Thông tin giá cả thị trường số 28/2018

09:21 AM 13/07/2018 |   Lượt xem: 4360 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hỗ trợ dán tem cho thanh long xuất khẩu

Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận phối hợp Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại & Đầu tư của châu Âu (MUTRAP- EU) đã hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thực hiện thành công đề án “Xây dựng mô hình dán tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long”.

Đề án này đã tiến hành dán được 40 triệu tem trên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường: Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Ấn Độ, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia mô hình đã tích cực quảng bá sản phẩm của đơn vị tới nhiều khách hàng trong, ngoài nước. Điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận dán nhãn gần 15 triệu tem, Công ty TNHH Thương mại Hưng Loan dán 12 triệu tem, Công ty TNHH Phương Giang dán 5 triệu tem, Hợp tác xã Dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội dán 6 triệu tem...

Hiện nay, sản phẩm mang tem chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa gắn với thương hiệu doanh nghiệp và bắt đầu lan rộng ra thị trường xuất khẩu. Sau khi đề án kết thúc, các thành viên tham gia từ trước vẫn tiếp tục thực hiện việc dán tem, khẳng định giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương trên thị trường trong, ngoài nước. Từ hiệu quả ban đầu, một số cơ sở đã tự in tem để dán như: Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất thanh long Hàm Minh 10, Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất thanh long Hàm Minh 30… Thời gian qua, các doanh nghiệp này đều đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ tạo thành chuỗi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm được dán tem mang thương hiệu thanh long Bình Thuận tiêu thụ tốt hơn, được người tiêu dùng tin tưởng hơn.

Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ Hiệp hội Thanh long đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sang các nước EU, đăng ký nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” sang 14 nước. Sở cũng hỗ trợ cấp mới quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” sản phẩm trái thanh long cho 18 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 657 héc-ta. Nhiều hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao uy tín và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thanh long Bình Thuận cũng đã được tổ chức. Qua đó, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long được hướng dẫn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu trong và ngoài nước; giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật mới, tiến bộ trong sản xuất, kinh doanh thanh long; giải pháp quản lý phát triển, giữ gìn bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dành cho sản phẩm thanh long nhằm nâng cao uy tín thanh long Bình Thuận; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thanh long Bình Thuận. Qua đó sẽ góp phần cho các cơ sở, doanh nghiệp cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bình Thuận có 7.930 héc-ta thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, phần lớn thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu. Hiện nay, mặt hàng nông sản này đang chuyển dần từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Chi Lê, Úc…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nậm Sài (Sa Pa): Dưa hấu khó tiêu thụ

Thông thường, vào thời điểm cuối tháng 6, vụ dưa hấu tại xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã kết thúc. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm đầu tháng 7, người dân Nậm Sài mới thu hoạch được 50% diện tích trồng dưa do giá giảm mạnh và khó bán.

Năm nay, do thời tiết mưa nhiều, không thu hoạch kịp nên dưa hấu đang có hiện tượng bị thối. Nhưng điều mà các gia đình lo lắng nhất đó là giá dưa đang giảm mạnh. Giá dưa đầu vụ còn được 8.000-10.000 đồng/kg nhưng hiện nay giá giảm chỉ còn 5.000 đồng/kg và không có thương lái thu mua. Nhiều hộ gia đình phải huy động hết nhân lực chở dưa đi tiêu thụ ở thành phố Lào Cai và các huyện lân cận.

Năm nay, toàn xã Nậm Sài trồng mới 32 héc-ta cây dưa hấu, tăng 17 héc-ta so với năm 2017, năng suất ước đạt 20 tấn/héc-ta. Sau hơn 8 năm bám rễ ở Nậm Sài, cây dưa hấu đã trở thành cây trồng giảm nghèo cho địa phương. Dưa hấu cũng là một trong nhưng cây trồng được quy hoạch vùng trồng và được huyện hỗ trợ 100% giống cho bà con. Tuy nhiên, về mặt tiêu thụ, từ trước đến nay người dân vẫn phải tự đem dưa đi bán mà chưa có đầu ra ổn định.

