Thông tin giá cả thị trường số 27/2018

02:57 PM 06/07/2018 |   Lượt xem: 4037 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 

Đồng Tháp: Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch xoài

Ngày 19/6/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã tổ chức Hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Với diện tích gần 43.000 héc-ta, sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm, xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, xoài Cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu là hai giống xoài chất lượng cao, đã được xuất khẩu sang: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Nga…

Trong 13 tỉnh, thành, Đồng Tháp hiện có 9.200 héc-ta trồng xoài, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng năm ước khoảng 95.000 tấn. Đây là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, xoài ở vùng Đồng bằng khu vực sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng còn bộc lộ không ít những hạn chế.

Cụ thể, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, bảo quản, sau thu hoạch còn khá lớn, chiếm hơn 27%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập; quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch (như hệ thống kho lạnh, thiết bị phân loại, sơ chế, xử lý, làm chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển,...) chưa vận hành một cách đồng bộ...

Các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước cũng thừa nhận, xoài Việt Nam sản lượng nhiều nhưng số lượng đạt quy chuẩn xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Đa phần các công đoạn xử lý xoài sau thu hoạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Sau khi được xử lý xong lại có vấn đề nấm bệnh, do đó thời gian bảo quản ngắn; trong khi đó, chi phí vận chuyển quá cao. Vì thế, xoài Việt Nam chưa thể cạnh tranh với xoài của các nước khác.

Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch là 1 trong 2 nút thắt lớn trong việc hình thành các ngành hàng nông nghiệp, trong đó có xoài. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Unido đã tiến hành dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài”. Dự án được triển khai tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung (thành phố Cao Lãnh) và đã xây dựng thành công hệ thống sơ chế, bảo quản, đóng gói với  công suất xử lý khoảng 30 tấn/ngày. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Qua đó, tạo bước đi đầu tiên cho quả xoài thâm nhập các thị trường khó tính như Australia, Nga, Hàn Quốc… Trung tâm này có thể xử lý 30 tấn xoài tươi/ngày với hệ thống làm sạch mủ xoài, bồn xử lý nước nóng và hoá chất, hệ thống máy rửa, bộ phận làm khô, hệ thống ủ chín xoài, hệ thống năng lượng mặt trời…

Thời gian qua, để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 2 hợp tác xã và 29 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh với hơn 416 héc-ta, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích. Tỉnh cũng tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài. Từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

 

Xoài Mường La xuất khẩu sang Trung Quốc

Mường La là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh Sơn La. Hiện nay, quả xoài da xanh đang được bà con nông dân thu hái để xuất khẩu sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên sản phẩm nông sản an toàn của huyện Mường La được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Xoài được thu mua tại vườn có trọng lượng trung bình từ 600 gram đến 1,2 kg/quả. Tổng sản lượng dự kiến xuất khẩu là 15 tấn. Sản phẩm xoài được thu hái, dán tem nhãn trích xuất nguồn gốc, đóng gói theo quy định đảm bảo về quy cách, chất lượng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu và được Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thanh Tùng - Sơn La hỗ trợ vận chuyển từ huyện Mường La qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Hiện nay, toàn huyện Mường La có khoảng 1.700 héc-ta trồng xoài, trong đó xoài ghép là 300 héc-ta. Dự kiến, sản lượng xoài quả năm nay đạt khoảng 8.000 tấn. Xác định xuất khẩu là nhiệm vụ mang tính đột phá, huyện Mường La đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn chủ động phối hợp với các hợp tác xã, hướng dẫn kỹ thuật thu hái xoài da xanh để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội tốt để  Mường La quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương.

Trên thực tế, chất lượng xoài Mường La đang ngày được nâng cao. Nhiều hợp tác xã, hộ gia đình nhận thấy, trồng xoài theo phương thức cũ không còn phù hợp nên đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.

Tiền Giang: Thương lái thu mua sả giá cao

Bà con huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang phấn khởi vì giá sả tăng cao, thương lái đến tận ruộng thu mua cây sả tươi với giá khoảng 6.500 đồng/kg.

Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua, giúp nông dân thu lãi trên 10 triệu đồng/công chỉ sau 4 tháng chăm sóc. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập tăng gần 10 lần/năm so với trồng lúa. Đặc biệt, năm nay sả được thương lái thu mua giá cao nên lợi nhuận cũng cao hơn. Đối với nông dân ở vùng đất khắc nghiệt như cù lao Tân Phú Đông, việc canh tác thu lợi trên 10 triệu đồng/công/vụ là thành công rất đáng phấn khởi.

Nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa, lại ít rủi ro về thị trường nên bà con nông dân ở đây trồng bằng cả 2 hình thức thâm canh và xen canh với các loại hoa màu, dừa… Do phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất, chất lượng cao nên thị trường tiêu thụ của cây sả Tân Phú Đông ngày càng mở rộng, hút hàng quanh năm.

