TIÊU ĐIỂM |
Lào Cai: Mường Khương mở rộng vùng trồng quýt
Quýt ngọt là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Mường Khương - huyện biên giới của tỉnh Lào Cai. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác, cây quýt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tiêu thụ thuận lợi
Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao, quả quýt Mường Khương to, chắc, nhiều nước và vị ngọt nhẹ, có những đặc tính khác so với giống quýt ban đầu. Nhờ đó, việc tiêu thụ quýt những năm gần đây rất thuận lợi. Các thương lái từ khắp nơi đến tận vườn thu mua với số lượng lớn, giá bán luôn đạt cao (khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg). Quýt trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào vùng cao biên giới Mường Khương làm giàu.
Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế bền vững, năm 2013, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Dự án phát triển vùng sản xuất quýt hàng hóa huyện Mường Khương. Dự án được triển khai tại các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương. Đây là khu vực có khí hậu tương đối mát lành, đất đồi núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt ngọt. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón trong 3 năm đầu, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả mà dự án mang lại, bà con đã mở rộng diện tích trồng loại cây đặc sản này đến các xã lân cận như: Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư, Nậm Chảy, Thanh Bình.
Quýt trồng tại Mường Khương gồm 3 loại: Quýt chín sớm (quýt bột – cho thu hoạch từ tháng 9 đến cuối tháng 10), quýt trung vụ (chủ yếu là quýt sen – cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12), quýt chín muộn (cho thu hoạch đến hết tháng 12). Theo tính toán, cây quýt cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 3 - 4 lần so với những cây trồng truyền thống khác. Dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi tốt, sản lượng và giá thành cao… là những ưu điểm cây quýt đem lại cho đồng bào dân tộc huyện Mường Khương.
Xây dựng vùng trồng theo hướng hàng hóa
Năm 2017, quýt ngọt Mường Khương đã được cấp nhãn hiệu tập thể, tạo thuận lợi cho sản phẩm khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tính đến hết năm 2018, diện tích quýt tại huyện Mường Khương đạt 488 héc-ta, trong đó 150 héc-ta đến tuổi cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.300 tấn. Việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi, thậm chí không đủ phục vụ nhu cầu của thị trường. Để đảm bảo việc tiêu thụ thuận lợi, địa phương đang tiến hành các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chú trọng tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến các thị trường mới như siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, để thuận tiện cho tiêu thụ, Mường Khương cũng tính đến phương án sản xuất rải vụ, tăng cường các giống chín muộn, nghiên cứu cách bảo quản để giảm áp lực tiêu thụ trong trường hợp quýt chín đồng loạt và việc tiêu thụ gặp khó khăn. Đồng thời, xây dựng vùng trồng quýt ngọt theo hướng hàng hóa, ổn định và bền vững.
Ngoài ra, huyện cũng tận dụng mùa quýt chín để quảng bá du lịch. Hiện nay, cứ mỗi mùa quýt chín, Mường Khương lại rộn ràng đón khách đến tham quan và thu hái quýt tại vườn. Nắm thời cơ, nhiều hộ trồng quýt đã cho khách tham quan miễn phí và thu hái, mua quýt tại vườn. Đây cũng là dịch vụ rất hút khách mỗi khi quýt vào vụ và giải tỏa được nỗi băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm so với quýt được bày bán tại chợ. Mặc dù hoạt động du lịch chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tạo sức hút nhưng với những tiềm năng hiện có, Mường Khương hoàn toàn có thể khai thác và phát triển du lịch văn hóa địa phương gắn với các hoạt động từ các mô hình trồng cây ăn quả.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Đồng Tháp: Lúa hè thu tiêu thụ khó
Đồng Tháp đang thu hoạch vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, bà con nông dân đang lo lắng vì áp lực thu hoạch và khâu tiêu thụ lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh đang thu hoạch hơn 84.000/196.615 héc-ta lúa hè thu, năng suất bình quân 6,03 tấn/héc-ta. Hiện nay, tiêu thụ lúa đang gặp khó do tình hình xuất khẩu tiểu ngạch bị ngưng trệ từ vụ đông xuân vừa qua. Điều này dẫn đến lượng lúa của các doanh nghiệp còn tồn kho nên chậm thu mua cho nông dân.
Huyện Tân Hồng dự kiến thu hoạch hơn 6.500 héc-ta lúa hè thu, năng suất 6 tấn/héc-ta, giảm 0,2 tấn/héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Hơn 1 tháng trước, khi lúa gần chín đã có thương lái hỏi mua nhưng bà con chưa muốn bán bởi kỳ vọng giá lúa sẽ cao hơn. Đến nay, thương lái không đến thu mua, giá lúa theo đó cũng giảm. Lúa tươi giống OM 4900 giá 4.900 đồng/kg; đài thơm 8 giá 4.900 - 5.000 đồng/kg; OM 5451 giá 4.550 đồng/kg; IR 50404 chỉ còn 3.900 - 4.000 đồng/kg... Mức giá này giảm khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Tại huyện Hồng Ngự, nông dân cũng đang thu hoạch lúa hè thu với mức giá thấp. Toàn huyện Hồng Ngự có hơn 1.230 héc-ta lúa liên kết tiêu thụ với đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu. Trước tình trạng giá lúa liên tục giảm, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan để liên hệ doanh nghiệp thu mua nhằm đảm bảo tốt khâu tiêu thụ.