Hiện nay, không chỉ ở Nậm Sài của huyện Sa Pa, mà tại các xã Tòng Sành, Phìn Ngan của huyện Bát Xát người dân cũng trồng nhiều dưa hấu và cũng gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp căn cơ. Trước khi hỗ trợ cho bà con trồng cây dưa hấu để nâng cao thu nhập, địa phương cần xem xét, tạo các liên kết trong tiêu thụ sản phẩm để tránh tình trạng nhiều diện tích dưa hấu sau khi trồng không mang lại thu nhập, mà có thể bị đổ bỏ, gây lãng phí.

Thừa Thiên Huế: Dâu xứ Truồi được mùa, được giá

Những gốc dâu hàng chục năm tuổi có trái mọc kín thân, chín mọng, mùi thơm đặc trưng ở xứ Truồi (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang thu hút thực khách gần xa.

Những ngày này, nhiều hộ dân ở xã Lộc Điền đang vào vụ thu hoạch dâu. Dâu Truồi năm nay vừa được mùa, được giá nhưng đáng mừng nhất là lượng thương lái đến thu mua khá đông. Vẻ mặt rạng ngời, bà Nguyễn Thị Gái (60 tuổi, thôn Đồng Xoài, xã Lộc Điền) cho biết, vườn gia đình bà có khoảng 25 gốc dâu, cứ khoảng tháng 5, tháng 6 là dâu chín rộ, bắt đầu thu hoạch. Năm nay, ngoài việc được mùa, dâu trổ kín cây, nhìn sướng mắt thì còn được giá. Hiện giá thu mua của thương lái tại vườn là 35.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với những năm trước. Với hơn 25 gốc dâu, sau khi thu hoạch gia đình thu về khoảng 30 triệu đồng/năm. Dâu tiên xứ Truồi có nét đặc trưng với ruột mọng nước, mùi thơm và vị ngọt thanh khác với vị chua của dâu đất. “Điều lạ là chỉ có dâu trồng ở xứ Truồi thì dâu mới ngon, có nét đặc trưng, nên người ta hay gọi là dâu tiên xứ Truồi, nếu đem dâu đi trồng ở nơi khác thì không có vị ngọt, thơm như ở đây”, bà Gái tự hào cho biết thêm.

Dâu tiên xứ Truồi là sản vật của địa phương có từ lâu, tuy vậy số lượng và sản lượng vẫn còn nhỏ so với nhu cầu thực tế hiện nay. Ông Hoàng Sa - Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) cho biết: Những năm qua, địa phương nhận thấy hiệu quả của dâu tiên trong phát triển kinh tế của các hộ dân nên khuyến khích tăng diện tích. Hiện toàn xã có hơn 2 héc-ta trồng dâu, tới đây diện tích sẽ mở rộng thêm do có dự án hỗ trợ cho các hộ dân nhân rộng diện tích, đưa dâu trở thành trái cây đặc sản của địa phương.          

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bến Tre: Giá dừa giảm sâu

Thời điểm này năm trước, mỗi chục dừa khô 12 trái giá 70.000 - 80.000 đồng, đỉnh điểm là 170.000 đồng. Ba tháng nay, giá dừa giảm còn 35.000 đồng mỗi chục nhưng vẫn không có thương lái đến vườn mua. Trước tình trạng này, nhiều nông dân Bến Tre chỉ còn cách cố “neo” dừa trên cây chờ lên giá, nhiều quả khô quá lứa thu hoạch rụng và lên chồi đầy vườn. Trước đây, mỗi héc-ta dừa, nông dân thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm nay, do giá giảm mạnh nên thu nhập giảm phân nửa. Nguyên nhân khiến giá dừa giảm là do các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia đồng loạt vào vụ thu hoạch dừa nên cung lớn hơn cầu.

Hiện sản lượng dừa tại Bến Tre khoảng 570 triệu trái mỗi năm. Vòng đời của cây này khoảng 70 năm, trong đó, công chăm sóc chỉ bằng một phần ba so với các loại cây trồng khác.