Huyện Tân Phú Đông đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả cao hơn trên nền đất lúa gần 10 năm qua. Riêng cây sả hiện có tổng diện tích trồng hơn 1.500 héc-ta, sản lượng trên 22.000 tấn/năm. Sả là cây gia vị dễ trồng, chịu đựng được khô hạn, phù hợp với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất cù lao nằm ngay cửa sông Tiền tiếp giáp Biển Đông, quanh năm chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Hơn nữa, nhiều năm qua, giá sả luôn ổn định ở mức cao nên nông dân yên tâm hơn với loại cây trồng này. Vì vậy, huyện luôn khuyến khích bà con tiếp tục chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả.

MUA GÌ - BÁN GÌ

 

Giá lợn giống tăng

Không chỉ giá lợn hơi tăng nhẹ, giá lợn giống xách tai loại 7kg/con (đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ) cũng tăng nhẹ lên mức 1,3 - 1,4 triệu đồng/con. Đáng mừng là sức tiêu thụ lợn giống cũng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi. Hiện tại , người nuôi lợn giống đã xuất bán khoảng 50% lợn giống, tăng 20% so với thời điểm tháng trước.

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước đã tăng, thậm chí có thời điểm giá tăng đột biến lên đến 51.000 - 52.000 đồng/kg. Nhìn chung khoảng 2 tháng nay, giá heo hơi dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lãi trên dưới 1 triệu đồng/con.

Giá hạt tiêu vẫn ở mức thấp

Thị trường hạt tiêu tuần cuối tháng 6 nhìn chung không biến động, giá tiếp tục giảm nhẹ ở hầu hết các vùng nguyên liệu. Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 56.000 – 57.000 đồng/kg. Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng nguyên liệu có mức giá thu mua cao nhất là 57.000 đồng/kg. Ngược lại Đồng Nai giá ở mức thấp chỉ đạt 54.000 đồng/kg. Riêng tiêu Chư Sê (Gia Lai) giá giảm thêm 500 đồng/kg xuống còn 54.500 đồng/kg.

Giá tiêu liên tục giảm và xuống mức thấp như hiện nay nguyên nhân chính vẫn do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu yếu.

Nuôi cá tra giống không có lãi

Giá cá tra giống trong tuần qua giảm mạnh. Hiện giá cá dao động 17.000 - 22.000 đồng/kg tùy trọng lượng, giảm gần 50% so với trước đây. Vì vậy, nhiều hộ nuôi cá tra giống ở vùng Đồng Tháp Mười không có lợi nhuận. Nếu so với vụ trước, giá cá loại 30 con/kg ở mức 45.000 đồng/kg thì hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 22.000 đồng/kg. Với giá như hiện nay, người nuôi không có lãi. Thậm chí, những hộ ươm cá không đạt, nhiễm bệnh có thể thua lỗ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, giá cá tra giống ở mức cao, mỗi héc-ta người nuôi có lợi nhuận vài chục đến vài trăm triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, nhiều nông dân ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười ồ ạt bỏ lúa, đào ao nuôi cá tra giống. Trước tình trạng này, địa phương đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích thả nuôi vì dễ dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến quy hoạch và môi trường tự nhiên.

Giá trứng gà, vịt tăng

Giá trứng gà, vịt tăng liên tục trong thời gian gần đây và đang đứng ở mức kỷ lục khi giá bán lẻ vượt ngưỡng 26.000 đồng/chục trứng gà, 33.000 đồng/chục trứng vịt. Nguyên nhân trứng tăng giá đột biến chủ yếu do yếu tố khách quan khi trứng vịt đang hút hàng để chế biến trứng vịt muối cho mùa trung thu sắp tới. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt heo, thịt gà đang ở mức cao. Giá gà đẻ (gà lông) tăng gấp đôi so với trước đây, hiện đạt mức 60.000 - 70.000 đồng/kg khiến các trại gà bán sớm để thay đàn mới cũng khiến nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, giá cám nuôi gà tăng do giá nguyên liệu đậu nành, bắp tăng khiến chi phí của người nuôi tăng theo. Vì vậy, một số hộ chăn nuôi thận trọng tái đàn khiến nguồn cung giảm.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

 

