giảm ngày công lao động. Tại bản Noong Sơn, xã Chiêng Sung, huyện Mai Sơn, một số hộ gia đình nhờ kịp thời lựa chọn giống ngô biến đổi gen vào trồng, nên vụ này dù giá có giảm, bà con vẫn có lãi. Đặc biệt, cán bộ khuyến nông của huyện, xã đã đến tận ruộng để hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn chọn giống ngô biến đổi gen cho bà con. Được sự hướng dẫn, nhiều hộ đã trồng ngô biến đổi gen với mật độ gấp 1,5 lần so với bình thường, mà không lo sợ sâu phá hoại. Tuy chưa thu hoạch nhưng với ngô biến đổi gen, nhiều lái buôn đã đến hỏi mua tại ruộng với giá trên 3.000 đồng/kg. Với năng suất như trên, nếu tính cụ thể, giống ngô biến đổi gen đạt lợi nhuận cao hơn giống ngô thường khoảng trên dưới 10 triệu đồng/héc-ta.
Dự báo, vụ ngô năm 2017, thời tiết còn diễn biến thất thường, cực đoan khiến sản xuất, trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều khả năng diện tích ngô sẽ giảm so với năm 2016 khoảng 20 - 30% (trên 100.000 héc-ta). Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã coi việc đưa giống ngô biến đổi gen vào trồng là một trong những giải pháp để giữ sản lượng ngô ở mức ổn định, đồng thời đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Ninh Thuận: Măng khô được mùa, mất giá
Cứ vào khoảng tháng 6 đến cuối tháng 10 âm lịch, tức thời điểm sau cơn mưa, dọc quanh các đồi núi đá cheo leo, các loại măng tre, măng lồ ô mọc lên nhiều, người dân Thuận Nam (Ninh Thuận) lại tranh thủ đi hái “lộc rừng”. Trái với mọi năm, măng năm nay được mùa nhưng mất giá nên hầu hết bà con làm măng kém vui. Hiện giá măng khô chỉ còn 160.000 – 170.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường khó tiêu thụ, cung lớn hơn cầu.
Chủ một cơ sở thu mua măng khô tại huyện Thuận Nam cho biết, sau những cơn mưa vừa qua măng mọc lên nhiều. Mấy ngày nay, nhiều người dân địa phương từ tờ mờ sáng đã lên rừng hái măng. Năm nay, thời tiết dễ chịu nên bình quân mỗi người có thể bẻ từ 10 – 30 kg/ngày, tăng từ 5 - 7 kg/ngày so với năm trước, nhưng giá lại giảm. Theo so sánh của một hộ gia đình, năm trước, mỗi ngày gia đình anh thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng từ hái măng tươi. Năm nay, do giá thu mua giảm nên gia đình anh chỉ thu nhập từ 100.000 – 120.000 đồng/ngày. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã không bán măng tươi mà để lại phơi khô rồi bán cho thương lái. Trung bình cứ 10 kg măng tươi sau khi phơi khô trong thời gian 3 - 5 nắng thì còn lại từ 1 – 1,5 kg măng khô. Tuy nhiên, giá măng khô giảm dẫn đến măng tươi cũng giảm theo.
Lai Châu: Phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa
Hiện nay, Lai Châu đã chuyển sang phát triển cây quế diện tích lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Mục tiêu, mỗi năm địa phương sẽ trồng khoảng 2.000 héc-ta quế, từ nay đến năm 2030 phấn đấu trồng đủ 30.000 héc-ta.
Sau khi giá mủ cao su xuống thấp, địa phương đã chỉ đạo tạm ngưng trồng và chuyển sang cây trồng mới là quế. Các địa bàn được lựa chọn phát triển quế là khu vực dọc hai bên bờ sông Đà, sông Nậm Na và khu vực thung lũng sông Nậm Mu, thuộc các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ. Đây chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, người Dao, người Thái.
Các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng quế sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần 100% giống trồng mới; hỗ trợ 6 triệu đồng/héc-ta cho việc chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất. Đối với các công ty, doanh nghiệp có dự án được phê duyệt hoặc có quyết định giao đất, tham gia vào phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh, thì được hỗ trợ theo Nghị định số 210 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có khoảng 2.000 héc-ta cây quế ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên. Đây là những diện tích do đồng bào các dân tộc địa phương tự trồng và một phần được trồng từ dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp của các huyện.
CHUYỂN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Hậu Giang: Nhà máy đường thiếu nguyên liệu
Mặc dù giá mía đường ở Hậu Giang được các nhà máy đường thu mua ở mức khá cao nhưng nông dân vẫn chần chừ không thu hoạch để chờ tăng giá. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều nhà máy đường đã tạm thời ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.