Tây Nguyên: Giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ

Giá cà phê tuần đầu tháng 7 tiếp tục giảm 100 đồng/kg. Hiện giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 34.700 – 35.600 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê giảm xuống mức 34.700 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà cũng giảm về mức thấp hơn 34.600 đồng/kg. Giá cà phê tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), Ea H’leo (Đắk Lắk) hiện đang dao động trong khoảng 35.500 – 35.600 đồng/kg. Giá cà phê tại huyện Buôn Hồ ở mức 35.500 đồng/kg. Còn tại Gia Lai, giá cà phê giảm nhẹ và đạt mức 35.500 đồng/kg.

Dự báo, trong tháng 7, thị trường cà phê trong nước sẽ được cải thiện do nguồn cà phê tồn đã hết, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc xuất khẩu những tháng cuối năm.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu tăng

Từ giữa tháng 6, giá tôm thẻ chân trắng đã có dấu hiệu tăng nhẹ với mức tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Nguyên nhân do các nước: Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp. Vì vậy rất có thể nguồn cung trong quý 3 và quý 4/2018 sẽ giảm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018. Dự báo, giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, cụ thể vào khoảng tháng 8 và 9/2018.

Trong tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo người nuôi tôm nên duy trì thả nuôi tôm (tôm chân trắng hoặc tôm sú) ngay từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, bà con chú trọng thả với mật độ thưa để giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch, chờ khi nào tôm được giá thì vớt bán. Bên cạnh đó, người nuôi nên áp dụng công nghệ nuôi mới, nuôi theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị (từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm) để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

Giá cá tra có xu hướng giảm

Sau thời gian dài tăng nhanh chóng, trong tháng 7, giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm. Hiện giá cá tra đang duy trì trong khoảng 28.000 -  30.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thu gom cá nguyên liệu từ các hộ nuôi mặc dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới.

Tại Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… giá cá tra nguyên liệu kích cỡ từ 700 - 800 gram đang được các công ty mua trả tiền mặt từ 26.500 - 28.000 đồng/kg. Giá cá tra giống cũng giảm mạnh từ 60.000 - 70.000 đồng/kg xuống còn từ 25.000 - 28.000 đồng/kg.

 Theo một số doanh nghiệp, khi giá cá tra lên cao đến 32.000 đồng/kg, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tạm ngưng mua để tiêu thụ lượng cá tra tồn kho đã nhập trước đó. Điều này khiến giá cá tra trong nước giảm vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Gia Lai: Người trồng tiêu thất thu

Tình trạng tiêu chết hàng loạt, giá giảm mạnh khiến hàng ngàn nông dân trồng tiêu tại Gia Lai lao đao, nhiều gia đình thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư ban đầu cũng như tái đầu tư…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Gia Lai, diện tích hồ tiêu của tỉnh hiện có hơn 16.000 héc-ta, trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ trên dưới 6.000 héc-ta. Cùng với 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích cao hồ tiêu lớn ở Việt Nam.

Ngoài 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai với thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, nông dân nhiều huyện còn lại như Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Prông… cũng đua nhau trồng. Những chân đất chưa bao giờ trồng hồ tiêu cũng đã có hàng trăm héc-ta tiêu mọc lên. Vào những thời điểm “nóng”, giá tiêu ươm bầu từ 3.000 đồng/bầu đã tăng lên 5.000 đồng/bầu, tiêu cắt cành lúc đỉnh điểm có giá đến 35.000 đồng/cành. Giá hồ tiêu tăng cao giúp cho nhiều nông dân trở thành những triệu phú. Nhiều nhà cao tầng khang trang được xây dựng từ tiền bán hồ tiêu đã tạo nên những vùng dân cư trù phú. Nhiều nông dân sẵn sàng thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay tiền mua đất trồng tiêu. Thế nhưng, cuối năm 2016, giá hồ tiêu đã giảm xuống còn 55.000 - 65.000 đồng/kg. Cả vùng trồng tiêu ảm đạm. Đã thiệt đơn lại thiệt kép, thời điểm này tiêu đổ bệnh. Những loại bệnh phổ biến như chết nhanh, chết chậm chưa có thuốc đặc trị khiến nhiều nông dân khốn đốn. Một số diện tích tiêu bị sâu bệnh gây hại, một số diện tích đã già cỗi cho năng suất thấp dẫn đến năng suất, sản lượng bình quân giảm so với niên vụ tiêu trước. Điều này khiến người trồng tiêu lo lắng, nhiều hộ thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư ban đầu cũng như tái đầu tư…