Lưu ý khi phòng bệnh hại chè

Chè là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, những ngày qua, thời tiết nắng nóng, oi bức kèm theo mưa xen kẽ khiến một số loại sâu bệnh phát triển gây hại trên cây chè.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích chè bị hại trong toàn tỉnh Thái Nguyên là trên 1.200 héc-ta. Cụ thể, bọ cánh tơ có tỷ lệ hại trung bình 3,5 - 8,5%, nơi cao lên tới 10 - 20% búp bị hại; rầy xanh có tỷ lệ hại trung bình 1,5 - 8,5%, nơi cao từ 10 - 15%, cục bộ có nơi lên tới 20% búp bị hại. Bọ xít muỗi có tỷ lệ hại trung bình 1 - 3%, nơi cao là 5 - 10% búp bị hại; nhện đỏ tỷ lệ hại trung bình 4 - 5%, nơi cao 8 - 12,5% lá bị hại. Trong thời gian tới, nếu không được phòng trừ kịp thời, các loại sâu bệnh sẽ tiếp tục gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm chè.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã khuyến cáo bà con phát quang nương chè, dọn sạch cỏ dại, tạo độ thông thoáng và bón phân hợp lý. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra diễn biến của các loại sâu bệnh để tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Những nương chè bị bệnh nặng cần áp dụng biện pháp đốn đau hoặc đốn phớt. Sau đốn phải thu dọn sạch cành, lá chè đem đốt hoặc chôn sâu để tiêu diệt nguồn bệnh…

Ngoài các biện pháp trên, trong quá trình phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho chè, bà con lưu ý pha thuốc đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì, nhãn mác và tuân thủ đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Đặc biệt, bà con chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè và sức khỏe con người.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

 

Phạt vi phạm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi

Từ ngày 22/6/2018 vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt với mức phạt lên đến 200 triệu đồng.

Đó là nội dung của Nghị định số 64/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/6/2018 thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản bao gồm: Vi phạm quy định theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, gồm các vi phạm về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản; mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá hạn sử dụng; sử dụng kháng sinh, chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn gen vật nuôi; khai thác và bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm; khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi mới; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; quản lý chất lượng giống vật nuôi.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.        

HÀNG VIỆT 

 

Tôm nõn Diễn Châu

Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống gắn với cuộc sống của người dân vùng biển Diễn Châu (Nghệ An). Nghề này đang giải quyết hàng trăm lao động nhàn rỗi và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ con tôm.

Từ nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu

Tôm nõn được sản xuất quanh năm nhưng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 là chính vụ vì nguồn tôm biển rất dồi dào. Tôm được chọn làm tôm nõn phải đảm bảo yếu tố tươi và đều con. Nghề chế biến tôm nõn phát triển đã tạo điều kiện tiêu thụ cho ngư dân Diễn Châu 300 - 400 tấn tôm tươi mỗi năm.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có 99 hộ chuyên sản xuất tôm nõn theo phương pháp thủ công truyền thống, tập trung ở 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Hàng năm, toàn huyện sản xuất 30 - 40 tấn tôm nõn, đem lại doanh thu khoảng 230 tỷ đồng. Nghề chế biến tôm nõn phát triển đã tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động vùng biển.

Tôm nõn Diễn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Tuy nhiên, lâu nay, sản phẩm tôm nõn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh. Đa phần người tiêu dùng vẫn e ngại do chưa biết đến vùng sản xuất cũng như độ tin cậy vào chất lượng sản phẩm.

Nhận diện những khó khăn trong phát triển thị trường cũng như tạo đầu ra ổn định cho nghề khai thác tôm của địa phương, năm 2016, Hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu đã được thành lập với 30 thành viên. Các cơ sở tham gia hội có nhiều cơ hội để liên  kết sản xuất, sản phẩm sau thu hoạch sẽ có người đứng ra thu mua, đóng gói và tiêu thụ. Tuy nhiên, vì chưa có nhãn mác, bao bì phù hợp nên sản phẩm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu luôn được các hộ làm nghề cùng các cấp chính quyền nỗ lực đầu tư, hoàn thiện.

… đến việc nâng cao đời sống bà con vùng biển

Tháng 10/2017, niềm vui đã đến với các hộ sản xuất, kinh doanh tôm nõn Diễn Châu khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu kèm theo quy chế hoạt động cụ thể.

Các hội viên tham gia sản xuất mang nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu sẽ được nâng cao nhận thức về pháp luật như: Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường cũng như kiến thức, kỹ thuật sản xuất tôm nõn đảm bảo chất lượng cao để sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Để  gìn giữ thương hiệu sản phẩm tôm nõn Diễn Châu, những hội viên phải tuân theo quy trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt để tôm vừa sạch, vừa đạt chất lượng, tươi 100%. Các hộ chế biến tôm nõn đều cam kết không sử dụng hóa chất bảo quản. Sản phẩm tôm nõn sau khi hoàn thành hết các công đoạn có màu đỏ tươi, cứng chắc, mùi vị thơm ngon. Hiện nay, nhiều hộ chế biến đã đầu tư máy hút chân không để bảo quản tôm nõn được lâu hơn.

Đặc biệt, từ khi đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu, người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm nhiều hơn, lượng tiêu thụ tăng rõ rệt. Điều này không chỉ tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn thương hiệu, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của  Diễn Châu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)