Hậu Giang có vùng mía nguyên liệu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vụ mía này, tỉnh xuống giống gần 11.000 héc-ta, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, có gần 5.000 héc-ta mía được trồng với giống chín sớm đã đến thời điểm thu hoạch, chủ yếu là giống mía ROC 16. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 1.500 héc-ta. Nguyên nhân, năm nay diện tích mía toàn vùng giảm nên sắp tới sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm mía nguyên liệu khi các nhà máy trong vùng đồng loạt vào vụ ép. Mặt khác, năm nay nước lũ không về nên nông dân không bị áp lực thu hoạch mía chạy lũ. Do vậy, nông dân Hậu Giang tiếp tục “neo” mía, chưa chịu thu hoạch để chờ tăng chữ đường và chờ giá mía tiếp tục tăng.
Tình trạng người dân chưa chịu thu hoạch đã làm cho nguồn mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đường trong tỉnh ngày một ít. Thậm chí, một số nhà máy gặp khó trong hoạt động do thiếu mía nguyên liệu. Cụ thể là Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ đã tạm ngưng hoạt động bởi mỗi ngày, hai nhà máy này chỉ tiếp nhận từ 1.000 - 1.200 tấn mía cây, trong khi công suất ép của mỗi nhà máy là 3.000 và 3.500 tấn/ngày. Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát cũng đã đưa Nhà máy đường vào hoạt động từ ngày 10/9. Tuy nhiên, đến nay nhà máy hoạt động vẫn chưa ép hết công suất, chỉ đạt 70% theo thiết kế.
Vụ mía này, toàn vùng ĐBSCL chỉ còn hơn 42.200 héc-ta mía, giảm hơn 6.000 héc-ta so với vụ mía trước. Trong khi toàn vùng hiện có đến 9 nhà máy đường công suất lớn đang hoạt động. Mối lo ngại lớn nhất của các nhà máy trong vùng thời gian tới là thiếu nguồn mía nguyên liệu để ép.
Cà Mau: Cây bông sậy cho thu nhập cao
Nhiều năm trở lại đây, các thương lái từ Cần Thơ, An Giang, Ðồng Tháp thường tìm về vùng đất Cà Mau để thu mua bông sậy. Họ thu về để bán lại cho các làng nghề bó chổi. Còn người dân ở lâm phần U Minh có thêm thu nhập hằng ngày.
Hiện nay, giá bông sậy được thu mua khá ổn định, loại tươi giá 4.000 đồng/kg, phơi khô 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, nghề hái bông sậy không cần vốn liếng, ai làm cũng được, chỉ cần siêng năng. So với cấy lúa mướn thì nghề này vừa khoẻ lại thu nhập gấp 2 - 3 lần, không phải làm việc quần quật nhưng phải theo mùa. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền từ những đám cỏ dại cũng lắm gian truân, phải len lỏi, luồn lách vào giữa đám nên cũng bị ong đốt, vắt đeo, kiến cắn… Một bộ phận khá đông tích cực kiếm cây bông sậy là các em học sinh. Cứ tan giờ học hoặc trên đường đi học về các em tranh thủ hái một ít đem bán, số tiền không nhiều, chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, nhưng phần nào đỡ đần được gia đình. Không chỉ hái về cân cho thương lái, các hộ gia đình còn làm luôn nghề bó chổi giao cho tiểu thương ở chợ, đem lại thu nhập cao. Thông thường 1 kg bông sậy khô sẽ bó được 4 cây chổi hàng thường, giá 15.000 đồng/cây; nếu chổi dày, tốt, được 2 cây, giá bán ra 25.000 đồng/cây. Những cây chổi được bện cẩn thận bằng bông sậy, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên được các bà nội trợ tin dùng hơn hẳn vì độ an toàn và mềm mại, quét nhà sạch hơn.
Từ cây bông sậy, nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập, đồng thời tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân trong thời điểm nông nhàn.
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Sẽ nâng mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống buôn lậu thuốc lá
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Ðiều 6 của Thông tư số 19/2015/TT-BTC về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.
Theo đó, mức kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng kinh phí từ Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả được nâng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/bao 20 điếu, không phân biệt theo giá trị thuốc lá (cao cấp hay thấp cấp). Hỗ trợ thêm 500 đồng/bao 20 điếu cho chi phí tiêu huỷ thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả, khuyến khích sử dụng các biện pháp tiêu huỷ không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với điều kiện của từng địa phương tiêu huỷ.
Trong mức hỗ trợ 4.000 đồng/bao 20 điếu cho các đối tượng thụ hưởng kinh phí từ Quỹ được quy định, trích 200 đồng/bao 20 điếu (5%) hỗ trợ cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 280 đồng/bao 20 điếu (7%) hỗ trợ cho Ban chỉ đạo 389 địa phương nơi có thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả bị bắt giữ, tiêu huỷ và 200 đồng/bao 20 điếu (5%) hỗ trợ cho Ban điều hành Quỹ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Số tiền hỗ trợ còn lại dùng để hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả.
Hy vọng khi dự thảo thông tư này được phê duyệt sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc lá lậu.