Tại huyện Thanh Bình, hiện có hơn 800 héc-ta lúa hè thu đang thu hoạch. Trước tình trạng giá lúa xuống thấp, thương lái bẻ kèo không thu mua lúa, bà con nông dân chỉ còn biết trông chờ vào các giải pháp của ngành nông nghiệp huyện.
Lạng Sơn: Dưa hấu được giá
Hiện nay, các hộ nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang bước vào vụ thu hoạch dưa hấu với niềm vui được giá.
Toàn tỉnh Lạng Sơn năm nay trồng khoảng 150 héc-ta dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Bình Gia, Văn quan… Hiện nay, bà con đang bước vào vụ thu hoạch dưa hấu với niềm vui được giá. Các thương lái đến thu mua tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg. Với năng suất đạt gần 1 tấn/sào, giá bán từ 12.000 – 15.000 đồng/kg như hiện nay, trung bình các hộ trồng dưa hấu thu về trên 10 triệu đồng/sào. Nguyên nhân khiến giá dưa hấu năm nay ở mức cao là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dưa ở các địa phương trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu dưa hấu.
Dưa hấu là cây trồng cho thu hoạch nhanh, ít tốn công chăm sóc. Bà con chỉ bón phân, tưới nước theo đúng hướng dẫn kỹ thuật thì sau hơn 2 tháng trồng là cây dưa hấu được thu hoạch và 1 năm có thể trồng vài vụ nếu thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, bà con nông dân không nên thấy giá dưa năm nay tăng cao mà vụ sau ồ ạt xuống giống, mở rộng diện tích. Bởi trên thực tế, đầu ra của loại nông sản này bấp bênh, thiếu ổn định. Nếu mở rộng diện tích một cách ồ ạt, sản phẩm sẽ bị ứ đọng, giá sẽ giảm mạnh dẫn đến thua lỗ như đã từng xảy ra ở các niên vụ trước.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Bình Phước:
Cung hồ tiêu đã vượt cầu
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của Bình Phước. Những năm trước đây, giá hạt tiêu tăng cao và tương đối ổn định nên nhiều nông dân đầu tư trồng, dẫn đến diện tích tăng nhanh. Diện tích hồ tiêu quy hoạch 10.000 héc-ta nhưng hiện đã vượt quy hoạch 6.987 héc-ta. Theo đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh, dự kiến đến năm 2020 là 14.500 héc-ta. Do vậy, để tránh tình trạng tiếp tục phá vỡ quy hoạch, ngành nông nghiệp phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo sản xuất và nâng cao chất lượng hồ tiêu, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích vì hiện nay cung đã vượt cầu.
Hậu Giang:
Xoài cát Hòa Lộc tăng giá
Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc được thương lái thu mua tại vườn dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tuần. Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, một số tiểu thương kinh doanh trái cây cho biết, giá xoài cát Hòa Lộc đã nhích lên 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do dần về cuối vụ, nguồn cung giảm, đẩy giá tăng lên mà hàng đẹp cũng không còn nhiều. Bên cạnh đó, giá xoài Đài Loan cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg, lên mức 20.000 đồng/kg. Nhiều khả năng giá xoài còn tiếp tục tăng trong vài tháng tới khi bước vào vụ nghịch.
Đồng Tháp:
Lươn thương phẩm cháy hàng
Tuần qua, giá lươn thương phẩm ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tăng cao nhưng bà con không còn hàng để bán. Toàn huyện Tam Nông hiện có cả trăm hộ nuôi lươn, tập trung tại các xã Phú Thành A, An Long, Phú Thọ và Phú Thành B. Những ngày qua, thương lái đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 180.000 - 215.000 đồng/kg lươn thương phẩm tùy loại (tăng từ 25.000 - 50.000 đồng/kg so với tháng trước). Các hộ nuôi cho biết, chưa năm nào giá lươn thương phẩm tăng cao như năm nay nhưng nhiều hộ đã bán lúc giá thấp nên không còn hàng. Đợt nuôi mới phải 2 - 3 tháng nữa mới cho thu hoạch.
Cà Mau:
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh
Thời gian gần đây, do Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản qua đường tiểu ngạch, dẫn đến giá giảm do không tiêu thụ được. Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg từ 250.000 - 260.000 đồng/kg (giảm 70.000 đồng/kg so cùng kỳ); loại 30 con/kg: 180.000 - 190.000 đồng/kg (giảm 70.000 đồng/kg so cùng kỳ); Tôm sú loại 40 con/kg: 150.000 - 160.000 đồng/kg (giảm 20.000đồng/kg so cùng). Riêng tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg từ 92.000 - 95.000 đồng/kg (tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg so cùng kỳ).
Hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có 302.000 héc-ta nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm 280.000 héc-ta. Tôm nguyên liệu giảm, người nuôi tôm còn phải đối mặt với dịch bệnh nên năng suất giảm. Do giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, nên nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm e ngại mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ thua lỗ.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Tây Ninh:
Giá ớt xuất khẩu tăng cao
Hiện nay, giá ớt tại một số vùng chuyên canh ở tỉnh Tây Ninh liên tục tăng cao. Xuất khẩu thuận lợi nên nhiều nông dân trúng lớn, thu lãi vài trăm triệu đồng/héc-ta.
Tại huyện Bến Cầu, giá ớt được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg ớt tươi. Đây là mức giá khá cao so với nhiều vụ trước. Thậm chí có lúc giá ớt đã qua ngưỡng hơn 100.000 đồng/kg, tăng gấp 2,5 lần so với vụ trước. Trên thực tế, vụ hè thu năm nay, diện tích ớt giảm mạnh, nhiều địa phương chuyên trồng ớt như xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành), xã Long Phước (huyện Bến Cầu) và nhiều nơi khác người dân đã chuyển sang trồng lúa và các loại hoa màu. Trong khi giá ớt xuất khẩu tăng cao mà không đủ nguồn cung nên đẩy giá ớt tăng cao.
Các thương lái nhận định, đây là mức giá cao nhất nhiều năm qua. Nhiều năm trở lại đây giá ớt thất thường, cộng với tình hình thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài và bệnh thối trái trên ớt lan rộng nên bà con không còn mặn mà với cây ớt mà chuyển sang trồng cây khác. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá ớt bị đẩy lên cao như hiện tại. Ngoài ra, thời điểm này cũng là cuối vụ nên năng suất không cao.
Dù vui vì giá ớt tăng cao nhưng đầu ra của cây ớt vẫn là nỗi lo lắng đối với bà con trước mỗi mùa vụ. Do vậy, bà con mong muốn các ngành chức năng có giải pháp lâu dài để người nông dân yên tâm bám lấy đồng ruộng.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Phạt vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thuỷ sản
Ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 5/7/2019.
Theo đó, nghị định quy định rõ mức phạt đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản và vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản. Theo nghị định, khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét để khai thác thủy sản hoặc khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 20 – 30 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản. Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản. Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản.
Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng; buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
HÀNG VIỆT |
Thanh Hóa:
Hiệu quả từ các “Điểm bán hàng Việt”
Để góp phần đưa hàng Việt Nam có chất lượng đến người tiêu dùng trên địa bàn, thời gian qua, Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương, đơn vị lựa chọn xây dựng một số điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm hơn 80%
Mô hình này đang là kênh phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là trên địa bàn các huyện miền núi. Doanh số bán hàng của các siêu thị có điểm bán hàng Việt Nam ngày một tăng, doanh thu bình quân từ 35 đến 50 triệu đồng/ngày, tăng khoảng 40% so với trước thời điểm khai trương điểm bán hàng Việt.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp của Thanh Hóa quan tâm triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của người dân vùng nông thôn, miền núi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hệ thống kênh phân phối hàng hóa bao phủ tương đối rộng khắp, gồm: 398 chợ, 30 siêu thị (trong đó 18 siêu thị đã được công nhận) và 4 trung tâm thương mại (trong đó, 2 trung tâm thương mại đã được công nhận). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phát triển hệ thống các cửa hàng, đại lý tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Hệ thống các kênh phân phối hàng hóa với nguồn hàng chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước (chiếm hơn 80%) đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Tổ chức các phiên chợ hàng Việt
Bên cạnh các kênh phân phối trên, việc tổ chức các hội chợ, các chương trình khuyến mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cũng giúp người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận, mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Hằng năm, Sở Công Thương Thanh Hóa đều tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam tại các địa phương với kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng/phiên từ nguồn ngân sách tỉnh. Mỗi phiên chợ có khoảng 20 gian hàng do các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được sản xuất trong nước tham gia. Hàng hóa bày bán tại các phiên chợ 100% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 300 đến 400 triệu đồng. Các phiên chợ này đã mang lại cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng Việt Nam chất lượng và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng nông thôn, được bà con hưởng ứng tích cực. Ước tính, doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức từ 5.000 đến gần 6.000 chương trình khuyến mại với nhiều hình thức, như: Giảm giá bán sản phẩm, mua hàng được tặng quà nhằm đẩy mạnh sản xuất và khuyến khích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Hằng năm, Sở Công Thương cũng tổ chức và xác nhận đăng ký tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại tại các huyện, thị trong tỉnh. Tại các hội chợ, Sở Công Thương luôn yêu cầu doanh nghiệp tổ chức phải chỉ đạo các đơn vị, cá nhân tham gia hội chợ ưu tiên trưng bày và bán hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa đưa vào trưng bày và bán tại hội chợ được Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với UBND các huyện, thị kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)