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Kiên quyết xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ nước ngoài vào nước ta đang  ngày càng gia tăng. Hệ lụy của nó là gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Để ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm pháp luật nói trên, đảm bảo việc nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp, quản lý thị trường, công an chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Đồng thời, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu) và Tây Nam bộ (gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An), Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc tổ chức, cá nhân nhập lậu, mua bán, vận chuyển qua biên giới thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Tịch thu và xử lý thuốc bảo vệ thực vật đưa qua biên giới với bất kỳ khối lượng nào, dù chỉ 1 bao, gói. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật tổ chức điều tra, truy quét, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu  

HÀNG VIỆT 

Muối sạch Tuyết Diêm

Muối Tuyết Diêm (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được đánh giá là loại muối tốt, hạt chắc, trắng tinh.  Để nâng cao giá trị, phát triển thị trường lâu dài cho sản phẩm, Hợp tác xã Muối Tuyết Diêm đã vận động diêm dân thay đổi tập quán sản xuất từ muối nền đất sang muối trải bạt.

Sản lượng cao hơn

Vùng muối Tuyết Diêm rộng 143 héc-ta. Một vài vụ muối trở lại đây, diêm dân Tuyết Diêm đã chuyển sang sản xuất muối trải bạt (muối sạch). Nhờ vậy, muối Tuyết Diêm đã sạch hơn, bán chạy hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, giá muối sạch cao hơn muối làm thủ công 400 đồng/kg.

Sản xuất muối trải bạt vừa sạch vừa cho sản lượng cao hơn. Theo tính toán sơ bộ, thời gian kết tinh muối trải bạt cũng ngắn hơn. Làm muối thủ công từ khi lấy nước vào phơi nắng rồi chờ kết tinh, cào dồn lại, mất từ 4 - 5 ngày (tùy theo nắng); còn làm muối trải bạt chỉ 3 nắng là có muối. Chính vì vậy, làm muối thủ công 1 tháng thu 5 - 6 lứa muối, còn trải bạt thu trên 8 lứa muối. Tuy nhiên, làm muối trải bạt tốn chi phí, trung bình ruộng muối rộng 1 sào tốn 5 triệu đồng. Thường 1 dây ruộng có 6 đám chi phí lên đến 30 triệu đồng, thời gian sử dụng 4 - 5 năm. Do chi phí cao nên nhiều hộ gia đình không có vốn đầu tư vẫn phải sản xuất muối thủ công.

Tạo thương hiệu muối Tuyết Diêm

Đi đầu trong phong trào sản xuất muối sạch tại thị xã Sông Cầu là Hợp tác xã Muối Tuyết Diêm. Để nâng cao giá trị, phát triển thị trường lâu dài cho sản phẩm, hợp tác xã đã vận động diêm dân đổi tập quán canh tác từ muối nền đất sang muối trải bạt và từ sử dụng nước biển bề mặt sang sử dụng tầng mặn của mạch nước ngầm trong sản xuất muối. Từ đó, muối Tuyết Diêm sạch hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Để phát triển nghề muối ở địa phương, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu đã hợp tác với Hợp tác xã Muối Tuyết Diêm trong việc định hướng và hỗ trợ sản xuất muối trải bạt. Theo đó, hợp tác xã tiếp tục vận động diêm dân xây dựng mô hình sản xuất muối sạch và hỗ trợ người dân làm các thủ tục để khai thác, quảng bá muối Tuyết Diêm. Vụ muối năm 2018, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu đã thực hiện mô hình muối trải bạt trên diện tích 1 héc-ta, nâng tổng số diện tích sản xuất muối trải bạt lên 5 héc-ta. Đồng thời có kế hoạch tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cũng đã hỗ trợ in bao bì, nhãn mác và vận động một doanh nghiệp đại diện tham gia chương trình “Khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên năm 2018” tổ chức tại Khánh Hòa nhằm quảng bá và phát triển nhãn hiệu “muối Tuyết Diêm”.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)