Tràn lan đường cát nhập lậu
Mặc dù mức phạt đã tăng gấp đôi nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn dùng mọi thủ đoạn để nhập đường cát. Hiện đường trong nước đang khan hàng, giá tăng.
Theo các đại lý có kinh nghiệm, đường nhập lậu từ Thái Lan có màu trắng mịn, hạt nhỏ, khô, cân sẵn thành từng bịch 500 gam. Trong khi đó, hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất thường có màu trắng ngà, vàng nhạt hay vàng đậm, hạt to. Thậm chí, nhiều loại hạt đường vẫn còn ướt, chưa khô. Chính vì vậy, người tiêu dùng không thích đường nội. Giá rẻ nhưng chất lượng tốt hơn cũng là lý do chính dẫn đến đường Thái Lan nhập lậu đang được kinh doanh, mua bán tràn lan.
Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, đường cát Thái Lan, Campuchia nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, nhờ tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm nên lực lượng chức năng đã ngăn chặn hàng loạt vụ buôn lậu đường. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 36 vụ việc liên quan đến mặt hàng đường cát.
Trong đó, tang vật là đường cát nhập lậu trên 136 tấn với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Mặc dù hiện nay mức phạt đối với hành vi kinh doanh đường cát nhập lậu tăng gấp đôi so với trước đó. Cụ thể, nếu trị giá hàng lậu trên 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với cá nhân, 180 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, nếu có dấu hiệu buôn lậu sẽ bị chuyển cơ quan công an để điều tra. Tuy mức phạt như vậy không hề nhẹ nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng về.
HÀNG VIỆT |
Bắc Kạn: Tích cực đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng xa
Trong tháng 10 và tháng 11, Tỉnh Bắc Kạn liên tục tổ chức các tổ chức các chuyến hàng việt về nông thông tại các huyện chợ đồn, chợ mới, Na Rì, Bạch Thông, Ba Bể... Đây đều là những huyện thuộc vùng khó khăn và bà con có nhu cầu rất hớn về hàng hóa việt.
Khuyến khích DN bán hàng giá thấp hơn thị trường 5 - 10%
Tối 4/10/2016 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức khai mạc Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng cao tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn. Phiên chợ có quy mô 24 gian hàng, trưng bày giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Đây là những sản phẩm có chất lượng, xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị dụng cụ y tế, dụng cụ học sinh, hàng hóa phục vụ nông nghiệp, hàng gia dụng, giống cây trồng… Đây cũng là dịp để các DN tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh những mặt hàng phù hợp với đặc trưng của khu vực thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao.
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn đã mở đầu cho chuỗi các đợt bán hàng Việt về nông thôn Bắc Kạn được tổ chức liên tục trong tháng 10 và tháng 11. Mỗi phiên chợ, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có ít nhất 20 gian hàng, phục vụ bà con những mặt hàng thiết yếu nhất như lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, văn phòng phẩm… Các DN tham gia phiên chợ đều là DN chuyên kinh doanh hàng Việt, đảm bảo 100% hàng hóa có xuất xứ và nhãn mác Việt Nam, bền, giá thành phù hợp với điều kiện của bà con khu vực miền núi. DN được khuyến khích bán hàng với giá thấp hơn thị trường từ 5 – 10%. Nhờ đó, các phiên chợ được đánh giá là tương đối thành công khi mỗi chuyến hàng đều thu hút được trên 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Lan rộng hiệu quả của cuộc vận động
Với mục tiêu tất cả người dân đều được tiếp cận và dùng hàng Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các DN trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do phần lớn diện tích của tỉnh thuộc địa bàn miền núi, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc nên không chỉ phát động các chuyến bán hàng Việt tại trung tâm các huyện thị, tỉnh còn nỗ lực thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, tạo điều kiện cho bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được sử dụng hàng Việt với chất lượng đảm bảo.
Từ các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, người dân khu vực miền núi đã có cơ hội được biết, được tiếp cận, mua sắm và sử dụng ngày càng nhiều hơn những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và giá thành hợp lý. Bà Hứa Thị Hoa – xã Hà Hiệu – huyện Ba Bể chia sẻ: “Bình thường, để được mua hàng Việt, chúng tôi phải đi xuống thị trấn hoặc trung tâm huyện. Nhờ các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, chúng tôi không phải đi xa mà vẫn có thể mua được hàng, giá lại rẻ hơn thị trường”.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục phối hợp với các DN chuyên kinh doanh hàng Việt đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu trung tâm mua sắm, khu dân cư, hội chợ thương mại về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt là tổ chức các đợt bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng cao, miền núi; tăng cường quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương (gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn, miến dong, quả hồng không hạt, cam, quýt)… để từng bước phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.
Ông Chu Văn Thống - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn: Bên cạnh các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục xin cơ chế để xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả người tiêu dùng và DN mua sắm và sử dụng hàng hóa, mang lại hiệu quả tốt nhất cho CVĐ.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)